Đình được xây dựng bằng đá xanh nguyên khối, mỗi bộ phận được đục đẽo tinh xảo bằng đôi tay tài hoa của những nghệ nhân là con em trong làng. Ngôi đình bằng đá độc đáo này không chỉ là nơi tổ chức các lễ lớn trong làng mà còn là nơi làm giỗ cụ tổ làng nghề đá.
Làng Xuân Vũ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) có từ năm 1730 thời vua Lê Cảnh Hưng. Đình làng Xuân Vũ cũng được xây dựng từ đó, nhưng trước kia vật liệu làm đình chủ yếu là gỗ lim, xây bằng vôi vữa và gạch nung.
Do thời tiết và chiến tranh tàn phá, ngôi đình làng cũ bị hư hỏng phải tháo dỡ hoàn toàn. Một thời gian dài, làng Xuân Vũ không có đình, nơi ngôi đình ngự trị trước kia chỉ còn lại vết tích. Trước những nhu cầu thiết yếu, người dân trong làng đã quyết định phục dựng, xây dựng lại một ngôi đình mới bằng đá, vẫn giữ nguyên nét kiến trúc của ngôi đình xưa cũ.
Đình phục dựng lại vẫn có Tiền đường, Hậu cung và 2 bên tả hữu thờ gia tiên. Tất cả các chi tiết chính xây đình đều bằng đá xanh nguyên khối, do chính các nghệ nhân là con em trong làng chế tác và tự nguyện đóng góp xây dựng.
Tiền đường của đình gồm có 3 gian. Bên trong có 12 cột cái và 12 cột quân bằng đá được trạm khắc tinh xảo, kết nối với nhau rất chắc chắn và vững trãi. Các cột cái được trạm khắc rồng, các cột con được trạm khắc cỏ cây hoa lá, chim muông, đặc biệt là 4 cây đại diện cho 4 mùa: Xuân hạ thu đông với Tùng, Trúc, Cúc, Mai.
Nhiều cột đá tại Tiền đường được dựng lên trên những chân cột của ngôi đình cũ. Ông Phạm Ngọc Sỹ (70 tuổi) thủ từ trông coi ngôi đình cho hay, khi đình cũ phải phá bỏ đi, nhiều chân cột vẫn được giữ lại, trước kia trên những chân cột này là cột gỗ lim.
Một cột con được khắc mây, hoa cúc tượng trưng cho mùa thu. Những cây cột này đều được người dân trong làng cúng tiến. Ngôi đình đá được dựng lên với mong muốn, tưởng nhớ các bậc tiền nhân cũng như lưu giữ lại được làng nghề truyền thống hàng trăm năm nay của làng cho thế hệ mai sau.
Mỗi cây cột đá trong Tiền đình cao hơn 4m, to bằng cả người ôm. Những cột đá này được làm bằng đá xanh nguyên khối, khai thác từ các dãy núi trong làng. Ông Sỹ cho biết thêm, để xây dựng xong ngôi đền hoàn chỉnh phải sử dụng hàng trăm khối đá.
Các cột, kèo, vì được gắn kết với nhau bằng các mộng. Ngôi đình không chỉ là nơi tổ chức các lễ hội lớn trong làng như: Kỳ Phú (12/2 âm lịch), giỗ Khổng Tử và Trần Hưng Đạo (20/8), Tống cựu nghinh tân (30/12 âm lịch) còn là nơi tổ chức lễ giỗ cụ tổ làng nghề đá Hoàng Sùng, đây là lễ lớn nhất trong năm diễn ra vào ngày 16/8 âm lịch hàng năm.
Tại mỗi "vì" các mối nối ghép với nhau bằng các "mộng" được che phủ bởi những họa tiết "rồng bay - phượng múa", "long ly quy phượng" hay "tùng trúc cúc mai"...
Ông Sỹ cho biết, tại Hậu cung của ngôi đình hiện vẫn còn 4 cột đá cổ có từ hàng trăm năm trước. Những cột đá này được chạm khắc tinh xảo, được làm bằng phương pháp thủ công nhưng những nét trạm rất nổi, vân rất sâu dù cho thời gian mưa nắng cũng không bào mòn được. Đây cũng chính là những di sản mà người xưa để lại cho con cháu làng đá mỹ nghệ Ninh Vân.
Một họa tiết đầu rồng trên cột đá trong Tiền đường. Để xây dựng ngôi đình đá này, tổng số tiền phải mất nhiều tỷ đồng, chưa kể công sức của người dân trong làng bỏ ra.
Một góc trong ngôi đình đá độc đáo bậc nhất cố đô Hoa Lư (Ninh Bình).
Bức tường của ngôi đình được xây bằng đá. Từ nhiều năm nay, đình được Ban quản lý bảo tồn di tích lịch sử trong làng bảo quản. Ngày thường đình đóng cửa, đến ngày hội lại được mở, tổ chức các lễ hội truyền thống trong làng thu hút nhiều người đến tham dự.
Các hoành phi câu đối trên cột, trong đình cũng được khắc bằng đá tạo nên sự trường tồn vĩnh cửu với thời gian.
Trước ngôi đền đá độc đáo làng Xuân Vũ có cây thị hàng trăm năm tuổi. Không gian quanh đình vẫn còn lưu giữ nhiều nét cổ kính của làng quê Bắc Bộ "cây đa giếng nước sân đình".
Không chỉ nổi tiếng với đình làng bằng đá, làng đá Ninh Vân (trong đó có làng Xuân Vũ) hiện đang được nhiều người biết đến với cổng làng to nhất tỉnh, được xây dựng hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối.