Ngôi đình cổ Hùng Lô, được khởi dựng năm 1697, nay thuộc địa phận xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là một ngôi đình mang phong cách chạm khắc độc đáo ở Phú Thọ nói riêng và cũng là ngôi đình mang phong cách chạm khắc tiêu biểu của xứ Đoài vào cuối TK XVII.
Nhắc tới đình Hùng Lô thường là nhắc về cả một quần thể kiến
trúc vô cùng phức tạp, được xây dựng với nhiều hạng mục lớn nhỏ khác nhau, bao
gồm ngôi miếu cổ, tòa đại đình, phương đình, nhà tiền tế, lầu chuông, lầu trống,
nhà Văn Chỉ, nhà Yến Lão, nhà thờ Phật, bệ Thần Nông, ao sen, công viên, vườn
hoa cây cảnh... Tuy nhiên, giá trị nhất phải kể đến tòa đại đình, nơi mà nghệ
thuật kiến trúc và điêu khắc vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn.
Lịch sử xây dựng đình Hùng Lô
Quần thể khu di tích đình Hùng Lô được xây dựng trên một quả
đồi thấp, rộng 5.000m2, thuộc trung tâm làng An Lão. Trong kháng chiến chống
Pháp và chống Mỹ, làng bị tàn phá bởi máy bay và tàu chiến địch rất nhiều lần
nhưng điều kỳ diệu là đình làng vẫn giữ được nguyên sơ. Riêng nhà Văn Chỉ và Yến
Lão từng bị dỡ bỏ trong khoảng năm 1947 - 1948 và phải đến năm 2007, hai tòa
nhà này mới được phục hồi.
Quả đồi nơi xây dựng đình được dân làng gọi nôm na là đồi
con cua, ở thế mão long. Theo các bô lão trong làng kể lại, đình được làm trên
mai con cua; hai bên tả hữu có hai cái ao, tựa như hai mắt con cua nhưng hiện
nay, ao này đã bị lấp. Đình được dựng theo hướng Tây, ở phía sau sông Lô, trông
về núi Nghĩa Lĩnh, nơi có mộ Hùng Vương. Bên phải đình là xóm Xị, bên trái đình
là xóm Ngà; hai xóm này được ví như tay long tay hổ mà người làng gọi là tả
Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Cạnh đình còn có đầm nước gọi là đầm cửa đình. Trong
đình còn lưu giữ được đôi câu đối, viết cách đây trên 300 năm, tả thế đất:
Xi cư tả bạn tác Thanh Long đầu hồi cố bản
Ngà tại hữu biện vi Bạch Hổ cử thủ chầu Nguyên
Tạm dịch:
Xóm Xi bờ bên tả là con Rồng Xanh quay đầu về gốc
Xóm Ngà bên phải là con Hổ Trắng cất đầu chầu về cung
Tòa đại đình được xây dựng vào năm 1697, dưới triều Lê Chính
Hòa thứ 18 (1). Dưới đời Nguyễn, quần thể đình Hùng Lô được trùng tu lớn. Vì vậy,
nhìn toàn bộ ngôi đình, chúng ta sẽ thấy sự kết hợp của hai phong cách chạm khắc
của hai triều Lê và Nguyễn.
Đình thờ tam vị, bao gồm Ất Sơn Đại Vương, hay còn gọi là
vua Hùng Hy Vương, tên húy là Viêm Lang; Viễn Sơn Đại Vương, hay gọi là Hùng
Hoa Vương, tên húy là Bảo Lang; Áp Đạo Quan Đại Vương, là tướng dẫn đường và bảo
vệ vua. Bên trong thượng cung có ba ngai, tượng trưng việc thờ ba vị.
Nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc ở đình Hùng Lô
Nhìn chung, đây là một quần thể di tích bao gồm rất nhiều kiến
trúc nhỏ lẻ, được xây dựng vào nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử. Xét về
niên đại còn lưu lại trên kiến trúc, tòa đại đình được xây dựng sớm hơn cả.
Nghệ thuật trang trí tại chính điện và hậu cung. Ảnh Cao Thị
Vân
Tòa đại đình được làm theo kiểu chữ nhất (-), tức là kiến
trúc nhất gian nhị hạ (1 gian 2 chái). Phần đất để dựng tòa đại đình có chiều
dài 19m, chiều rộng 12m. Toàn bộ cấu kiện kiến trúc đều được làm bằng các chất
liệu gỗ như đinh, lim, sến, táu, mít và xoan.
Cột kèo và các mảng chạm đều được phủ sơn son thếp vàng lộng
lẫy và đẹp mắt. Mái đình lợp ngói mũi hài thời Hậu Lê. Bao quanh tòa đại đình
là hàng hiên. Gian chính có 4 chiếc cột cái, mỗi cột cao tầm 3,8m, đường kính
0,9m, còn các cột bên đều có đường kính khoảng 0,8m. Xung quanh tứ trụ đều có
chạm trổ cảnh vật. Các đầu bẩy ngoài hàng hiên phía trước đều có chạm rồng miệng
ngậm ngọc, chân rồng có móng nhọn sắc như bám chắc vào những chiếc bẩy.
Hình ảnh ngôi đình được ngự trên một vị trí mai con cua, trước
mặt là dòng sông Lô êm đềm chảy, mái đình cong vút cùng các họa tiết trang trí
trên bờ nóc, thật quá đỗi thơ mộng, khiến cho người thưởng ngoạn như được chiêm
ngưỡng hình ảnh của một con thuyền căng buồm ra khơi, đang bồng bềnh lướt nhẹ
trên mặt nước.
Trong đó, mũi thuyền được mô phỏng bằng bốn đầu đao cong
vút, tàu mái như hai mạn thuyền, lòng đình tựa như lòng thuyền, hàng cột nom
như những bơi chèo. Vì thế, hình ảnh con thuyền – mái đình hay cả ngôi đình
chính là hình ảnh tượng trưng của một con thuyền và với ý nghĩa xa hơn là biểu
tượng của cư dân nông nghiệp lúa nước.
Nhìn tổng thể, ngôi đình vừa giống ngôi nhà sàn của người Mường,
lại vừa giống một con thuyền được khắc họa trên mặt trống thời Đông Sơn. Mặt
khác, toàn bộ ngôi đình cũng là sự hòa hợp ý niệm âm dương của trời đất với tầng
trời là dương, phần mái là âm, phần cột là dương thì phần nền là âm... Ngôi
đình nối giữa tầng trời với tầng đất bằng cột thông linh, là những nhang khói
trên bàn thờ, hoặc khi mưa xuống, đem theo những hạt giống của tạo hóa mà sinh
ra vạn vật muôn loài, từ đó nảy nở một cuộc sống đủ đầy, ấm no.
Nghệ thuật chạm khắc nơi đây được các nhà nghiên cứu đánh
giá là đỉnh cao, với kỹ nghệ chạm bong tinh tế. Đây là nét đặc trưng cơ bản của
nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê. Những giá trị chạm khắc xuất sắc thì đều được
tập trung ở tòa đại đình. Vì ngôi đình này được tu sửa lớn vào thời Nguyễn nên
một số bức chạm bị hỏng đã được thay thế bởi các bức vẽ màu trên gỗ theo phong
cách thời này.
Giá trị trong nghệ thuật chạm khắc đình Hùng Lô phần lớn tập
trung trong một số mảng chạm ở gian giữa, gian bên. Bức cốn thứ nhất còn được đặt
tên là Chú bé Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau, diễn tả nhiều người, đều được chạm
nổi, đường nét được chau chuốt kỹ lưỡng nhưng rất sinh động, bao gồm một người
đang cưỡi trâu, một người đang thổi kèn, bên cạnh có một người khác tay cầm tờ
hịch, một người cưỡi ngựa, ở phía trước là một người tay cầm con lợn đang vái.
Bức này có chiều cao xấp xỉ 0,8m, dài 0,3m. Bức thứ hai miêu
tả cảnh thày trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Cảnh thầy trò Đường Tăng đi
tây chúc thỉnh kinh là đề tài được thể hiện tới hai lần ở đây. Đầu tiên là miêu
tả nhân vật gồm bốn thầy trò, trong đó, Đường Tăng ngồi trên ngựa và theo hầu
là ba đồ đệ của mình: Tôn Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng.
Ở một cảnh khác, câu chuyện về bốn thày trò lại được cắt
ghép, chắt lọc động tác để thành một tác phẩm chạm khắc hoàn chỉnh, chủ yếu là
nhằm mô tả về các khó khăn, kiếp nạn trong quá trình thỉnh kinh của Đường Tăng.
Bức cốn thứ ba thể hiện tích Bát Tiên quá hải trong văn hóa Trung Hoa. Bức chạm
miêu tả các vị tiên mặc quần áo thụng, một người đang cưỡi ngựa, còn bảy người
khác đi xung quanh, trên đầu là mây bay lởn vởn, dưới chân chạm một đầu hổ phù.
Bát tiên vốn là các vị thần tiên trừng trị điều ác, khen ngợi điều thiện, giúp
đỡ người khó khăn.
Nhìn vào bức chạm, ta thấy già có, trẻ có, thư sinh có, phú
quý có, quyền lực có, phụ nữ có. Vậy nên Bát tiên phần nào phản ánh các độ tuổi
của con người trong xã hội, nam nữ già trẻ, phú quý bần cùng, văn sĩ tướng võ,
khỏe mạnh thương tàn, đáp ứng hết nhu cầu tôn bái các giai tầng trong xã hội.
Bát tiên có được sự yêu mến của dân gian và trở thành vật phẩm
may mắn không thể thiếu trong ngày khánh thọ, phần nào cũng có mối liên hệ với
các bậc lão thành ở nhà Yến Lão.
Bức cốn Chú bé Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau. Ảnh Cao Thị Vân
Bức cốn thứ tư theo chủ đề Ngũ lão đăng sơn. Chính giữa bức
chạm là một đầu rồng, bên trái có một người cưỡi ngựa, một người đi bên cạnh ngựa,
bên phải là hai người cưỡi ngựa, một người đi lùi lại phía sau.
Cả năm người đang trong tư thế đi lên núi nhưng thần thái
phong lưu, cũng phần nào rất phù hợp với tinh thần hồng phúc ở nhà Yến Lão. Bức
thứ năm được chạm theo tích Võ Tòng đả hổ.
Bức thứ sáu lại theo tích Long Vân đại hội, gồm rất nhiều rồng
lớn, rồng con đang cuốn trong mây, như bày tỏ ước mơ về một cuộc sống nhàn tản,
phong lưu, một đất nước thái bình thịnh trị.
Bức thứ bảy được chạm theo tích cổ Trung Hoa Trúc lâm thất hiền,
về nhóm bảy tu sĩ Đạo giáo sống trong rừng trúc đầu thời nhà Tấn kết bạn hiền với
nhau. Người thợ xưa chạm bức này ý muốn thể hiện một cuộc sống vô vi, nhàn tản,
sống cuộc đời thần tiên, xa lánh những muộn phiền trong cuộc sống.
Đan xen giữa bảy bức chạm cơ bản là nhiều bức nhỏ, miêu tả cảnh
sinh hoạt đời thường, như người cưỡi trâu, người đóng khố cởi trần bắt lợn,
cùng nhiều hoạt cảnh khác như tiên cưỡi rồng, trang trí hoa lá,... Trên một số
đầu cột cái hoặc trên các bức cốn còn có chạm cảnh người đánh vật, rồng ngậm ngọc...
Đáng chú ý là hình ảnh tiên múa, từ vóc dáng cho tới cách ăn vận được chạm khá
giống với tượng người phụ nữ trên cán kiếm ngắn núi Nưa, Thanh Hóa (2), tạo
hình đầu lớn so với thân, gương mặt trái xoan và chiếc mũi dọc dừa. Nhân vật nữ
vận váy dài tới gót chân, tai rất to và đầu đội mũ, phía trước có một dải yếm
buông sát mép váy cùng một số họa tiết trang trí.
Tuy nhiên, tiên nữ ở đây dường như đang múa trên một thân rồng
nhưng lại giống như tạo hình của thuyền rồng với mũi bàn tay cong. Hình ảnh rắn,
rất độc đáo, cũng được tìm thấy trên các bức chạm trong đình, chạm chung với
các hình tượng khác như rồng, mây, hoa lá cách điệu, con người... Tất cả như được
tạc như xoắn xuýt vào nhau.
Tạo hình của thân rắn khá đơn giản và trông chúng rất hiền
lành, trên thân được trang trí bằng màu vàng chấm đỏ hòa vào màu sắc trong
tương quan chung của bức chạm, khiến hình tượng này không quá nổi bật nhưng
cũng không thể không chú ý.
Tạo hình đầu rắn khá giống với phong cách chạm khắc trên
vòng tay ở thời kỳ Đông Sơn, tuy nhiên chỉ có sự khác nhau là phần mắt: trong mỹ
thuật Đông Sơn, mắt rắn to và lồi ra, ngược lại, mắt rắn trong chạm khắc đình
Hùng Lô chỉ là điểm chấm nhỏ, hiền lành. Nhìn chung, hình tượng rắn không được
chạm khắc nhiều nhưng để lại một dấu ấn nhất định ở đây.
Ngoài các tác phẩm chạm khắc trên các bức cốn hay ván gió,
đình Hùng Lô còn có tượng con lân được phủ sơn son thếp vàng ở ban thờ. Riêng
đôi hạc thờ chầu ở chính điện, cao 3,4m, mỏ ngậm nụ sen, tạc theo lối tả thực,
sơn son thếp vàng lộng lẫy, mắt phượng, mỏ dài, hai chân đứng trên mai rùa, đầu
ngẩng cao.
Đây là hình ảnh khá quen thuộc trong việc trang trí trong
khu vực khám thờ, biểu thị cho sự trường tồn vĩnh cửu và thanh cao, làm tăng
thêm giá trị ý nghĩa cho toàn bộ không gian đình. Ngoài ra còn có 5 kiệu bát cống,
bốn mặt kiệu đều chạm trổ sơn son thếp vàng.
Nhìn chung, toàn bộ các bức chạm vừa miêu tả cuộc sống vui
tươi của người dân Hùng Lô, vừa gửi gắm những ước vọng về một xã hội thái bình
thịnh trị, cầu mong một mùa màng tươi tốt, bội thu.
Có thể nói rằng, ngôi làng cổ ở đất Hùng Lô cũng như bao
ngôi làng khác trên đất Phú Thọ, dù trải qua bao thiên tai địch họa nhưng các
nét độc đáo của văn hóa làng cùng truyền thống quý báu của cha ông vẫn được gìn
giữ, trân trọng. Miền đất cổ Hùng Lô còn lưu giữ được quần thể di tích miếu,
đình với kiến trúc độc đáo vừa mang phong cách chạm khắc thời Hậu Lê đồng thời
cũng mang cả phong cách của thời Nguyễn, được đánh giá là một di tích cổ nhất của
tỉnh Phú Thọ.
Đây là một quần thể di tích có giá trị về mặt lịch sử, không
chỉ là một trong những ngôi đình thờ Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ mà thông qua
nghệ thuật chạm khắc nơi đây, cuộc sống thường nhật và con người ở đất Hùng Lô
từ thuở xa xưa đã phần nào được tái hiện thật sinh động, đặc sắc.
Chùm ảnh chạm khắc đình Hùng Lô
1. Theo Lý lịch di tích đình Hùng Lô, Sở VHTTTT và Bảo tàng
Vĩnh Phú, 1994.
2. Kiếm ngắn này được tìm thấy năm 1961, ở khu vực núi Nưa,
xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Kiếm ngắn Núi Nưa được công nhận
là Bảo vật Quốc gia trong năm 2013, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Tác giả: Cao Thị Vân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018