TTO - Một món quà đẹp đẽ dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ dành cho lịch sử và cho tương lai vừa được nhóm họa sĩ hoàn thành - tranh tường hơn 3.000 m2 tái hiện 4.500 nhân vật giữa chiến trận bi tráng 56 ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ.
Trích đoạn cuộc đối đầu lịch sử kết thúc 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn đánh giá đây là "kỳ tích mới của mỹ thuật Việt Nam" và cho biết Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ kết nạp hội viên đặc cách với các họa sĩ trẻ tham gia dự án này.
Chuyên gia Nga, Hàn từng chào thua
56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy được các họa sĩ tái hiện chân thực, sống động và đầy rung cảm lên 3.225m2 tường trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Với chất liệu sơn dầu trên nền vải toan, bức tranh được vẽ liên hoàn theo một vòng tròn trong không gian 360 độ, cao 20,5m, dài 132m, đường kính 42m, kết hợp nghệ thuật phù điêu và sắp đặt hiện vật. Sau gần 2 năm miệt mài lao động của hơn 200 họa sĩ, tác phẩm vừa hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 67 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2021).
Được giới hội họa trong nước đánh giá là một trong những tác phẩm hội họa lớn nhất thế giới vẽ về đề tài chiến tranh, tác phẩm Trận chiến Điện Biên Phủ được chia làm 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử, Chiến thắng, tạo nên một pho sử hoành tráng, sống động bằng tranh về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trích đoạn tác phẩm ở khúc dạo đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Đại diện Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết khi xây dựng bảo tàng (năm 2012) trong thiết kế đã có một vị trí đặc biệt để thể hiện một bức tranh toàn cảnh rộng lớn về đề tài chiến tranh. Tuy nhiên, thời điểm đó bảo tàng chưa tìm được tổ chức, cá nhân nào có thể thực hiện được ý tưởng này.
Ông Lương Xuân Đoàn tiết lộ tỉnh Điện Biên từng mời nghệ sĩ một số nước sang khảo sát, song cũng không đưa ra được phương án khả thi.
Đến năm 2015, nhóm họa sĩ của Công ty Bảo tồn di sản văn hóa (Hà Nội) mang đến những bản phác thảo và được Hội đồng Nghệ thuật quốc gia phê duyệt mới bắt tay vào thực hiện dự án đồ sộ chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Để thắng được cả các chuyên gia Nga, họa sĩ Nguyễn Văn Mạc - giám đốc Công ty Bảo tồn di sản văn hóa - và nhóm của mình đã dành 1 năm viết đề cương, chuẩn bị vài nghìn tư liệu hình ảnh từ những ngày lục tung Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các thư viện, cục lưu trữ, trước khi làm phác thảo cả trăm mét vuông trong hơn 2 năm.
Nói về việc "vượt mặt" cả các chuyên gia Nga vốn nổi tiếng thực hiện các tác phẩm tranh tường về đề tài sử thi, ông Mạc nói chừng mực không nhận mình giỏi mà vì "họ giỏi nhưng sao họ vẽ được lịch sử đất nước mình".
Tuy làm nên "kỳ tích", họa sĩ Nguyễn Văn Mạc - trưởng nhóm tác giả của công trình đồ sộ này - khẳng định ông và nhóm của mình "chẳng tài gì", thành quả đến từ chữ tâm và vì "các chiến sĩ thúc giục chúng tôi vẽ".
Cảnh toàn dân ra trận - Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Những 8X yêu lịch sử, trân trọng quá khứ
Điều bất ngờ, ngoài ông Mạc - tổng công trình sư - có tuổi đời đúng bằng "tuổi" chiến thắng Điện Biên Phủ, nhóm họa sĩ thực hiện công trình đều còn trẻ, là các họa sĩ 8X.
"Người ta cứ bảo người trẻ không quan tâm tới lịch sử, nhưng không phải", ông Mạc tự hào nói về nhóm họa sĩ cộng sự trẻ của mình.
Nhóm họa sĩ trẻ không từng nếm mùi bom đạn, chiến tranh ấy đã thật sự viết lên một thiên hùng ca đẹp đẽ của nhân dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu 67 năm trước.
4.500 con người cả phía ta lẫn phía địch được khắc họa chân thực từ chính các ảnh chụp được tìm thấy, cùng thiên nhiên hùng vĩ của Tây Bắc vẫn tuyệt đẹp trong khói lửa chiến tranh. Trong đó có những cảnh rất nhân văn, xúc động, cho thấy nhóm tác giả đã nghiên cứu lịch sử rất sâu, là cảnh bộ đội ta chăm sóc tù binh Pháp bị thương.
Để làm được điều này, ông Mạc đã đưa các họa sĩ trẻ lên Điện Biên ở cả năm trời tiếp xúc nhân chứng, đi tham quan bảo tàng, di tích để thẩm thấu toàn bộ không gian, sương nắng và linh hồn nơi này.
Theo chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, công trình tập thể này không chỉ cho thấy khả năng nghề nghiệp của từng cá nhân họa sĩ tham gia dự án mà còn cho tài năng đặc biệt ở sự hòa quyện tập thể đặc biệt, tạo ra sự liền mạch trong bút pháp thể hiện và trong cảm xúc.
"Không chỉ ghi lại chiến thắng vĩ đại của dân tộc mà công trình thực sự cho thấy người trẻ rất có ý thức trách nhiệm xã hội bằng nghệ thuật của mình, biết yêu quý di sản quá khứ", không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn trở thành một không gian thiêng cho linh hồn những người lính ở cả hai phía đã ngã xuống trong trận đánh có nơi chốn đi về.
Một số hình ảnh trích đoạn từ tác phẩm Trận Điện Biên Phủ:
4.500 nhân vật và thiên nhiên hùng vĩ của Điện Biên được tái hiện sinh động trong bức tranh - Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Giờ phút chiến thắng - Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Cuộc đối đầu lịch sử - Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Từng nhân vật, đồ vật được thể hiện rất chi tiết - Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc cũng được thể hiện sinh động trong tác phẩm đầy tình sử thi này - Ảnh: Bảo tàng Chiến
Nguồn : Tuổi trẻ