Trên vùng đất này, ngoài 2 ngôi đình Lỗ Hạnh (huyện Hiệp Hòa) và Thổ Hà (huyện Việt Yên) được coi là có niên đại khởi dựng từ thế kỷ 16, thì còn nhiều ngôi đình khác như: Đình Hà Mỹ (Lục Nam), đình Nội (Tân Yên), đình Đông Trước, đình Hương Câu, đình Trâu Lỗ (Hiệp Hòa), đình Viễn Sơn (Lạng Giang), đình Phù Lão (Lạng Giang), đình Vường (Tân Yên), đình Am (Lạng Giang), đều là những ngôi đình không chỉ nổi tiếng về mặt kiến trúc cảnh quan, mà còn mang nhiều giá trị nghệ thuật điêu khắc của giai đoạn phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử đình làng Việt Nam (thế kỷ 17-18).
Đình Cao Thương, Tân Yên, Bắc Giang
Vị trí cảnh quan
Với địa hình Trung du, đồi núi thấp, đa số các ngôi đình thế kỷ 17-18 tỉnh Bắc Giang thường được chọn dựng ở chân đồi, có không gian cảnh quan phía trước thoáng đãng, rộng mở, thường là khu đất trống, hoặc dòng sông, hồ nước, hay cánh đồng trải dài trước mặt (hình 1). Hướng chính của đình, do vậy cũng khá đa dạng, tùy thuộc vào vị trí, thế đất. Ở Bắc Giang, ngoại trừ hướng chính Bắc, những hướng còn lại (Tây Nam, Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, Tây, Đông và Đông Nam) đều có thể được chọn để dựng đình.
Tuy nhiên, dù nằm ở vị trí nào thì ngôi đình vẫn luôn là trung tâm văn hóa của làng, nơi thuận tiện về giao thông đối nội và đối ngoại. Nhiều ngôi đình được dựng gần với chùa làng, tạo thành những cụm công trình tôn giáo, tín ngưỡng chung, như cụm đình – chùa Hà Mỹ (Lục Nam), đình – chùa Phù Lão (Lạng Giang), đình – chùa Bằng Cục (Tân Yên).
Bên cạnh những hình khối kiến trúc, trong khuôn viên đình làng ở Bắc Giang thường không thể thiếu những thành phần phụ trợ như cây xanh, mặt nước, sân vườn, góp phần tạo nên những giá trị về cảnh quan, phong thủy. Những cây cổ thụ, lưu niên thường được trồng ở hai bên hoặc phía sau, vẫn đảm bảo có bóng mát cho sân đình, lại không che lấp tòa Đại đình đồ sộ… Cùng với ngôi đình, chúng tạo thành điểm nhấn cảnh quan cho các ngôi làng truyền thống.
Đình Phúc Long, Việt Yên, Bắc Giang
Bố cục mặt bằng tổng thể ngôi đình
Những ngôi đình thế kỷ 17 – 18 ở Bắc Giang đều có một tổng thể khá hoàn chỉnh với tòa Đại đình và nhiều hạng mục phụ trợ, như: Nghi môn, Tả vu, Hữu vu, Tiền tế, Bình phong…Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ tòa Đại đình là được khởi dựng đầu tiên còn những hạng mục phụ trợ đều được bổ sung trong giai đoạn sau. Mặc dù vậy các công trình này đều có hình thức, cấu trúc, tỉ lệ hài hòa với Đại đình và tạo nên một chỉnh thể thống nhất.
