Tồn tại qua hàng trăm năm, đình Trung Kiên ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc là một trong những công trình cổ được xây dựng thời Lê, có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Đình Trung Kiên tọa lạc ở xóm Đình là một trong những công trình cổ của làng Trung Kiên xưa. Đình được xây dựng vào thời Lê (từ cuối thế kỷ 17) để thờ thành hoàng làng, có quy mô đồ sộ gồm 2 tòa bái đường và hậu cung.
Bái đường là một ngôi nhà 3 gian, 4 vì, 16 cột (8 cột cái, 8 cột con), làm theo kiểu tứ trụ. Phần gỗ của đình được làm từ gỗ lim.
Vì nhà kết cấu theo kiểu giá chiêng, kẻ chuyền. Các cổn, cuốn của từng vì nóc đều được thiết kế tạo tác công phu.
Bít nóc hai hồi được trang trí hình rồng, mặt hổ phù khá đẹp.
Xà hạ đều vát thân sống khế, nhiều chi tiết được chạm khắc với đường nét khỏe khoắn sinh động.
Độc đáo nhất là những đường kẻ trước mái hiên đều được chạm trổ điêu khắc hai mặt tạo nên những tác phẩm tuyệt mỹ.
Các đề tài truyền thống như tứ linh, tứ quý, trong đó hình ảnh rồng vờn mây, phượng hàm thư, hạc ngậm cành sen, cá chép chơi trăng, long mã… đều được chạm bong kênh và chạm lộng trên gỗ một cách tinh xảo với những hình ảnh sinh động, uyển chuyển.
Trải qua quá trình tồn tại lâu dài, đình Trung Kiên là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử ở địa phương. Đình đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa. Cùng với các công trình cổ khác của làng, như đền Thượng, chùa Phổ Nghiêm, đền Hậu Thần… đình Trung Kiên là niềm tự hào về truyền thống quê hương của người dân làng biển ở Nghi Thiết. Trong ảnh: Treo cờ hội vào ngày lễ tại đình.
Hàng năm tại đình diễn ra nhiều kỳ lễ trọng với đầy đủ các lễ nghi truyền thống. Những dịp này, người dân làng Trung Kiên lại hội tụ về đình, dâng hoa, dâng hương bái tạ thành hoàng cầu mong sức khỏe, bình yên; giao lưu thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Đình Trung Kiên đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.