Trong những năm tháng rực rỡ nhất của nền văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam, vua Indravarman đã cho xây dựng một Phật viện được coi là lớn nhất Đông Nam Á vào thế kỷ thứ IX.
Phật viện ấy được xây dựng trên kinh đô Indrapura của vương
triều, những dấu vết của Phật viện này hiện nay vẫn còn lưu lại tại làng Đồng
Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Vì thế, trong các cuốn
sách hay tài liệu về lịch sử, người ta gọi nơi này với tên Phật viện Đồng
Dương.
Hoang tàn và đổ nát
Xứ Quảng những ngày cuối năm, gió lạnh, mưa dầm dề cả tuần
không dứt bởi ảnh hưởng của những cơn gió mùa Đông Bắc. Cái ảm đạm của mùa đông
tựa hồ như lại hợp với khung cảnh hoang tàn nơi dẫn vào khu tháp Sáng, dấu tích
còn sót lại của khu Phật viện này. Một người dân địa phương dẫn tôi băng qua
nhiều rừng keo lá tràm, băng qua nhiều bụi cỏ tranh đẫm nước mưa... rồi chỉ tay
về phía xa: “Tháp Sáng ở kia, anh đi cỡ 200m là tới. Tui chờ ở đây, không dẫn
anh đi vô nữa mô”.
Người dẫn đường, hồi anh còn nhỏ, ông bà, cha mẹ luôn kể lại
là không được lấy bất cứ một thứ gì ra khỏi khu vực di tích này; hái quả sim,
quả ổi thì ăn tại chỗ chứ không được mang về nhà, sẽ xui xẻo cả nhà. Dường như
trong tâm thức của người dân địa phương, nơi đây vẫn không nên vào, có ít nhiều
sợ hãi bởi những truyền thuyết kỳ bí bao quanh khu Phật viện mà họ được nghe từ
ngày thơ ấu.
Tháp Đồng Dương chỉ còn là phế tích
Rẽ cỏ tranh đến bật máu tay, tôi cũng vào được lối mòn dẫn đến
tháp Sáng. Nếu không đọc qua các tài liệu từ trước, có lẽ tôi không tưởng tượng
được nơi đây từng là một khu Phật viện lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài toàn
khu hơn 1.300m. Dấu tích còn lại chỉ là một tháp gạch đổ nát với nhiều cột sắt
chằng chống ngang dọc. Đây là hệ quả của một quá trình rất lâu khu Phật viện
này bị tàn phá bởi thời gian, thiên tai và chiến tranh.
Trên tấm bia được tìm thấy tại Phật viện ghi lại rằng, năm
875 vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ
Tát bảo hộ cho vương triều. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của
Vương quốc Champa là Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.
Phật
viện Đồng Dương là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng không chỉ của Vương quốc
Champa cổ mà của cả khu vực Đông Nam Á thời trung đại. Phật viện này được xem
là một thánh địa Phật giáo bởi quy mô đồ sộ của nó và sự lan tỏa, ảnh hưởng về
mặt văn hóa đối với những khu vực xung quanh.
|
Năm 1901, một học giả người Pháp là Louis Finot đã công bố với
chính quyền thực dân Pháp thời đó về việc phát hiện 229 hiện vật được tìm thấy
tại Đồng Dương. Năm 1902, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ người Pháp là
Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương và tìm thấy khu kiến trúc chính của
khu đền thờ cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Những tác phẩm điêu khắc của
thời kỳ này mang những yếu tố của Phật giáo đại thừa kết hợp với nghệ thuật Ấn
Độ giáo, cùng với sự sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân bản địa, đã hình
thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Champa từ giữa đến
cuối thế kỷ thứ IX.
Sau này, hiện vật tại Phật viện này được tìm thấy rải rác và
quý giá nhất là 2 bức tượng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là tượng phật
Đồng Dương, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử tại TP Hồ Chí Minh và tượng
Phật Laksmindra Lokesvara, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại TP
Đà Nẵng.
Báu vật của làng là bảo vật quốc gia
Trong số những câu chuyện về những bức tượng quý được tìm thấy
ở Phật viện Đồng Dương, câu chuyện về bức tượng Phật Bồ tát Laksmindra
Lokesvara là ly kỳ và hấp dẫn nhất. Laksmindra Lokesvara là vị Bồ tát bảo hộ
cho Vương triều Indravarman. Theo cuốn Thông tin di sản Quảng Nam, bức tượng Bồ
tát Laksmindra Lokesvara làm bằng đồng thau, cao 114cm, được tìm thấy ở gần khu
đền thờ chính khu Phật viện. Tượng đứng thẳng, tóc được búi lại thành hình
chóp, trên chóp chạm một tượng Phật A Di Đà. Gương mặt bồ tát nghiêm nghị, hơi
thô, cung lông mày giao nhau, giữa trán có một urna (huệ nhãn) hình thoi...
