Các chuyên gia, nhà nghiên cứu tìm hiểu di sản tư liệu trên Cửu Ðỉnh trong Ðại nội Huế.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt những kết quả rất quan trọng. Vai trò và vị thế của Huế ngày càng được khẳng định trên bình diện quốc gia và quốc tế; góp phần khẳng định, tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam với thế giới.
Nỗ lực trùng tu, bảo tồn
Hơn 200 năm hình thành và tồn tại với nhiều biến cố của lịch sử, thời gian, điện Thái Hòa - công trình di tích nổi tiếng và quan trọng bậc nhất trong Hoàng thành Huế bị xuống cấp trầm trọng. Với sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được khởi công cuối năm 2021 với tổng mức đầu tư hơn 128 tỷ đồng.
Với tầm quan trọng cũng như giá trị của điện Thái Hòa, Trung tâm đã cùng đơn vị thi công quyết tâm triển khai công tác trùng tu công trình với chất lượng cao nhất, bảo đảm tính chân xác, chuẩn mực trong từng công đoạn. Tại công trình hiện đã lắp đặt xong hệ thống kết cấu gỗ và sẽ tiến hành dựng, trang trí bờ nóc, lợp ngói trong năm nay, dự kiến hoàn thành đầu năm 2025.
Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế
Theo ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty cổ phần Tu bổ di tích Huế (đơn vị tư vấn thiết kế và thi công dự án), điện Thái Hòa có 80 cây cột gỗ và 16 cột bê-tông. Trải qua thời gian, với nhiều đợt trùng tu trước đó, nhiều cấu kiện gỗ bị mối mọt, xuống cấp nghiêm trọng. Nền gạch của điện Thái Hòa là “dấu ấn” của công trình, có giá trị lịch sử. Loại gạch lát nền này được đưa từ Pháp về Việt Nam, vào năm 1894 thời vua Thành Thái đã lát nền gạch hoa này.
Ðể giữ được nguyên vẹn nền gạch này trong quá trình thực hiện trùng tu, đơn vị đã thực hiện các công đoạn rất tỉ mỉ: Cọ rửa sạch nền, quét một lớp sơn chống thấm để bảo vệ nền, rồi trải một lớp ni-lông, và tiếp theo là rải một lớp cao-su để giảm chấn khi thi công có vật nặng rơi xuống nền. Sau đó, đơn vị tiếp tục thêm một lớp khung xương gỗ, trên cùng là một lớp thép dày 5mm được hàn đính lại tạo thành một khối liên kết, bảo đảm an toàn cho nền gạch di tích trong thời gian thi công. “Ðây là lần đầu, chúng tôi triển khai biện pháp này để bảo toàn hệ nền di tích trong quá trình trùng tu. Ðiện Thái Hòa là di tích đầu tiên trong toàn quốc thực hiện theo giải pháp này”, ông Hành khẳng định.
Ðiện Thái Hòa là di tích có giá trị quan trọng cho nên được giám sát chặt chẽ, với sự góp ý của hội đồng khoa học trong suốt quá trình trùng tu, nhất là các chi tiết trang trí kỹ thuật, các giải pháp thi công. Theo ông Tuấn, mục tiêu lớn nhất của dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa là phải bảo đảm yếu tố gốc của di tích.
Do vậy, công trình này có riêng một gói thầu scan 3D, tức là dựng lại điện Thái Hòa theo kích thước thật, hình ảnh thật của những cấu kiện đang tồn tại nhằm lưu giữ lại yếu tố gốc, làm cơ sở so sánh, đối chiếu trong quá trình trùng tu, đồng thời phục vụ du khách trải nghiệm tham quan không gian ảo của công trình này. Không chỉ điện Thái Hòa, đây là cách làm được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế áp dụng ở tất cả công trình trùng tu di tích khác để bảo đảm tính khoa học, chân xác, với mục đích cuối cùng là tạo nên một công trình tôn vinh các giá trị di sản ở Huế.
Từ năm 2018, Ðề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Dự án đã thực hiện giai đoạn 1, hoàn thành di dời hơn 5.200 hộ, xây dựng khu tái định cư với phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm Thượng Thành, các Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ.
