Ngoài là các họa tiết cùng ý tưởng về một ngôi nhà mang nét Huế thì nó lại được phá cách khi đưa vào vùng đất phương Nam. Hơi hướng tân thời của người phương Tây đưa sang đã tạo cho ngôi nhà trăm cột một vị thế có một không hai cho tới ngày nay.
Ngôi nhà trăm cột nằm lặng yên bên dòng kênh
Kỳ công như ông Hội đồng
Nhà trăm cột (ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là cụm từ dân gian quen gọi cũng đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Chủ nhân kiến tạo nên ngôi nhà này là ông Trần Văn Hoa, Hội đồng làng Long Hựu thời bấy giờ. Lúc đó, làng Long Hựu thuộc tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn. Vào thời Minh Mạng, vùng đất này thuộc tổng Lộc Thành Hạ, huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Dưới thời Pháp thuộc (thời điểm xây dựng ngôi nhà), đổi thành tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn.
Về tên gọi, trước khi có tên nhà trăm cột quen thuộc, đại diện UBND huyện Cần Được cho biết, nhà Ông Cả trước đây có tên gọi là nhà Ông Hội Đồng. Sau đó ông Trần Văn Miên (con ông Trần Văn Hoa) giữ chức Hương cả. Từ đó, ngôi nhà này được gắn với cái tên của ông Miên (Hương cả Đô) thường gọi là ông Cả.
Ông Hội đồng Trần Văn Hoa
Vùng đất Long Hựu khi xưa bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài vì bị bao bọc bởi con kênh Nước Mặn. Ngày nay, nơi đây đã được xây dựng một xây cầu lớn mang tên Cầu Kinh Nước Mặn hiện đại bắc qua kênh này đã kết nối giao thông dễ dàng hơn.
Về thanh thế, gia đình ông Hương sư, Trưởng giả Trần Văn Hoa (1879 – 1952) giàu nức tiếng. Ông là một đại địa chủ đức trọng, tài cao, ăn ở có trước có sau nên được dân chúng trong vùng mến mộ kính nể.
Ngôi nhà cổ này được khởi công vào năm 1901, tốn khoảng 15 ngàn đồng thời đó. Vốn là một người thích và đam mê nhà rường nên ông Hội đồng đã đích thân ra tận Huế tham quan kiến trúc kiểu nhà rường ở đây. Kỹ lưỡng hơn, cũng chính ông là người theo sát việc lên bản thiết kế cho đến khâu lựa chọn vật liệu xây dựng ngôi nhà.
Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà rường xứ Huế với ba gian, hai chái. Còn tên gọi “nhà trăm cột” là do ngôi nhà tổng cộng có 120 cột (68 cột tròn và 52 cột vuông). Mỗi hàng cột sử dụng những loại gỗ quý khác nhau như cẩm lai, thao lao, gõ đỏ, mun, giá tị… được mua từ Tân Uyên, Bình Dương mang về. Chúng được tuyển chọn từ những cây đã già, lõi đắng khiến mối mọt không thể xâm nhập.
Thời ấy, người ta đồn rằng, gỗ tốt chỉ có ở vùng Tân Uyên - Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay). Còn đá xanh, gạch lục giác thì chỉ ở Biên Hòa nổi tiếng bền đẹp, không chê vào đâu được. Để có gỗ tốt nhất, đích thân ông Hoa cùng thợ lên rừng, chọn những thân cây lớn nhất, dài nhất, suôn (thẳng) nhất. Sau đó, ông cho thợ đẵn nguyên cây, lọc phần vỏ và phần có thể mục bên ngoài, chỉ còn lõi rồi phơi khô.
Tuy nhiên, phần vận chuyển mới thực khó khăn, vì đoạn đường từ Tân Uyên về đến Long An thời ấy không phải dễ dàng như ngày nay. Thời đó, phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ, xe ngựa và ghe thuyền. Để thuận lợi, ông Hoa đã dùng đường sông, xuyên qua các nhánh của hệ thống sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Những thân cây khổng lồ ngày nối ngày được vận chuyển bằng bè về, xếp ngổn ngang trên mảnh đất nhà ông.
