Kỳ đài nằm trên đường Điện Biên Phủ ngày nay nổi bật giữa không gian thành phố bởi nét cổ kính và lá quốc kỳ tung bay trên đỉnh.
Di tích cột cờ Hà Nội (còn gọi là Kỳ đài) nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội. Cột cờ được xây dựng từ năm 1805 – 1812, dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn, trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long. Ở chân cột cờ bày những khẩu thần công do triều Nguyễn chế tạo từ thế kỷ 19, được phát hiện tại các khu vực quanh Hoàng thành Thăng Long năm 2003.
Công trình kiến trúc này cao hơn 33 m, gồm ba tầng đế và thân cột với tháp canh trên đỉnh. Ở phần chân đế, mỗi cấp là một hình tứ diện vuông, thu nhỏ và cao dần từ dưới lên trên. Dưới triều nhà Nguyễn, trong các dịp lễ Tết, cờ vàng của triều đình thường được treo trên đỉnh cột. Cột cờ còn là nơi vua quan xem duyệt quân ngũ, đấu võ. Đây là công trình hiếm hoi còn nguyên vẹn qua chiến tranh và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long.
Cầu thang dẫn du khách từ tầng thứ nhất lên tầng hai của cột cờ. Vật liệu xây dựng công trình này là các loại gạch, đá từ nhiều thời kỳ khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, tầng một và hai được xây dựng chủ yếu bằng gạch vồ, loại gạch xây dựng đặc trưng của thời Lê. Đến tầng thứ ba là gạch chỉ nung già và thân cột lại dùng loại gạch nung non.
Các ô cửa dẫn du khách đi quanh tầng đế thứ hai của cột cờ. Tại tầng này có bố trí 4 cửa theo các hướng đông - tây - nam - bắc. Trên cửa có biển đề tên: cửa đông là Nghinh Húc (đón nắng ban mai); cửa tây là Hồi Quang (ánh nắng phản chiếu); cửa nam là Hướng Minh (hướng về ánh sáng), riêng cửa bắc không đề tên.
Cầu thang tại tầng đế thứ ba dẫn du khách lên thân cột cờ. Mỗi cầu thang có 14 bậc và tay vịn lan can bằng sắt.
Du khách nước ngoài đặt chân lên tầng đế thứ hai của cột cờ. Stephan Hauer, du khách Đức chia sẻ khi tham quan tại đây: “Tôi vừa mới đến Việt Nam một ngày và cột cờ là điểm đầu tiên tôi tham quan. Trên đường di chuyển từ sân bay về khách sạn, tôi đã bị ấn tượng khi nhìn thấy công trình cổ kính nổi bật trên nền trời. Tôi chưa thấy bất cứ công trình nào như vậy trước đây. Ở Đức họ thường cắm cờ trên nóc các toà nhà hoặc tháp canh trong các lâu đài”.
Cột cờ Hà Nội nhìn từ tầng đế thứ ba. Phần thân cột cờ là hình trụ tám cạnh cao 18 m, thu nhỏ dần từ dưới lên trên với cửa vào tại mặt hướng Bắc, phía trên cửa đắp nổi chữ Hán “Kỳ đài”. Toàn thân cột cờ được soi sáng và thông hơi bằng 39 cửa nhỏ hình hoa thị và sáu cửa hình dẻ quạt. Trong thân cột có 54 bậc thang xoáy chôn ốc lên đến tận đỉnh nhưng ngày nay đã đóng cửa với khách tham quan. Du khách đến đây phải dừng bước tại tầng đế thứ ba.
Giống như nhiều điểm du lịch khác ở Hà Nội, thân cột cờ đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi khách du lịch qua các hành động viết, vẽ, khắc. Những hàng chữ trên thân cột thuộc nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, Anh, Hàn… và vẫn xuất hiện ngày một nhiều.
Một lỗ thông hơi hình hoa thị trên thân cột. Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1964, nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thành phố Hà Nội đã đổi tên đường Cột Cờ thành đường Điện Biên Phủ ngày nay.
Địa điểm này thu hút rất đông khách du lịch và những người chụp ảnh. Khu vực này đông nhất vào những ngày lễ gắn với các sự kiện của đất nước, quân đội như 30/4 - 1/5, 2/9, 27/7, 22/12.
Dưới chân cột cờ là khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Xa hơn một chút về phía bên trái là Hoàng thành Thăng Long – di sản văn hoá thế giới với lịch sử hơn 13 thế kỷ.
Cột cờ Hà Nội miễn phí tham quan. Du khách muốn vào cột cờ sẽ phải đi qua cổng bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại số 28A Điện Biên Phủ. Giá gửi xe là 5.000 đồng với xe máy và 30.000 đồng với ôtô.
Kiều Dương