“Lão thị” nghìn năm tuổi vẫn mướt mát màu xanh, mỗi mùa vẫn cho trái chín vàng ươm, tỏa hương thơm ngát trên mái Đền thiêng thờ Tản Viên Sơn Thánh. Hàng hoa đại hơn 700 năm tuổi vẫn vươn mình đón nắng gió, kết tinh thành những búp hoa trắng ngần, hương thơm thanh khiết, thoát tục dẫn lối vào ngôi cổ tự thâm nghiêm mà gần gũi.
“Thị thần” nghìn năm tuổi tại khu 6, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông.
Đất
cổ Dị Nậu (huyện Tam Nông) hiện vẫn còn những “bảo vật” hấp thụ linh khí
đất trời, đồng cam cộng khổ với người dân chân lấm tay bùn hàng nghìn
năm nay. Vạn vật hữu linh với các thế hệ người dân Dị Nậu, các đại thụ
đã trở thành “thần cây”, biểu tượng linh thiêng, minh chứng cho truyền
thống lịch sử hào hùng, giá trị văn hóa bất biến với thời gian.
Theo
sử sách còn lưu giữ được và lời kể của các bậc cao niên, thuở xưa, khi
mới về vùng bán sơn địa khai hoang lập ấp, tổ tiên làng Dị Nậu đã trồng
và chăm sóc nhiều cây xanh trên khắp các con đường, khuôn viên đình,
chùa, miếu, điện,… Đất phì nhiêu, tình người hiếu thuận đã tích tụ cho
cây ngày càng cứng cáp, vươn mình phủ bóng mát.
Năm
tháng qua đi, các “lão cây” đã trở nên thân thuộc, gắn bó với các thế hệ
người dân trong làng. Và cũng như con người, trải qua bao dâu bể thời
gian, nhiều đại thụ đã không còn, để lại những tiếc thương, trống vắng
không thể bù đắp... “Đại trưởng lão” cao niên bậc nhất, được người dân
Di Nậu tôn làm “Thần cây” hiện giờ là cây thị ở Miếu thờ Đức Thánh Tản
Viên (Chòm Nam, khu 6).
Theo
chân cán bộ xã tới bái ngưỡng “Thần cây”, tôi thực sự choáng ngợp trước
vóc dáng đồ sộ, uy nghiêm của linh vật đã sinh tồn qua cả thiên niên
kỷ. Gốc thị xù xì, thô ráp chu vi 7,96m (đường kính khoảng 2,45m, chiều
cao từ gốc đến ngọn khoảng 18,45m), 5 người trưởng thành vòng tay ôm
cũng chưa kín gốc. Rễ cây ngoằn ngoèo, trườn bò trên mặt đất, rêu tảo
bám dày đặc, cành lá xum xê, tỏa bóng rợp mát sân Miếu thờ. Cách đây 2
năm, một trận bão lớn đã làm sạt nghiêng cây, gãy cành. Người dân trong
làng đau thắt ruột như thấy người thân gặp nạn, chung tay góp sức đào hố
xây cột trụ bê tông chống đỡ cho thân cây.
Các cụ
trong làng thành kính dâng lễ, cầu cúng mong cho cây khỏe lại, gắn bó,
làm điểm tựa tinh thần cho dân làng. Thế mới biết, “Thần cây” đã trở
thành tổ tiên, người thân gắn bó như huyết nhục với dân làng Dị Nậu.
Tương truyền, “Thị thần” có từ đời Vua Đinh Bộ Lĩnh (970 - 979). Khi xây
dựng miếu thờ Đức Thánh Tản Viên (258 TCN), dân làng đã trồng cây lấy
bóng mát, đồng thời như muốn tạo dựng một vị thần canh gác, trấn giữ
Miếu thờ. Tính đến nay cây thị đã trường tồn suốt hơn 1.000 năm lịch sử,
đều đặn hàng năm vẫn đơm hoa, kết trái, tỏa hương thơm ngát vùng đất
thiêng.
