Càng
gần Festival Nghề truyền thống Huế 2017, không khí ở làng nghề gốm
Phước Tích càng rộn rã. Hai du khách nước người là Sophia và Jerrome đến
từ Công hòa Pháp vui vẻ bên những sản phẩm vừa làm được tại đây. Tuy
còn vụng về trong thao tác, sản phẩm chưa đẹp nhưng đối với họ là những
trải nghiệm rất thú vị trong tour du lịch "Hương xưa làng cổ" về với
Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Làng
Phước Tích là ngôi làng cổ thứ hai được xếp hạng di tích quốc gia sau
làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Phước Tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết
định số 832/QĐ-BVHTTDL ngày 3/3/2009. Ông Nguyễn Thế, Hội Khoa học Lịch
sử Thừa Thiên - Huế cho biết: Sách Ô Châu cận lục viết vào năm 1553 đã
từng ghi nhận “Đồ gốm ở làng Dõng Cảm, Dõng Quyết huyện Kim Trà lợi cũng
chẳng nhỏ". Từ khi thành lập (1470) làng mang tên Dõng Quyết; sau đó
đổi tên là Phước Giang rồi Hoàng Giang; đến thời Nguyễn, đổi tên thành
Phước Tích cho đến ngày nay.
Hơn
500 năm tồn tại và phát triển, Phước Tích vẫn giữ được những giá trị di
sản văn hóa của một làng quê nổi tiếng với nghề làm gốm. Đặc biệt là
quần thể di tích nghệ thuật kiến trúc dân gian độc đáo với 36 ngôi nhà
rường cổ còn khá nguyên vẹn, gồm 12 ngôi nhà thờ họ, phái; 24 nhà ở của
dân. Tất cả những ngôi nhà rường này đều trên 100 năm tuổi và đều được
chạm khắc những họa tiết, hoa văn tinh xảo. Nhà nào cũng có vườn rộng
nối liền nhau bởi những hàng rào bằng cây chè tàu bao quanh. Bên cạnh đó
là hệ thống các di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu, nhà
thờ của các họ tộc; các di tích của nền văn hoá Champa; những cây cổ thụ
có tuổi thọ hàng trăm năm...Gần đây nhất, ngày 5/6/2015, Hội Bảo vệ
Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao bằng công nhận cây Di sản Việt
Nam cho cây thị trên 500 năm tuổi ở làng cổ Phước Tích.
Cây
thị có chu vi 6m, chiều cao 25m cùng với hệ thống cây cổ thụ trong làng
đã tạo nên nét cổ kính riêng cho Phước Tích. Cây thị có vị trí quan
trọng đối với đời sống cộng đồng, ngoài giá trị sinh học nó còn góp phần
tạo nên giá trị mỹ quan và văn hóa của ngôi làng di sản. Cây thị gắn bó
sâu sắc với con người, tạo nên nét đẹp hài hòa về cảnh quan, giữ gìn
môi trường sinh thái. Cây thị còn là chứng tích lịch sử, là một nét tiêu
biểu trong đời sống văn hóa tâm linh người dân Phước Tích. Phước Tích
nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề làm gốm. Gốm ở Phước Tích có độ bền và
tinh xảo do làm thủ công bằng tay và đun bằng củi trong các lò sấp, lò
ngửa. Thời kỳ hưng thịnh, gốm Phước Tích còn chọn "om ngự" để tiến vua:
"Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân". Nghề gốm
ở đây đã nuôi sống bao thế hệ con cháu làng Phước Tích.
Theo
nhận xét của Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cấu trúc và tổ chức không gian
làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi
thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ. Đó là cấu trúc mở với những
căn nhà trong vườn, nhà vườn. Ở Phước Tích, quỹ kiến trúc cổ và cũ song
cảnh quan và vườn được bao quanh thì lại rất trẻ và tràn đầy sức sống.