Phật viện Đồng Dương hồi đầu thế kỷ XX (Ảnh tư liệu của người
Pháp)
Người dân địa phương kể lại, khu Phật viện này đã bị thời
gian và chiến tranh tàn phá nặng nề. Những ngày sau năm 1975, người dân ở đây
lùa bò vào trong núi, khi đi ngang qua khu Phật viện vẫn nhìn thấy nhiều bức tượng
nằm ngổn ngang trên nền gạch. Thậm chí, có những người dân nhặt được những hạt
đá cổ hình bầu dục với nhiều màu sắc. Sau này, khi nhặt hết đá, người ta bắt đầu
đầu lấy những bức tượng cổ đem bán, có những bức lớn quá không thể đem đi được,
họ chỉ cắt lấy phần đầu, để lại phần thân tượng phơi mưa nắng rêu phong.
Đối với các bức tượng khác thì như vậy, nhưng riêng với bức
tượng Phật Laksmindra Lokesvara thì lại được người dân cất giữ, bảo vệ nghiêm
ngặt. Bức tượng được tìm thấy vào năm 1978; đến năm 1981, ngành văn hóa tỉnh Quảng
Nam - Đà Nẵng mới ra quyết định thu hồi bức tượng để đem trưng bày tại Bảo tàng
Điêu khắc Chăm bất chấp sự phản đối từ phía người dân địa phương. Cụ Trà Diếu
năm nay 90 tuổi cho hay, cụ là một trong những người đầu tiên chứng kiến người
dân tìm thấy bức tượng trong tư thế nằm ngửa tại nền Phật viện. Việc tìm được bức
tượng Phật này đã thu hút hàng trăm người dân hiếu kỳ đến xem. Và từ đó, bức
tượng này được người dân bảo vệ nghiêm ngặt như báu vật chung của cả làng cho đến
khi ngành chức năng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thu hồi vào năm 1981. Cụ Diếu kể lại,
khi đó người dân Đồng Dương phản đối dữ lắm, rằng tại sao lại thu bức tượng của
dân làng. Đại diện chính quyền phải thuyết phục người dân rằng điều kiện cất giữ
tại làng Đồng Dương không đảm bảo, có thể làm hỏng hiện vật quý giá này; vì vậy
phải đem đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm lưu giữ và trưng bày. Cụ Diếu nghe vậy liền
lấy rựa khắc vào tượng để làm dấu và yêu cầu phải cho người dân đến Đà Nẵng xem
bức tượng được trưng bày.
Thế nhưng, bức tượng hiện đang lưu giữ tại Đà Nẵng cũng chưa
phải là hiện vật đầy đủ. Theo lời cụ Diếu và sự xác nhận của chính quyền xã
Bình Định Bắc thì bức tượng khi được phát hiện còn cầm trên tay hai vật. Đó là
một búp sen đã nở và một quả cau nằm trên một chiếc đĩa. Chuyện là sau khi phát
hiện được bức tượng thì một người dân trong làng đã tháo hai hiện vật này ra khỏi
bức tượng, sau khi được thu hồi thì chính quyền xã đã cất giữ tại một nơi bí mật.
Và đã truyền đến 7 đời Chủ tịch xã cất giữ, cứ người này về hưu thì bàn giao lại
cho người kế nhiệm.
Năm 2014, trong một lần đến địa phương, khi hỏi về câu chuyện
tưởng như chỉ có trong truyền thuyết này, ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch xã Bình Định
Bắc đã xác nhận với tôi rằng, chuyện này là có thật. Và khi đặt vấn đề được xem
2 hiện vật này, ông Túc từ chối ngay và nói rằng, trước giờ ông chỉ cho đúng một
vị giáo sư ngành khảo cổ ở Hà Nội xem, nhưng khi vị này muốn lấy dấu thì ông
Túc cũng từ chối ngay. Khi hỏi tại sao không hoàn trả lại hai hiện vật này để
hoàn thiện bức tượng, ông Túc nói 6 đời Chủ tịch xã trước không dám quyết thì
ông cũng không dám quyết và làng Đồng Dương xem đây như báu vật, nên phải giữ lại
tại làng.
Những chuyện kỳ bí xung quanh Phật viện
Ở bên trong khu di tích hoang tàn, đổ nát của Phật viện Đồng
Dương, từng đống gạch lớn nằm vùi trong các đống cỏ tranh và rừng keo lá tràm.
Những năm 70, 80 của thế kỷ XX, người dân Đồng Dương từng sử dụng rất nhiều gạch
cổ Champa để xây nhà. Bởi trong khu di tích, cứ đào bất cứ chỗ nào lên cũng thấy
được nền gạch. Nhưng ở vùng Đồng Dương này, ngoài người họ Trà, không một ai
dám lấy gạch ở đó để sử dụng. Vì cứ lấy gạch đó xây nhà là sẽ gặp chuyện không
may.
Bảo vật quốc gia - tượng Phật Laksmindra Lokesvara
Tộc họ Trà là hậu duệ của người Champa cổ. Theo suy đoán qua
nhiều tài liệu lịch sử, thủy tổ của tộc Trà tại Đồng Dương có thể là Trà Hòa Bố
Để, là vị vua thứ 38 của người Champa và là vị vua cuối cùng của dòng Chế Mân.
