TP HCM - Chùa Phước Tường ở TP Thủ Đức được xây dựng từ năm 1741, mang nét đẹp cổ kính với các công trình làm bằng gỗ quý.
Chùa Phước Tường có niên đại gần 300 năm, tọa lạc trên đường Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức. Chùa theo phái Bắc Tông, được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia cũng như Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Cổng tam quan hướng về phía Bắc, tổng thể kiến trúc chùa hướng về phía Nam, nên tiền điện và chánh điện của chùa nằm ở phía sau cách xa cổng.
Trước đây chùa Phước Tường ở trên khu đất rộng không có cổng và rào. Đến năm 1990, Hòa thượng Thích Bửu Ngọc xây một chiếc cổng hình cổ lâu hai bên, cùng một đoạn rào ngắn.
Kiến trúc chùa bố trí theo chữ L ngược chia làm trục chính và trục phụ, đây là một kiểu kiến trúc phổ biến ở TP HCM vào thế kỷ 18-19.
Chùa gồm các khu vực tiền điện, chính điện, tổ đường, giảng đường, sân viên tĩnh và trai đường.
Từ năm 1741 đến nay, chùa đã trải qua 10 đời sư trụ trì. “Thuở ban sơ, khuôn viên chùa chỉ dài hơn 43m và rộng hơn 12m, nằm trên nền khu giảng đường ngày nay, vật liệu xây chùa làm từ đất, lá thô sơ. Qua các đời sư trụ trì, chùa được sửa sang ngày một khang trang hơn nhưng vẫn giữ được nét cổ kính”, sư thầy Thích Nhựt An, trụ trì đời thứ 11 của chùa Phước Tường cho biết.
Chùa nổi bật với thiết kế làm từ các loại gỗ như sao, dầu, bằng lăng, căm xe. Cột ở chùa được chạm nổi và trên vách có nhiều phù điêu trang trí hoa văn.
Trong khuôn viên chùa hiện có khoảng 100 tượng Phật, làm từ đất, đá và nhiều nhất là gỗ. Một số pho tượng có tuổi đời trăm năm.
Hàng năm, ngoài các ngày lễ lớn trong Phật giáo, chùa còn tổ chức ngày Lễ giỗ tổ vào 25/11 và 7/10 âm lịch, quy tụ hơn 500 Phật tử đến dự.
Huỳnh Nhi