Đến Sơn La du khách sẽ không chỉ được khám phá các địa danh nổi tiếng và hấp dẫn như Mộc Châu, thác Dải Yếm, đồi chè trái tim, Ngũ Động Bản Ôn… mà còn bị cuốn hút bởi những bộ trang phục thổ cẩm, ngất ngây trong men say rượu cần, thả hồn cùng những tiếng ca, những điệu múa xòe trong ánh lửa bập bùng giữa núi rừng.
1. Giới thiệu Sơn La
Tỉnh Sơn La nằm ở phía Tây Bắc, cách Hà Nội hơn 300km theo quốc lộ 6. Tỉnh là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Với diện tích tự nhiên rộng lớn cùng nguồn tài nguyên du lịch dồi dào với rất nhiều cảnh quan, hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa đa dạng và đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
2. Du lịch Sơn La dịp nào?
Thời tiết ở Sơn La khá dễ chịu nên hầu như lúc nào cũng thích hợp để du lịch. Tuy nhiên nếu có cơ hội thì bạn nên đến Sơn La vào những dịp sau:
- Tháng 9: đây là khoảng thời gian diễn ra hoạt động Tết Độc Lập của dân tộc người Mông nên vô cùng thích hợp cho những ai muốn tìm hiểu thêm về nền văn hóa Tây Bắc.
- Tháng 10: là mùa hoa dã quỳ nở rực rỡ nhất, đến đây vào dịp này bạn sẽ choáng ngợp bởi sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ dọc theo tuyến đường Quốc lộ 6 và các bản làng.
- Tháng 11: đây là thời điểm thích hợp để đi săn ảnh ở Mộc Châu với những bông hoa cải nở trắng rừng.
- Dịp Tết nguyên đán: là lúc hoa đào, hoa mận nở ngập trời Tây Bắc, sắc hồng, trắng đan xen trên mọi nẻo đường.
- Ngoài ra, lên Sơn La vào khoảng thời gian mùa đông bạn còn có cơ hội được thử cảm giác tắm suối nước nóng, một nét đặc trưng văn hóa của người Thái.
3. Di chuyển đến Sơn La
Để đến Sơn La, nếu bạn xuất phát từ Hồ Chí Minh thì nên đặt vé máy bay từ Hồ Chí Minh đến Hà Nội. Rồi từ Hà Nội bắt xe đi Sơn La.
Từ Hà Nội bạn có thể di chuyển tới Sơn La bằng phương tiện xe buýt ô tô giường nằm, các tuyến xe xuất phát hàng ngày tại Bến xe Mỹ Đình hoặc Bến xe phía sau nhà khách Sơn La (378 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân). Các xe giường nằm xuất phát tại Mỹ Đình vào khoảng 19-20h hàng ngày, thời gian lên tới Sơn La khoảng 7-8h sáng hôm sau (tùy điều kiện thời tiết và tốc độ của mỗi nhà xe.
Ngoài ra, do nằm trên tuyến quốc lộ 6 nên các bạn có thêm một lựa chọn nữa là mua vé các tuyến xe đi Điện Biên, các tuyến xe này đều đi qua Sơn La. Tuy nhiên, do xuất phát khá sớm nên xe thường đến Sơn La vào nửa đêm.
4. Đi Sơn La ở đâu?
Trên toàn bộ hầu hết các huyện của tỉnh Sơn La đều có hệ thống khách sạn nhà nghỉ. Tuy nhiên, tại những điểm tập trung thu hút khách du lịch như Mộc Châu, Tà Xùa… chủ yếu chỉ có những nhà nghỉ bình dân, chỉ phù hợp với đối tượng là các bạn trẻ đi phượt. Gần đây, nhờ nắm bắt được nhu cầu mà rất nhiều các hình thức du lịch cộng đồng kết hợp với ăn nghỉ homestay tại nhà dân đã phát triển khá mạnh, hình thức này còn thu hút thêm được nhóm đối tượng là khách du lịch nước ngoài. Sau đây là gợi ý một số khách sạn khá ổn:
- Khách sạn Sơn La: 01 Nguyễn Lương Bằng, tp. Sơn La. Điện thoại: 022 3852 702.