Hiện ở làng Đồng Dương, còn khoảng hơn 200 người họ Trà, hậu duệ của vua Trà
Hòa Bố Để xưa kia. Ở làng này, ngoài người họ Trà thì khi đi vào Phật viện, đến
trời nắng người dân cũng không dám bẻ cành che nắng. Thậm chí còn lưu truyền những
câu chuyện là nếu không phải người tộc Trà mà cắt cỏ trong Phật viện cho bò ăn,
thì về trâu bò cũng ốm, hoặc chúng không chịu ăn. Đem những chuyện này hỏi ông
Trà Tấn Túc, vừa là con cháu tộc Trà, vừa là Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc,
ông xác nhận về những câu chuyện lưu truyền trong làng như trên và nói là không
hẳn đúng 100%, nhưng cũng có những trường hợp ứng nghiệm.
Tộc
họ Trà là hậu duệ của người Champa cổ. Hiện ở làng Đồng Dương, còn khoảng hơn
200 người họ Trà, hậu duệ của vua Trà Hòa Bố Để, là vị vua thứ 38 của người
Champa và là vị vua cuối cùng của dòng Chế Mân xưa kia
|
Ông Trà Tấn Túc cũng kể về chuyện những người lỡ đem thứ gì
đó ở khu vực Phật viện về nhà đều phải đem trả. Có những bức tượng đã biến mất
khỏi Đồng Dương hàng chục năm, bỗng một ngày người dân thấy xuất hiện trở lại
khi những người ở xa đem đến trả. Ông Túc được một người bạn ở Bảo tàng Chăm
Đà Nẵng cho hay, có một thời gian, cứ buổi sáng là thấy những hiện vật liên
quan đến di tích Đồng Dương ở sảnh bảo tàng. Khi thì là một tượng nhỏ, khi thì
là bệ đá, hay nhiều khi chỉ là cục gạch ở Phật viện... Có lẽ, điều này xuất
phát từ quan niệm lấy đi những gì ở Phật viện Đồng Dương đều gặp những điều
không may trong cuộc sống, nên phải trả lại mới hết xui rủi.
Trong các truyền thuyết liên quan đến nền văn hóa Champa,
câu chuyện về vàng hời là một trong những câu chuyện kỳ bí nhất. Những người
già ở Đồng Dương và cả ở khu thánh địa Mỹ Sơn đều được thế hệ trước kể về những
kho vàng người Champa chôn cả ngàn năm trước. Truyền thuyết về kho vàng hời này
có nhiều kiểu, nhưng mẫu số chung là những kho báu này chứa rất nhiều vàng,
vàng thỏi, tượng vàng, vàng đúc thành hình con lợn, con cua, con gà... và kể cả
có tìm thấy thì có hợp căn, hợp mạng mới có thể giữ được vàng đó trong nhà,
không thì nó sẽ tự tìm đường đi.
Truyền thuyết này đã bắt nguồn cho một thời kỳ đi tìm kho
báu rầm rộ tại Đồng Dương và Mỹ Sơn. Ông Trà Tấn Huệ là người sinh sống từ nhỏ ở
làng Đồng Dương kể. Những năm 80, ngoài việc trộm tượng để bán, một bộ phận
không nhỏ người dân cứ ngày này qua tháng khác đào bới để tìm kho báu vàng hời.
Ở Đồng Dương, người ta đào bới nhiều nhất ở khu vực bán kính 500m xung quanh Phật
viện. Ông Huệ cũng xác nhận rằng, trong các hầm gạch mà người ta đào được, họ
cũng tìm được những hạt cám vàng.
Phật viện Đồng Dương ngày nay chỉ còn là một đống đổ nát, chỉ
còn lại tháp Sáng đã hoang tàn với cột chống chằng chịt. Nhưng có lẽ với những
giá trị văn hóa, lịch sử mang trong mình cả ngàn năm qua, nơi đây vẫn lưu dấu đậm
nét trong đời sống tâm linh của người dân địa phương và có một vị trí quan trọng
trong nền văn hóa Champa một thời rực rỡ.
Theo các dấu vết còn sót lại, Phật viện Đồng Dương là một
quần thể kiến trúc lớn nằm gọn trong một bức tường thành hình chữ nhật gọi là
thành ngoại, có kích thước khoảng 155mx326m. Vết tích nền móng còn lại cho thấy
đây là một bức tường thành khá lớn và cao. Thành ngoại chứa 3 cụm kiến trúc đồng
trục Đông - Tây và 3 hồ nhân tạo lớn. Có 2 hồ ở góc Đông Bắc và một ở góc
Đông Nam. Phần chánh điện được tìm thấy với hệ thống nền gạch của một khu
tăng xá và giảng đường nối tiếp nhau trong một chu vi rộng lớn. Phần lớn các
tác phẩm điêu khắc ở Phật viện Đồng Dương được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc
Champa Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc của thời kỳ này đã hình thành nên
phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Champa. Khu di tích Phật viện
Đồng Dương được công nhận di tích cấp quốc gia ngày 5-1-2001.
|
Thanh Hiếu