ĐỒNG NAIVăn miếu Trấn Biên xây năm 1715, là Văn miếu đầu tiên được xây dựng ở xứ Đàng Trong, hiện nay nằm ở phường Bửu Long, Biên Hòa, Đồng Nai.
Năm 1715, sau 17 năm sáp nhập vùng đất địa đầu Nam Bộ vào lãnh thổ nước Việt, chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng Văn miếu Trấn Biên, góp phần tiếp nối mạch nguồn văn hóa, truyền thống trọng học của dân tộc Việt Nam trên mảnh đất Nam Bộ.
Văn miếu có 2 lần trung tu lớn là năm 1794 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh, và năm 1852 thời vua Tự Đức thứ 5. Năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa và đã phá bỏ công trình này.
Đến năm 1998, nhân dịp kỷ niệm kỷ 300 năm thành lập và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Văn miếu được phục dựng lại vị trí cũ và hoàn thành 4 năm sau đó, nhằm tôn vinh các danh nhân văn hóa tiêu biểu dưới hình thức tín ngưỡng dân gian truyền thống. Vị trí của Văn miếu hiện ở phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách trung tâm thành phố khoảng 3 km, và gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long.
Khu thờ tự chính của Văn miếu rộng 2 ha. Từ cổng vào lần lượt là nhà bia, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng Tam Quan, nhà bia Khổng Tử và khu thờ chính. Xung quanh còn có nhà truyền thống, thư khố, văn vật khố chứa đựng nhiều hiện vật quý giá gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Văn miếu Trấn Biên được phục dựng lại từ những tư liệu cổ, những mô tả trong Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí. Kiến trúc của khuôn viên được thiết kế theo kiến trúc thời Nguyễn và tham khảo kiến trúc văn miếu cổ trên cả nước, trong đó có Quốc Tử Giám ở Hà Nội. Nhìn từ trên cao công trình nổi bật với màu ngói lưu ly xanh ngọc bằng gốm tráng men.
Trong khu thờ chính, gian trung tâm thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Gian bên trái thờ các vị danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam gồm: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du. Gian bên phải thờ những danh nhân văn hóa gắn liền với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và Nam Bộ xưa: Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa.
Trong gian thờ tự còn có các hiện vật mang tính gắn kết, nối tiếp mạch nguồn dân tộc như: Văn bia Tiến sĩ khoa thi 1442 (phục chế), Trống hội Thăng Long, Tủ thờ 18 ký đất và 18 ký nước lấy từ Đền Hùng...
Với không gian thoáng đãng, xanh mát và mang đậm giá trị truyền thống hiếu học của dân tộc, mỗi năm Văn miếu Trấn Biên đón khoảng 300.000 lượt khách tham quan. Vào lễ Tết, nơi này thường tổ chức Tết Thầy cho các em học sinh, lễ hội hoa xuân, hội báo xuân tỉnh Đồng Nai cùng nhiều hoạt động về nguồn, tưởng nhớ tổ tiên, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thời đại mới.
Huỳnh Nhi