- Khách sạn Sao Xanh: Số 8, Hoàng Quốc Việt, Quyết Thắng, tp. Sơn La. Điện thoại: 022 3858 555.
- Khách sạn Công Đoàn: Hai Mươi Sáu Tháng Tám, Chiềng Lề, tp. Sơn La, Sơn La. Điện thoại: 022 3852 804.
- Khách sạn Hà Nội: 228 Trường Chinh, tp. Sơn La, Sơn La. Điện thoại: 022 3753 299.
-Khách sạn Hoa Anh Đào: 45 Giảng Lắc, tp. Sơn La, Sơn La. Điện thoại: 022 3858 667.
- Khách sạn Hoa Hồng: 39 3 Tháng 2, tp. Sơn La, Sơn La. Điện thoại: 022 3854 301.
5. Các món đặc sản Sơn La
Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, và các món ăn ở Sơn La cũng mang những hương vị độc đáo riêng. Sau đây là gợi ý một số món ăn bạn nên thử khi đến Sơn La:
- Thịt trâu gác bếp: Miếng thịt trâu được chọn lọc kỹ rồi đem đi ướp với các hương vị đặc trưng của miền núi, thêm ớt, tiêu rừng cùng mắc khén rồi đem gác trên bếp cho khô dần, ngoài nhìn cháy đen nhưng bên trong lại vẫn giữ được màu đỏ nguyên của thịt. Món ăn có phần dân dã nhưng hương vị thì đảm bảo đã thử một lần rồi thì bạn sẽ chẳng bao giờ quên.
- Pa pỉnh tộp: Món ăn có cái tên nghe lạ và khó hiểu vô cùng nhưng thực chất chính là món cá suối nướng của người dân tộc Thái. Từng con cá được bắt ngay tại những con suối, rửa sạch, đem mổ dọc sống lưng rồi nhân các gia vị như gừng, sả, quan trọng nhất là mắc khén, cuộn lại kẹp que tre đem nướng trên bếp than nướng, để từng thớ thịt cá thấm đượm vị ngọt cũng như mùi thơm của các loại gia vị, thường ăn cùng với xôi nếp ta.
- Nậm pịa: là một món ăn rất lạ, làm từ tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò, gọi nó là “pịa”. Nồi pịa đặt trên bếp lửa đun đến khi nồi pịa sánh, sền sệt lại là được. Món nậm pịa ăn kèm với rau chuối và bạc hà. Ban đầu chưa quen, chưa dám ăn thì món nậm pịa quả thật là rất khó ăn nhưng lâu dần bạn sẽ không quên hương vị khi vừa ăn nậm pịa, vừa nhấm nháp chén rượu thơm. Món này tuy vậy nhưng lại rất an toàn cho những ai yếu bụng.
- Thịt chua người Dao: Người Dao Tây Bắc có món thịt chua đặc sản, là món ăn mang đậm nét văn hóa riêng và thường được thưởng thức trong những dịp lễ tết đặc biệt hoặc khi đón tiếp khách quý đến nhà chơi. Từng miếng thịt ba chỉ được làm sạch, khía cho mau ngấm, sát muối hột, thêm chút cơm nguội rồi đem ngâm trong từng chiếc chum lớn. Hương vị đậm đà của thịt muối ăn kèm với chút lá lốt, tất cả làm nên món ăn đậm phong vị miền núi của người Dao.
- Cơm lam: cũng là một món ăn mang đậm phong vị núi rừng Tây Bắc, đặc biệt là dân tộc Thái. Vẫn là gạo nếp mới nhưng lại được nấu trong những ống tre, đậy lại bằng lá chuối hoặc lá rong tươi. Mùi thơm của gạo nếp mới chín hòa cùng mùi thơm thanh nhẹ của lá rong, của ống tre nướng trên bếp củi, hòa quyện hài hòa làm nên miếng cơm dẻo thơm ấm nồng bên bếp lửa nơi núi rừng Tây Bắc.
- Bê chao: Miếng thịt bê sau khi được thái lát, mang ướp với đủ các gia vị như gừng xả tiêu rồi đem chao qua dầu sôi, món ăn đơn giản dễ chế biến mà vẫn giữ nguyên được vị ngọt mềm của thịt bê non cũng như mùi thơm của các loại gia vị.
