THÁI LAN Căn nhà hơn 200 tuổi nép mình trong hẻm nhỏ là biệt thự kiểu Trung Quốc lâu đời nhất Bangkok vẫn được gia chủ lưu giữ.
Sol Heng Tai được coi là biệt thự kiểu Trung Quốc lâu đời nhất Bangkok, nằm ẩn mình trong những con hẻm ngoằn ngoèo ở khu Talat Noi, trung tâm thủ đô Thái Lan.
Gia đình Posayachinda là những người chủ sở hữu hiện tại không nhớ rõ năm xây dựng chính xác của căn nhà, chỉ ước đoán khoảng hơn 200 năm. Gần đây, một nhà tài phiệt đã đề nghị mua lại căn nhà với giá 2 tỷ baht (khoảng 64 triệu USD), tuy nhiên bà Duangtawan Posayachinda (76 tuổi) và ba người con đã từ chối.
Số tiền đó rất lớn, Poosak Posayachinda (55 tuổi), con trai cả của gia đình hiện đang trông coi biệt thự, chia sẻ. “Chỉ 100 triệu baht, chúng tôi có thể xây một bản sao của ngôi nhà ở nơi khác. Nhưng việc nhượng lại ngôi biệt thự giống như chúng tôi bán đi tất cả. Tôi là thế hệ thứ 8 trong gia đình, tôi sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này. Đó là di sản của tôi”. Ảnh: Lemi/Shutterstock.
Một bức tranh đắp nổi bằng sứ trên cửa ra vào. Căn biệt thự xây bằng gỗ tếch và gạch nằm trên khu đất rộng 1.600 m2, gần dòng sông của quận Talat Noi. Quần thể kiến trúc được bao quanh bởi những bức tường, nằm sát bên con hẻm nhỏ với lối ra là hai cánh cửa màu đỏ thẫm. Xung quanh cửa trang trí bằng gương phong thủy, bùa hộ mệnh, phù điêu sứ mô tả các điển tích trong văn hóa Trung Quốc. Ảnh: Tibor Krausz/SCMP.
Khu nhà hai tầng xây dựng cách đây hơn 200 năm bởi một gia đình người Phúc Kiến (Trung Quốc) di cư đến vương quốc Xiêm (Thái Lan ngày nay). Nơi này là một trong những kiến trúc Phúc Kiến cuối cùng của Thái Lan, được gọi là si tiam lim hay “bốn điểm vàng”.
Tờ South China Morning Post đánh giá căn nhà là "kỳ quan kiến trúc" của Trung Quốc cổ, với ba tòa nhà hai tầng xếp theo hình chữ U bao quanh một khoảng sân vuông. Ở giữa sân là một bể bơi được xây năm 2004. Poosak làm nghề hướng dẫn viên lặn biển. Anh thường tổ chức các lớp học tại nhà. “Nếu mất thu nhập từ hồ bơi này, tôi sẽ không thể giữ gìn ngôi nhà”, Poosak nói. Ảnh: Suthikait Teerawattanaphan/Shutterstock.
Khu nhà với 20 phòng đang trong tình trạng xuống cấp, nội thất hư hại dần sau những cánh cửa bị khóa. Ở tầng một, nhiều căn phòng đã bị biến thành kho (ảnh).
Các thành viên trong gia đình Posayachinda thiếu kinh phí để đưa ngôi nhà trở về thời hoàng kim trước đây. Ngay cả việc bảo trì cũng cũng khó khăn với họ. “Luôn có một cái gì đó cần sửa chữa. Một chút ở đây, chút ở kia”, Poosak kể. “Ngôi nhà này là gánh nặng lớn với chúng tôi. Mái nhà bị dột nặng khi trời mưa, việc tu sửa chúng sẽ tốn hàng triệu baht”, Jariya, em gái Poosak thừa nhận. Ảnh: Rosalin Zhen Zhen/Shutterstock.
Một số đồ nội thất trên hiên tầng hai của căn biệt thự.
Thế hệ đầu tiên sinh sống trong biệt thự là những chủ đất và thương nhân thành đạt. Đây cũng là nơi sinh ra một số gia đình người Trung – Thái nổi tiếng, với các thành viên là tỷ phú, người nổi tiếng và chính trị gia. “Họ ra đời từ ngôi nhà này”, Poosak tự hào kể lại.
Tuy nhiên chi họ của anh Poosak không thịnh vượng trong nhiều thập kỷ gần đây. Cha tôi yêu ngôi nhà này, anh Poosak nói. Tôi đã hứa với ông ấy rằng sẽ chăm sóc nó. Ông ấy và tổ tiên ở đây, trong tinh thần của chúng tôi. Ảnh: Duangphorn Wiriya/Shutterstock.
Bà Duangtawan, mẹ của Poosak coi nơi này là một ngôi làng nhỏ trong thành phố lớn. “Bạn biết tất cả hàng xóm của mình. Nếu cần giúp đỡ, bạn chỉ cần hô lên và mọi người sẽ chạy tới”, bà kể chuyện trong khi xé lá chuối để gói những món tráng miệng làm tại nhà. Ảnh: Tibor Krausz/SCMP.
Sau giai đoạn giàu có trong lịch sử, Talat Noi đang trở thành nơi vui chơi. Những ngôi nhà cũ được chuyển thành nhà nghỉ, phòng trưng bày nghệ thuật và quán cà phê. Biệt thự So Heng Tai cũng vậy, nơi này đã mở cửa đón khách tham quan. Để vào trong, du khách cần mua đồ uống của gia chủ. Ảnh: JOYFULLIFE/Shutterstock.
Một góc biệt thự So Heng Tai với các nhóm du khách đang chụp ảnh, trong khi những người khác thưởng thức đồ uống trên tầng hai của căn nhà. Ảnh: JOYFULLIFE/Shutterstock.
Xung quanh ngôi nhà là những bức tranh tường được vẽ khắp các con hẻm về đời sống của thời kỳ trước. Trong đó, một số bích họa mô tả cộng đồng chủ yếu tại nơi này xưa kia là người Trung Quốc. Ảnh: Tibor Krausz/SCMP.
Đến một ngày, Pakanon – con trai anh Poosak sẽ phải tự quyết định có nên tiếp quản gánh nặng bảo tồn ngôi nhà cũ hay không. “Tôi sẽ cố gắng làm vì đó là di sản của chúng tôi. Nếu tổ tiên sống lại, chắc họ sẽ rất tự hào”, cậu bé nói. Ảnh: Tibor Krausz/SCMP.
Kiều Dương (Theo SCMP)