Công trình xây 34 năm trước gắn với tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô sẽ là nơi tác nghiệp của phóng viên quốc tế khi đến Hà Nội.
Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (cung Việt Xô) là quà tặng của Hội đồng Trung ương các công đoàn Liên Xô (cũ) dành cho Việt Nam. Kiến trúc của công trình mang dáng dấp một nhà hát của Liên Xô. Để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra ngày 27-28/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lập trung tâm truyền thông quốc tế (IMC) tại đây. Các phóng viên nước ngoài hiện có thể đăng ký đưa tin.
Cung được khởi công xây dựng ngày 7/11/1978 trên nền đất cũ nhà Đấu Xảo Hà Nội và bắt đầu hoạt động từ ngày 1/9/1985. Toàn bộ công trình rộng 3,2 ha gồm 3 tòa nhà, với bốn mặt hướng ra các con phố Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản và Yết Kiêu. Khu nhà chính (nhà A) cao 4 tầng, dài 96 m, rộng 60 m và cao 33 m.
Tường bao quanh nhà A làm từ vật liệu bê tông đá rửa, trang trí bằng các mảng đắp nổi hình chữ nhật nằm cạnh nhau.
Phía bên phải của sảnh nhà A là cửa vào khán đài theo số vé chẵn, lẻ. Ở đây cũng có hành lang dẫn tới các phòng công vụ, lối vào sân khấu, cánh gà.
Cầu thang phía bên trái dẫn lên một phòng hội nghị nhỏ hơn so với sân khấu chính.
Khán đài bên trong cung Việt Xô có sức chứa 1.111 người, chia làm hai tầng. Địa điểm này từng phục vụ các sự kiện lớn của Việt Nam và quốc tế. Trong đó có các hoạt động bên lề Hội nghị APEC lần thứ 14 - Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (2006); Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội...
Nhiều nguyên thủ của Việt Nam và quốc tế từng đến cung Việt Xô, trong đó có Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thời ông làm Tổng thống năm 2010. Ảnh: Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.
Một buổi biểu diễn tại sân khấu chính của cung Việt Xô. Nơi đây cũng diễn ra nhiều sự kiện văn nghệ của ca sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Linh, Thanh Thảo… thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Ảnh: Tùng Somnus.
Dàn ánh sáng trên sân khấu cung Việt Xô. Phía trên là không gian dành cho nhân viên chuyên trách việc điều khiển ánh sáng, ròng rọc, phông nền cho sân khấu chính.
Khu vực phía sau sân khấu gần lối vào cung từ đường Yết Kiêu. Đây là nơi chứa các vật liệu kích thước lớn để phục vụ việc biểu diễn như giàn giáo, pallet, thảm…
Căn hầm bên dưới sân khấu với hệ thống dây, tủ điện, đèn chiếu sáng. Theo ông Lê Chính Nghĩa, Phó giám đốc cung Việt Xô, những chiếc đèn lắp ở các lối đi trong công trình này là loại dùng cho hầm mỏ do các kỹ sư Liên Xô mang sang.
ICE Hanoi là khu triển lãm nằm sau nhà A, với cổng vào từ đường Trần Bình Trọng. Địa điểm này thường xuyên diễn ra các sự kiện triển lãm, hội chợ lớn nhỏ. Vài năm gần đây, Hội chợ du lịch quốc tế - Hà Nội (VITM) được tổ chức tại khu này.
Theo Bộ Ngoại giao, IMC sẽ có khu vực làm việc chung, trang bị máy tính kết nối mạng, màn hình LCD cỡ lớn để theo dõi nguồn dữ liệu trực tiếp. Các cơ quan báo chí có thể thuê chỗ để đặt gian hàng truyền thông riêng, rộng 9 m2 với đủ trang thiết bị như bàn, ghế, màn hình LCD, đường dây điện thoại, Internet...
Dãy hành lang bên trong tòa nhà B. Khu vực này hiện là nơi tổ chức các lớp ngoại khóa, năng khiếu như vẽ tranh, nhiếp ảnh, võ thuật, nấu ăn…
Kiều Dương