Xưa kia, thành phố (TP) Hải Phòng vốn là vùng đất cửa sông thuộc trấn Hải Dương, ít được các triều đại phong kiến quan tâm mở mang. Sau Hiệp ước Giáp Tuất năm 1874, người Pháp chiếm đóng và bắt đầu công cuộc đô thị hóa Hải Phòng. Từ năm 1888, Hải Phòng dần phát triển nhanh chóng, rồi trở thành một trong ba đô thị loại I đầu tiên của Việt Nam.
Bản đồ Hải Phòng năm 1926 (Nguồn: Bảo tàng Hải Phòng)
Khu phố Pháp Hải Phòng có sự chuyển hóa mềm mại và liên kết giữa các cấu trúc đô thị được thể hiện ở dải vườn hoa trung tâm, ở sự đan cài giao thoa giữa khu phố của người Pháp và khu phố bản xứ, ở sự dung nạp và kết nối giữa đô thị với các dòng sông. Đường phố trong khu phố Pháp Hải Phòng tạo thành mạng như ô bàn cờ, nhưng được điều chỉnh theo hình thái tự nhiên của các con sông bao quanh. Đây là điểm đặc sắc so với các khu phố Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn.
Sự kết hợp các thành phần cảnh quan (sông nước, kênh đào / hồ, các vườn hoa) và các ô phố với những công trình được tổ hợp hài hòa là cơ sở để đô thị phát triển ổn định. Tính bền vững về cấu trúc đô thị của khu phố Pháp Hải Phòng được xem là giá trị quan trọng về kinh nghiệm phát triển đô thị, có thể nhân rộng sang các khu vực đô thị lân cận, các TP khác. Có thể nhận định rằng: Hải Phòng là đô thị lớn duy nhất ở Việt Nam có khởi điểm là khu phố Tây, đến nay vẫn còn tương đối nguyên vẹn và là bằng chứng về sự giao thoa văn hóa Đông – Tây trong phát triển đô thị ở Việt Nam thời cận đại.
Sự giao thoa văn hóa cư trú đã tạo nên sức hấp dẫn về cảnh quan và văn hóa đô thị
Năm 1887, dân số Hải Phòng có khoảng 10.000 người, với 200 người Âu và 200 Hoa Kiều. Những năm sau đó, dân số đô thị tăng nhanh theo tốc độ xây dựng và mở mang Hải Phòng, từ 16.000 người (năm 1900) lên 100.000 người (năm 1936) rồi 200.000 người (năm 1953) – chưa kể binh lính đồn trú. Các khu dân cư lúc này được chia thành khu người Âu, khu người Hoa và khu người Việt, tuy có lối sống và văn hóa khác nhau, song có thể chia sẻ tương đối hài hòa không gian đô thị lõi với khu phố Pháp là hạt nhân trung tâm của đô thị Hải Phòng xuyên suốt chiều dài lịch sử của TP.
Khu người Âu ở khu nhượng địa, chủ yếu là cộng đồng người Pháp, chính là phần không gian được quy hoạch bài bản, gồm các cơ quan hành chính xen lẫn nhà ở. Trong những năm đầu thế kỷ 20, chính quyền thuộc địa mở rộng không gian đô thị Hải Phòng về phía Nam kênh vành đai, bằng việc kéo dài trục đường Paul Bert (nay là đường Điện Biên Phủ) và đường Amira Courbert (nay là đường Hoàng Văn Thụ), hình thành đường Paul Doumer (nay là đường Cầu Đất). Lớp không gian thứ hai của TP được xác định về phía Nam là đường O’Dendhal (nay là đường Hai Bà Trưng) và đường Clémenceau (nay là đường Lương Khánh Thiện).
Ngay sau đó, năm 1905, chính quyền thuộc địa xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng – Vân Nam với ga Hải Phòng được bố trí ở phía Nam kênh vành đai, tức là, ở ngoại vi khu phố Pháp lúc đó. Điều này thể hiện sự khoa học trong bố trí giao thông đường sắt không cắt ngang đô thị, sau đó, đường sắt còn được kéo dài tới cảng (bến Sáu kho). Cũng từ giới hạn này, các trục đường xương cá đã được tạo ra vuông góc với kênh vành đai ở bờ Nam để mở rộng đô thị Hải Phòng trong giai đoạn đầu phát triển.
Sang thập kỷ thứ hai và ba của thế kỷ 20, việc mở rộng đô thị tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 1925, người Pháp cho lấp phần lớn kênh vành đai và cải tạo thành dải vườn hoa mềm mại chạy giữa lòng đô thị. Do không gian hẹp, lớp ô phố thứ ba được quy hoạch tiếp tục phát triển vượt qua đường sắt xuống phía Nam và Đông Nam, đưa đường sắt (lúc này đã được kéo dài tới cảng) lọt vào trong lòng đô thị. Phía Tây Bắc, trục Paul Bert đó được phát triển sang phía Tây qua Hạ Lý đến nhà máy Xi măng và sau đó nối vào đường đi Hà Nội; phía Đông Nam được giới hạn bởi đường Sadi Carnot (nay là đường Tô Hiệu) và đường Belgique (nay là đường Lê Lợi), về cơ bản ấn định giới hạn của không gian đô thị của TP Hải Phòng thời cận đại.
Chúng tôi nhận định, sự phát triển mở rộng khu phố của người Pháp ở phía Bắc – giáp sông Cấm đã không tạo ra sự xung đột, đối chọi gay gắt với khu phố bản xứ ở phía Nam – giáp sông Tam Bạc. Khác với Hà Nội, Huế, Sài Gòn, khi mà khu phố Pháp và khu phố cổ / thành lũy / khu phố bản xứ thường có khoảng cách nhất định, được giãn cách bởi sông, hồ…, thì ở Hải Phòng, các khu phố này lại hướng vào nhau – tưởng là sẽ tạo ra xung đột nhưng thực tế lại giao thoa khá êm ả. Ranh giới nước của khu trung tâm đô thị thời ấy (hay còn gọi là khu phố Pháp) vốn được tạo bởi sông Cấm, sông Tam Bạc và kênh vành đai dường như đã trở thành chất xúc tác, là đường biên không dễ vượt qua để hai khu phố Pháp với Việt – Hoa tự thân hướng về phía nhau một cách hài hòa.
Các đợt mở rộng không gian đô thị Hải Phòng (Nguồn: Nguyễn Quốc Tuân)
Khu người Hoa ở phía Nam khu nhượng địa. Từ khi đến Hải Phòng sinh sống, cộng đồng người Hoa đã sớm tập trung ở ven sông Tam Bạc, hình thành một khu vực khá đặc trưng và ít bị thay đổi bởi các chính sách quy hoạch thời kỳ đó. Trong giai đoạn đầu phát triển đô thị, khu vực của người Pháp được quy hoạch ở chỗ hợp lưu của sông Cấm và sông Tam Bạc, còn khu vực người Hoa ở hạ lưu sông Tam Bạc vốn chưa hình thành phố xá.
Đến khi người Pháp đào kênh Bonnal năm 1885, khu vực của người Hoa đã được giới hạn rõ ràng, tự nhiên bằng chính sông Tam Bạc và kênh vành đai. Ở những giai đoạn tiếp sau, dù TP có mở rộng về phía Nam thì khu vực của người Hoa hầu như được giữ nguyên, chỉ khác là các phố xá dần được hình thành. Theo đó, đường bao bọc phía ngoài được xác định là đường Commerce (nay là đường Lý Thường Kiệt) và đường Chavassieux (nay là đường Trần Hưng Đạo).
Ở phía trong hình thành trục chính là đường Đông Kinh – Tonkinoise (nay là đường Phan Bội Châu) và các nhánh xương cá cắt ngang nối ra bờ sông/kênh như phố Bắc Ninh (nay là phố Lãn Ông), phố Formose (nay là phố Trạng Trình), phố Sài Gòn (nay là phố Hoàng Ngân), phố Pagode (nay là phố Tôn Thất Thuyết), phố Fou Tchéou (nay là phố Kí Con)… Tuy không gian của khu vực người Hoa hạn chế, không thể mở rộng (do bị sông/kênh bao bọc, lại kéo dài, hẹp về chiều ngang), song cộng đồng người Hoa đã xây dựng được ở đây những công trình căn bản như đền Nhà Bà – Hoa thương hội quán, khách sạn, trường học, các cửa hàng cửa hiệu sầm uất… Thậm chí, trong quy hoạch TP còn có một bệnh viện riêng của người Hoa ở đoạn giao cắt giữa sông Tam Bạc và sông Lạch Tray song không thực hiện được. Hiện nay khu người Hoa vẫn còn giữ được những nét đặc trưng về các cửa hàng, cửa hiệu, lối sống làm ăn buôn bán và các quan hệ xã hội cộng đồng.
