THỪA THIÊN - HUẾDãy tường ở thôn Vọng Trì (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) khắc họa vẻ đẹp Kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ, sông Hương và loạt danh thắng cố đô.
Thôn Vọng Trì hứa hẹn trở thành điểm check-in mới của nhiều người trẻ thời gian tới bởi những mảng tường màu sắc. Đường đến thôn khá dễ, từ Đập đá (cuối đường Lê Lợi), bạn đi thẳng đường Nguyễn Sinh Cung, ngay dưới chân cầu chợ Dinh sẽ thấy con đường nhỏ dẫn vào thôn Vọng Trì, xã Phú Mậu. Dọc bên trái tường là những bức tranh mô phỏng danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử Huế.
Khâu vẽ dự kiến hoàn tất vài ngày tới. Nhóm họa sĩ dùng sơn chuyên dụng có độ bóng và bám tốt, tỉ mỉ từng đường cọ. Sau hoàn thành từng hình ảnh, họ xịt thêm lớp sơn bóng để bảo vệ tranh khỏi tác động của mưa nắng, tránh bong tróc, hư hỏng.
Bạn có thể khám phá các địa danh nổi tiếng Huế qua tranh vẽ từ bức tường đầu tiên đến cuối. Chợ Đông Ba nằm trên đường Trần Hưng Đạo (TP Huế), là chợ thương mại lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, ra đời dưới thời vua Đồng Khánh (1887). Xưa chợ nằm gần cửa Đông Ba, sau đó vua Thành Thái cho di dời về vị trí như hiện nay.
Vẻ đẹp nên thơ, bình yên của những nóc nhà ven sông Hương được tái hiện qua nét vẽ giản dị. Những chiếc thuyền rồng, đò ngang... tạo vẻ thi vị cho khung cảnh. Nhiều du khách thích cảm giác ngắm cố đô, nghe ca Huế trên thuyền rồng.
Các họa sĩ vẽ khung cảnh đẹp của nhà hàng ba tầng hình đóa sen nằm trên dòng Hương, sát Trường Tiền. Đây là điểm đến hấp dẫn với nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh. Khối nhà có kết cấu thép, lấy cảm hứng từ hoa sen - biểu trưng cho sự thuần khiết, quý phái, có ý nghĩa văn hóa và biểu tượng thẩm mỹ.
Cảnh cây phượng vĩ đỏ rực vào hè, phía xa là cầu Trường Tiền khắc họa vẻ đẹp xứ Hế. Cầu có 6 nhịp và 12 vài kết với nhau thành 6 cặp. Công trình hoàn thành năm 1899 dưới thời vua Thành Thái, dài khoảng hơn 400 m tính từ hai mố, lòng cầu rộng 6 m.
Đứng từ cầu Dã Viên, du khách có thể ngắm nhìn Sông Hương, cầu Phú Xuân và tuyến đường gỗ lim - dài hơn 380 m, rộng 4 m được xây dựng ở bờ nam sông Hương từ tháng 2/2019, với tổng kinh phí 64 tỷ đồng.
Các họa sĩ vẽ tranh tường cũng tái hiện vẻ đẹp bia Quốc Học (còn gọi là Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, nằm ở đường Lê Lợi), bao quanh là cây xanh, sông nước. Công trình được xây dựng vào năm 1920, có giá trị kiến trúc nghệ thuật. Ngày nay, bia Quốc Học là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ, trong đó có các chương trình thuộc lễ hội Festival Huế.
Vẻ đẹp chùa Thiên Mụ qua nét vẽ trên tường. Công trình nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, khởi lập năm Tân Sửu (1601). Nổi bật nhất là tháp Phước Duyên với chiều cao 21 m, gồm 7 tầng, mỗi tầng tháp đều thờ tượng Phật. Hiện chùa lưu giữ những cổ vật vua chúa Nguyễn để lại như: tượng Phật bằng đồng, Hoành phi sơn son thiếp vàng, cỗ xe của "bồ tát" Thích Quảng Đức...
Quần thể di tích Văn Miếu tọa lạc ở đường Văn Thánh, được xây dựng năm 1808, dưới thời vua Gia Long. Trong tranh, du khách có thể nhận ra Linh Tinh Môn - nằm bên bờ sông Hương, dẫn từ bến sông lên Văn Miếu Môn.
Nhiều công trình mới cũng xuất hiện trên tường, trong đó có cầu Dã Viên nhìn từ hướng đường Bùi Thị Xuân, uốn lượn quanh dòng Hương. Cây cầu bắc qua cồn Dã Viên nằm ở đoạn trung lưu sông Hương, phía tây nam thành phố Huế.
Nhà hát Sông Hương - công trình vừa hoàn thành tháng 3 - nép mình sau những hàng cây xanh ngắt. Hướng đến mô hình nhà hát đa năng hiện đại, đẳng cấp, nơi đây không chỉ phục vụ các hoạt động của Học viện Âm nhạc Huế, mà còn đáp ứng các hoạt động nghệ thuật quy mô lớn lẫn hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước.
Thi Quân
Ảnh: Trân Ơi