Một nét độc đáo khác nữa trong kiến trúc nhà vườn ở Phước Tích là gia
đình nào cũng có một bể chứa nước trong sân và hai chiếc gầu múc nước
dựng gần đấy do ngày xưa nhà nào cũng có lò nung gốm, nhà rường thời
trước lợp mái lá nên hay xảy ra hỏa hoạn. Công dụng của bể nước và gầu
dùng để phòng khi có hỏa hoạn chủ nhà có thể tự chữa cháy.
Được
tổ chức lần đầu tiên vào năm 2006, qua nhiều kỳ Festival, tour du lịch
"Hương xưa làng cổ" là điểm đến thú vị, không thể bỏ qua cho du khách
mỗi lần đến Huế. Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017, bên cạnh sứ
dân dụng, Phước Tích lại có thêm những sản phẩm sứ ứng dụng, trang trí.
Ông Lương Thanh Hiền, chủ xưởng gốm Phước Tích mong muốn, ngoài việc làm
"sống lại" nghề gốm, địa phương cần tổ chức thêm các hoạt động bổ trợ
khác. Chẳng hạn về làng cổ, du khách còn được tham gia các hoạt động ý
nghĩa đậm đà nét truyền thống của quê hương Phong Điền như: hội đu tiên,
đánh bài chòi, bịt mắt đập om, bịt mắt nấu cơm, làm bánh, kéo co, đua
ghe trên dòng sông Ô Lâu.
Mặt
khác, ở đây cần phát triển và nhân rộng thêm loại hình du lịch trải
nghiệm, tạo thành một tour du lịch hấp dẫn đối với du khách. Điểm đáng
lưu ý, khoảng không gian bên ngoài các ngôi nhà ở đây hết sức rộng rãi
và thoáng mát, phía trước ngôi nhà là khu vườn rộng, những hàng cau
xanh, những hàng chè tàu uốn lượn bao quanh ngôi nhà tạo nên sự yên bình
nhưng không kém phần mới lạ độc đáo cho khách du lịch đặc biệt là khách
quốc tế. Du khách đến đây ở lại trong vòng 1, 2 ngày để tận hưởng và
khám phá những nét văn hóa của vùng quê này thông qua các hoạt động như:
"Đi chợ quê", "Gánh nước, hái rau", "Xem và học cách làm bánh"... Du
khách có thể trở thành một người dân làng cổ thực thụ như: tự tay chế
biến những món ngon Phước Tích, hấp dẫn hay đi chợ quê Mỹ Chánh, gánh
nước sông Ô Lâu để tưới cho cây trong vườn nhà, chiều mát đi tập thái
cực quyền cùng người dân, sáng sớm đi bộ ngắm cảnh hoàng hôn.
Tất
cả những trải nghiệm ở làng Phước Tích sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp
cho du khách về một miền quê yên bình cổ kính với những phong tục tập
quán độc đáo của người dân miền Trung. Có lẽ quý khách sẽ cảm thấy thú
vị về không gian, cảnh vật cũng như truyền thống gia đình cách đối nhân
xử thế của người Phước Tích trong đời sống hàng ngày. Người dân là chủ
nhân, là linh hồn của tour du lịch này để mang đến cho du khách nét văn
hóa truyền thống, những phong tục lối sống, giới thiệu cho du khách các
di tích của quê hương hay trình diễn về nghề truyền thống của địa
phương. Chủ nhà chính là những người trực tiếp giúp du khách trong suốt
thời gian trải nghiệm ở làng cổ Phước Tích./.
Làng Phước Tích thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh
Thừa Thiên Huế là ngôi làng cổ thứ hai được nhà nước xếp hạng “di tích
quốc gia” sau làng cổ Đường Lâm.
Ở làng Phước Tích còn lưu giữ những di sản vật thể vô giá, trong tổng số
117 nóc nhà của làng, hiện tại còn tới 27 ngôi nhà cổ, đa số là nhà
rường ba gian hai chái và 10 nhà thờ họ cổ.
Tên gọi đầu tiên của làng là Phúc Giang, như mong muốn một vùng gần sông
nước nhiều phúc lộc. Đến thời Tây Sơn, Phúc Giang được đổi thành Hoàng
Giang, để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng. Đến đời Gia Long, làng
được đổi tên thành Phước Tích, như là mong muốn của người dân được tích
lũy phúc đức cho con cháu.
