Đầu tháng 3 năm 2011, một tin vui mới đến với di sản văn hoá tỉnh Bắc Giang, đình Mỹ Hoà hay còn gọi là đình Đảng thuộc huyện Lạng Giang được công nhận di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia.
Di tích tọa lạc trên một khu rộng rãi và thoáng đãng, vị thế
đẹp, đình xây mặt cùng nhìn ra hướng Đông Nam. Căn cứ vào tấm bia “Hậu thần bi
ký” được tạo vào năm Bảo Thái thứ 6 (năm 1725) có nói về việc trùng tu, tu sửa
đình, được biết ngôi đình Mỹ Hoà được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ
XVII).
Đình Mỹ Hòa mang dáng dấp cổ kính. Ảnh: Quang Ngọc
Mỹ thuật trang trí trên bộ khung chịu lực của đình đã phản
ánh rõ phong cách nghệ thuật của thời kỳ này. Trải qua thời gian khắc nghiệt,
nhân dân địa phương vẫn bảo lưu được khá hoàn chỉnh bộ khung chịu lực và dáng vẻ
uy nghi cổ kính của ngôi đình, ngôi đình tồn tại như một minh chứng cho một thời
kỳ phát triển rực rỡ của nghệ thuật chạm khắc dân gian, thuộc giai đoạn cuối thế
kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.
Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật và bộ khung kiến
trúc có giá trị nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu như: trang trí trên đầu dư, trên
hệ thống kẻ bẩy, trang trí trên các bức cốn mê, trang trí kiến trúc trong những
đồ thờ tự (bộ kiệu bát cống, bát hương gốm, bài vị, bia đá thời Lê Trung Hưng -
thế kỷ XVIII)… Đây là những tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa và
giá trị kiến trúc - nghệ thuật.
Đình Mỹ Hoà là một trong không nhiều ngôi đình cổ kính, hiện
còn lưu lại được nét kiến trúc cổ truyền trên đất Lạng Giang nói riêng và của tỉnh
Bắc Giang nói chung.
Đình Mỹ Hoà ở đầu thôn Đảng, xã Nghĩa Hoà, xung quanh đình
là những cây xanh tán lá xum xuê, quanh năm xanh mát, tạo không gian, cảnh quan
thoáng đãng cho ngôi đình.
Tổng thể ngôi đình gồm: sân đình và tòa đại đình. Đình Mỹ
Hoà có bình đồ kiến trúc hình chữ nhất. Đình không có hậu cung nên tòa đại đình
cũng là nơi đặt thờ chính của đình.
Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đình Mỹ Hoà rất phong phú và đặc sắc,
có dấu ấn tham gia xây dựng của nhiều hiệp thợ. Điều cuốn hút nhất ở đình Mỹ
Hoà là phần trang trí trên các bộ phận kiến trúc, như đầu dư, đầu bảy, các bức
cốn…đều được chạm khắc nhiều đồ án khác nhau.
Kỹ thuật chạm khắc ở đình Mỹ Hòa tinh tế. Ảnh: Quang Ngọc
Kỹ thuật chạm khắc chủ yếu là chạm nổi, chạm bong kênh, các
đề tài tứ linh, tứ quý, hoa văn vân mây, hoa lá, sóng nước, với các biến thể của
con rồng, nghê, phượng, mặt hổ phù, long hóa, ly hóa, vân mây, đao mác...mang
phong cách dân gian rất tinh tế. Nghệ
thuật điêu khắc tinh tế nhất ở đình Mỹ Hoà được thể hiện ở bốn vì chính tại các
bộ phận cốn, đầu dư và đầu bẩy…
Vì thứ nhất ở bên phải đình, theo hướng nhìn ra cửa đình.
Điêu khắc khá tinh tế trên trụ giá chiêng, kẻ moi, bức cốn…tạo thành một thể khối
khá vững chắc. Đầu kẻ moi được chạm khắc thành hai hình đầu rồng. Rồng được
trang trí có vẩy thân, vây bụng, thân rồng để trơn, phần bụng tạo các vẩy
ngang.
Rồng ở kẻ moi tạo hơi uốn mình, nghếch đầu lên để đỡ đòn
móc, đầu rồng không tạo mắt, mũi mà chỉ tạo cách điệu một số vẩn mây tạo thành
bờm rồng trông thanh thoát, nhẹ nhàng. Con rồng được thể hiện ở đình Mỹ Hoà được
trang trí ở nhiều tư thế và ở nhiều đề tài khác nhau.
Hình tượng rồng được tạo rất to khoẻ, vững trãi, rõ ràng,
tinh tế. Tiếp theo là hình phượng ở bức cuốn phía trước ở gian giữa toà đại
đình, được chạm khắc trong tư thế nghoảnh đầu hướng ra cửa, tung hai cánh đỡ lấy
hoành. Đề tài hình rùa được tạo ra từ bức cuốn thứ hai phía trên hình rùa và
phía dưới hình rùa là hai con lân chầu ngộ nghĩnh…Ngoài các hình tượng linh vật, các nghệ nhân còn chạm khắc các đề
tài cỏ cây, hoa lá, được tạo lúc ẩn, lúc hiện trong mây cách điệu, cánh hoa cúc
được tạo trông rất lung linh, huyền ảo.
Đề tài điêu khắc ở vì thứ hai và vì thứ ba được tạo cơ bản
giống nhau, là các mảng trang trí khá tinh xảo, gồm các hoạ tiết vân mây trông
khoáng đạt. Các đấu kê nhô ra, được tạo hình những cánh hoa rất sống động. Phần
điêu khắc độc đáo ở vì thứ hai và vì thứ ba được thể hiện ở chạm lộng các đầu
dư với chủ đề là các con vật linh, gồm: long, ly và hình ngựa.
Trang trí ở kẻ cũng được thể hiện tinh tế gồm nhiều đề tài
hình hoa lá, vân xoắn, mây lửa, lưỡi mác rõ nét…Điểm nổi bật nhất được chạm tại
phần kẻ của vì thứ ba được chạm khắc, với các đề tài hình tứ linh: long, ly,
quy, phượng, đang quấn quýt, vui đùa trên một mảnh trang trí đẹp, trong những
đường chạm uyển chuyển, mượt mà… Tất cả các mảng điêu khắc, trang trí được thể
hiện ở đình Mỹ Hoà thể hiện trình độ tay nghề thẩm mỹ và sự sáng tạo của các hiệp
thợ xây dựng đạt trình độ cao đã xây dựng nên một ngôi đình với quy mô kiến
trúc - nghệ thuật có giá trị mỹ thuật cao, các mảng điêu khắc rất tinh xảo…
Nhìn chung, các đề tài trang trí, chạm khắc ở đình Mỹ Hoà gồm
đề tài tứ linh, tứ quý, các mảng chạm khắc, đều được làm rất tỉ mỉ. Đề tài tứ
linh, tứ quý được thể hiện ở nhiều tư thế khác nhau, rất sinh động.
Tất cả các đề tài trang trí và bộ khung chịu lực, cùng phong
cách tạo dựng ở đình Mỹ Hoà vừa thống nhất vừa phong phú đa dạng, phản ánh những
nét chung nhất của nghệ thuật chạm khắc kiến trúc thuộc thời Lê Trung Hưng (thế
kỷ XVII), mang đậm lối nghệ thuật dân gian: hồn nhiên và phóng khoáng.
Đình Mỹ Hoà là trung
tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân
địa phương từ xưa tới nay. Lễ hội hàng năm tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng (âm
lịch). Ngoài ngày lễ hội chính nhân dân còn tổ chức lễ tế chính vào ngày 20
tháng 8 (âm lịch) ngày đình vào đám. Với những giá trị tiêu biểu, đình Mỹ Hòa
đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Kiến trúc - Nghệ
thuật cấp Quốc gia, theo Quyết định số 312/QĐ - BVHTT&DL, ngày 26 tháng 01
năm 2011.