Đến với bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), bạn không những được thưởng thức một không gian trong lành, đắm mình với khung cảnh lãng mạn mà còn được thỏa thích chiêm ngưỡng hay sở hữu những chiếc váy, chiếc túi thổ cẩm rực rỡ sắc màu, hoa văn sinh động.
|
Cô gái Mai Châu trong điệu múa dệt vải |
Thổ cẩm Mai Châu từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Hình ảnh cô gái Thái e ấp trong bộ váy dân tộc với đôi tay khéo léo đưa thoi miệt mài bên khung cửi đã thu hút ánh nhìn và níu giữ bước chân khách lữ hành. Thổ cẩm Mai Châu nổi tiếng được điểm tô bởi chính nét đẹp trong bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Thái: khăn chít ngang đầu, váy thâm chùng kín gót, quanh ngực là cạp váy được làm từ vải thổ cẩm ôm chặt lấy thân tạo nên những đường eo thon duyên dáng, dịu dàng kín đáo.
Ở đây nghề dệt thủ công vẫn tồn tại và rất phát triển. Người Thái quan niệm đã là con gái Thái thì ngoài việc lao động giỏi, chăm chỉ làm nương làm ruộng còn phải biết kéo tơ, dệt vải. Đến tuổi lấy chồng, người con gái phải tự tay dệt chăn, áo gối trang hoàng cho hạnh phúc lứa đôi của mình. Chẳng thế mà người Thái thường có câu: “Con gái nối nghiệp dệt hoa, con trai nối nghiệp dòng họ”.
Ngắm nghía những tấm vải thổ cẩm với đầy đủ các gam màu mang tinh hoa của đất trời, bạn sẽ thấy được sự tài hoa và đầy sáng tạo của người dân nơi đây. Nào là màu xanh của cây lá núi rừng, nào là rực rỡ trắng đỏ sắc hoa được tỏa sáng bởi ánh vàng nắng mặt trời...
Những đường nét hoa văn ấy thể hiện sự khéo léo, kỳ công, tỉ mẩn chứa đựng sự kiên trì tinh tế mang vẻ đẹp tâm hồn của các cô gái Thái. Họ đã phải vất vả biết bao từ việc trồng dâu nuôi tằm để làm nguyên liệu dệt nên những tấm thổ cẩm với các họa tiết, hoa văn sinh động.
Để được 1kg tơ, người phụ nữ Thái phải kỳ công kéo tới 3kg kén và mất rất nhiều thời gian trong vòng 1 ngày đêm. Chính vì vậy mà giá 1kg tơ rất cao: 600.000 đồng. Nghề dệt thổ cẩm đã mang lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập và cuộc sống khá ổn định với nhiều mặt hàng đa dạng như: váy áo, khăn mũ, túi xách... |
Bà Vì Thị Ỉm (51 tuổi, bản Lác, Mai Châu) bảo để dệt nên một tấm thổ cẩm phải mất một thời gian dài, trải qua nhiều công đoạn và rất kỳ công. Đầu tiên là việc trồng dâu nuôi tằm. Các cụ ngày xưa thường có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để nói lên sự vất vả, mệt nhọc của việc trồng dâu nuôi tằm.
Những người dân ở đây cho biết trồng dâu nuôi tằm thích hợp nhất là vào mùa thu, đến tháng 2 âm lịch năm mới thì bắt đầu cắt, sau 25 ngày tằm bắt đầu vào kén.
Sau khi thu được những nong kén vàng óng, tiếp theo là kéo tơ. Nếu không quay nhanh thì 10 ngày sau khi tạo kén, nhộng sẽ biến thành bướm và không thể kéo tơ được. Kéo tơ phải có kỹ thuật chứ không phải ai cũng có thể kéo được. Nhúng kén vào nồi nước sôi, vừa thả kén, đôi tay phải khéo léo kết hợp uyển chuyển với việc kéo tơ, vừa phải ngoáy đều tay trên bếp lửa.
Đây là công đoạn mất công nhất và mệt nhất. Phải thật khéo léo và cẩn thận từng chút một thì sợi vải mới mịn, đều, khi dệt thành vải mới có chất lượng tốt. Tơ kéo bằng tay phải trải qua một quá trình khác là quay tơ tạo thành những cuộn tròn sau đó đem đồ tơ và nhuộm màu rồi mới bắt đầu dệt.
Sợi tơ vừa kéo thì thường khô và cứng, vì vậy họ cô đặc lá chàm bằng nhiều động tác phức tạp làm “chua” bằng nước lá trầu, nước chanh cùng các loại cây có chất keo làm bền sợi, dùng quả đu đủ xanh thái ra ngâm nước và đồ tơ cho mềm trong vòng một ngày.
Người Thái dùng những cây trong rừng để làm nguyên liệu nhuộm màu cho tơ. Họ lấy cây tô mộc để làm màu đỏ, cây chàm màu xanh và đen, màu vàng và màu trắng có thể sử dụng màu tự nhiên của tơ hoặc dùng củ nghệ làm màu vàng.
Dưới đôi bàn tay khéo léo của các cô gái trong bản “dệt úp tay thành hoa, dệt ngửa tay thành lá”, những cuộn tơ với nhiều màu sắc khác nhau ấy đã trở thành những tấm vải thổ cẩm có giá trị cao với nhiều hoa văn, họa tiết và màu sắc rực rỡ.
Những tấm thổ cẩm không chỉ thể hiện sự khéo léo tài hoa của người con gái Thái mà còn là nơi gửi gắm ước mơ, khát vọng, đồng thời là nơi dệt nỗi nhớ, niềm thương. Chính vì lẽ đó nghề dệt thổ cẩm đã trở thành linh hồn, là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của đồng bào Thái Mai Châu.
|
Quay tơ thành từng cuộn tròn |
|
Người phụ nữ Thái miệt mài thoi đưa |
|
Đa dạng các loại mặt hàng thổ cẩm với những họa tiết độc đáo |
Nguồn : Tuổi Trẻ