Hình 2; Mặt bằng tổng thể đình Vường – Liêm Chung – Tân Yên – Bắc Giang
Tổng thể các ngôi đình có bố cục mặt bằng khá đa dạng, chẳng hạn như: Mặt bằng chữ Nhất (đình Hương Câu, đình Trâu Lỗ – Hiệp Hòa); mặt bằng chữ Nhị (二) với Đại bái và Hậu cung nằm song song (đình Cao Thượng – Tân Yên, đình Phúc Long – Việt Yên); mặt bằng chữ Tam (三) (đình Phù Lão – Lạng Giang) với Đại bái – Trung cung và Hậu cung nằm song song; mặt bằng chữ Đinh (丁) (đình Nội – Tân Yên) với Hậu cung được làm vuông góc tại phía sau gian giữa Đại bái; mặt bằng tiền Đinh – hậu Nhất (đình Viễn Sơn – Lạng Giang) với phía trước là tòa Đại bái và Hậu cung nối với nhau theo dạng chữ Đinh, phía sau lại có thêm một nhà Hậu cách một khoảng sân, nhưng vẫn trên cùng 1 trục chính; mặt bằng chữ Công (工) (đình Vường – Tân Yên), với tòa Đại bái và Hậu cung nằm song song, nhưng được nối với nhau bởi một tòa Ống muống ở khoảng giữa hai tòa (hình 2). Thông thường, Hậu cung sẽ có niên đại muộn hơn tòa Đại bái, nhưng ở đình Vường (Tân Yên) đã cung cấp một thông tin quan trọng cho biết ngay từ thế kỷ 17, mặt bằng tổng thể tòa Đại đình của đình làng Việt đã có dạng chữ Công hoàn chỉnh…
Hình 3: Mặt bằng cốt sàn đình Vường – Liên Chung – Tân Yên – Bắc Giang
Hình 4: Mặt bằng nền đình Hương Câu – Hương Lâm – Hiệp Hòa – Bắc Giang
Về cơ bản thì bố cục mặt bằng nền và mặt bằng mái của các ngôi đình này khá thống nhất. Tuy nhiên, vẫn có những ngôi đình mà mặt bằng nền và mặt bằng mái khác nhau, như đình Trâu Lỗ (Hiệp Hòa) mặt bằng nền chữ Nhất, mặt bằng mái chữ Công, đình Hà Mỹ (Lục Nam) mặt bằng nền chữ Đinh, mặt bằng mái hình chữ Công.
Thực ra, hiện tượng mặt bằng mái và mặt bằng nền không cùng một bố cục cũng có thể bắt gặp trong nhiều ngôi đình, đền khác của người Việt. Nhưng sự xuất hiện của những ngôi đình dạng này cũng góp phần làm phong phú, đa dạng hơn về cấu trúc cho các ngôi đình ở Bắc Giang.
Trong tổng thể một ngôi đình, thường tòa Đại bái là công trình được xây dựng đầu tiên, đến nay vẫn còn bảo lưu được những dấu vết kiến trúc, nghệ thuật giúp xác định niên đại khởi dựng của cả ngôi đình. Chính vì vậy, việc tìm hiểu các đặc điểm kiến trúc, nghệ thuật của tòa Đại bái sẽ góp phần hiểu rõ hơn về kiến trúc, nghệ thuật của ngôi đình làng Việt ở giai đoạn khởi dựng.
Một tòa Đại bái thường có phần nền được tôn cao hơn mặt sân khoảng 30 đến 50cm, xung quanh bó vỉa bằng đá thanh hoặc gạch xây. Trên mặt bằng nền đó, người ta bố trí các hàng cột để tạo thành những gian, chái. Một hàng cột theo chiều ngang công trình sẽ liên kết với nhau thành một bộ vì, khoảng không giữa hai bộ vì liền kề tạo thành một gian.
Gian là một đơn vị tổ chức không gian mặt bằng, xác định quy mô, tầm cỡ của các kiến trúc cổ truyền bằng gỗ của người Việt. Trong kiến trúc cổ Việt Nam, người ta kiêng làm nhà có số gian chẵn vì như thành ngữ đã có câu: “nhất gian cô độc, nhị gian truân, tam gian phú quí, tứ gian bần”.
Hình 5: Mặt cắt A – A Đình Nội, Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang
Thế kỷ 17 – 18, bên cạnh việc bảo lưu mặt bằng 3 gian 2 chái của các ngôi đình thế kỷ 16, tại Bắc Giang đã xuất hiện một số ngôi đình có mặt bằng 5 gian 2 chái, khiến không gian bên trong được mở rộng hơn, như đình Phù Lão (Lạng Giang), đình Nội (Tân Yên). Chiều rộng giữa các gian cũng không đều nhau.