Tuy nhiên, làng Phước Tích nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề làm gốm. Gốm ở
Phước Tích nổi tiếng bởi độ bền, bón mịn và tinh xảo. Tất cả các sản
phẩm gốm cổ đều được làm bằng tay, và đun bằng củi trong các lò sấp, lò
ngửa.
Bác Lê Trọng Diễn, chủ nhân ngôi nhà rường, nơi lưu giữ gần như đầy đủ các mẫu gốm cổ của làng Phước Tích tự hào cho biết :“Trong
làng không có lấy một tấc đất để trồng ruộng. Dân làng chỉ biết bám
nghề gốm để sinh sống. Có thời kỳ nghề gốm Phước Tích nổi tiếng khắp
miền Trung. Thời kỳ ấy trong làng có tới hơn chục lò gốm chẳng bao giờ
tắt lửa. Thời kỳ hưng thịnh, Gốm Phước Tích còn được chọn để tiến Vua –
đặc biệt là chiếc “om ngự” để Vua ăn cơm này”. Nghề gốm đã nuôi sống bao thế hệ con cháu làng Phước Tích.
Ngôi nhà trưng bày gốm cổ “có một không hai” ở Phước Tích của bác Lê
Trọng Diễn. Xuất phát từ tình yêu dành cho nghề gốm từ thời ông, cha để
lại bác sưu tầm gần như đầy đủ các mẫu gốm cổ. Năm 1900 tới năm 1968 lò
gốm ở Phước Tích tạm thời dừng hoạt động do chiến tranh. Nhưng kể từ sau
năm 1975, sự xuất hiện của đồ gốm tạp với nhiều mẫu mã bắt mắt và đồ
nhựa đã khiến gốm cổ Phước Tích không còn khả năng cạnh tranh. Và tới
năm 1989, gốm Phước Tích chính thức tắt lửa.
Một nét đặc trưng khác ở Phước Tích là cấu trúc nhà vườn được ngăn cách
bởi những hàng chè tàu xanh, thẳng tắp, gọn gàng. Người Phước Tích chồng
tàu xanh để ngăn cách giữa các ngôi nhà vườn cổ với nhau, nhưng hàng
rào chỉ cao tới hông người lớn, nhà này có thể nhìn sang được nhà bên.
Người Phước Tích vẫn hay nói đùa là hàng rào “ngăn mà không cách”. Đa
phần người làng Phước Tích bây giờ làm nghề bác sĩ và giáo viên. Với hơn
300 nhân khẩu mà trong làng có tới hơn 40 giáo viên.
Theo nhận xét của Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính thì: "Cấu trúc và tổ chức
không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư
trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ. Đó là cấu trúc mở
với những căn nhà trong vườn, nhà vườn. Ở Phước Tích, quỹ kiến trúc cổ
và cũ, song cảnh quan và vườn được bao quanh thì lại rất trẻ và tràn đầy
sức sống".
Một nét độc đáo khác nữa trong kiến trúc nhà vườn ở Phước Tích là gia
đình nào cũng có một bể chứa nước trong sân và hai chiếc gầu múc nước
dựng gần đấy. Tìm hiểu ra mới biết, do ngày xưa nhà nào cũng có lò nung
gốm, mà nhà rường thời trước lợp mái lá nên hay xảy ra hỏa hoạn. Công
dụng của bể nước và gầu dùng để phòng khi có hỏa hoạn chủ nhà có thể tự
chữa cháy.
Bước đi trên con đường vắng người được lát gạch ở Phước Tích bạn sẽ
thấy trong lòng bình yên đến kỳ lạ. Cách quốc lộ 1A ồn ào chỉ 1km, không
thể tưởng tượng được lại có một không gian cổ kính, yên tĩnh đến thế.
Nếu có lần đi qua Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bạn đừng quên ghé thăm
ngôi làng nhỏ bé này, chắc chắn bạn sẽ không thất vọng về quyết định
của mình.