Nhắc đến dòng sông Đuống nhiều người nhớ tới câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm: “Sông Đuống trôi đi, một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. Nhưng xa hơn, sông Đuống còn mang trong mình những trầm tích văn hóa: chùa Bút Tháp, Lăng mộ Thái sư Lê Văn Thịnh, tranh Đông Hồ... Và tận thẳm sâu trong ký ức lịch sử, vùng đất này còn khiến nhiều người ngỡ ngàng, bởi chính đây là nơi yên nghỉ của... ông nội vua Hùng.
Đi dọc triền đê sông Đuống, đến địa phận làng Á Lữ xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi bị hút theo tấm bảng chỉ dẫn vào khu Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương - Thuỷ tổ Đất Việt. Lúc ấy trong tôi chợt ùa về “Truyện Hồng Bàng Thị” trong Lĩnh Nam trích quái (Vũ Quỳnh - Kiều Phú) đã đọc từ ngày còn bé. Truyện có ghi: Kinh Dương Vương tự là Lộc Tục, có tài đi dưới Thủy phủ, lấy con gái vua Hồ Động Đình là Long Vương, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. Rồi sau đó Kinh Dương Vương không biết đi đâu mất...
Đền thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ
|
Truyện xưa còn đó, nay lại được kính cẩn nghiêng mình trước lăng mộ người được suy tôn là Thuỷ tổ Đất Việt... cảm xúc thật kỳ lạ!.
Câu chuyện về người kế nghiệp vị Thuỷ tổ Đất Việt được ghi và lưu giữ trong thần phả đình làng Á Lữ có lẽ “con Rồng, cháu Tiên” nào cũng biết: “Lạc Long Quân và Đức Âu Cơ sinh trăm con, sau năm mươi người theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển khai phá, gìn giữ, mở mang bờ cõi, ngài truyền cho con cả nối ngôi - Vua Hùng Vương thứ nhất...”.
Từ đê sông Đuống, đi xuống đến giữa thôn Á Lữ, ngôi Đền thờ Kinh Dương Vương hiện lên với phong cảnh thật đẹp. Bên trong hậu cung đền, ngoài ngai thờ: Kinh Dương Vương đặt ở gian giữa, còn có ngai thờ Lạc Long Quân ở bên phải và ngai thờ Âu Cơ ở bên trái. Hiện Đền còn lưu giữ 15 đạo sắc phong thời Nguyễn. Trong đó, có một sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 33, ghi: Xã Á Lữ từ lâu phụng thờ Kinh Dương Vương, vị vua khai sáng văn minh, thánh của người Việt.
Ở phía ngoài đê, cách Đền chưa đầy nửa cây số là khu di tích Lăng mộ Kinh Dương Vương. Bước vào khu lăng mộ, ta có cảm giác bình yên đến lạ. Giữa không gian rộng lớn với cây cối cổ thụ um tùm, Vua Kinh Dương nằm đây. So với nơi yên nghỉ của một bậc đế vương, lăng Kinh Dương Vương còn khá sơ sài và hoang vu. Đến nay, người dân thôn Á Lữ cũng chẳng thể trả lời rõ Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương được xây dựng từ khi nào. Chỉ biết rằng, di tích có từ lâu lắm rồi. Mốc thời gian ghi dấu ấn nhất với di tích này chính là năm Minh Mệnh thứ 21 (1840). Đó là thời điểm di tích được tu bổ và lập bia. Bia đá tại Lăng Kinh Dương Vương còn ghi: Lăng miếu ngày xưa còn dấu tích thiêng liêng tại đây. Nơi thờ cúng này được cả nước sùng kính.
Xưa, Lễ hội Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ được mở từ 12 đến 24 tháng Giêng. Nay, lễ hội truyền thống này được tổ chức vào ngày 18 tháng Giêng hằng năm. Hội rước 5 năm mở một hội lớn. Đó là dịp để con cháu đất Việt tưởng nhớ tới vị Thủy tổ của mình.
Nguồn : QH