- Ốc đá Suối Bàng Mộc Châu: Con suối Bàng Mộc Châu mỗi độ mưa về lại tấp nập người đến săn ốc, món ngon nổi tiếng nơi cao nguyên này. Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, khi thời tiết ẩm ướt. Bên cạnh món ốc luộc quen thuộc, bà con nơi đây còn dùng thịt ốc để nấu canh hoặc nấu với lá lồm, măng chua hoặc nộm với xoài chua. Mỗi cách nấu đều có hương vị riêng vô cùng ngon và lạ miệng.
6. Những điểm đến ở Sơn La
- Cao nguyên Mộc Châu: Có thể nói Mộc Châu là nơi tập trung nhiều nhất tài nguyên du lịch của Sơn La và vùng núi Tây Bắc – Bắc Bộ. Đến với Mộc Châu du khách sẽ được tham quan các di tích lịch sử, động Sơn Mộc Hương, rừng thông, chùa Chiền Viên, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, và các bản văn hóa của người Mông, người Dao ở Vân Hồ, với những câu hát điệu múa khèn, với các món ăn dân tộc, đặc sản, ẩm thực và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc văn hoá lâu đời. Cứ mỗi độ tháng 10, 11, 12 hàng năm, Mộc Châu lại tấp nấp dòng người về thăm để ngắm nhìn cánh đồng hoa cải nở trắng bạt ngàn, trải dài bên từng cung đường uốn lượn, hay rừng hoa mận, hoa ban bên những bản làng, trên cao nguyên.
- Đồi chè trái tim: không chỉ được biết đến như xứ xở của muôn vàn loại hoa, Mộc Châu còn có những đồi chè xanh mướt trải dài trên những triền đồi thoai thoải. Từng luống chè, búp chè tươi non được chăm sóc tỉ mỉ bởi bàn tay của người công nhân, nằm cách đều nhau thành những hình trái tim đồng tâm. Cũng bởi vậy mà nhắc đến những đồi chè, người ta thường nhớ đến ngay đồi chè trái tim Mộc Châu. Đây cũng là địa điểm được rất nhiều cặp đôi yêu thích lựa chọn làm nơi chụp ảnh cưới của mình.
- Ngũ động Bản Ôn: Hệ thống gồm 5 hang động nằm trên rừng núi vẫn còn được gìn giữ nét đẹp hoang sơ của tạo hóa cho đến tận ngày hôm nay. Việc vào thăm động khá khó khăn, đòi hỏi sức khỏe bởi phải đi đường đồi núi, có những đoạn leo trèo khá trơn trượt nên bạn nên nhờ người dân xung quanh dẫn đi. Cũng bởi đặc tính này mà những đường nét, hình dáng cũng như những lớp nhũ đá trong động vẫn còn được bảo toàn vẹn nguyên, chưa chịu tác động của con người.
- Nhà máy thủy điện Sơn La: nằm tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, Việt Nam. Nhà máy được khởi công xây dựng ngày 2 tháng 12 năm 2005. Sau 7 năm xây dựng, Thủy điện Sơn La được khánh thành vào ngày 23 tháng 12 năm 2012, sớm hơn kế hoạch 3 năm, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
- Di tích văn bia Quế Lâm Ngự Chế: Tại trung tâm TP Sơn La có một di tích lịch sử – văn hóa, đó là văn bia “Quế Lâm Ngự Chế”, bút tích của một bậc hùng tài, đại lược – Vua Lê Thái Tông. Vào tháng 5 năm 1440, sau khi nhà Vua cùng các quân sĩ đi chinh phạt quân phiến loạn vùng Tây Bắc và nghỉ chân tại tại động La (địa phương gọi là Thẩm Ké) cảm xúc trước cảnh đẹp và khung cảnh bình yên nơi đây nhà Vua đã viết một bài thơ “Quế Lâm Ngự Chế” được khắc trên vách đá thẳng đứng trên cửa động.