Chủ nhân mới 22 tuổi
Những họa tiết này vừa mang phong cách cổ điển với “Tứ linh”: Long – Lân – Quy – Phụng được bố trí ở các góc khách nhau trong ngôi nhà. Hay như “Tứ thời”: Xuân – Hạ - Thu – Đông cũng được thể hiện trên bốn thanh kèo trong ngôi nhà… mang hơi hướng hiện đại với hoa hồng, sóc, nho, dơi...
Ngôi nhà là một gia tài khổng lồ bằng gỗ
Ông Hoa vốn rất yêu thích nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc. Chính vì vậy, ông đã cho mời 15 nghệ nhân từ Mỹ Xuyên - làng chạm khắc mộc nổi tiếng của Thừa Thiên Huế vào Nam thực hiện việc trang trí nội thất cho ngôi nhà này. Thời điểm này, ngôi nhà đã hoàn thành xong phần xây dựng bên ngoài. Chính vì vậy mà các nghệ nhân phải mắc võng trên không, nằm lơ lửng cả ngày lẫn đêm miệt mài chạm khắc.
Có một điểm lạ mà con cháu đời sau của ông Hội đồng cũng không rõ, đó là mỗi thanh kèo của ngôi nhà đều được chạm trổ vô cùng tỉ mỉ, chỉ duy có ba thanh kèo ở nhà sau lại bỏ trơ, không điêu khắc gì cả. Không biết ẩn ý của ông Hội đồng là như thế nào, ngay cả khi ông qua đời cũng không thấy nói gì đến chuyện này.
Ngày khánh thành của ngôi nhà có thể xem là một lễ hội lớn ở Nam kỳ lục tỉnh thời bấy giờ. Không chỉ có sự hiện diện đông đúc của các quan tước của ta, của Tây mà còn thu hút vô cùng đông đảo dân chúng các miền đến để chiêm ngưỡng ngôi nhà độc nhất vô nhị này. Điều còn đặc biệt hơn là chủ nhân của căn nhà ấy là ông Hội đồng mới 22 tuổi.
Đến đời ông Trần Văn Miên (con trai ông Trần Văn Hoa), chủ nhân đời thứ hai của ngôi nhà đã làm cho ngôi nhà có chút hơi hướng hiện đại. Lúc đó, ông cho thợ dùng gạch men lợp dán ở nền, lan can và các hàng cột ở mái hiên nhà trước. Rồi sau đó lại quét vôi tường và lắp một vài cửa sổ. Vốn là người tài hoa, ông Miên còn chính tay vẽ ba bức tranh sơn thủy treo ở gian thờ trong gian nhà chính.
Về đồ đạc trong nhà, quan sát, chúng tôi thấy ở phía trước bàn thờ được bố trí một bộ phận ghế trường kỷ, một bộ bàn tròn và hai bộ bàn ghế hình chữ nhật. Phía bên phải có đặt một bộ bàn tròn, một bộ sa-long (mặt bàn hình hạt xoài). Có bốn bộ ván, bảy cái tủ, ba cái giường đôi được bố trí rải rác trong nhà.
Ngoài ra còn ba tủ sắt để đựng tiền đã bị hư. Ở gian thờ trên một thanh sàn có ba tấm liễn mà người ta tặng ông chủ lúc ăn tân gia. Tấm giữa được sơn son thiếp vàng có bốn chữ nho: “Sơn trang cổ tận” (núi cao không dứt). Hai tấm hai bên có dòng chữ giống nhau được khảm xà cừ “Thiện cực lạc” (làm việc thiện rất vui).
Tồn tại hàng trăm năm, qua những giai đoạn vô cùng tàn khốc, ngôi nhà trăm cột không chỉ mang giá trị lịch sử đáng trân trọng mà còn là minh chứng sống động cho sự tài hoa, cần mẫn của lớp nghệ nhân đời trước trong lĩnh vực điêu khắc, chạm trổ. Đây cũng là điểm du lịch lôi cuốn nhiều khách tham quan từ Nam chí Bắc.
Thanh Tùng