Sinh ra và lớn lên trên cùng đất cổ, trong
ký ức tuổi thơ của mỗi người dân nơi đây đều đã từng được thưởng thức vị
ngọt thơm, thanh mát từ trái thị ngàn năm. Những người con xa xứ mỗi
lần về thăm quê đều lui tới gốc “Thị thần” như tìm về với tổ tiên nguồn
cội, tự chiêm nghiệm tìm thanh thản trong tâm. Những trưa hè oi bức, hơi
thở cũng trở nên ngột ngat, người nông dân lao động đều tranh thủ dừng
chân dưới gốc thị hưởng thụ bầu không khí thoáng mát, xoa dịu đi cái
nhọc nhằn thường trực của cuộc sống dưới sự che chở của vị thần thiên
nhiên nghìn năm tuổi...
Dọc theo con đường làng
quanh co, chúng tôi tìm đến ngôi chùa Thiên Sinh Bà Nhan, đây là nơi ngự
trị của hàng hoa đại hơn 700 năm tuổi. Tương truyền hàng cây này xuất
hiện từ đầu thế kỷ XIV (thời nhà Trần), bao bọc ngôi chùa như bức tường
thành bảo vệ những giá trị văn hóa lâu đời trải dài suốt bao năm tháng.
Đang vào dịp đầu mùa, hoa nở rơi trắng xóa cả một khoảng sân chùa, mùi
thơm thanh khiết lan tỏa khắp không gian khiến cảnh sắc ngôi chùa càng
thêm cổ kính, thâm nghiêm.
Cùng với “Lão thị”, “Cụ
đại” người Dị Nậu còn tôn thờ, trân quý như hạt vàng, hạt ngọc thiên
nhiên nhiều di tích cổ thụ lâu đời như: Cây si hơn trăm năm tuổi ở cổng
Tây Đền Nam Căng, hai cây phượng vĩ tại ngã ba bến gò Chò, cây đa cổ thụ
ở gò Quán Thánh… Những cây đại thụ đã mang theo hồn cốt, nét đẹp văn
hóa, ý chí kiên cường của làng quê Dị Nậu bước qua phong ba bão táp vẫn
ngạo nghễ, hiên ngang giữa đất trời bao la.
Ông Tạ
Đình Hạp, Phó ban Di tích lịch sử văn hóa xã Dị Nậu chia sẻ: "Cây di sản
đã gắn bó lâu đời với người dân trong làng. Đây là nét văn hóa riêng,
dấu ấn lịch sử cần được bảo tồn và gìn giữ để con cháu đời đời nhớ tới
nguồn cội, tổ tiên. Nhận thức sự quan trọng của việc chăm sóc vào bảo
tồn cây di sản, hằng năm người dân trong làng vẫn thường tổ chức các
buổi lao động công ích: Nhổ cỏ dại, các loài tầm gửi sống nhờ thân cây,
đánh mối, nghiêm cấm bẻ cành, khi xảy ra mưa bão người dân thường xuyên
kiểm tra các cây di sản để có biện pháp chăm sóc kịp thời”.
8
cây cổ thụ trên địa bàn xã Dị Nậu gồm cây thị nghìn năm tuổi và 7 cây
hoa đại trên chùa Thiên Sinh Bà Nhan đã được công nhận là Cây Di Sản
Việt Nam . “Thần Cây” không chỉ là tài sản vô giá mà còn là nét đẹp
riêng cho cảnh quan làng quê. Chia tay với vùng đất cổ Dị Nậu, tôi cứ
vương vấn mãi với hình ảnh lũ trẻ con tíu tít, nhảy chân sáo ra Miếu thờ
Đức Thánh Tản Viên, chúng chào to “Cụ Thị ơi, chúng cháu tới thăm cụ
đây ạ…”. Ký ức thuần thiết này sẽ nuôi dưỡng tâm hồn, là nền tảng, động
lực vững chắc cho các thế hệ tương lai của làng cổ Dị Nậu vững bước vươn
xa.