- Hang Chi Đảy: Hang có tên là Chi Đảy (tiếng Thái, dịch ra có nghĩa là “sẽ được”), từ bao đời nay, những người dân tộc Thái vẫn rỉ tai nhau những câu chuyện kỳ lạ về hang động này. Rất nhiều người không quản ngại xa xôi đến hang để cầu mong vạn sự như ý.
- Cầu Pá Uôn: nằm trên địa phận xã Chiềng Ơn, sát ngay thị trấn Phiêng Lanh, thủ phủ mới của huyện Quỳnh Nhai. Cầu được mệnh danh là Đông Dương đệ nhất cầu với độ cao tự nhiên từ mặt đất lên đến mặt cầu xe chạy là 105m, đặc biệt nhịp giữa cầu cao đến 120m, là cây cầu cao nhất Việt Nam. Đứng giữa cầu, con người chỉ là một chấm nhỏ bé giữa bức tranh sơn thủy với núi non xanh biếc, sông sâu thác dữ, mây trắng vờn trên đỉnh. Nhìn từ xa cầu Pá Uôn như một con rồng bê tông cốt thép lừng lững giữa hai triền núi cao chót vót.
- Hồng Ngài - Địa danh trong "Vợ chồng A Phủ": Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” do nhà văn Tô Hoài viết năm 1952 được xây dựng từ những nguyên mẫu có thật trong đời sống xã hội thời bấy giờ ở Tường Sơn, Châu Phù Yên (cũ) thuộc huyện vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La ngày nay.
7. Quà lưu niệm khi đi Sơn La
- Chè Mộc Châu: chè Mộc Châu là một món đặc sản trứ danh, xứng đáng là thức quà mà bất kỳ ai đến với Mộc Châu cũng nên mang về tặng gia đình. Những giống chè thơm, ngon như San Tuyết, Bát Tiên, Ô Long, Kim Tuyên... đều rất nổi tiếng ở đây. Tùy thuộc vào sở thích thì bạn có thể chọn những loại chè khác nhau nhưng mỗi loại lại có hương vị riêng khác biệt. Giá thành dao động các loại chè từ 200.000 - 500.000 đồng/kg.
- Hoa quả Mộc Châu: Tùy theo mùa bạn đến tham quan mà Mộc Châu sẽ tiếp đãi bạn bằng các loại hoa quả khác nhau, từ dâu cho đến đào mận và bơ. Đảm bảo khi đem về sẽ khiến bạn bè và người nhà thích mê.
- Măng: Măng khô ở Mộc Châu thì mùa nào cũng có, măng tươi thì chỉ vào tầm tháng 8, tháng 9 mới có nhiều. Măng đắng là một trong những loại đặc sản rất được ưa thích, nếu đã thử thì bạn sẽ thích vị đắng nơi đầu lưỡi, vị ngọt nơi cuống họng. Bạn có thể mua măng tươi mang về nấu các món hoặc để muối măng chua.
- Thịt trâu gác bếp: như đã giới thiệu ở trên, đây là một món đặc sản không nên bỏ qua khi đến Sơn La. Món này khá dễ bảo quản và để được lâu nên rất thích hợp để mua về cho người thân bạn bè nhấm nháp thử.
Ngoài ra, chợ vùng cao Sơn La có khá nhiều các sản phẩm lưu niệm thú vị như: dao mèo, trang phục thổ cẩm, đồ lưu niệm… đảm bảo sẽ không thiếu quà cho bạn
tùy ý lựa chọn.
8. Lưu ý khác
- Vì thời tiết Mộc Châu rất đặc biệt, một ngày có tới 4 mùa. Vào những ngày tháng 3- tháng 8, ngày có thể có nắng, nhưng về chiều và nhất là đêm lại có cái lạnh mùa thu, bạn phải mặc áo ấm khi đi chơi đêm và đắp chăn bông đi ngủ. Vì vậy bạn nên chuẩn bị kỹ trước khi đi, mang theo quần áo ấm và cả quần áo thoáng mát cho mùa hè.
- Các điểm du lịch tại Sơn La hầu hết là những vùng núi rừng hoang sơ nên nếu có đi cùng trẻ nhỏ thì nên để ý kỹ, dừng để bé đi lang thang một mình dễ bị lạc.
- Luôn giữ gìn trật tự và vệ sinh tại mọi nơi mình đến bạn nhé.