Cuối tháng 10, con phố Phan Đình Phùng càng trở nên tĩnh lặng. Những hàng cây sấu già lặng lẽ đổ bóng chiều xuống đường. Nơi cổng thành Cửa Bắc, một nhân chứng “sống” của buổi đầu lịch sử chống thực dân Pháp xâm lăng vẫn đứng sừng sững và uy nghiêm.
Mặc kệ thời gian, hằn in trên bức tường thành cổ là những vết thương sâu hoắm, màu vàng trám. Người Hà Nội bảo, đấy là dấu tích của súng thần công mà thực dân Pháp bắn vào thành trong những năm đầu đánh chiếm Hà Nội (1882).
|
Mặt trước cổng thành Cửa Bắc ngày nay |
|
Cửa Bắc thành Hà Nội xưa, nhìn từ phía ngoài - Ảnh tư liệu |
Cổng thành Cửa Bắc ngày nay đã trở thành một di tích lịch sử quý hiếm của Hà Nội. Ngay trên cổng thành có khắc 3 chữ “Chính Bắc Môn”. Sử tích chép, Bắc Môn được xây dựng từ thời Nguyễn, trên nền Cửa Bắc thời Lê và hoàn thành năm 1805. Bắc Môn được xây dựng theo kiến trúc vọng lâu: phía trên là lầu, phía dưới là thành.
Trên lầu hiện là nơi thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu - hai vị Tổng đốc đã có công cùng nhân dân thành Hà Nội chống trả lại kế hoạch chiếm thành của thực dân Pháp. Phía dưới thành là bốn bức tường gạch cũ, sần sùi vì những vết đạn của súng thần công.
|
Cửa Bắc thành Hà Nội xưa, nhìn từ phía trong - Ảnh: Wikipedia |
Ai từng đọc tiểu thuyết Vết đạn thành Cửa Bắc của tác giả Ngô Văn Phú, hẳn phải biết dấu tích của những vết đạn ấy: “Đề đốc Lê Văn Trinh trấn thành Cửa Bắc. Một viên đạn đại bác trúng ngay trán cổng thành, tiếng nổ long trời lở đất. Rồi đạn liên tiếp nổ phía trước. Hào nước vung bùn lên gần ngang mặt thành.
Phía sau, đạn pháo bắn liền mấy quả tiếp. Quân Nam trúng đạn chết, bị thương rất nhiều. Có người bị phạt đứt ngang nửa thân mình... Quân ta lâm trận đang ở vào phút bất lợi! Một viên đại bác trúng mặt thành, sát thương thêm hàng chục người nữa. Thành vỡ ra một mảng lớn. Thây người văng trong khói lửa, lộn ra phía trước, lộn về phía sau... Tuy nhiên, sau làn khói đạn, những người lính mặc áo nâu dũng cảm lại xông lên, chém mạnh vào đám quân Pháp đang bắc thang leo vào thành (...) Sĩ phu Bắc Hà, có bao giờ chịu ngồi yên đâu!" |
|
Cổng Bắc thành Hà Nội nay nằm thâm trầm bên hàng cây cổ thụ trên đường Phan Đình Phùng |
Theo các cứ liệu lịch sử về thành Hà Nội, thì sau khi thực dân Pháp chiếm được thành (1882), lấy cớ là người trong thành càng đông cần phải mở rộng thêm, nên chúng đã tiến hành việc phá thành nhằm che dấu âm mưu tìm kiếm vàng bạc, đồ quý ở cung vua Lê, chúa Trịnh mà theo chúng được chôn giấu vào trong thân tòa thành cũ.
Chúng bắt đầu phá thành Hà Nội từ tháng 2-1894 mãi đến cuối năm 1897 mới xong. Thực dân Pháp phá hết chỉ còn để lại cửa chính Bắc của thành Hà Nội vì ở đây còn dấu vết của viên đạn thuyền Pháp bắn từ bờ sông Hồng vào.
|
Vết đạn trên cổng thành ngày nay vẫn còn tồn tại |
|
Tấm bảng kim loại bằng tiếng Pháp gắn trên mặt trước cổng thành, đánh dấu ngày Pháp chiếm thành Cửa Bắc (25-4-1882) |
Đã qua một thế kỷ, với bao thăng trầm lịch sử, bức tường thành Cửa Bắc vẫn đứng hiên ngang để che chắn cho Thăng Long - Hà Nội.
Và vết đạn năm xưa, dù có người biết, có người không biết thì nó vẫn là chứng tích ngàn đời về tội ác chiến tranh, và về ý chí không chịu khuất phục trước xâm lăng của người sĩ phu đất Bắc.
Nguồn : Tuổi Trẻ