Nhiều du khách nước ngoài ngỡ ngàng khi thăm Bưu điện trung tâm và muốn giới thiệu bạn bè tới đây tham quan.
Người Pháp xây dựng Bưu điện trung tâm Sài Gòn trong giai đoạn 1886 - 1891 làm nơi truyền điện tín, thư từ. Công trình tọa lạc tại Công trường Công xã Paris, quận 1 mang phong cách châu Âu kết hợp với nét Á Đông theo bản vẽ của kiến trúc sư Pháp.
Theo Sở Văn hóa Thể thao TP HCM, tòa nhà Bưu điện được UBND TP đưa vào danh mục kiểm kê để xếp hạng di tích từ năm 2010. Du khách tham quan không chỉ có cơ hội ngắm nét kiến trúc độc đáo của bưu điện, mà còn có cơ hội tìm hiểu lịch sử của thành phố. Bạn sẽ bắt gặp chiếc hòm bỏ thư, quầy điện thoại kiểu cũ hay nghỉ chân trên chiếc ghế dài có tuổi đời trăm năm.
Mặt tiền của tòa nhà có các ô cửa hình chữ nhật với phần vòm ở phía trên, họa tiết trang trí mang phong cách châu Âu. Trên đó còn ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện.
Trần nhà xây dạng vòm tạo cảm giác bề thế, thoáng rộng. Vòm cung lớn được chống đỡ bởi bốn trụ nằm bốn góc, mỗi cột chống đỡ bốn kèo sắt tỏa ra bốn phía.
Ngay tiền sảnh có 14 bốt điện thoại. Trước đây, những bốt này được sử dụng để phục vụ người dân và du khách. Hiện du khách chỉ có thể tham quan nhưng không được sử dụng.
Phía bên phải tiền sảnh là tấm bản đồ mang tên "Saigon et ses environs 1892" thể hiện địa lý Sài Gòn và vùng xung quanh.
Đối diện bản đồ năm 1982 là bản đồ “Lignes téléraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936” - thể hiện đường dây điện của Việt Nam và Campuchia năm 1936.
Đường dây thép (hệ thống bưu điện) Sài Gòn - Quy Nhơn - Đà Nẵng - Huế - Vinh - Hà Nội có chiều dài 2.000 km, được hoàn thành vào ngày 22/3/1888. Năm 1889, đường liên lạc điện báo Sài Gòn - Bangkok (Thái Lan) được mở thêm để phục vụ cho giới kinh doanh. Từ ngày 1/7/1894, Sài Gòn bắt đầu sử dụng hệ thống điện thoại.
Phía trên của các bốt là đồng hồ thể hiện múi giờ của nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Chiếc đèn treo trong bưu điện có kiểu dáng xưa cũ.
Qua 3 thế kỷ, Bưu điện trung tâm vẫn còn hoạt động bình thường với hơn 30 quầy dịch vụ như gửi thư, chuyển phát nhanh, văn hóa phẩm lưu niệm... Cùng với Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, đây là một trong những điểm tham quan được đông đảo du khách tìm đến.
Ông Criss (du khách Pháp) lần đầu đến Việt Nam cho biết, nét kiến trúc ở đây rất giống với một số công trình ở đất nước của mình. "Tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy một công trình mang kiến trúc Pháp ở Sài Gòn. Tôi đã gửi một bức bưu thiếp cho gia đình ở Paris", ông bày tỏ.
Nằm ở chính giữa bưu điện là quầy hàng lưu niệm, nơi bán nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bưu thiếp. Quầy này chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài.
Nằm ở trong cùng là bốn dãy bàn ghế gỗ được xếp dọc để phục vụ người có nhu cầu khai báo, ghi chép để gửi bưu phẩm, thư từ.
Alex, Laura (Đức) và Samantha (Tây Ban Nha) là những du khách lần đầu đến TP HCM cũng như ghé thăm Bưu điện trung tâm. Cả ba đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước "tác phẩm nghệ thuật này".
"Chúng tôi rất vui khi các bạn còn giữ được một công trình tuyệt đẹp thế này. Chắc chắn tôi sẽ kể cho bạn bè của mình về nơi này khi quay lại Đức", nữ du khách Laura chia sẻ.
Công trình là một phần ký ức của người dân ở Sài Gòn. Nhiều bạn trẻ, sinh viên còn chọn nơi này để chụp ảnh kỷ yếu hoặc tổ chức các hoạt động.
Phong Vinh