Từng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2001, nhưng suốt nhiều năm nay, đình Yên Bồ (xã Vật Lại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) ngày càng hoang tàn, xuống cấp. Nếu không sớm được các cơ quan chức năng vào cuộc trùng tu, ngôi đình này có thể bị đổ sụp bất cứ lúc nào.
Ông Đỗ Văn Lễ - Chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Yên Bồ cho biết, đình Yên Bồ được xây dựng từ khoảng thế kỷ 17, thời Lê Trung Hưng. Đình thờ Tam vị Đức thánh Tản Viên, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 2001. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm được công nhận đến thời điểm hiện tại, ngôi đình cổ với nhiều giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo đã rơi vào tình cảnh xuống cấp trầm trọng.
Ngôi đình có niên đại khởi dựng vào khoảng cuối TK 18 đầu TK 19. Tuy có niên đại muộn hơn một số ngôi đình cổ ở huyện Ba Vì nhưng điều đáng quý là ngôi đình này vẫn còn giữ được hầu như nguyên bản.
Ngôi đình cổ kính vẫn còn nguyên mẫu dường, chưa có sự trùng tu, can thiệp lớn từ khi khởi dựng đến nay.
Đặc biệt giá trị là ngôi đình Yên Bồ còn giữ được rất nhiều chân cột bằng đá tảng tự nhiên, đây dường như là một đặc điểm đặc sắc riêng của hệ thống đình Ba Vì mà ta có thể thấy ở đình Quang Húc trước khi trùng tu, đình Cam Đà hiện nay...
Hệ thống tường, nền gạch cổ, vách, cửa gỗ bao che cũng không khá hơn tình trạng của hệ cột là mấy, có thể nhìn thấy đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
Một mảng chạm mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn bị rêu phong ăn mòn.
Đình Yên Bồ hiện trong cảnh xuống cấp nghiêm trọng
Theo ghi nhận thực tế của PV, toàn bộ phần mái ngói của đình đang có hiện tượng lún võng, xô lệch. Nghiêm trọng hơn, nhiều điểm xà, kèo, phía nam, phía bắc và phần mái trước… đã gãy nát, gây ra hiện tượng mái ngói bị sụt vỡ cục bộ. Ngoài hệ thống mái có hiện tượng đổ sụp, phần nền và toàn bộ cột chống đỡ đình đã bị mục ruỗng, mối mọt. Ông Chu Văn Bình – Phó Chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Yên Bồ chua xót: “Bên trong đình bị hư hại nhiều khiến cho đình chẳng khác nào một phế tích. Dễ thấy nhất là mùi ẩm mốc, kèo, cột gỗ bị mối xông và trở nên mục ruỗng. Nhiều cánh cửa sổ chúng tôi cũng phải chống đỡ bằng các cột tre, nứa để chống gãy rụng”.
Ông Chu Đình Chúc, người giữ chìa khóa đình Yên Bồ cho hay, đình luôn trong cảnh “cửa đóng then cài”, chỉ được mở cửa khi thật sự cần thiết bởi những mảng ngói luôn thường trực nguy cơ đổ sập, những cột kèo bị mối xông luôn tiềm ẩn nguy cơ gãy rụng. Dẫn chúng tôi đi đến các ngóc ngách trong ngôi đình, ông Chúc chỉ lên khoảng ngói vỡ sụt, giọng xót xa: “Hễ trời mưa sầm sập thì đình bị dột ướt hết cả, tôi cũng không dám ra đình vì sợ ngói đổ sập. Chúng tôi cấm trẻ nhỏ và người dân lai vãng quanh khu vực nhưng về lâu dài nếu đình không được tu sửa thì sẽ rất nguy hiểm”.
Theo tìm hiểu, suốt hơn 10 năm nay, đình Yên Bồ xuống cấp khiến việc hội họp, sinh hoạt của người dân trong khu vực gặp nhiều hạn chế. Dễ thấy nhất là vào ngày hội mùng 10/8 âm lịch vừa qua, những sinh hoạt tế lễ, tín ngưỡng của người dân thay vì tiến hành trong đình thì đã được dời ra khoảng sân phía bên ngoài. “Hơn 10 năm nay, dân làng không dám hội họp ở đây. Vừa rồi là ngày mùng 10/8 âm lịch, là ngày việc đình nhưng chúng tôi chỉ dám tổ chức ở sân, cấm người dân vào đình. Đây là biện pháp đảm bảo an toàn bởi nhỡ ngói rơi xuống đầu hay xà, cột gãy đổ xuống thì hậu quả khó mà lường hết được” – ông Đỗ Văn Lễ chia sẻ.
Cần sớm được tu bổ
Trước thực trạng Di tích đình Yên Bồ xuống cấp hư hỏng nặng, người dân địa phương đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để tìm phương án cứu chữa nhưng đến nay việc tu sửa vẫn chưa thấy triển khai.
“Hơn 10 năm nay, dân làng không dám hội họp ở đây. Vừa rồi là ngày mùng 10/8 âm lịch, là ngày việc đình nhưng chúng tôi chỉ dám tổ chức ở sân, cấm người dân vào đình. Đây là biện pháp đảm bảo an toàn bởi nhỡ ngói rơi xuống đầu hay xà, cột gãy đổ xuống thì hậu quả khó mà lường hết được” – ông Đỗ Văn Lễ chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Thế Tiến – Trưởng ban Văn hóa xã Vật Lại cho biết: “Đây là di tích được xếp hạng, chúng tôi đã đề nghị lên cấp huyện và thành phố. Nhiều đoàn khảo sát cũng đã về đây làm việc và đã có kế hoạch tu bổ. Trong khi chờ đợi, xã và nhân dân địa phương cũng đã tiến hành nhiều biện pháp gia cố, chống đỡ tạm thời với di tích này”.
Cũng theo ông Tiến, do được xây dựng từ khoảng thế kỷ 17 nên đình Yên Bồ là một trong số ít nơi còn lưu giữ nhiều giá trị kiến trúc, văn hóa độc đáo ở khoảng thời gian này. Hiện đình có 11 sắc phong của các triều vua Lê, Nguyễn. Việc lưu giữ những đặc trưng kiến trúc nguyên bản như: Chân cột bằng đá tảng tự nhiên, hoa văn chạm khắc tứ linh… cũng được chú trọng gìn giữ, ít sửa chữa thay đổi.
Trước sự xuống cấp của đình Yên Bồ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra công văn số 2709/SVHTTDL-QLDT, ngày 7/9/2015 gửi UBND huyện Ba Vì, chỉ rõ: Theo quyết định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2015 thì việc tu bổ đình Yên Bồ thuộc quyền quản lý và nhiệm vụ chi của ngân sách huyện Ba Vì.
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Văn hóa xã Vật Lại, ở cấp địa phương như xã và huyện, vấn đề huy động vốn đối ứng để trùng tu di tích hiện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh hơn 70% sinh kế của cư dân khu vực xã Vật Lại dựa vào nông nghiệp thì huy động vốn xã hội hóa là rất rất khó.
Liên quan đến vấn đề này, UBND huyện Ba Vì cũng đã có công văn số 56/UBND-VHTT ngày 15/1/2016 đến UBND xã Vật Lại. Công văn này nêu rõ, hiện di tích đình Yên Bồ hiện đã nằm trong kế hoạch đầu tư tu sửa trung hạn 2016 – 2020 của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, ngân sách của huyện hạn hẹp, kinh phí đầu tư tu bổ vẫn chưa thể bố trí ngay được.
Rõ ràng, trước sự xuống cấp của đình Yên Bồ, các cấp địa phương và ban ngành liên quan đã có sự ghi nhận và vào cuộc khá tích cực. Tuy nhiên, nút mắc lớn nhất mà công tác trùng tu di tích đang “vướng” khiến chưa thể tiến hành ngay là do nguồn vốn địa phương huy động hết sức khó khăn.
Trong khi chờ đợi các ban ngành liên quan có giải pháp cụ thể để “gỡ khó” thì hàng trăm hộ dân thôn Yên Bồ vẫn hàng ngày nơm nớp lo di tích bị đổ sụp. “Nguyện vọng của 560 hộ dân thôn Yên Bồ chúng tôi là tha thiết mong các cấp, ngành sớm bố trí tu bổ đình. Đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa suốt hàng trăm năm, không thể để bị đổ sập được. Nếu không tu bổ nhanh đình có thể sập bất cứ lúc nào bởi hệ thống cột kèo giờ đã rỗng toàn bộ, khó chống đỡ lâu hơn được” - ông Đỗ Văn Lễ đề đạt nguyện vọng.
Đinh Luyện – Phạm Thảo