Khu người Việt: Nếu như cộng đồng người Âu ở phía Đông Bắc, cộng đồng người Hoa ở phía Tây Nam khu nhượng địa, về cơ bản địa bàn sinh sống được quy hoạch, cải tạo theo thời gian thì khu vực làng xã của người Việt hầu như không được quy hoạch gì, thậm chí từng bước bị thu hẹp, xâm lấn bởi hai cộng đồng ngoại lai.
Hải Phòng vốn là một vùng cửa sông, ven biển, trong thời phong kiến đáng kể nhất chỉ có làng Gia Viên (với bến Ninh Hải bên sông Cấm) và làng An Biên. Khi người Pháp đến Hải Phòng xây dựng cơ quan lãnh sự, đã lấy phần lớn đất của làng Gia Viên, đẩy người dân ra phía ngoài khu đô thị. Bản đồ Hải Phòng các năm 1890, 1905, 1915 chỉ rõ địa phận làng Gia Viên nằm tiếp giáp với khu nhượng địa ở phía Đông, còn làng An Biên giáp với khu người Hoa ở phía Nam.
Trong quá trình mở rộng lớp không gian thứ hai, khi đô thị Hải Phòng lúc đó được xác định bởi tuyến đường O’Dendhal (nay là đường Hai Bà Trưng) và đường Clémenceau (nay là đường Lương Khánh Thiện), thì đất đai của làng Gia Viên tiếp tục bị thu hẹp, cùng với đó là đất của làng An Biên cũng bị thay thế bởi các công trình, phố xá, trường học… của chính quyền thuộc địa. Bản đồ Hải Phòng các năm 1924, 1926 chỉ rõ không gian đô thị đã được mở rộng, không gian của làng Gia Viên, An Biên nằm sâu trong lớp không gian này, còn các làng Hàng Kênh, Lạc Viên dần tiệm cận vào khu đô thị.
Sang đến những năm 1930, toàn bộ các làng xã của người Việt tiếp tục dịch chuyển bên ngoài lớp không gian thứ 3 của TP, tập trung chủ yếu ở phía Đông Nam như các làng Lạc Viên, Gia Viên, Đông Khê, Hàng Kênh, Dư Hàng, An Biên; ở phía Tây có các làng Thượng Lý, Hạ Lý. Xu hướng lấn dần đất của các làng Việt cổ để mở rộng không gian đô thị đã được chính quyền thuộc địa thực thi liên tục trong suốt những thập kỷ đầu của thế kỷ 20.
Tính độc đáo của kiểu đô thị vừa đóng vừa mở, pha trộn giữa chức năng cư trú, thương mại, phòng thủ, sản xuất công nghiệp, logistic cảng biển
Cũng giống sự chung sống giao thoa của các sắc dân Việt – Pháp – Hoa, Hải Phòng còn có sự độc đáo của một đô thị vừa khép kín theo cách sống của người châu Á, lại vừa phóng khoáng, cởi mở bởi tính chất giao thương mạnh mẽ của một cảng biển lớn nhất miền Bắc, gắn với các cơ sở công nghiệp được xây dựng từ sớm. Từ buổi đầu xây dựng, chính quyền thuộc địa đã chủ trương xây dựng Hải Phòng thành một TP công – thương nghiệp phát triển, tập trung đầu tư xây dựng cảng, nhà ga xe lửa và các nhà máy, xí nghiệp qui mô lớn.
Tận dụng bến Ninh Hải tấp nập trên bến dưới thuyền, chính quyền thuộc địa đã chủ động đầu tư, ban hành các chính sách kinh tế để thu hút thương nhân (cả người Pháp và người Hoa) tập trung về Hải Phòng, xây dựng cảng thị, mở mang kinh tế. Cảng Hải Phòng được bố trí ở cửa sông Cấm, có hệ thống cơ sở hạ tầng (nhà kho, cầu tàu, xe goòng chuyên chở…) được hình thành nhanh chóng, mục tiêu biến nơi đây thành một cảng lớn nhất xứ Bắc Kỳ, đưa Hải Phòng thành điểm mút của tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Vân Nam – cùng với cảng – phục vụ đắc lực cho công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp.