Hiện, dự án triển khai giai đoạn 2, di dời khoảng 1.000 hộ, xây dựng khu tái định cư phạm vi các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ thuộc bốn phường trong nội thành và di tích Trấn Bình Ðài. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, việc giải phóng các hộ dân ra khỏi di tích cơ bản hoàn thành. Ðây là nỗ lực lớn của các cấp chính quyền nhằm trả lại diện mạo của di tích Huế.
Hồi sinh di sản Huế
Theo tài liệu đánh giá hệ thống di tích Huế vào năm 1990, tại Cố đô Huế lúc hoàn chỉnh nhất có tổng số 850 công trình kiến trúc nhưng giờ chỉ còn 460 công trình, chiếm tỷ lệ 54%. Các công trình di tích khác đã trở thành phế tích và đến 80% hạng mục thuộc diện cần phải tu bổ khẩn cấp. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã nỗ lực đẩy mạnh công cuộc bảo tồn, tu bổ các di tích và đã vạch ra một kế hoạch dài hạn phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996-2010, với tổng mức đầu tư 720 tỷ đồng để phục hồi hơn 80 hạng mục công trình chủ yếu.
Tiếp đó, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020, với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng để tiến hành bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo hơn 171 công trình, hạng mục công trình.
Lịch sử vùng đất Cố đô Huế đã tạo ra những di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu, đó là một hệ thống quần thể di tích đồ sộ với thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, đài tạ, phủ đệ… cùng với các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc và các thành tố cảnh quan độc đáo gắn liền với các khu di sản.
Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế
Cũng theo ông Trung, cùng với hậu quả nặng nề của chiến tranh, những biến động của lịch sử và hoàn cảnh khó khăn của đất nước trong giai đoạn đầu thống nhất đất nước; vấn đề quan điểm, sự lạc hậu về khoa học bảo tồn và nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn hết sức hạn chế cho nên công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế gặp muôn vàn khó khăn, thách thức.
Sau lời kêu gọi cứu vãn di sản Huế của ông Amadou Mahtar M’Bow, Tổng Giám đốc UNESCO, một cuộc vận động quốc tế để hỗ trợ Huế đã được triển khai mạnh mẽ; những giá trị tiêu biểu, nổi bật của những di sản triều Nguyễn được nhìn nhận và đánh giá đúng với tầm vóc của nó; từ đó nhận thức về các di sản của triều đại này cũng từng bước thay đổi tích cực.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã triển khai một loạt giải pháp đồng bộ để cứu vãn di sản Huế, từ chỗ đang ở trong tình trạng lâm nguy và sự quên lãng, di sản đã lột xác, hồi sinh mạnh mẽ. Từ sự hoang tàn, đổ nát, di sản Huế nhanh chóng phục hồi, vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp để bước vào giai đoạn phát triển ổn định, bền vững. Ðặc biệt, sau 30 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (từ năm 1993), với hai đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể đã có tổng cộng hơn 200 công trình và hạng mục công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được bảo tồn tu bổ, phục hồi, tôn tạo; đã di dời hơn 5.500 hộ dân ra khỏi khu vực I bảo vệ các di tích, và đặc biệt từ năm 2019 đến nay. Tổng mức đầu tư công trình giai đoạn 1996-2021 hơn 2.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có nguồn vốn tài trợ quốc tế từ năm 1993 đến 2020 là hơn 8 triệu USD. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, những vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như chưa đủ nguồn tư liệu lịch sử, cơ sở khoa học phù hợp để triển khai dự án, nhiều công trình, cụm công trình dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2010-2020 theo đề án nhưng chưa được triển khai, trong đó có các công trình, cụm công trình quan trọng.
Từ quan điểm chỉ đạo của Trung ương về văn hóa và sau lời kêu gọi của Tổng Giám đốc UNESCO, là khoảng thời gian chứng kiến sự chuyển biến tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản Huế. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt, giúp Thừa Thiên Huế bước ra khỏi sự lãng quên để trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước về các di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh.
Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Ðặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy hiệu quả và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh-xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ. Hầu hết di tích được thường xuyên bảo quản bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa... nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.
“Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác. Cố đô Huế chính là một điển hình thành công tại Việt Nam và trong khu vực”, bà Miki Nozawa, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam đánh giá.
Bài và ảnh: Nguyễn Công Hậu