Dân trí Chùa Thiên Ấn nằm ở độ cao khoảng 100m trên đỉnh núi cùng tên. Chùa Thiên Ấn gắn liền với nhiều huyền tích, đây chốn linh thiêng với người dân Quảng Ngãi.
Chùa Thiên Ấn rộng khoảng 1 ha, nằm giữa rừng cây rậm rạp trên đỉnh núi Thiên Ấn, xã Tịnh Ấn Đông, TP. Quảng Ngãi (Ảnh: Văn Phong)
Thiền sư Pháp Hóa là người khai sơn chùa Thiên Ấn vào năm 1694. Lúc đầu, Thiền sư Pháp Hóa dựng một thảo am để tu thiền. Càng về sau càng có nhiều người dân tìm đến chùa nghe giảng Phật pháp. Chùa Thiên Ấn dần trở thành địa điểm gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của người dân Quảng Ngãi.
Chùa Thiên Ấn gắn liền với huyền tích về “chuông thần, giếng Phật”. Tương truyền, do phật tử lên núi ngày càng đông, vị sư trụ trì đã nghĩ cách đào giếng. Nhà sư được báo mộng khi đào ở phía đông chùa sẽ gặp tảng đá bàn, dưới tảng đá này sẽ có nước. Nhưng việc cạy tảng đá rất khó khăn, lúc đó có một vị sư trẻ đến chùa nói sẽ giúp việc đào giếng. Khi mạch nước ngầm phun lên, vị sư già vục mặt, uống thỏa thích, bình tâm lại thì không thấy vị sư trẻ đâu cả.
“Giếng Phật” được xây bằng đá ong với độ sâu khoảng 21 m. Dù nằm trên đỉnh núi ở độ cao khoảng 100 m nhưng giếng không bao giờ cạn.
Đại hồng chung trong chùa Thiên Ấn. Ngoài quả chuông này, chùa Thiên Ấn còn lưu giữ quả “chuông thần”. Tương truyền, “chuông thần” được đúc ở làng Chí Tượng, nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi). Quả chuông này sau khi đúc xong đánh không kêu. Năm 1845, thiền sư Bảo Ấn, tổ sư thứ ba của chùa đang thiền thì thấy có một vị hộ pháp báo mộng tới làng Chí Tượng thỉnh quả chuông về. Sau khi được thỉnh về chùa Thiên Ấn, quả chuông đã ngân vang khắp vùng.
Khu viên mộ, nơi an táng các vị sư tổ, thiền sư trụ trì chùa Thiên Ấn
Không gian linh thiêng, trầm mặc tại chùa Thiên Ấn
Chùa Thiên Ấn là nơi linh thiêng, được người dân khắp nơi viếng thăm vào các dịp lễ, Tết
Khung cảnh TP. Quảng Ngãi, nhìn từ chùa Thiên Ấn
Quốc Triều