Tháp Bình Sơn (Tháp Then, Tháp chùa Then, Tháp chùa Vĩnh Khánh) thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; là một kiến trúc Phật giáo mang dấu ấn của một giai đoạn khá dài (khoảng từ thế kỷ XIV tới XVI).
Tháp Bình Sơn - Chùa Vĩnh Khánh toạ lạc trên một gò đất cao
và rộng rãi, diện tích khu vực khoanh vùng bảo vệ là 17.200m2, bao gồm: Tháp
Bình Sơn, tòa Tam bảo cũ, Tam bảo mới, giếng mực, nhà khách, hồ sen, cổng, các
công trình phụ trợ.
Tháp Bình Sơn, còn gọi là Tháp chùa Vĩnh Khánh hay Tháp
Then, là một ngôi tháp cổ, tương truyền nguyên thủy có 13 tầng tuy hiện nay chỉ
còn lại 11 tầng. Tháp được xây dựng từ thời Trần, nằm ở trong khuôn viên chùa
Vĩnh Khánh (chùa Then) thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn huyện Sông Lô, tỉnh
Vĩnh Phúc.
Là ngọn tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý - Trần
ở Việt Nam và là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay,
tháp Bình Sơn với hình khối thanh thoát, đường nét mềm mại, trang trí phong phú
điêu luyện, là di tích lịch sử và di tích nghệ thuật có giá trị cao trên lãnh
thổ Việt Nam. Tháp Bình Sơn đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt còn lại
cuối cùng từ thời Lý- Trần vào tháng 3/2016.
1. Tháp Bình Sơn
Đặc điểm kiến trúc
Tháp Bình Sơn tương truyền có 13 tầng, theo các cụ cao niên
địa phương kể lại thì trên nóc tháp còn có một hình khối búp hoa sen chưa nở bằng
đất nung tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát vươn cao. Tháp hiện chỉ còn 11 tầng
tháp và 1 tầng bệ vì phần chóp của tháp đã bị vỡ, có chiều cao đo được 16,5
mét.
Tháp cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về phía ngọn với
cạnh của tầng dưới cùng là 4,45 mét, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55 mét. Toàn bộ
phần còn lại của tháp, căn cứ vào thống kê phân loại trong tiến trình tháo dỡ
phục dựng, cho thấy tháp được xây dựng bằng 13.200 viên gạch nung, gồm hai loại
trong đó có một loại hình vuông kích thước là 0,22m × 0,22m, một loại hình chữ
nhật kích thước 0,45m × 0,22m.
Trong lòng tháp là một khoảng rỗng nhỏ chạy suốt chân tháp
lên đến ngọn. Thân của tháp Bình Sơn được cấu trúc bằng hai lớp gạch: gạch khẩu
chịu lực có nhiều kích cỡ để trơn được sử dụng xây bệ, xây bên trong tháp và giật
cấp làm mái phân tầng. Phần lớn các viên gạch khẩu được cấu trúc có mộng chốt,
tạo dáng khớp nhau theo từng lớp, từng tầng rồi mới nung rắn chắc để xây, bảo đảm
liên kết chặt và khả năng chịu lực lớn.
Bên ngoài, xung quanh tháp được ốp một lớp gạch vuông, mỗi cạnh
dài 0,46m, phủ kín thân tháp. Mặt ngoài của gạch ốp này đều có trang trí hoa
văn rất phong phú. Những kiểu cách họa tiết phong phú tùy theo vị trí mỗi tầng
mà thiết kế đồ án trang trí từng mặt tháp, tạo dáng từng viên gạch hoa văn hoàn
chỉnh rồi mới đánh dấu gạch theo vị trí trước khi đem nung. Các nghệ nhân khi
xây dựng tháp đã dựa vào tầm nhìn của người chiêm ngưỡng mà trang trí hoa văn
tinh xảo, tỉ mỉ hay đơn giản.
Đẹp nhất là từ bệ tháp đến hết tầng 2, có chiều cao dưới 6
mét, là khoảng cách mắt thường có thể cảm nhận dễ dàng. Ở hai tầng này có họa
tiết trang trí kỹ lưỡng, phức tạp mà nổi bật nhất là những hàng hoa cúc, cánh
sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi, cùng mô típ "sư tử hí cầu"
v.v. Những tầng trên trang trí thưa dần và hình dáng cũng đơn giản hơn như hoa
chanh, lá sòi (hoa dấu phảy) v.v. Các viên gạch trang trí đều có chân và sau
khi xếp vào vị trí cố định thì liên kết thành một khối.
Từ tầng thứ ba trở lên, trang trí vẫn còn, nhưng càng lên
cao, chiều ngang mặt tháp càng bị thu hẹp, thì trang trí cũng giảm dần. Về chất
liệu, tháp Bình Sơn được xây dựng bằng ba loại gạch:
- Loại thứ nhất là “gạch khẩu”: có nhiều cỡ, hình chữ nhật,
để trơn, dầy mỏng không nhất loạt như nhau. Những gạch này thường được dùng để
xây chân bệ, “gờ chỉ” lộ ra ngoài, hoặc được chèn lên mấu các viên gạch ốp ở
phía trong.
- Loại gạch thứ hai hình hộp, có trang trí, thường được dùng
ở chân bệ và các đường diềm, mặt lộ ra ngoài lớn hơn mặt “gạch khẩu”. Loại gạch
này được chế tác công phu, rõ ràng có gia công trong nhiều khâu.
- Loại thứ ba cũng là gạch trang trí, nhưng có phần khác loại
thứ hai về hình dáng cũng như công dụng. Loại này thường được dùng để xây dựng
các tầng tháp cao.
2. Toà Tam bảo cũ: được đại trùng tu năm 1976 lùi lại 20m so
với vị trí cũ, dạng chữ Đinh, có diện tích 131,5 m2, bao gồm Tiền đường 5 gian
(kích thước 7,55m x 13,12m), Hậu cung 3
gian (5,74m x 7,6m). Đặc biệt công trình có 2 cột đồng trụ phía trước, đua ra
6m, tạo như tay ngai. Nền lát gạch đỏ kích thước 250 x 250cm, cao so với sân
0,32m, đến chân tầu mái cao 1,87m, đến đáy thượng lương tiền đường cao 4,62m và
đến đáy thượng lương hậu cung cao 4,53m. Hệ thống tượng thờ tại đây chủ yếu được
làm bằng đất phủ sơn, niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một vài tượng có
niên đại thế kỷ XX.
3. Tam bảo mới: được xây dựng năm 2012, trên nền nhà tam bảo
cũ, hình thức kiến trúc mang phong cách thiền viện. Mặt bằng hình chữ nhật kích
thước 13,85m x 22,85m, không gian lớn và trống trải. Kết cấu công trình toàn bộ
bằng bê tông cốt thép. Mái được làm thành nhiều lớp chia công trình thành dạng
chồng diêm, mái dán ngói ống.
4. Giếng Mực: tương truyền vị trí này xưa kia là đế của một
ngôi tháp cổ màu xanh, khi tháp cổ này biến mất để lại một hố sâu hình giếng
tròn. Trải qua biến cố của thời gian, hiện nay giếng đã bị biến dạng, không
tròn như xưa.
5. Nhà khách: mới được xây dựng năm 2012, diện tích 283,5m2
có mặt bằng chữ nhất, kiến trúc đao mái, phù hợp với kiến trúc cổ truyền thống.
6. Hồ sen: nằm ở vườn trước tháp Bình Sơn, hiện đang trồng
sen, nhưng chưa kè bờ nên bị sạt lở nghiêm trọng.
7. Cổng vào khu di tích:
gồm 4 cột trụ xây gạch, gắn 2 cánh cổng sắt ở lối chính giữa, hai lối
bên rào tạm bằng cây, tre mang tính chất là cổng bảo vệ.
8. Một số trang trí của
Tháp Bình Sơn
Sư tử hý cầu: một trong những đồ án gây thắc mắc cho các nhà
nghiên cứu là "sư tử hý cầu”, vì nó khác xa những con "sấu đớp ngọc"
đội toà sen ở các bệ Phật thời Lý. Đồ án này phổ biến từ thế kỷ XVII và càng về
sau nó càng đa dạng.
Rồng: có sừng, uốn trong “ổ”, đầu quay vào giữa vòng tròn,
thân không cuộn khúc mà lượn thành hình sin, do đó không "thắt túi",
chân đạp ra ngoài, hoặc vắt qua thân để đạp ra ngoài, sống lưng hình “răng cưa”
một chân trước đưa lên nắm "tóc"...
Một số chi tiết vừa nêu phảng phất bóng dáng những con rồng cuối Trần,
nhưng các chi tiết khác lại không cho phép quy con rồng trên tháp Bình Sơn vào
một kiểu thức nhất định nào cả. Điều quan trọng hơn là rồng Bình Sơn thường đưa
chân trước lên nắm tóc, trong một tư thế ngộ nghĩnh, rất nghịch ngợm, do đó khá
"dân gian": trong trường hợp này, nó đã mang phong cách của mô - típ
rồng vuốt râu thời hậu Lê. Qua so sánh kiểu thức, chưa có lý do gì để xếp Rồng
Bình Sơn vào cùng một thời với những con rồng tiêu biểu mà chúng ta đã biết chắc
chắn là ra đời dưới triều Trần.
Lá đề: là một loại hình tương đối phổ biến, với những hoạ tiết
hàm nhiều ý nghĩa. "Lá đề” Bình Sơn thuộc nhiều kiểu thức, nhưng kiểu nào
cũng đơn giản, không thực trau chuốt như "lá đề" thời Lý. Trong một số
trường hợp, các hình là những bông hoa nhỏ, hoạt và mềm mại, mang tinh thần
trang trí kế thừa từ gốm Lý. Nhưng khá nhiều "lá đề" lại được trang
trí bằng "sừng nhọn" và "u tròn" là những họa tiết đáng lưu
ý. Trên thực địa, chúng ta đã gặp khá nhiều "sừng nhọn" và "u
tròn" trang trí cho những di tích và di vật có niên đại khá chính xác, ví
như Chùa Ngo (thế kỷ XVI) và chùa Bút Tháp có niên đại cụ thể (1647).
Hoa cúc dây: đã có từ thời Lý dưới dạng uốn thành khung
tròn, lòng khung chứa gọn các đồ án trang trí khác. Thời Trần kế thừa bố cục ô
tròn đó. Ở Bình Sơn, mô - típ này đã bị ước lược đi: đường sống chính của “cúc
dây" chỉ là một hình "sin" lượn nhẹ, và hình hoạ cũng không còn
nữa. Nó không khác mấy so với "cúc dây” trên các bia thế kỷ XVI ở Văn Miếu
(Hà Nội) và "cúc đây" trên bia chùa Bút Tháp (thế kỷ XVII).
Đấu ba chạc (con sơn): một điểm đáng quan tâm là đấu này đã
thấy xuất hiện từ thời Lý (Tháp Chương Sơn, Nam Định) chúng càng phổ biến hơn ở
dưới thời Mạc (Đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội).
Tháp Bình Sơn có nhiều nét độc đáo cả về kiến
trúc nghệ thuật, mỹ thuật, kỹ thuật xây dựng. Tháp Bình Sơn không
những có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, mà còn có giá trị mỹ
thuật cao được gọi là “Hòn ngọc báu của kho tàng dân tộc”, trên các hòn
gạch có rất nhiều loại hoa văn trang trí, chỗ hình tròn, chỗ lượn
vòng tròn, chỗ sâu, nông, chỗ đậm… chứng tỏ bàn tay người thợ vô
cùng điêu luyện. Tháp Bình Sơn là một công trình có kiến trúc độc
đáo, theo đánh giá của người Pháp đây là một cây tháp đẹp nhất xứ
Bắc Kỳ.
Truyền thuyết
Có nhiều truyền thuyết liên quan đến tháp Bình Sơn, cho thấy
vị trí đặc biệt của tháp trong văn hóa tâm linh và ý thức cộng đồng của người
dân bản địa. Tất cả những truyền thuyết này đều lưu truyền trong dân gian, như
truyền thuyết về xuất xứ cây tháp, vốn là một tháp lớn dựng trong vườn tháp ở
giữa cánh đồng Nẫu xã Tứ Yên, Lập Thạch, sau một đêm mưa bão thì nhảy về vị trí
hiện nay; truyền thuyết về chiếc giếng bên cạnh tháp với con vịt bằng vàng, là
dấu tích nền móng một cây tháp khác có màu xanh bên tháp Bình Sơn, đã bay lên
trời; truyền thuyết về ông Ngụy Đồ Chiêm thủ lĩnh địa phương, con một người đàn
bà bán quán nước chân tháp, đã ôm kiếm chạy vào cây tháp rồi biến mất khi bị
quân triều đình đến đánh dẹp v.v.
Phục dựng di tích lịch sử-văn hóa
Sau những trận lụt liên miên trước thập niên 1960, Tháp Bình
Sơn có nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn khi bị nước lũ cuốn lở mảnh chân đế phía bắc
và phía tây, chỏm tháp bị vỡ một mái. Năm 1969 nước ngập chân móng đến 60 cm buộc
Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Phú phải dựng một khung sắt và dùng vành đai
thép đề ghì chống cho tháp. Nhu cầu phục dựng tháp cấp thiết được đặt ra trong
bối cảnh những năm chiến tranh lúc miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn quyết liệt.
Tháng 5, 1972 dưới sự chỉ đạo của Sở văn hóa, xưởng phục chế
tháp Bình Sơn được lập tại thị trấn Hương Canh, là sự hợp tác của những tổ chức
như Xưởng phục chế di tích của Bộ Văn hóa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp
Trung ương, Hợp tác xã cao cấp ốm sành Hương Canh, Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh
Phú, cùng nhiều kỹ thuật viên, các chuyên viên về sành gốm, các nghệ nhân, cán
bộ chụp ảnh, cán bộ đồ họa và in thạch cao nhằm đảm bảo tháp được dựng đúng từng
chi tiết, đảm bảo phục chế đúng nguyên tác.
Nhân lực và biện pháp thực hiện đều làm theo lối thủ công với
từng hòn gạch được tháo dỡ, đánh dấu từng cạnh, từng mặt, từng tầng theo các hướng,
đổ khuôn thạch cao rồi xếp vào từng gian nhà theo đúng thứ tự đã ghi chép, chụp
ảnh từ trước.
Các kỹ thuật viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp dựng
lại hình những viên gạch bằng thạch cao lành lặn và các nghệ nhân Hương Canh chỉ
việc theo mẫu những viên thạch cao, làm thành những viên gạch nung có mộng mang
cá, có họa tiết đúng như bản gốc và phiên bản.
Việc phục chế từng viên gạch với kích thước, đường nét hoàn
toàn khác nhau, đòi hỏi người tạo tác phải tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn nại. Người ta
dùng đất đỏ lấy ở gò Vườn Sui để chống co ngót, dùng đất sét xanh ở Đầm Mát để
có sự kết dính và mịn mặt, dùng đất Móng Trâu ở Quất Lưu làm nguyên liệu chính,
tạo thành một hợp chất chế tác gạch hoa văn của thế kỷ 13, bổ sung cho những phần
bị vỡ nát của tháp Bình Sơn.
Công nhân phải làm tới 100 viên gạch phơi mới có một viên
đúng mẫu và sau khi nung hầu như cứ 48 viên mẫu mới được một viên gạch đạt quy
cách. Việc làm gạch để thay thế và bổ sung những chỗ bị vỡ trên tháp bị khuyết,
bị lũ quét, phải kéo dài đến hai năm. Khi lắp lại tháp, người ta phải căn cứ
vào khuôn in thạch cao, đồ họa và ảnh chụp ban đầu, theo số mục đánh dấu trên từng
viên gạch và thứ tự của từng kho dựng gạch.
Hiện nay, Lễ hội tại Khu di tích Tháp Bình Sơn - Chùa Vĩnh
Khánh được địa phương tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, gọi là “Lễ hội
chùa tháp”, bao gồm những nghi thức: rước kiệu, lễ cầu nguyện cho mưa thuận gió
hòa, quốc thái dân an và những chương trình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao,
trò chơi dân gian (cờ tướng, cờ người, chọi gà...)
Với giá trị tiêu biểu, di tích di tích kiến trúc nghệ thuật
Tháp Bình Sơn (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng
là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015
)./.
Khắc Đoài
Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa