Nếu muốn khám phá đến tận cùng vẻ đẹp của rừng núi thì nên làm một chuyến xuyên rừng theo kiểu trekking. Loại hình này không mới nhưng chỉ vừa hình thành như một cái “gu” của một số bạn trẻ bởi đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và kỹ năng đi rừng dẻo dai...
|
Ngoài sự đam mê còn phải có kỹ năng khéo léo và sự dẻo dai - Ảnh: Thục Đoan |
Khá nhiều du khách nước ngoài đến VN để đi du lịch xuyên rừng (trekking) và họ đã định danh một số nơi tốt nhất cho loại hình này như vườn quốc gia Nam Cát Tiên, rừng Cúc Phương, hồ Ba Bể, Sa Pa, Yên Tử...
Thỏa mãn trải nghiệm
Ngày đầu năm, nhận điện thoại của người bạn làm hướng dẫn viên du lịch thông báo: “Có khách đi Tây Yên Tử, đi không?”. Đoàn mười khách đến từ Ý này muốn làm chuyến xuyên rừng, hứa hẹn nhiều điều thú vị, tôi đồng ý ngay. Xuất phát từ Hà Nội, chúng tôi có mặt đúng hẹn nơi tập kết, bỏ lại sau lưng những bộn bề cuộc sống và lên đường trong tâm trạng đầy phấn khích.
Suốt chặng đường hơn 100km, đánh vật với từng ổ voi, ổ gà nhưng hành trình vượt những cung đường mùa xuân ngập tràn tiếng cười đùa thú vị. Tây Yên Tử hiện ra trước mắt tôi là những dãy núi toàn màu xanh, ẩn chứa một sức hút kỳ lạ, cảnh vật, thiên nhiên hoang sơ đẹp mê hồn.
Thời tiết như chiều lòng người, lạnh nhưng không mưa, rất hợp để leo núi. Nhìn thấy chùa Đồng gần ngay trước mặt nhưng để tới nơi chúng tôi phải mất gần bốn giờ leo bộ qua lối mòn. Không cáp treo, không hàng quán, cũng không có những bậc đá “nâng” chân du khách như bên sườn Đông. Chỉ có những chiếc thang gỗ tạm bợ do dân bản địa đi rừng tự làm, những thân gỗ cổ thụ bị đổ nằm chắn ngang lối đi, thi thoảng lại gặp rắn, rết chạy cắt mặt người. Núi cao lại tiếp đèo cao, con đường nhỏ mỗi lúc một gập ghềnh khó đi, đá cha, đá mẹ to như con voi, con bò...
Những chuyến trekking như vậy giờ không còn lạ với một số người trẻ. Lấy TP.HCM là tâm thì điểm đến cho loại hình này được nhiều du khách chọn là Đà Lạt với hai rừng quốc gia Bidoup và Phước Bình, hay Nam Cát Tiên (Đồng Nai)... Tên của những điểm đến này không xa lạ, nhưng chắc chắn cung đường chinh phục hứa hẹn nhiều điều thú vị bởi nơi đến thường không có tên trên bản đồ, chỉ khi đến tận nơi du khách mới biết và khám phá những điều đặc biệt.
|
Lên đường - Ảnh: Thục Đoan |
Đỉnh Bidoup thuộc đoạn cuối dãy Trường Sơn nằm giữa hai dòng sông Đồng Nai và Serepok nổi tiếng lạ kỳ với những cánh rừng rậm âm u khiến nhiều người khao khát khám phá bí ẩn thượng nguồn. Điều thú vị là càng đi về phía đồng bằng càng khám phá nhiều dòng thác đẹp không thể tả. Cũng từ Đà Lạt, bạn hoàn toàn có thể trekking trong một ngày một đêm chinh phục ngọn Lang Bian hoặc luồn rừng tìm đến thác Hang Cọp ở phía đông thành phố...
Ở Sa Pa, chuyến đi càng thú vị hơn nhờ dịch vụ “homestay”, vào bản, ăn, ngủ và thăm thú cảnh sống thực của người Mông, Dao, Tày. Từ Sa Pa, đi xe Jeep khoảng 50 phút qua thung lũng Mường Hoa có bãi đá cổ lẫn trong ruộng bậc thang và thấp thoáng đỉnh Phanxipăng, từ đó bắt đầu đi bộ xuyên rừng.
Một chuyến đi kéo dài 3-4 ngày, mỗi ngày đi bộ khoảng năm tiếng, vượt qua đủ mọi địa hình từ đoạn đường bằng phẳng, sau đó trườn từng bước qua đồi núi, men theo bờ suối, phải đu bám vào cây rừng, níu trên đất và đá qua những cây cầu treo bằng gỗ cũ kỹ dây vịn, dưới là vực thẳm, bên kia là núi cao, xa xa là thác ghềnh chảy xiết, chắc chắn đem lại cảm giác hồi hộp, thú vị cho bất cứ ai.
Đến buổi trưa và tối, du khách dừng lại trong nhà sàn gỗ của người Tày, Dao Đỏ ở các bản làng Bản Hồ, Thanh Phú, Sín Chải... nghỉ ngơi lấy lại sức, xoa bóp đôi chân mỏi nhừ và băng bó những vết trầy xước. Buổi tối là thời điểm lý tưởng để cắm trại trên núi, đốt lửa vui chơi, nghe những người dân tộc đi theo đoàn thổi khèn lá và cất tiếng hát giao duyên giữa đại ngàn.
|
Phút nghỉ ngơi - Ảnh: Kim Sa |
Hòa mình với mẹ thiên nhiên
Trekking là sự tổng hợp của niềm đam mê chinh phục thiên nhiên, yêu thích khám phá, thể thao, ưa mạo hiểm và hơn hết là cảm giác tìm lại chính mình. Mỗi chuyến trekking là mỗi lần bước chân một thử thách khác nhau nên càng đi càng có kinh nghiệm và trang bị được những kỹ năng vững vàng hơn. Mỗi cuộc hành trình đều có những “món quà” và dĩ nhiên cả những khó khăn sẽ chờ ở phía trước.
Trekking không bỏ qua bất cứ địa hình nào, một chuyến đi sẽ thật sự thú vị nếu có tất cả dạng địa hình từ núi cao hiểm trở, rừng sâu, băng tuyết cho đến những con sông dài bất tận. Mục đích của trekking không chỉ để chinh phục mọi nẻo đường, tìm tòi địa hình mới mà người chơi còn muốn hòa mình với mẹ thiên nhiên, tìm niềm vui bằng chính sức lực bản thân, cùng hòa nhịp với cuộc sống người dân bản địa.
Để trekking thành công, cung đường này cần thiết phải có một người dẫn đường thành thạo. Việc phải dựng lều ngủ qua đêm trong rừng dưới cái lạnh thấu xương là điều chắc chắn xảy ra nên nếu không trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết, bạn phải bỏ dở cuộc chơi giữa chừng. Có người nói với tôi đây là kiểu du lịch... hành xác. Với tôi, có cực thiệt nhưng những trải nghiệm này không phải dễ có.
|
Những ngày đầu năm, du khách người Ý này “xông đất” Việt Nam không phải ở nơi đô hội mà là trong rừng thẳm - Ảnh: Kim Sa |
* Lần đầu trekking nên chọn lộ trình ngắn ngày, phù hợp với khả năng.
* Tham khảo trước thông tin qua những người từng trải. Tốt nhất là tìm một người dân địa phương dẫn đường hoặc thuê dịch vụ của công ty du lịch.
* Chuẩn bị hành lý gọn nhẹ, ưu tiên quần áo chống mưa, muỗi, vắt. Nếu đi vào mùa mưa nên trang bị thêm vớ chuyên dụng đi rừng. Những vật dụng cần thiết không thể thiếu là lều trại, dây thừng, túi ngủ, dao đi rừng, bật lửa... Một số loại thuốc cơ bản như thuốc diệt khuẩn nước, dầu gió, hạ sốt, đau bụng, kháng sinh, kem chống muỗi, vắt, bông băng, thuốc đỏ...
* Nên chọn những thực phẩm nhẹ, có thể bảo quản lâu, dễ sử dụng như xúc xích, phômai, lương khô, mì, đồ hộp, bánh ngọt...
* Nên trang bị những thiết bị như máy định vị GPS, la bàn, máy ảnh... |
Nguồn : Tuổi trẻ