Từ sau đợt mở rộng không gian đô thị lần ba, diện mạo đô thị trung tâm Hải Phòng về cơ bản đã ổn định. Đếnnăm 1954 – 1955, sau kháng chiến chống Pháp, cộng đồng người Pháp đã rút khỏi Hải Phòng. Khu nhượng địa gồm những công trình cơ quan hành chính và nhà ở của người Pháp được người Việt tiếp quản sử dụng.
Đến những năm 1980, do tác động của tình hình chính trị, phần lớn cộng đồng người Hoa ở Hải Phòng đã hồi hương, người Việt tiếp tục tiếp quản các công trình kiến trúc này. Như vậy, không gian kiến trúc trung tâm Hải Phòng (khu phố Pháp) đến những thập niên cuối thế kỷ 20 được xác định chủ yếu là các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp, cùng một phần nhỏ các công trình kiến trúc của người Hoa đã được người Việt tiếp quản, sử dụng.
Các công trình này – do hầu hết được trưng dụng làm công sở xuyên suốt nhiều thập kỷ, nên hầu như không thay đổi, được bảo tồn khá nguyên vẹn tới ngày nay. Các cơ sở công nghiệp, đóng tàu dọc sông Cấm vẫn tiếp tục được khai thác, sử dụng, trong tương lai có thể trở thành các hub sáng tạo nghệ thuật độc đáo, riêng có của TP trong bối cảnh chúng ta đang đề cao công nghiệp văn hóa sáng tạo gắn với làn sóng chuyển đổi / đổi mới / trẻ hóa đô thị đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Các hoạt động đô thị sống động và đầy bản sắc
Sự kết hợp giữa các yếu tố Á – Âu, Việt – Pháp, Việt – Hoa, Pháp – Hoa đã để lại những dấu ấn còn đậm nét trong những di sản văn hóa, ngôn ngữ, kiến trúc và ẩm thực, trong các hoạt động đô thị tại Hải Phòng ngày nay. Đây cũng là một trong những lý do ảnh hưởng đến tính cách đặc trưng của người Hải Phòng: Cởi mở, phóng khoáng, mạnh mẽ, trực tính, nhạy bén trong kinh doanh buôn bán và dễ tiếp nhận cái mới.
Sự pha trộn kiến trúc Á – Âu tạo cho Hải Phòng một diện mạo đô thị riêng, vừa thanh lịch, vừa mạnh mẽ. Cũng như kiến trúc, hoạt động đô thị tại khu phố Pháp thể hiện rõ sự giao thoa và ảnh hưởng qua lại giữa các nguồn văn hóa. Sự pha trộn văn hóa đô thị đến từ sự đa dạng thành phần cư dân thời Pháp thuộc. Ngoài người Việt, còn có người Hoa, người Pháp, còn có các nhà buôn ngoại quốc đến buôn bán, mở mang sản xuất tại Hải Phòng. Thời kỳ sau này là các thủy thủ tàu viễn dương, các chuyên gia nước ngoài cũng thường xuyên ghé đến Hải Phòng.
Cảng Hải Phòng là nhân tố tạo nên sự sôi động cho thị trường giao dịch hàng hóa từ nước ngoài chuyển về Việt Nam trong thời kỳ bao cấp. Khu phố bản xứ buôn bán nhộn nhịp sầm uất xưa vẫn được tiếp nối tới ngày nay. Dải vườn hoa trung tâm với hệ cây xanh lâu năm, không gian thoáng mát và đa dạng, có nhiều khoảng trống để tổ chức các hoạt động ngoài trời, là địa điểm được người dân TP yêu thích.
Các món ăn đường phố thể hiện rõ tính đa dạng về nguồn gốc liên quan đến các sắc tộc, cùng sự giao thoa văn hóa ẩm thực giữa các cộng đồng Việt – Pháp – Hoa, đặc biệt là Việt – Hoa do có sự tương đồng nhất định về nguyên liệu, cách thức chế biến và thói quen ăn uống.
Sự đa dạng về phong cách kiến trúc Pháp
Không nhiều đô thị ở Việt Nam có sự đa dạng phong cách kiến trúc Pháp như Hải Phòng. Phân tích kỹ hơn về sự xuất hiện và các yếu tố lịch sử – văn hóa – xã hội, nghiên cứu nhận thấy đã có sự sáng tạo, tiếp biến trong tiếp nhận, kế thừa các phong cách kiến trúc. Khu phố Pháp – Hải Phòng tập hợp đầy đủ các phong cách tiêu biểu ở Việt Nam thời Pháp thuộc, từ Thực dân tiền kỳ, Cổ điển, Tân cổ điển, Địa phương Pháp, đến Đông Dương, Neo Gothic, Art Decor và Cận hiện đại.
