“Treo” mình trên đỉnh núi Vô Vi nằm trong dãy núi Trầm (Tử Trầm Sơn, thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), chùa Vô Vi dành cho những người muốn tìm về không gian thanh tịnh, để được hòa mình vào đất trời và tan trong tiếng chuông mỏng mảnh lẫn vào sương khói.
Ngôi chùa nhỏ chênh vênh trên đỉnh núi ấy đã tồn tại suốt 6
thế kỷ qua, như một chứng tích của thời gian và lịch sử.
Vết tạc khắc thời gian
Bước qua vòm cổng đề ba chữ Hán “Vô Vi tự”, con đường nhỏ với
những bậc thang xếp bằng đá tảng đưa du khách đến tiền đường, nhà mẫu, rồi
chính điện. Chỉ khoảng vài trăm bậc nhưng lối lên Vô Vi tự không quá dễ dàng,
càng lên cao càng hẹp và dốc hơn.
Không giống những ngôi chùa quy mô hoành tráng thường thấy,
Vô Vi tự rộng… hơn 10m2, thiết kế không tuân theo quy luật thông thường hình chữ
Đinh hay Nội công ngoại quốc..., mà chỉ khiêm tốn với một gian duy nhất, mái lợp
ngói mũi hài cùng các cột, xà nhỏ bằng gỗ và đá đơn giản.
Thật khó để tìm thấy ở đây các đầu dư, vì kèo, cốn... với những
mảng chạm khắc cầu kỳ như thường thấy ở các đình, chùa khác. Trong chùa chỉ có
ban Tam bảo với tượng Phật, thánh. Hai bên là hai vị Hộ pháp uy nghiêm.
Ngôi chùa Vô Vi có từ thế kỷ thứ X, năm 968. Khi ấy đất nước vừa trải qua hai mươi tư năm nội chiến huynh đệ tương tàn và được kết thúc bằng sự kiện Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn và lập ra nhà Đinh. Sau sự kiện đó có một tướng lĩnh có tên là Trần Văn Tăng thuộc 12 sứ quân đã tìm về Long Châu mai danh ẩn tích, dựng chùa bên núi và đêm ngày chuyên tâm học phật.
Kể từ khi đó cho đến ngày nay, bên cạnh “tứ đại danh thắng của xứ Đoài” (chùa Trăm Gian, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trầm), Long Châu có thêm Vô Vi tự, một ngôi chùa khá độc đáo nằm trên núi Vô Vi, trong lòng “cao nguyên đá” Hà Nội - quần thể núi đá vôi Tử Trầm được ví là “cao nguyên đá” thu nhỏ, một nơi dã ngoại cuối tuần của người dân Thủ đô. Và, không phải chỉ có bây giờ vùng non xanh nước biếc Long Châu mới nổi tiếng mà ngay từ thời vua Lê, chúa Trịnh vùng “cao nguyên đá” thu nhỏ ấy cũng từng là một hành cung rất được vua yêu chúa mến.
Có lẽ vì nằm cheo leo trên đỉnh núi, mặt bằng nhỏ hẹp nên từ
lối đi, cửa vào cho tới các pho tượng đều có kích thước nhỏ hơn thông thường,
khiến người ta cảm nhận rõ sự khiêm nhường của ngôi chùa.
Tương truyền thời Tiền Lê chùa còn nằm dưới chân núi có tên gọi là Phúc Trù đến thời Trần chùa được rời lên lưng núi mang tên Trai Tinh. Rồi đến năm Hồng Thuận (1514) thời Hậu Lê chùa lại được đưa lên đỉnh núi gọi lại bằng tên cũ là Vô Vi và an yên chốn ấy cho đến bây giờ.
Là người thấm nhuần tư tưởng đạo Lão, ông đặt tên chùa là Vô
Vi với tinh thần được biểu hiện trong bài thơ “Trùng phỏng Vô Vi tự” do chính
ông sáng tác và khắc trên đá. Trước đó, ông cũng đã sáng tác bài thơ “Đề chùa
Vô Vi” với 4 câu thơ súc tích: “Vắt vẻo sườn non Trạo/ Lơ thơ mấy ngọn chùa/ Hỏi
ai là chủ đó?/ Nào bán tớ xin mua!”. Trải qua nhiều thế kỷ, cho đến nay, những
bài thơ được tạc khắc trên vách đá này đều còn nguyên vẹn như thách thức với thời
gian và tạo nét duyên dáng, thơ mộng cho chùa Vô Vi.
Tinh thần đạo Lão với văn hóa Việt
Sát bên hông chùa là lối đi nhỏ chỉ vừa một người qua, dẫn tới
lầu Nghênh Phong. Từ trên nhìn xuống, các lớp mái khéo léo xen kẽ nhau như sợi
dây liên kết giữa chùa Vô Vi và lầu gác này bao thế kỷ qua. Đúng như tên gọi, lầu
Nghênh Phong - nơi đón gió từ bốn phương tám hướng, là điểm dừng chân lý tưởng
cho du khách sau đoạn đường dài chinh phục Tử Trầm Sơn. Xung quanh lầu, cây cối
um tùm, mát mẻ. Thảng hoặc đâu đó, tiếng chim lảnh lót ngân nga trong không
gian tĩnh mịch, khiến người ta cảm nhận rõ sự giao hòa giữa trời đất và lòng
người.
Điểm đặc biệt của lầu Nghênh Phong là trên chóp mái có hình
tượng âm dương Lạc Việt bên trong vòng bát quái. Hình tượng này được vẽ trên
hai nửa viên gạch hồng ghép lại để từ điểm trung tâm này, các xà, cột, kèo theo
đó tỏa xuống theo quy luật kiến trúc nghiêm khắc. Hình tượng âm dương Lạc Việt
là niềm tự hào về bản sắc văn hóa của người Việt, một họa tiết nhỏ nhưng đủ sức
khẳng định về tính dân tộc, sự độc lập của văn hóa Việt, không thể trộn lẫn với
bất cứ nền văn hóa khác.
Từ lầu Nghênh Phong, muốn lên tới đỉnh cao nhất của ngọn núi
Vô Vi, du khách phải leo khoảng hai chục bậc đá dựng đứng, chui qua kẽ đá hẹp để
lên tới đỉnh. Bù lại cho sự vất vả ấy là cả một khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt
trải rộng. Xung quanh núi Vô Vi là khung cảnh làng quê yên bình. Giữa thinh
không, tiếng chuông chùa bỗng ngân lên khiến lòng người trùng lại và ngẫm về
triết lý “vô vi” mà vị đạo sĩ đã đặt tên cho ngôi chùa. Vô vi để hóa giải tất cả.
Vô vi để tan vào hư không. Theo tinh thần của đạo Lão và Phật giáo, vô vi là sức
mạnh mềm có thể hóa giải tất thảy... Đấy cũng là tinh thần cao nhất của người đạo
sĩ đã khởi dựng ngôi chùa này.
Gìn giữ “báu vật”
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo, chùa
Vô Vi là một “báu vật” trong hệ thống di sản văn hóa của Hà Nội. Điều đặc biệt
là dù đã trải qua quá trình trùng tu, tôn tạo nhưng ngôi chùa vẫn giữ nguyên vẻ
đẹp mộc mạc vốn có. Rất khó để phát hiện được những dấu tích trùng tu cũ - mới
tại ngôi chùa này. Điều đó cho thấy công trình đã được hạn chế đến mức thấp nhất
những tác động của con người lên di tích.
Bức tranh làng quê yên bình dưới chân núi Vô Vi.
Cổng chùa Vô Vi.
Lầu Nghênh Phong sát bên chùa Vô Vi.
Bài thơ khắc trên đá của đạo sĩ Trần Văn Tăng.
Hình tượng âm dương Lạc Việt trên mái lầu Nghênh Phong - đặc
trưng của văn hóa Việt.
Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn
di tích - người từng trực tiếp tham gia trùng tu chùa Vô Vi chia sẻ: “Điều quan
trọng nhất khi trùng tu di tích là phải hiểu về di tích một cách cặn kẽ để từ
đó có những giải pháp tu bổ, tôn tạo một cách hợp lý, hài hòa nhất”.
Bà Lê Thị Tưng, 74 tuổi, người trông coi chùa Vô Vi nhiều
năm qua cho biết: “Từ năm 2000 trở về trước, rất ít người biết đến ngôi chùa
này. Những năm gần đây, số lượng du khách đến tăng không đáng kể. Tôi mong địa
phương, thành phố sẽ quan tâm hơn nữa để có các biện pháp bảo tồn song song với
việc khai thác, phát triển du lịch nhằm thu hút du khách gần xa đến chùa Vô Vi,
để ngày càng nhiều người biết đến vẻ đẹp độc đáo của ngôi chùa này...”.
Nguồn: Nhịp sống Hà Nội