Thị xã Gò Công (Tiền Giang) được quy hoạch rất chỉnh chu. Cái hồn xưa cũ của những kiến trúc kiểu nhà Tây hòa quyện vào những công trình hiện đại đã tạo nên nhiều sức sống mới cho vùng đất này.
Nhà Đốc Phủ Hải là công trình kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1994
ẢNH: QUÁCH DUY THỊNH
Thị xã Gò Công cách TP.HCM chỉ hơn 60km nếu đi theo hướng cầu Mỹ Lợi bắt qua con sông Vàm Cỏ. Từ khi cây cầu được khánh thành chạy theo quốc lộ 50 thì vùng đất Gò Công đã trở nên náo nhiệt và sầm uất trông thấy.
Chúng tôi nghe danh về cảnh đẹp Gò Công từ rất lâu nhưng mãi vẫn chưa có dịp ghé thăm. Hôm nay chọn một ngày đẹp trời, nắng trong xanh vời vợi giữa một mùa mưa của miền Nam đi gần 2 giờ bằng xe máy thì cũng đã đến với xứ này.
Con đường từ Chợ Gạo dẫn về Gò Công băng qua những cánh đồng lúa bạt ngàn, những ruộng vườn cung cấp nông sản cho các chợ địa phương. Hàng phượng nở bông đỏ ngập cả một khoảng trời như gợi lên nhiều lưu luyến cho chúng tôi về những ngày hè tuổi thơ đầy xao xuyến.
Chúng tôi tưởng như đang lạc vào một khu ‘’phố cổ’’ thu nhỏ đâu đó giữa lòng châu Âu. Nhưng không, đây là một thị xã nơi miền cửa biển được dòng sông Cửu Long ôm trọn để rót những giọt phù sa mặn mà bồi đắp quanh năm.
Một kiến trúc kiểu Tân Cổ Điển Pháp còn sót lại và trưng dụng
Quy hoạch đô thị của chính quyền sở tại đã làm cho thị xã Gò Công như một khu ‘’phố cổ’’ thu nhỏ
Chợ Gò Công (cũ) hiện nay tọa lạc tại tại đường Hai Bà Trưng, thị xã Gò Công
ẢNH: QUÁCH DUY THỊNH
Chuyến hành trình tham quan tại đây được bắt đầu từ ngôi chợ Gò Công cũ. Nó được xây dựng vào năm 1916 nhưng vẫn còn duy trì buôn bán với các mặt hàng nông sản của các vùng quê lân cận cho đến hôm nay. Mặc dù chính quyền cho xây dựng một ngôi chợ mới gần đó, nhưng chợ Gò Công cũ vẫn còn tấp nập.
Ngoài ra, một kiến trúc lịch sử lâu đời nằm gần chợ mà chúng tôi ghé thăm đó là nhà Đốc Phủ Hải. Công trình được xây dựng vào năm 1860. Lúc mới xây, đây là nơi sinh sống của bà Trần Thị Sanh (vợ của Anh hùng dân tộc Trương Định). Sau khi vào chùa quy y, bà Sanh để lại nhà cho các con cháu. Cháu ngoại bà Sanh lấy Đốc phủ sử Nguyễn Văn Hải sống trong ngôi nhà này.
Đây là ngôi nhà cổ nhất chợ Gò Công còn sót lại. Nhà gạch, lợp ngói âm dương có lớp thí gồm ba căn hai chái rộng 5 căn, nhà ngang phía sau hợp thành khối bề thế. Trong nhà các bàn thờ liển đối còn đầy đủ. Nhà từng xuất hiện trong bộ phim “Con nhà nghèo” dựa theo tác phẩm của ông Hồ Biểu Chánh.
Tên gọi Đình Trung do đình tập trung thờ 3 sắc thần của vua Tự Đức phong cho 3 ngôi đình thôn của Gò Công
ẢNH: QUÁCH DUY THỊNH
Hội Quán Triều Châu tọa lạc tại số 23 đường Rạch Gầm
ẢNH: QUÁCH DUY THỊNH
Gần trưa, chúng tôi ngồi lại quán nước ven đường trong lòng thị xã Gò Công để ngắm nhìn phố xá. Đằng xa kia từ nơi chúng tôi ngồi là Đình Trung uy nghiêm và diễm lệ. Kế bên ngôi đình là Công Sở Quảng Triệu gợi nhiều hình ảnh về khu người Hoa từng sinh sống gắn bó cùng nhau.
Những mái ngói âm dương đầy rêu phong và nền gạch cũ như làm cho những người lữ khách cảm thấy thơ thẩn về một vẻ đẹp trường tồn vĩnh cửu đầy hoài niệm.
Ngoài ra còn có dinh Chánh Tham Biện Gò Công rất uy nghi và đồ sộ. Dinh được xây dựng vào năm 1885. Sau hơn 100 năm, công trình bắt đầu xuống cấp và hiện nay đã ngưng sử dụng nhưng được chính quyền bảo tồn để công trình đẹp mãi với thời gian.
Dinh Chánh Tham Biện có kiến trúc vô cùng đồ sộ nhưng hiện nay đã xuống cấp và ngừng hoạt động
Công Sở Quảng Triệu là một hội quán của người Hoa
ẢNH: QUÁCH DUY THỊNH
Cuối cùng buổi trưa đã réo gọi chúng tôi sau nửa ngày tham quan những kiến trúc tại đây bằng một tô bún suông vịt ở Ao Thiếc. Được người dân chỉ đường chúng tôi tìm đến quán vào đúng giờ đứng bóng. Chị chủ quán chỉ mới bày biện trước đó 1 giờ nhưng khi chúng tôi tìm đến thì đã bán gần hết.
Bún suông vịt tức là gồm có bún, thịt vịt, và con suông, cùng ít rau giá. Con suông được làm từ con tép bạc đất sau đó mang đi quết cho mịn lại và vo lại từng viên giống như con suông. Nên từ ‘’suông’’ được gọi là như thế.
Thịt con tép bạc sau khi lột vỏ mang đi quết trong chiếc cối càng lâu sẽ càng dai. Ai về xứ Gò Công nhớ thử một lần món ngon đặc sản. Bởi nước ngọt thanh, thịt vịt mềm, con suông dai cắn nghe sừng sực để rồi ai nếm qua một lần thì nhớ mãi.
Những hành lang đã nhuốm màu thời gian nhưng luôn làm du khách thích thú
Những ngôi nhà cổ vẫn được người dân nơi đây gìn giữ rất tốt
Một kiểu nhà được cẩn đá vô cùng đặc biệt hiếm có
Trời đã dần chiều, chúng tôi không quên tiếp tục hành trình tìm về xã Long Hòa để tới xưởng làm mắm tôm chà mua về làm quà cho gia đình, bạn bè. Đây là một đặc sản của Gò Công được làm ra từ con tép bạc đất với phần gạch đỏ au.
Tép mang đi xay cho nhuyễn và chà trên chiếc rổ nang tre. Người làm mắm giữ lại phần cốt rồi phơi trong nắng ở nhiệt độ cao. Chỉ vài ngày là có mắm để thưởng thức. Loại mắm này cho một ít vào chén, vắt thêm chút chanh, ớt, tỏi, đường rồi khuấy cho đều tay. Mua miếng thịt ba rọi, cùng ít rau sống, khế chua, chuối chát thì ai ăn một lần đã đời... ông địa.
Một tô bún suông vịt đậm đà hương vị miền quê làm du khách mãi nhớ
ẢNH: QUÁCH DUY THỊNH
Chuyến hành trình kết thúc cũng là lúc những vệt nắng hoàng hôn hiếm hoi đang trải dài xuyên qua những mái ngói tường vôi. Nơi thị xã Gò Công chuẩn bị trở mình về đêm để phố xá lên đèn.
Chúng tôi đã có một ngày thật đáng nhớ và nhiều kỷ niệm khi tìm về cảnh đẹp ở xứ Gò Công trong chuyến đi lần này. Một thị xã nhỏ nhưng lại vô vàng kiến trúc cũng như trải nghiệm cho du khách khi dừng chân ghé thăm.