Sự đa dạng phong cách kiến trúc của di dản kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hải Phòng
Về trang trí và vật liệu sử dụng, các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc trong khu phố Pháp Hải Phòng có những điểm khác biệt với Hà Nội, Sài Gòn. Các phường thợ “tỉnh lẻ” ở Hải Phòng không có tay nghề điêu luyện như ở Hà Nội, Sài Gòn hay Huế, song đã tạo nên những công trình mang dấu ấn riêng của kiến trúc Pháp tại Hải Phòng với những chi tiết trang trí giản dị hơn, song lại có nét khỏe khoắn, thô ráp đặc trưng của vùng cửa biển. Sự tiếp nhận các xu hướng mới nơi vùng đất cảng thông qua quá trình giao lưu – giao thương quốc tế đã mang lại những biến thể mới mẻ trong trang trí, chi tiết của các công trình. Những phong cách kiến trúc đặc trưng của người Pháp đã được tiếp thu, sáng tạo và tiếp biến thành những kiểu cách riêng có của kiến trúc Pháp ở Hải Phòng. Chính sự đa dạng về phong cách kiến trúc này đã tạo nên sức hấp dẫn của kiến trúc thời Pháp thuộc ở Hải Phòng, tạo ra tài nguyên cho phát triển du lịch văn hóa.
Vật liệu xây dựng ban đầu phổ biến là gạch, đá, ngói, gỗ,.. sau này có thêm thép và bê tông cốt thép do sự cách tân về kỹ thuật. Để hoà nhập với kiến trúc bản địa, các công trình có sự kết hợp linh hoạt các loại vật liệu truyền thống và hiện đại, lớp vỏ bao che phối hợp tinh tế với các chi tiết trang trí, kết cấu chịu lực tương thích một cách logic với giải pháp chống nóng, các chi tiết kiến trúc kiểu Pháp ăn nhập hài hoà với cách thức trang trí và tạo hình theo kiểu Á Đông.
Tiềm năng khai thác du lịch văn hóa dựa trên tài nguyên di sản đô thị khu phố Pháp Hải Phòng
Các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp có giá trị cao
Dựa trên danh mục các công trình di sản thuộc địa Pháp có giá trị cấp 1 đang được Sở Xây dựng đề xuất ra Hội đồng đánh giá của TP, chúng tôi chọn lọc, bổ sung và đánh giá tiềm năng khai thác, phát huy các công trình trong khu phố Pháp trong phát triển du lịch văn hóa, ngay cả khi các công trình này vẫn đang được khai thác theo những mục đích khác. Cụ thể xem bảng 1:
Các công trình kiến trúc có giá trị khác
Bảng 1: Tiềm năng phát triển du lịch di sản văn hóa của các công trình cấp 1 trong khu phố Pháp Hải Phòng
Dựa trên danh sách phân loại các công trình di sản có giá trị cấp 2, chúng tôi đánh giá và chọn lọc một số công trình có thể phát huy giá trị khai thác trong phát triển du lịch sau khi các cơ quan Chính quyền TP chuyển sang làm việc tại Trung tâm hành chính mới (dự kiến sau 2025). Khai thác, phát huy các công trình kiến trúc xây dựng thời Pháp thuộc tại khu phố Pháp – Hải Phòng khi trung tâm chính trị, hành chính chuyển sang bờ Bắc sông Cấm trở thành mục tiêu quan trọng.
Phần lớn các công trình kiến trúc đó hiện là trụ sở của các cơ quan Đảng bộ và Chính quyền TP Hải Phòng. Đây là những giá trị vật chất vô cùng quí giá của Quỹ di sản đô thị Hải Phòng. Hướng tiếp tục khai thác, sử dụng là chuyển đổi chức năng hợp lý, trong đó có một số công trình được nghiên cứu đề xuất chức năng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch di sản văn hóa trong tương lai.
Nếu không được chuyển đổi chức năng mới, rất có thể những công trình này sẽ bị lãng quên, hư hỏng dẫn tới sụp đổ vì không được sử dụng, bảo trì thường xuyên.
