Sau hơn 100 năm kể từ ngày xây dựng, đến nay, đình Phúc Điền và đình Vân Xá, xã Hà Vân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Đình Phúc Điền được xây dựng vào đầu thời Nguyễn.
Đình Phúc Điền (thôn Vân Điền, xã Hoạt Giang) được xây dựng vào đầu thời Nguyễn với kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.
Ngôi đình này thờ thành hoàng làng, người có công khai dân lập ấp tạo nên làng Phúc Điền ngày nay. Năm 2001, đình Phúc Điền đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Giếng nước trong khuôn viên đình Phúc Điền.
Với cấu trúc bao gồm một tòa địa đình, sân đình, giếng nước, đình Phúc Điền có diện tích khoảng hơn 500 m2.
Bên trong đình có 4 vì kèo với 8 cột cái và 8 cột quân. Trên các vì kèo có chạm khắc hình rồng trong vân mây rất tinh xảo.
Đình Phúc Điền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2001.
Gian giữa ngôi đình còn giữ được bức y môn bằng gỗ sơn son thiếp vàng được chạm khắc công phu với nhiều đề tài như: mặt hổ phù, chim phượng đứng trên lưng rùa trong ao sen cách điệu, hình hoa mai…
Những phần họa tiết, hoa văn được chạm khắc công phu trên gỗ hiện đã bị mục, vỡ nát.
Trong khoảng 100 năm qua, đình Phúc Điền vừa là nơi thờ cúng thành hoàng làng, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân.
Trải qua hơn 1 thế kỷ, đến nay, ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, phần bờ tường bên trong đình đã nứt toác kéo dài hàng mét, mái ngói phía trên cũng bị vỡ nát, thường xuyên bị dột khi có mưa lớn.
Ông Nguyễn Văn Hới, trưởng thôn Vân Điền lo lắng trước việc đổ sập của ngôi đình khi mùa mưa bão sắp về.
Phần bờ nóc, bờ giải, cột nanh đã bị mối, mọt ăn mòn; 2 xà ngang chính bị gãy phải chống tạm bằng 2 cột gỗ phụ.
Bên ngoài, những cánh cửa của đình vẫn chỉ là những then gỗ được cài ghép lại rất thiếu chắc chắn.
Kèo thanh xà gỗ trên mái bị mối mọt, gãy dập.
Dù tình trạng xuống cấp nghiêm trọng như vậy nhưng hiện tại, người dân thôn Vân Điền vẫn tổ chức họp chi bộ 2 lần/ tháng và sinh hoat văn hóa trong ngôi đình này.
Những vết nứt lớn kéo dài hàng mét trên bờ tường.
“Mùa mưa bão sắp tới, mưa liên tục thì khả năng đình có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Từ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã có ý kiến lên xã, huyện và các cơ quan ban ngành về việc trùng tu, sửa chữa, chống xuống cấp ngôi đình nhưng hiện vẫn chưa có kết quả”, ông Nguyễn Văn Hới, trưởng thôn Vân Điền lo lắng.
Hai xà ngang chính bị gãy phải chống tạm bằng 2 cột gỗ phụ.
Cách đình Phúc Điền khoảng 1 km là ngôi đình Vân Xá (thuộc thôn Vân Xá, xã Hoạt Giang). Về kiến trúc, đình Vân Xá giống đình Phúc Điền ở hầu hết các hạng mục, chi tiết.
Đình Vân Xá cũng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2001.
Hơn 100 năm qua, đình Vân Xá là nơi thờ thành hoàng làng và là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân thôn Vân Xá.
Bên trong ngôi đình, có thể dễ dàng nhận thấy hiện trạng xuống cấp từ việc nứt toác các bờ tường cho tới phần mái, cột kèo bị mối mọt.
Bờ tường nứt toác, các thanh gỗ mục nát, sắp rơi xuống khuôn viên đình Vân Xá.
Theo ông Hoàng Văn Hợp, phụ trách trông coi đình Vân Xá thì ngôi đình này cùng đình Phúc Điền là 2 ngôi đình còn sót lại trong 7 ngôi đình từng có của xã.
“Trước đây, trong xã có 7 ngôi đình đặt tại 7 thôn. Các ngôi đình trên đều được xây dựng cách đây hơn 100 năm trong cùng một thời điểm. Khoảng 20 năm trở lại đây, do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên 5 ngôi đình đã bị dỡ bỏ hoặc đổ sập. Hiện tại, chỉ còn đình Phúc Điền và Vân Xá còn tồn tại nhưng cũng không biết giữ được bao lâu nữa”, ông Hợp thở dài.
Mái ngói đình Vân Xá bị thủng dột.
Ông Đặng Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoạt Giang cho biết: “Chúng tôi đã có tờ trình gửi lên huyện, huyện cũng có ý kiến lên tỉnh về việc xin kinh phí để làm công trình chống xuống cấp đối với 2 ngôi đình trên. Tuy vậy, do dự toán kinh phí để sửa chữa, duy tu lên tới 1,2 tỷ đồng nên tới nay, huyện, xã vẫn chưa có nguồn vốn để triển khai. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới, các cấp, ban, ngành của tỉnh sẽ quan tâm, đầu tư để giữ được ngôi đình”, ông Khương chia sẻ.