Đó không chỉ là một ngôi làng bình thường với bóng tre ru mát êm đềm mà ta có thể bắt gặp ở khắp mọi nẻo đường Việt. Làng tre Phú An là bảo tàng sinh thái về cây tre đầu tiên của Việt Nam.
|
Du khách nước ngoài tham quan làng tre |
Mở cửa cho công chúng vào thưởng lãm, tìm hiểu về tre từ tháng 4-2008, làng tre Phú An trải rộng trên diện tích 10ha ở xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bỉnh Dương, cách trung tâm TP.HCM khoảng 40km.
Nhiều du khách vào thăm làng tre không khỏi trầm trồ ngạc nhiên giữa vô vàn giống tre của họ nhà tre từ khắp mọi miền đất nước nhóm họp đông đủ ở từng phân vùng của vườn tre như tre Bắc bộ, tre đồng bằng sông Cửu Long, tre Tây nguyên.
Bắt tay vào thực hiện dự án phát triển cộng đồng và bảo tồn tre với tên thường gọi làng tre Phú An từ năm 2004, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh - người sáng lập làng tre - đã lặn lội từ Nam chí Bắc để quy tụ về đây khoảng 130 giống tre với 300 loại mẫu tre khác nhau. Bộ sưu tập tre có nhiều giống quý hiếm như tre vuông, mai ống, tre vàng sọc, luồng (Phú Thọ), mây Muồi Mai (Bắc Kạn), tre ngà (Thái Nguyên), tre mét, hóp lớn (Hà Tĩnh)...
|
Làng tre còn là nơi tham quan tìm hiểu về các giống tre cho các em học sinh |
|
Nhà bảo tàng tre nằm giữa làng tre |
Nằm giữa làng tre là nhà bảo tàng tre dành cho sinh viên và các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tre, cách thức nuôi trồng, gây giống tre. Nhà bảo tàng là nơi có nhiều kiến trúc thú vị làm từ tre, rất đáng để khách từ xa chiêm ngưỡng.
Khu bảo tàng và bảo tồn sinh thái tre đầu tiên của Việt Nam là kết quả hợp tác của các bên gồm: vùng Rhône Alpes (Pháp), tỉnh Bình Dương, vườn thiên nhiên Pilat, Cộng hòa Pháp và Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM. Ý tưởng dự án do tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đề xuất và thực hiện. |
Thấp thoáng những đường làng rợp bóng tre xanh như hình ảnh làng quê yêu dấu. Tre mọc thành bụi lúp xúp men lối đi. Tre như những mái vòm xanh um rì rào ru mát trên đường mòn như lối về làng xưa. Tre buông mình trên đất la đà như những loài dây leo mềm mại. Màu xanh dịu dàng ngút mắt trong làng tre khiến người đến thăm lần đầu tưởng chừng đi lạc trong chốn rừng tre thăm thẳm ấy, không biết đâu là điểm dừng.
Không chỉ ngắm nhìn tre no mắt, du khách còn mở mang kiến thức ít nhiều với bảng tên từng loài tre gắn trên thân tre khắp nơi trong làng. Và điều kỳ diệu nhất chính là hoa tre mà mấy chục năm mới nở hoa một lần với đài hoa biếc xanh pha hồng tía chúm chím hé mở những nhụy tía be bé mong manh, đời người không dễ mấy ai được một lần chiêm ngưỡng.
|
Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh (trong trang phục áo dài trắng và nón lá) trong một dịp đưa khách thăm làng tre |
|
Du khách say sưa ghi hình dòng kênh, con đò, cầu khỉ, vó lưới cá ven bờ... ở mô hình đồng bằng sông Cửu Long trong làng tre |
Không chỉ có tre, làng tre còn có khu vườn hoa lá tươi nở bốn mùa, khu vườn ươm nhiều giống lan thơm ngát ong bướm dập dìu, có khu giải trí giúp du khách tìm hiểu những nhạc cụ làm từ tre.
Dự án phát triển cộng đồng và bảo tồn tre - làng Tre Phú An ở huyện Bến Cát, Bình Dương vừa được trao giải thưởng Xích đạo (Equator Prize) tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 21-9. Equator Prize được trao hai năm một lần kể từ năm 2002 là một phần trong chương trình Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. |
Và những ai đến từ vùng sông nước miền Tây Nam bộ cũng thỏa lòng nhớ nhà với cầu tre vắt vẻo nối đôi bờ tre của dòng kênh xanh trong cắt qua làng tre.
Những vó câu treo hờ hững mép bờ kênh, những chiếc lờ, chiếc đó đơm cá chừng như của ai đó vừa đi kiếm cá trên dòng kênh về được phơi khô trên vạt tre ven bờ kênh. Con đò nhỏ trôi lững lờ giữa đôi bờ tre, mảnh ruộng mới cấy mơn mởn xanh... Tất cả gợi lên hình ảnh chân chất và rất thật của những làng quê hiền hòa bao đời gắn với tre xanh.
Người sáng lập làng tre - tiến sĩ Mỹ Hạnh đã mở những buổi hội thảo cung cấp cho dân làng những kiến thức cải tạo môi trường đất trồng trọt, bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải, hướng dẫn cách làm du lịch sinh thái, cách đón tiếp khách tại nhà, đãi khách bằng những sản vật địa phương...
Làng du lịch sinh thái cộng đồng Phú An đã từng bước hình thành và ngày một tươi đẹp hơn, thu hút không chỉ du khách trong nước mà đông đảo du khách nước ngoài cũng náo nức tìm về. Còn những đôi uyên ương ở địa phương có thêm những khung hình lãng mạn trong ngày cưới giữa khung cảnh làng quê mộc mạc của làng tre Phú An.
|
Khung cảnh làng quê Nam bộ được tái hiện ở làng tre |
|
Những dụng cụ làm từ tre giúp du khách khám phá đời sống sông nước của người dân Nam bộ được trưng bày nơi làng tre |
|
Hoa tre khô, món quà quý hiếm của làng tre |
|
Thiếu nữ dạo chơi giữa làng tre |
Nguồn : Tuổi Trẻ