Tuy nhiên, nghiên cứu nhấn mạnh khuyến nghị: Trước khi tính toán chức năng mới cho từng công trình, cần:
Nghiên cứu đánh giá tổng thể nhu cầu sử dụng, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo gắn với thúc đẩy du lịch di sản văn hóa của TP. Hải Phòng;
Rà soát, đánh giá chính xác chất lượng công trình trên các mặt nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử, xã hội học…, phân loại theo các nhóm tiêu chí phù hợp yêu cầu khai thác, sử dụng;
Cần xây dựng Quy chế bảo tồn, khai thác, sử dụng, tiêu chí đánh giá mức độ phù hợp / cần thiết của các phương án chuyển đổi chức năng. Kèm theo là đề án phát triển tổng thể quỹ tài sản vật chất gắn với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, du lịch… trước khi quyết định hướng sử dụng tiếp theo của các công trình di sản kiến trúc;
Lấy ý kiến chuyên gia, cộng đồng rộng rãi về các phương án chuyển đổi chức năng, bảo tồn thích ứng công trình di sản kiến trúc trước khi tiến hành phê duyệt, triển khai các bước tiếp theo;
Giám sát chặt chẽ các thay đổi, đảm bảo không làm biến dạng, hủy hoại, thay đổi cơ bản cấu trúc, hình thái, thẩm mỹ kiến trúc của công trình di sản;
Thường xuyên mời các chuyên gia, cộng đồng cùng tham gia giám sát quá trình chuyển đổi và bảo tồn thích ứng di sản kiến trúc và đô thị khu phố Pháp – Hải Phòng.
Các di sản công nghiệp có giá trị
Trên thế giới, nhiều nhà máy, xí nghiệp, bến tàu, bến cảng,… qua thời gian trở nên cũ kỹ, lạc hậu và không còn giá trị sử dụng, song lại ẩn chứa trong mình những giá trị, ý nghĩa văn hóa, lịch sử, kiến trúc to lớn. Nhiều di sản công nghiệp đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhiều công trình công nghiệp cũ sau khi được bảo tồn, tôn tạo, chuyển đổi chức năng thành bảo tàng, sân khấu biểu diễn, tổ hợp văn hóa, giải trí,… được định danh là “Di sản công nghiệp” đã rất thu hút khách du lịch, trở thành yếu tố góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ở nhiều quốc gia.
Dựa trên danh sách phân loại các công trình di sản có giá trị cấp 2, chúng tôi đánh giá và chọn lọc một số công trình có thể phát huy giá trị khai thác trong phát triển du lịch sau khi các cơ quan Chính quyền TP chuyển sang làm việc tại Trung tâm hành chính mới (dự kiến sau 2025). Khai thác, phát huy các công trình kiến trúc xây dựng thời Pháp thuộc tại khu phố Pháp – Hải Phòng khi trung tâm chính trị, hành chính chuyển sang bờ Bắc sông Cấm trở thành mục tiêu quan trọng.
Phần lớn các công trình kiến trúc đó hiện là trụ sở của các cơ quan Đảng bộ và Chính quyền TP Hải Phòng. Đây là những giá trị vật chất vô cùng quí giá của Quỹ di sản đô thị Hải Phòng. Hướng tiếp tục khai thác, sử dụng là chuyển đổi chức năng hợp lý, trong đó có một số công trình được nghiên cứu đề xuất chức năng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch di sản văn hóa trong tương lai. Nếu không được chuyển đổi chức năng mới, rất có thể những công trình này sẽ bị lãng quên, hư hỏng dẫn tới sụp đổ vì không được sử dụng, bảo trì thường xuyên.
