Nằm cách thành phố Mỹ Tho về phía Tây khoảng 9km, Trại rắn Đồng Tâm (còn gọi là Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu Quân khu 9) thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là một trung tâm nuôi rắn lớn nhất và chữa trị rắn cắn cho bà con khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây từ lâu đã trở thành một địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Được thành lập ngày 27/10/1979 trên một vùng đất đầy mìn và dây kẽm gai của Mỹ để lại, Trại rắn Đồng Tâm có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nuôi trồng, bảo tồn các loại rắn quý và cây con làm thuốc, chế biến thuốc y học dân tộc, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho cán bộ và nhân dân trong vùng. Trại rắn Đồng Tâm đã trở thành một trung tâm khoa học và có nhiều cống hiến trong vấn đề trị bệnh cho nhân dân nên được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1989.
Hiện nay, tổng diện tích của Trai rắn Đồng Tâm lên đến 12ha gồm khu vực nuôi các loài rắn quý như hổ mang chúa, hổ mang đất, rắn lục dồ, rắn hổ mèo..., các khu trồng dược liệu, bệnh viện điều trị rắn cắn, phòng nghiên cứu, khu bảo tồn động vật, bảo tàng rắn...
Theo chân trung tá Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, chúng tôi đi tham quan trại rắn. Khi nhìn thấy những con rắn hổ mang chúa thân dài tới gần 4 mét và trọng lượng khoảng 18 đến 20kg nằm khoanh tròn, nhô cái đầu bè lên thủ thế, hai mắt long lanh như định lao thẳng làm chúng tôi dựng tóc gáy nhưng vẫn cảm thấy thích thú. Rắn hổ mang chúa là loài rắn cực độc, ví như "vua" của các loài rắn, được xếp bậc "E" trong sách đỏ Việt Nam. Rắn bò nhanh như mây gặp gió nên còn được gọi là hổ mây. Rắn hổ mang chúa mỗi năm đẻ một lứa và mỗi lứa được một con. Hiện nay, Trại rắn đồng Tâm có khoảng 200 con rắn hổ mang chúa bố mẹ và nhiều con non từ 3 tháng tuổi đến một năm.
Rắn hổ mang đất là loài rắn độc, quý được nhà nước bảo vệ và xét bậc "T" trong sách đỏ Việt Nam. Một gram nọc rắn này có thể giết chết 160 người có trọng lượng trung bình 60kg. Rắn hổ mèo, loài rắn chủ yếu sống ở miền núi, miền trung du cũng là loài rắn độc. Khi xem bạn nên tránh xa vì chúng có thể phun nọc xa từ 1,4 đến 1,6 mét. Rắn lục đầu dồ lẩn khuất trong những chiếc lá màu xanh có vẻ hiền hậu, chậm chạp nhưng khi có động, chúng mổ nhanh như chớp. Nọc độc của loài này sẽ làm xuất huyết, làm vỡ các mạch máu, làm nạn nhân trụy tim mạch và tử vong.
Bình quân mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận hơn 1000 nạn nhân bị rắn độc cắn. Với mục đích tất cả vì nhân dân phục vụ, năm 2005, Trại rắn Đồng Tâm được nhà nước và các bộ, ngành đầu tư hơn 10 tỉ đồng xây dựng khoa cấp cứu rắn độc, nhà xưởng và các trang thiết bị máy móc để phục vụ tốt hơn nhu cầu điều trị bệnh cho nhân dân. Từ tháng 3/2006, các bệnh nhân đến đây được chữa trị miễn phí. Mấy chục năm qua, Trung tâm đã cứu sống hàng chục ngàn nạn nhân bị rắn độc cắn. Trung tâm có những chuyên gia và đội ngũ y bác sĩ trình độ cao với bề dày kinh nghiệm điều trị rắn độc cắn. Ngoài điều trị, nơi đây còn trực tiếp công việc lấy nọc rắn hổ mang, hổ chúa, rắn lục để làm thuốc trị bệnh và điều chế huyết thanh trị rắn và trồng các cây thuốc Việt Nam. Nơi đây có hàng trăm loài thuốc trị bệnh từ cảm cúm, nhức đầu, đến trị bệnh tim, gan, dạ dày và điều trị cả rắn độc cắn.
Trại rắn Đồng Tâm còn là điểm tham quan độc đáo, nằm trong tour du lịch Mỹ Tho - Cù lao Thới Sơn - Trại rắn Đồng Tâm. Các hướng dẫn viên du lịch sẽ giúp bạn tìm hiểu từng loại rắn từ đặc điểm, sinh lí, cách phân biệt rắn độc hoặc không độc để chúng ta phòng ngừa tự cấp cứu khi không may bị rắn cắn. Tại đây, du khách như lạc vào vương quốc của những chú rắn với hàng trăm loài rắn khác nhau. Từ những chú rắn nước, rắn ráo hiền lành cho đến những ngài rắn hổ mang, hổ ngựa có nọc độc, sẵn sàng phùng mang ra để đe doạ và cảnh cáo đối phương. Những chú rắn uốn thân mình quanh những cành cây, gây cho những người đến tham quan nơi đây một cảm giác hết sức thú vị. Ngoài ra, khách du kịch còn được chiêm ngưỡng nhiều loài động vật quý hiếm khác như trăn, cá sấu, ba ba…những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng tại Việt Nam. Nơi đây còn có Nhà bảo tàng rắn với hơn 40 tiêu bản loài rắn và đã được đưa vào sách kỉ lục Việt Nam là Bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam.
Ngoài việc tìm hiểu về các loại rắn, đến đây bạn sẽ được tận hưởng không khí trong yên tĩnh của những vườn cây ăn trái gợi nhớ về một vùng quê yên ả. Mỗi năm, có khoảng 30 đến 40 ngàn du khách quốc tế và trong nước đến tham quan nơi đây./.
Nguồn : Vietnam+