Thông thường gian giữa lớn nhất, từ 3,72m đến 4,5m; các gian bên có kích thước nhỏ hơn, nhưng kích thước mỗi chái có khi lại lớn hơn cả kích thước gian. Trên mặt bằng đó, gian giữa luôn được bố trí hương án chính thờ Thần; các gian bên có thể phối thờ các vị Hậu thần, như ở đình Hương Câu (Hiệp Hòa), đình Vường (Tân Yên) với những khám thờ lửng đặt sát vách hồi; cũng có khi gian bên để trống, hoặc làm nơi xếp kiệu thờ…
Kết quả khảo sát cho thấy, xưa kia, hầu hết ngôi đình thế kỷ 17 – 18 đều có sàn gỗ làm ở các gian, chái bên; riêng gian giữa (gian lòng thuyền) không có sàn và được lát gạch hoặc đá xanh. Các cấp sàn là nơi xưa kia các phe, giáp, chức dịch trong làng ngồi dự bàn việc làng, hoặc ngồi thụ lộc mỗi khi làng vào đám. Hệ thống sàn của mỗi ngôi đình gồm 2 hoặc 3 cấp cao, thấp khác nhau.
Cấp sàn thứ nhất nằm giữa hai cột cái (gian bên), thường cao từ 0,50 đến 0,60m so với nền; cấp thứ hai nằm giữa cột cái với cột quân, thường cao từ 0,65 đến 0,75m và cấp thứ ba nằm giữa cột quân với cột hiên, thường cao từ 0,75 đến 0,85m (hình 3).
Một số ngôi đình ở hàng cột hiên còn thấy dấu vết lỗ mộng lan can cao hơn mặt nền khoảng 1,3 đến 1,5m. Vì có sàn gỗ nên các chân tảng đỡ cột nằm dưới gầm sàn thường chỉ là những phiến đã đẽo gọt tự nhiên, tạo mặt phẳng chứ không được gia công kỹ. Phần nền đình dưới gầm sàn cũng chỉ là đất nện. Qua thời gian, hiện chỉ có đình Vường (Tân Yên), đình Phương Lạn (Lục Nam) và đình Phù Lão (Lạng Giang) còn sàn gỗ; những ngôi đình kia đã bị dỡ bỏ.
Đặc điểm kết cấu bộ khung chịu lực
Hình 6: Kết cấu vì tại đình Phù Lão, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang
Hình 7; Đình Bằng Cục, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên (1)
Hình 8: Đình Bằng Cục, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên (2)
Nếu ở thế kỷ 16, bộ khung kiến trúc chỉ có 4 hàng chân cột thì sang thế kỷ 17, đã xuất hiện mặt bằng với 6 hàng chân cột, khiến lòng nhà được mở rộng hơn như đình Cao Thượng – Tân Yên, đình Hương Câu – Hiệp Hòa (hình 4), đình Phù Lão – Lạng Giang, đình Phúc Long – Việt Yên… Các cột có kích thước không đều nhau, là kết quả của việc sử dụng những cây gỗ tự nhiên.
Theo mặt cắt ngang đình thì khoảng cách giữa hai cột cái trước/sau đình là lớn nhất, từ 3,5m đến 4,0m và đây là khoảng cách tạo nên bộ vì nóc nâng đỡ mái. Vì nách được tạo giữa cột cái tới cột quân liền kề, có chiều rộng từ 1,8m đến 2m. Với mặt bằng 6 hàng chân thì khoảng cách giữa cột quân tới cột hiên liền kề khoảng từ 1m đến 1,3m (hình 5); một số ngôi đình có khoảng cách lớn hơn 1,3m, như đình Hương Câu (Hiệp Hòa), đình Vường (Tân Yên), đình Phù Lão (Lạng Giang). Ngoài ra, ở phía chái hồi còn có các vì nách hồi, là bộ vì nối giữa cột cái với cột quân hồi theo chiều dọc công trình.
Nối hai đầu cột cái theo chiều ngang công trình luôn là một câu đầu chắc. Câu đầu có thể kê trên đầu cột qua một đấu vuông thót đáy lớn (thường gặp ở những ngôi đình có niên đại thế kỷ 17) hoặc ăn mộng trực tiếp qua đầu cột (hiện tượng này thấy xuất hiện từ thế kỷ 18). Trên câu đầu là bộ vì nóc với những biến thể khác nhau. Có 3 kiểu vì nóc được sử dụng trong các ngôi đình thế kỷ 17 – 18 ở Bắc Giang là kiểu vì kèo cọc báng, kiểu vì chồng rường và kiểu vì giá chiêng – chồng rường. Ngay trong một ngôi đình thì kiểu thức vì nóc cũng không thống nhất giữa các gian.
Ở vì nóc kiểu giá chiêng (như đình Nội, đình Cao Thượng, đình Viễn Sơn, đình Phù Lão (hình 6), đình Am…) kê trên câu đầu là hai trụ trốn lớn qua đấu vuông thót đáy; đỉnh trụ đỡ một rường suốt trên cùng (rường con cung/rường bụng lợn), giữa cật rường kê dép đội thượng lương. Khoảng giữa hai trụ trốn đó là một khung hình chữ nhật, có dạng như giá treo chiêng. Với những ngôi đình thế kỷ 16, hai trụ trốn thường thấp, ngắn và khoảng giữa sẽ được lồng một ván lá đề chạm khắc, trang trí.
Sang thế kỷ 17, hai trụ trốn đã cao hơn, hình lá đề lồng giữa cũng ít xuất hiện hơn và từ hai bên thân trụ trốn sẽ có thêm những con rường cụt vươn ra đỡ hoành mái; số rường cụt có thể là 1 hoặc 2 tùy theo lượng hoành trên mỗi mặt mái… Những ngôi đình có niên đại càng muộn thì trụ trốn càng lớn, tương ứng là số con rường càng nhiều hơn.
Ở vì nóc kiểu vì kèo – cọc báng như đình Trâu Lỗ, đình Bằng Cục (hình 7)…, đứng trên cật câu đầu qua đấu vuông thót đáy là một trụ trốn lớn (cọc báng), vươn thẳng lên đỡ thượng lương qua dép nóc. Đỡ các hoành mái tại vì nóc là 1 cặp kèo suốt ăn mộng vào hai bên cọc báng rồi chạy xuống theo chiều dốc mái ăn mộng vào đầu câu đầu.
Để tăng thêm sự vững chãi thì trong một số bộ vì còn có thêm những cột chống phụ kê trên cật câu đầu và vươn lên đỡ dạ kèo suốt tại vị trí cây hoành mái thứ 2. Thông thường kiểu vì này có niên đại khá muộn, cơ bản được thay thế trong các lần tu bổ vào giai đoạn sau.
Tuy nhiên ở các bộ vì nóc kiểu vì kèo – cọc báng tại đình Trâu Lỗ và đình Bằng Cục vẫn còn bảo lưu được những hoa văn chạm khắc giúp ta xác định được niên đại ra đời của chúng vào thế kỷ 18. Đây là những bằng chứng quan trọng đóng góp cho việc nghiên cứu diễn biến kiến trúc dân gian truyền thống Việt nói chung.
Ở vì nóc kiểu chồng rường (như đình Phúc Long), trên cật câu đầu là những con rường chồng lên nhau qua các đấu vuông thót đáy nhỏ, đầu rường đỡ hoành mái. Giữa cật rường suốt trên cùng còn kê dép đội thượng lương.
Kết cấu vì nách tại các ngôi đình được làm theo hai kiểu: Kiểu kẻ và kiểu chồng rường. Thông thường, các bộ vì gian giữa và bộ vì nách hồi sẽ có kiểu chồng rường với các rường cánh chồng lên nhau, tạo diện trang trí, còn các gian bên sẽ làm kiểu kẻ. Trong kết cấu chồng rường, nối giữa cột cái với cột quân là một xà nách, với một đầu ăn mộng vào thân cột cái, đầu kia gối lên đầu cột quân qua đấu vuông thót đáy hoặc ăn mộng qua đầu cột quân.
Kê trên cật xà nách lần lượt là các rường cánh chồng lên nhau qua các đấu vuông thót đáy nhỏ, với đầu rường đỡ hoành mái. Các rường cánh này ngắn dần khi lên cao theo chiều dốc mái. Rường cánh trên cùng chính là phần đuôi của đầu dư ăn mộng xuyên qua cột cái. Mỗi bộ vì nách sẽ có từ 3 đến 4 con rường cánh chồng lên nhau tùy thuộc vào số lượng hoành mái. Đôi khi, kê trên cật xà nách là một trụ trốn nhỏ, đầu trụ trốn đỡ rường cánh phía trên còn từ thân trụ trốn sẽ có một hoặc hai rường cụt vươn ra đỡ hoành mái. Ở những ngôi đình giai đoạn sớm, khoảng giữa trụ trốn với cột cái thường được nong kín bằng một tấm gỗ dày và cũng được chạm khắc, trang trí chung đồ án với cả bộ vì nách. Ở giai đoạn muộn về sau, hoặc ở những gian bên, phần ván nong đó sẽ bị bỏ đi, tạo sự thông thoáng.
Khác với vì nách chồng rường, vì nách kiểu kẻ lại kết cấu khá đơn giản. Kẻ được làm từ cây gỗ nguyên, đặt xuôi theo chiều dốc mái, nối hai cây cột liền kề trong một bộ vì. Nếu kẻ nằm giữa cột cái với cột quân thì một đầu kẻ sẽ ăn mộng qua thân cột cái (tạo thành nghé đỡ dạ câu đầu) một đầu ăn mộng qua đầu cột quân rồi vươn ra đỡ tàu mái ngoài hiên (trong những ngôi đình kết cấu 4 hàng chân). Cũng có khi kẻ được làm nối cột quân với cột hiên, trong trường hợp đó, một đầu kẻ ăn mộng qua đầu cột quân thành nghé đỡ dạ xà nách, đầu kia ăn mộng qua đầu cột hiên, đỡ tàu mái.
Có những ngôi đình, sử dụng kiểu kẻ suốt, được làm từ một cây gỗ lớn, ăn mộng từ cột cái, qua cột quân tới cột hiên như đình Trâu Lỗ, đình Bằng Cục (hình 8).
Tuy nhiên, ở nhiều ngôi đình mặt bằng 6 hàng chân, vì nách liên kết giữa cột cái với cột quân sử dụng kiểu chồng rường còn giữa cột quân với cột hiên sử dụng kiểu kẻ, tạo thành một dạng liên kết kiểu thượng rường – hạ kẻ (như ở đình Nội, đình Cao Thượng…). Nối các cột theo hàng dọc là các xà thượng – hạ cột cái, xà thượng – hạ cột quân và xà thượng – hạ cột hiên, tạo nên bộ giằng vững chắc cho công trình. Giữa hai lớp xà là hệ ván gió bưng kín, đôi khi mặt trong ván gió cũng là diện để chạm khắc, trang trí, góp phần làm giảm sự thô cứng của cấu kiện gỗ.
Lời kết
Những ngôi đình làng thế kỷ 17-18 của tỉnh Bắc Giang cho ta những nhận thức mới trong việc chọn vị trí, hướng dựng đình của người xưa. Đình làng có thể quay về nhiều hướng, tùy vào địa thế nhưng thường hướng ra một không gian thoáng và không phải lúc nào đình cũng được chọn đặt ở vị trí cao nhất làng, nhiều khi nhà dân còn được dựng ở thế đất cao hơn đình; khi lụt lội, khu vực dựng đình có khi còn bị ngập nhiều hơn…
Trong bố cục tổng thể, đình thế kỷ 17, 18 ở Bắc Giang đã xuất hiện thêm nhiều dạng mặt bằng mới. Ngoài dạng mặt bằng chữ Nhất, đã có thêm các dạng mặt bằng chữ Đinh, chữ Công…; hoặc đã có những ngôi đình có mặt bằng mái và mặt bằng nền khác nhau. Về kiến trúc, nếu ở thế kỷ 16, tòa Đại bái mới chỉ có một dạng 3 gian 2 chái, bộ khung kết cấu 4 hàng chân, thì sang thế kỷ 17 – 18 đã xuất hiện thêm dạng mặt bằng 5 gian 2 chái; đồng thời bộ khung kết cấu 6 hàng chân trở nên phổ biến, khiến không gian lòng nhà rộng hơn. Bên cạnh đó, các hình thức liên kết vì cũng phong phú hơn so với giai đoạn trước.
*ThS. KTS Nguyễn Thị Hương Mai/ Viện Bảo tồn di tích
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2020)
Nguồn: Tạp trí Kiến trúc