Tuy nhiên, nghiên cứu nhấn mạnh khuyến nghị: Trước khi tính toán chức năng mới cho từng công trình, cần:
Nghiên cứu đánh giá tổng thể nhu cầu sử dụng, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo gắn với thúc đẩy du lịch di sản văn hóa của TP. Hải Phòng;
Rà soát, đánh giá chính xác chất lượng công trình trên các mặt nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử, xã hội học…, phân loại theo các nhóm tiêu chí phù hợp yêu cầu khai thác, sử dụng;
Cần xây dựng Quy chế bảo tồn, khai thác, sử dụng, tiêu chí đánh giá mức độ phù hợp / cần thiết của các phương án chuyển đổi chức năng. Kèm theo là đề án phát triển tổng thể quỹ tài sản vật chất gắn với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, du lịch… trước khi quyết định hướng sử dụng tiếp theo của các công trình di sản kiến trúc;
Lấy ý kiến chuyên gia, cộng đồng rộng rãi về các phương án chuyển đổi chức năng, bảo tồn thích ứng công trình di sản kiến trúc trước khi tiến hành phê duyệt, triển khai các bước tiếp theo;
Giám sát chặt chẽ các thay đổi, đảm bảo không làm biến dạng, hủy hoại, thay đổi cơ bản cấu trúc, hình thái, thẩm mỹ kiến trúc của công trình di sản;
Thường xuyên mời các chuyên gia, cộng đồng cùng tham gia giám sát quá trình chuyển đổi và bảo tồn thích ứng di sản kiến trúc và đô thị khu phố Pháp – Hải Phòng.
Các di sản công nghiệp có giá trị
Trên thế giới, nhiều nhà máy, xí nghiệp, bến tàu, bến cảng,… qua thời gian trở nên cũ kỹ, lạc hậu và không còn giá trị sử dụng, song lại ẩn chứa trong mình những giá trị, ý nghĩa văn hóa, lịch sử, kiến trúc to lớn. Nhiều di sản công nghiệp đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhiều công trình công nghiệp cũ sau khi được bảo tồn, tôn tạo, chuyển đổi chức năng thành bảo tàng, sân khấu biểu diễn, tổ hợp văn hóa, giải trí,… được định danh là “Di sản công nghiệp” đã rất thu hút khách du lịch, trở thành yếu tố góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ở nhiều quốc gia.
Các nhà máy, xí nghiệp ở Hải Phòng thời thuộc địa được người Pháp bố trí, quy hoạch ở những vị trí phù hợp, chủ yếu gắn với sông Cấm để tận dụng khả năng vận chuyển hàng hóa bằng đường sông. Các khu công nghiệp (quartier industriel) đều được bố trí dọc hai bên bờ sông Cấm.
Bản đồ quy hoạch đô thị Hải Phòng thời thuộc địa chỉ rõ chủ trương của chính quyền khi xây dựng ba khu công nghiệp tập trung, khá cân xứng, trong đó hai khu công nghiệp với quy mô nhỏ nằm ở hữu ngạn (cùng phía với khu nhượng địa) và một khu công nghiệp với quy mô rộng lớn nằm ở tả ngạn (phía huyện Thủy Nguyên).
Việc xây dựng một khu công nghiệp ở phía tả ngạn cũng cho thấy chiến lược mở rộng đô thị về phía Bắc là hoàn toàn hợp lý khi tốc độ khẩn hoang, lấn biến không theo kịp nhu cầu xây dựng và phát triển đô thị trong giai đoạn tiếp theo.
Các trục / tuyến quan trọng của khu phố trung tâm đô thị Hải Phòng
(Nguồn: Nguyễn Quốc Tuân)
Khu Cảng và các nhà máy – Di sản công nghiệp một thời của Hải Phòng có cơ hội, một lần nữa, được chuyển mình sang trọng hơn, trở thành những điểm đến – Không gian sáng tạo giàu sức hút cộng đồng. Mỗi cơ sở công nghiệp có thể trở thành một cực hút trong phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo của TP.
Hơn thế nữa, các di sản công nghiệp ở Hải Phòng đang có được lợi thế mà không ở nơi nào khác có được / còn giữ được, đó là khả năng phối kết / liên kết bằng tuyến đường sông, mà tuyến chính là sông Cấm. Cơ hội để tổ chức các tuyến du lịch sông nước, kết hợp tham quan các di sản công nghiệp – không gian văn hóa sáng tạo, thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật, trải nghiệm các mô hình văn hóa mới…tại Hải Phòng là rất sáng lạn.
Tổ chức Trục di sản đô thị Hải Phòng
Dải vườn hoa trung tâm Hải Phòng là ví dụ thú vị trong phát triển đô thị về sự chuyển đổi linh hoạt từ kênh nước thành vườn hoa. Có thể đánh giá đây là một vườn hoa trung tâm hiếm có (kéo dài 2,6km) của một đô thị lớn ở Việt Nam, có thể nói là độc nhất vô nhị. Với nhiều di sản đô thị tập hợp hai bên dải vườn hoa, cùng nhiều hoạt động đô thị diễn ra, đã nuôi dưỡng “hồn nơi chốn” cho không gian công cộng đáng quý này.
Những biệt thự cũ có thể tìm được “lối ra mới” bằng việc chuyển đổi chức năng thành các thiết chế văn hóa, các bảo tàng tư nhân, bảo tàng danh nhân đất Cảng. TP Huế đã khá thành công khi tạo dựng được ở bờ Nam sông Hương các nhà trưng bày các tác phẩm điêu khắc của Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, nhà trưng bày áo dài, nghề thủ công Huế…, thì Hải Phòng cũng có thể tôn vinh nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyên Hồng, Khái Hưng, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà… – Những danh nhân văn hóa, nhân tài có nhiều dấu ấn gắn bó với đất Cảng trong không gian của dải vườn hoa trung tâm.
Cộng hưởng thêm yếu tố cảnh quan khi kết nối hai dòng sông Cấm và Tam Bạc, dải vườn hoa trung tâm có tiềm năng to lớn trở thành Trục di sản đô thị Hải Phòng. Có thể gia tăng giá trị cho trục di sản này bằng cách mở rộng các điểm đến hấp dẫn trong phạm vi gần, kết nối với các hoạt động bản địa, với các loại hình di sản khác để tạo ra giá trị tổng hợp có sức hấp dẫn và khả năng phát huy cao hơn cho tổng thể không gian di sản đô thị trung tâm Hải Phòng.
Kết luận
Di sản kiến trúc và đô thị thuộc địa Pháp ở Hải Phòng, nhất là khu vực trung tâm, cần được coi là một nguồn tài sản vô giá của TP. Trong tương lai, Hải Phòng còn tiếp tục được mở rộng ra nhiều hướng, nhưng khu phố Pháp sẽ vẫn luôn giữ vai trò hạt nhân quan trọng, là nơi tập trung nhiều cơ quan, trụ sở, các cơ sở kinh doanh thương mại, các tổ chức văn hóa – xã hội nghệ thuật quan trọng, cũng như các hoạt động đô thị tiêu biểu cho đời sống của TP.
Để tránh những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của di sản đô thị này, bảo tồn và phát huy trên cơ sở khai thác phục vụ phát triển là một xu thế tất yếu, mà một trong những hướng đi phù hợp là khai thác phát triển du lịch di sản văn hóa. Với tài nguyên di sản dồi dào, khu phố Pháp Hải Phòng thực sự có tiềm năng rất lớn đi đi hướng đi đúng đắn, biến di sản trở thành động lực cho sự sáng tạo và phát triển của TP.
TS.KTS. Nguyễn Quốc Tuân
ThS. Nguyễn Văn Thắng
TS. Phạm Thị Hường
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2023
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Đạo Kính (2012) – “Văn hóa Kiến trúc” – Nhà xuất bản Tri Thức;
2. Nguyễn Thị Hoải Phương (2022) – “Khu đô thị trung tâm TP Hải Phòng: quá trình hình thành và những giá trị tiêu biểu” – Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị khu đô thị trung tâm TP Hải Phòng”;
3. Nguyễn Trí Thành (2012) – “Cảnh quan đô thị lịch sử – một giá trị di sản” – Tạp chí Kiến trúc;
4. Nguyễn Quốc Tuân (2014) – “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị khu phố Pháp tại TP Hải Phòng” – Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội;
5. Nguyễn Quốc Tuân (2014) – “Lưu giữ và phát huy hệ thống sông nước trong xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng” – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam;
6. Hội đồng lịch sử TP Hải Phòng (1990) – “Địa chí Hải Phòng” – Nhà xuất bản Hải Phòng;
7. Hội KTS Hải Phòng, UBND quận Hồng Bàng, Sở Xây dựng, Liên hiệp các hội KH&KT Hải Phòng (2022) – “Kỷ yếu hội thảo khoa học: Bảo tồn và phát huy giá trị khu đô thị trung tâm TP Hải Phòng”;
8. Sở Xây dựng Hải Phòng (2022) – “Đề án quản lý các công trình Kiến trúc có giá trị cần được gìn giữ, tôn tạo, bảo vệ tại TP Hải Phòng”;
9. Uỷ ban nhân dân TP Hải Phòng (2016) – “Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP Hải Phòng”;
10. Viện Quy hoạch Hải Phòng (2006) – “Định hướng quy hoạch không gian TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050”.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc