Kỹ sư Lê Hoàng Long, Trưởng Phòng nghiên cứu khoa học và môi trường Vườn Quốc gia Tràm Chim, cho biết: Với diện tích hơn 7 ngàn ha, Tràm Chim là nơi sinh sống của trên 130 loài thực vật bậc cao, chia thành nhiều quần xã.
Chiếm diện tích lớn nhất là quần xã rừng tràm, khoảng 3 ngàn ha. Ngoài ra còn nhiều quần xã khác như quần xã sen, quần xã cỏ năn, lác, cỏ ống... Đặc biệt, duy nhất nơi đây còn trồng cây lúa ma, giống lúa đã có tên trong bộ gien nguồn quý hiếm của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế với diện tích khoảng 200ha. Tràm Chim có hơn 200 loài chim, trong đó có 16 loài quí hiếm như ô tác, te vàng, già đãy, choi choi... ; 55 loài cá, gần 400 loài động vật nổi, động vật đáy và hơn 50 loài thú, lưỡng cư, bò sát... Từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 là lúc sếu đầu đỏ bay về Tràm Chim cư trú. Nếu đến Tràm Chim vào thời gian trên, bạn sẽ được chứng kiến những vũ điệu huyền ảo của loài chim quí tộc này.
Du khách thích thú khi tham quan Vườn Quốc gia Tràm Chim
Mùa chích lại về
Từ đài vọng cảnh cao 20m, mọi người có thể phóng tầm mắt bao quát cả không gian bao la với những đàn chim đủ loài chao liệng, biểu diễn những vũ điệu kỳ lạ, lúc bay từ bờ nọ sang bờ kia, khi lại lao thẳng xuống mặt nước, rồi đồng loạt phóng vút lên mang theo trên mỏ là một con cá vảy óng ánh - đó là những con chim mẹ tìm mồi mang về tổ. Trên những ngọn tràm âm vang tiếng kêu tìm mồi ríu rít của những chú chim non, làm náo loạn cả không gian mênh mông vùng sông nước.
Sếu đầu đỏ, loài chim có tên trong sách đỏ thế giới, về rất nhiều ở Tràm Chim
“Mùa nước nổi, không đâu ăn sướng bằng ở Tam Nông. Cả chục người chúng tôi lai rai mệt nghỉ, toàn đặc sản: cá lóc đồng trứ danh, cá linh non, rồi chuột, rắn, cua đồng mập ú... cũng tốn chưa tới 500.000 đồng!”, ông Anh Kha, Chủ tịch xã Tân Hòa, một xã cù lao huyện Thanh Bình, kế cận Tràm Chim, nói. Cá lóc nướng trui là một trong những đặc sản trứ danh của miệt vườn Nam bộ, nhưng món cá lóc nướng trui miệt Đồng Tháp Mười mới thật sự độc đáo. Ở đây người ta không gói cá lóc với các loại rau bằng bánh tráng mà bằng bẹn sen. Bẹn sen là những chiếc lá sen non vành lá cuốn quấn vào trong, mọc nhiều vô kể. Cầm bẹn sen mở banh ra, nhét thịt cá lóc nướng trui cùng với bún và rau cuộn lại, chấm nước mắm me, vừa nhai vừa nghe vị chát chát mùi hoang dã Đồng Tháp Mười mà thấy khoái...
Khu dã ngoại thú vị
Xin mượn lời của nhà văn Hồ Tỉnh Tâm trong một lần về Tràm Chim để thay lời kết: “Tôi chưa thấy hết sự giàu có của Tràm Chim trong mùa lũ, nhưng tôi tận mắt chứng kiến hàng đàn le le, cồng cộc, điên điển bay rợp rợp trên sóng. Và ở ngay trong trạm kiểm lâm này của Tràm Chim Tam Nông- Đồng Tháp, không hiểu làm sao, tự nhiên tôi nhớ tới một thời từng dùng bông bí câu rắn mối, dùng bẫy sập bắt chuột, dùng lưới giăng bắt cá và bắt rắn... Xung quanh trạm vẫn mênh mông rừng tràm ngập nước. Xa hơn là đồng năn vẫn mênh mông ngập nước. Mà có rừng thì tất sẽ có chim, có nước thì tất sẽ có rắn, rùa và tôm cá. Nhưng mà đành phải xa thôi. Tràm Chim đang là nơi cần được bảo vệ nghiêm ngặt”.
Rừng tràm của Vườn quốc gia Tràm Chim
Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp) được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, trở thành Vườn Quốc gia Tràm Chim từ năm 1998 nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là loài sếu đầu đỏ. |
Nguồn : Báo Ảnh Đất Mũi