Cái tựa này nghe qua thấy tầm thường quá. Vừa đọc lên, ai cũng biết là muốn nói tới mấy công viên rộng mát, có tên tuổi trong thành phố như Lê Văn Tám, Gia Định, Tao Đàn, Hoàng Văn Thụ, Phú Lâm, Lê Thị Riêng, Sở Thú...
Nhưng ở đây viết là vườn cơ mà. Trong tất cả những tên đã nêu trên, chỉ có một nơi được gọi bằng tiếng “vườn” thôi - vườn Tao Đàn. Mặc dù có trương bảng “Công viên văn hóa” nhưng những người trên dưới năm mươi tuổi vẫn quen miệng gọi nó là vườn, còn kèm theo Tao Đàn nghe nhè nhẹ, văn vẻ.
Tiếng là vườn nhưng trong Tao Đàn có nhiều gốc cây to xù mấy người giang tay ôm chưa khít, thân cây cao tít mù, ngút mắt như trong chốn rừng già.
Vườn Tao Đàn có cây trâm, mùa trái chín rụng tím mặt cỏ xanh. Có hai cây vải cổ thụ mà không có trái. Có cây thị, chừng ra Giêng, một vùng thơm phức mùi thị chín vàng trong truyện cổ tích, lúc nào cũng có người lò mò đi lượm trái thị rụng về ngửi chứ không ăn.
Gần Giáng sinh, cây hoa sữa ốm nhách trổ bông, nửa vườn Tao đàn mé bên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám nồng nặc mùi dầu nóng hiệu “Ông già” hàng mấy chục năm trước. Hồi chưa biết nó là cây hoa sữa, cứ tưởng có ai đang làm bể can dầu gió mười lít. Đi bộ tới đó, có người phải bịt mũi vì ngửi không quen.
Tao Đàn có cây thốt nốt, ra từng chùm trái tròn ủm xanh tím. Có cây vú sữa, mấy cây xoài, cây lá cách cao lớn như cây ổi. Một cây nguyệt quế già, cành lá xồm xoàm, hoa nở trắng như vô số sợi tóc bạc, thơm nghẹt mũi. Một cây lộc vừng, hoa lua tua trắng đỏ, rụng xuống đất vẫn còn thơm mùi vườn tược.
Tao Đàn có mấy cây cà phê, hoa nở lác đác, không trĩu cành như ở đồn điền nhưng vẫn tỏa hương đúng mùi đúng vị cao nguyên.
Nếu không ngại xe cộ lầm lì lăn tới, có thể băng ngang đường Trương Định để xem một mớ “kỳ hoa dị thảo” bên vườn tượng. Cây sò đo bông cam rực rỡ như trái hồng chín. Cây gì lá giống như lá dong gói bánh chưng mà hoa thì từ dưới đất chui lên chẳng dính dáng gì tới thân cây. Nguyên cái hoa màu đỏ hồng chứng queo, to bằng nắm đấm, nhìn vừa giống cái chùy của trang hảo hán trong truyện chương hồi, vừa giống ngọn đuốc đạo cụ sân khấu.
Một buổi sáng nắng đẹp nào đó, đừng ngạc nhiên khi thấy trên một gốc cây giữa vườn có dát hàng trăm miếng chuối xắt mỏng. Không phải ai phơi chuối khô đâu. Ấy là quà cho những chú sóc đang thường trú tại vườn. Mặc thiên hạ qua lại, chỉ trỏ, chụp hình, bầy đàn gặm nhấm ấy lũ lượt kéo nhau tới, vểnh cái đuôi xù lên cao, ngồi trên hai chân và tỉnh bơ nhấm nháp. Nhanh như sóc, sợ gì.
Không kể vô số những cặp tình nhân ngang nhiên chiếm hết những băng ghế đá để tình tự trên mức độ tình tứ, thì người ta vào vườn Tao Đàn để tập thể dục thôi. Đường sạch bong, bằng phẳng. Buổi sáng vòng ngoài đi bộ, vòng trong giăng lưới đánh cầu lông khít rịt, hò la khí thế. Buổi tối vòng ngoài vẫn đi bộ, vòng trong kín đặc những cặp đôi ngồi im ru.
Từ bốn, năm giờ sáng cho tới chín giờ tối, không lúc nào ngớt người đi vòng vòng, tốc độ rề rề hoặc vèo vèo tùy hỉ.
Mùa hè, ve sầu kêu rỉ rả. Nếu tinh mắt, còn bắt gặp được ấu trùng ve đang lột xác để lên cây ca hát.
Mùa đông, lá khô xào xạc dưới chân.
Mùa mưa, đường ngập nước, người ta uốn éo tránh các vũng nước mà đi. Mưa lắc rắc che dù đi càng mát.
Sau đợt Hội hoa xuân, cỏ xanh chết trụi nhưng không khí vẫn trong lành. Xe cộ cứ nghẹt cứng ồ ề nổ máy phun khói mù mịt bên ngoài, trong vườn vẫn yên ả, nghe rõ cả tiếng nhái kêu ẹt ẹt, dế gáy re re.
Mùa nào thì mùa, bà con cứ rần rần đi vòng vòng, một mình hay hàng hai, hàng ba, rù rì nói chuyện. Trên đầu đèn vừa đủ sáng để thấy đường (có độ trăng vàng huyền ảo), chung quanh gió mát trong lành, cảm giác thanh bình đặc quánh bởi mình đang tản bộ, hít thở trong một khu vườn.
Theo LƯU THỊ LƯƠNG - Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn