Chùa Bối Khê là ngôi chùa cổ làm bằng gỗ nằm trong nhóm những ngôi chùa đẹp nhất miền Bắc. Chùa thờ đức Thánh Bối tức vị tướng công Nguyễn Đình An đã có công đánh bại quân xâm lược phường Bắc.
Chùa tọa lạc tại thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội được lập năm 1338 dưới thời vua Trần Hiến Tông. Chùa Bối Khê được trùng tu và mở rộng trong 8 đợt dưới các triều Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Kiến trúc hiện nay chủ yếu giữ lại dáng dấp từ lần trùng tu vào cuối thế kỷ 18.
Bên trong bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu thánh”. Tòa thượng điện nhô cao có kết cấu chồng rường. Chùa xây theo kiểu nội công ngoại quốc.
Tòa tiền đường rộng 5 gian 2 chái, hàng hiên tựa trên những cột đá xanh có chạm nhiều câu đối ca ngợi cảnh chùa. Kiến trúc chùa Bối Khê có tiền đường, hành lang tả hữu, nhà tam bảo đều bằng gỗ dựng theo hình chữ quốc. Hậu đường được kết nối với điện thờ Thánh có hình chữ công. Toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hai bên theo một trục chính.
Đặc biệt, chùa Bối Khê còn lưu giữ được kiến trúc độc đáo, những hoạ tiết về kiến trúc gỗ 4 vị chim thần.
Trên sân chùa Bối Khê, ở trước tiền đường có đặt một sập đá lớn với những họa tiết mang nét đặc trưng của nghệ thuật thời Mạc. Những viên gạch trang trí ở thềm tiền đường thuộc loại gạch mộc đất nung, trên mặt có khắc nhiều hình linh vật và cũng được cho là của nghệ thuật thời Mạc. Thậm chí còn có cả dấu tích thời Trần ở các mảng chạm khắc gỗ như đầu bẩy chạm rồng ở hàng hiên tiền đường.
Sập đá lớn trên sân chùa.
Những viên gạch trang trí ở thềm tiền đường chạm khắc nhiều hình linh vật và cũng được cho là của nghệ thuật thời Mạc.
Tòa hậu điện thờ Đức Thánh Bối, người thời Trần đã đắc đạo được cho là có phép thần thông.
Hai bên tòa thượng điện còn có hai dãy hành lang bao bọc với những pho tượng sống động. Nơi đây còn giữ được 52 pho tượng Phật giáo, đáng chú ý là các tượng Hộ pháp, Thập điện Diêm vương, Cửu Long, Tam thế Phật, v.v.. Trong số đó, bức tượng Quan Âm Bồ tát với 12 tay được đánh giá là đẹp nhất.
Tòa tam bảo còn gọi là Thượng điện, thờ Phật, Pháp, Tăng, cấu tạo theo 4 hàng cột, mỗi hàng 4 chiếc, riêng thềm điện có 6 cột đỡ mái, chia thành 7 gian. Hai vì kèo giữa mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần.
Gác chuông trên của Tam quan, nơi đây đặt 2 quả chuông lớn, đường kính 60 cm, cao 1 m được đúc và treo ở tầng trên cổng tam quan năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).
Cổng chùa có 5 cửa (Ngũ môn), phía trên cửa chính có dòng chữ Đại Bi Tự. Qua cổng chùa thấy ngay chiếc cầu gạch vắt qua hào nước hẹp, dấu tích của dòng sông Đỗ Động. Rẽ trái là con đường dẫn tới từ đường trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474), cách chùa 30m. Đi qua cầu là tam quan cao hai tầng, tám mái.
Một góc nhìn khác của Ngũ môn bên dấu tích dòng sông cổ Đỗ Động.
Giữa Ngũ môn và Tam quan là con đường làng Bối Khê. Bên tả tiền đường có nhà bia với tấm bia đá được khắc từ thời Trần để ghi lại công đức của Đức thánh Bối. Hàng năm chùa mở hội vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, trong dịp đó sau lễ rước ngai Đức thánh Bối là nghi thức cầu mưa, có lẽ là một trong những tập tục cổ xưa nhất của cư dân trồng lúa nước mà nay vẫn lưu truyền.
Chùa tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 5.000 m2 ở ngay đầu làng. Trước cổng ngũ môn nhìn về hướng tây là cây đa cổ thụ và 5 ngôi tháp mộ của các vị trụ trì đã mất.
Hữu Nghị