Vào những ngày nô nức chuẩn bị Tết Nguyên Đán và đón mừng một năm mới sắp tới, người người nhà nhà đều trở nên tất bật hơn. Ai ai cũng mong sắm sửa hoa quả, đồ thờ phụng để sao cho ban thờ nhà mình tươm tất nhất có thể. Và những bông hoa giấy cổ truyền đến từ làng nghề Thanh Tiên cũng góp mình trong gian thờ đầy nghiêm trang đó.
Trong nhịp điệu hối hả, những sắc màu của hoa giấy như đang hứng khởi chung vui. Những bông hoa giấy Thanh Tiên đang khoe sắc để rạo rực đón một không khí tân niên đang về trên mọi góc nẻo.
Làng hoa giấy Thanh Tiên nằm dọc theo bờ Nam sông Hương, gần với ngã ba Sình. Làng nổi tiếng với nghề làm hoa giấy xuất hiện cách đây hơn 300 năm.
Làng Thanh Tiên ngày trước bao quanh bởi ruộng vườn, nên đa phần làm nghề nông. Vì vậy họ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cộng với đó, thời tiết Huế thì rất khắc nghiệt, nắng thì rất gắt, mưa thì lại dầm dề. Vì vậy công việc của họ rất khó khăn, trắc trở. Và cùng với đó, họ luôn lo lắng cho kế sinh nhai của mình trong những ngày mùa đông lạnh lẽo.
Cho nên họ suy nghĩ ra việc tạo ra một sản phẩm để tăng thêm thu nhập, chu cấp cho con cái, đỡ đần cho cuộc sống của mình. Và họ nhận thấy rằng ở Huế thì tính tâm linh rất được coi trọng, đặc biệt qua việc thờ cúng. Do đó họ tạo ra loại hoa giấy phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân cố đô. Nhờ đó mà hoa giấy Thanh Tiên ra đời.
Chuyện kể rằng, khi vua Gia Long thu giang sơn về một mối, nhân lễ thượng tuần, nhà vua ban chiếu đề nghị mỗi trấn đem về kinh thành một loài hoa quý. Trong triều có một vị quan người làng Thanh Tiên làm ở bộ Lễ, dâng hoa đặc trưng của làng mình.
Vị quan giải thích rằng bông hoa này đầy đủ ý nghĩa của Tam Cương Ngũ Thường: 3 loài hoa ở giữa tượng trưng cho Quân – Thần, Phụ – Tử, Phu – Thê. Trong đó luôn có một bông hoa to nhất, tượng trưng cho đấng minh quân. 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Vua nghe vị quan trình bày xong thì rất thích, ban chiếu khuyến khích làm hoa giấy. Nhờ vậy mà từng có thời điểm tại làng Thanh Tiên, người người làm hoa, nhà nhà làm hoa.
Nhưng mà đó là chuyện của ngày xưa, theo thời gian, nhu cầu hoa giấy ngày càng giảm, cùng với sự xuất hiện của hoa nhựa. Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên dần dần mai một, và kỹ thuật làm hoa đã từng bị thất truyền trong suốt 50 năm. May mắn thay, những người con của làng đã cố công tìm hiểu, phục hồi bí quyết làm hoa, dần dần nghề làm hoa giấy đang dần trở lại.
Ngoài những loại hoa giấy thờ truyền thống, làng hoa giấy Thanh Tiên ngày nay còn hồi sinh được kỹ thuật làm hoa sen, một loại hoa có tính thẩm mỹ rất cao.
Khác với những bông hoa giấy nhiều màu sắc dùng để thờ phụng là chính, hoa sen giấy với chức năng dùng để thưởng ngoạn, bài trí và trang trí trong nhà.
Nếu như giá của hoa giấy thờ cúng khoảng từ 3000-5000đ một bông, thì hoa sen giấy dao động từ 18000-40000đ một bông.
Vào những dịp cận Tết thì có rất nhiều hộ gia đình nô nức, hồ hởi làm hoa giấy, tạo nên một không gian với rất nhiều màu sắc. Vì vậy mà người ta vẫn hay nói rằng:
“Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng
Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa.”
Ngày nay, hoa giấy Thanh Tiên đang dần phục hồi được vị thế một làng nghề danh giá của địa phương. Cùng với việc mua bán tiêu thụ, những vị khách du lịch còn tìm về đây để tìm hiểu thêm về loại hoa giấy thú vị này.
Với sự phổ biến với đại chúng như vậy, hoa giấy Thanh Tiên đã đem lại những giá trị đầy ý nghĩa trong việc gìn giữ làng nghề ở Huế nói riêng nói riêng và nước ta nói chung. Để vào những ngày cận kề dịp Tết, ta lại được thấy những bông hoa giấy Thanh Tiên rạo rực khoe màu.
————————————
Làng làm hoa giấy Thanh Tiên: xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tổng hợp