(Dân trí) - Văn Thánh - Khổng Miếu là một quần thể kiến trúc lịch sử văn hóa nghệ thuật độc đáo, hội tụ đầy đủ những nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc. Đây là một điểm đến văn hóa, lịch sử tại TP Tam Kỳ.
Văn Thánh-Khổng Miếu tọa lạc trên khu đất có diện tích 6.000m², nằm trên đường Phan Bội Châu (phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ). Khu di tích với quần thể bao gồm: chánh điện, hậu điện, tháp chuông, tháp trống, hai dãy nhà cầu, nhà cổ dân gian Quảng Nam, cầu bắc qua hồ sen và cổng Tam Quan
Đây là nơi thờ đức Khổng Tử và tổ chức huấn học về tư tưởng nho giáo, với quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc có niên đại hơn 300 năm. Đây là điểm di tích lịch sử-văn hóa-nghệ thuật cấp Quốc gia, được Bộ VH-TT&DL chính thức công nhận từ năm 2006
Bước vào ngôi nhà chính (Miếu chính), được xây dựng theo lối kiến trúc 3 gian 2 chái, trên mái trang trí hình “nhị long tranh châu”, bốn góc mái có gắn hình tượng những đám mây cách điệu…
Hậu điện được bài trí điện thờ bao gồm gian chính giữa thờ đức Khổng Tử tư thế chắp tay vào nhau như đang giảng đạo. Tiếp theo 2 bàn thờ các vị Tiên triết, bàn thờ các vị Tiên hiền, cuối cùng là bàn thờ các vị Tiên nho…
Liền kề đó là 2 dãy nhà cầu lợp ngói âm dương (phục dựng năm 2011). Kiến trúc của 2 dãy nhà này không có tường rào che chắn, được chống đỡ bằng các trụ cột bằng gỗ kiền kiền, nhà cầu dùng để che nắng, mưa cho những chức sắc, người dân đến tế lễ vật vào miếu chính, cũng như xem hội dân gian…
Tiếp theo 2 dãy nhà cầu là hai ngôi nhà cổ dân gian (phục dựng năm 2011) với kiến trúc nhà truyền thống 3 gian 2 chái, những đường nét chạm khắc gỗ, cấu kiện gỗ kiền kiền những hình dáng đắp nổi, mái lợp ngói âm dương phiên bản. Tất cả thể hiện khéo léo qua bàn tay của những nghệ nhân làng mộc Hội An
Ngôi nhà cổ dân gian này được sử dụng vào dịp tế lễ hằng năm. Đây là nơi chuẩn bị lễ vật bày biện các lễ nghi trước khi đưa vào chánh điện để tiến hành lễ. Nơi đây còn dùng để hội họp, thi họa, thi cờ, là nơi tín hữu dừng chân trước khi tiến hành lễ
Sân đình là khoảng không gian thoáng đãng, lót gạch sạch đẹp theo hình bàn cờ, là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội, hội họp, thi họa, thi cờ làng, cờ người, dân ca, dân vũ giải trí...
Qua hai ngôi nhà cổ dân gian bước tới hồ bán nguyệt với cây cầu vồng được xây bằng đá, gạch có thành lan can với những ô đúc trang trí hình học được gắn liên tiếp với nhau khá công phu, các bờ hồ cũng được kè bằng đá hộc ngay ngắn để chống sạt lở, có hình cung, đỉnh ở giữa cao nhất uốn cong qua một ao hình bán nguyệt nhìn rất đẹp mắt
Cổng tam quan có 4 trụ được xây bằng gạch vồ, tô vẽ, cẩn sành sứ đế hình vuông, 2 trụ cao trên chóp trụ có hình hoa sen nở, hình dáng như 2 cái bút lông viết lên nền trời xanh, ngã bóng xuống hồ bán nguyệt liền kề như chạm vào nghiêng mực đầy, 2 trụ phụ có gắn hình con nghê cách điệu, tất cả đều được cẩn sành…
Bên cạnh không gian cổ kính, trang nghiêm của Văn Thánh-Khổng Miếu, là khu sân vườn xanh mát, yên tĩnh khiến lòng người thêm thư thái, an nhiên khi đứng tại đây
Mùa này những sắc hoa bung nở khiến cảnh vật càng thêm nên thơ
Nhiều bạn trẻ cũng đến nơi đây tìm hiểu thêm về di tích văn hóa-lịch sử độc đáo này, đồng thời ghi lại những bức ảnh đẹp bên cạnh các kiến trúc ấn tượng, nghệ thuật tại Văn Thánh-Khổng Miếu
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị di tích lịch sử. Ngày nay, hàng ngày các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên thường vào Văn Thánh-Khổng Miếu dâng hương, tham quan, vãng cảnh. Đặc biệt, vào dịp lễ hội tháng Giêng hàng năm thường diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, tôn vinh truyền thống hiếu học xứ Hà Đông, khuyến khích sự học
Công Bính – Ngô Linh