TTO - "Làm sao để khách mê mẩn văn hóa bản sắc miệt đất cuối phương Nam. Làm sao quyến rũ được khách ở lại để cùng mò cua, bắt cá, nếm canh chua cá ngát, nhấp ly rượu đế nồng vị phù sa và lặng nghe tiếng đờn ca tài tử...,
ấy mới là Đất Mũi".
Du lịch Đất Mũi nên đầu tư vào bản sắc văn hóa địa phương để níu chân du khách - Ảnh: QUỐC VIỆT
Xã Đất Mũi vẫn còn 223 hộ nghèo và 307 hộ cận nghèo, nhưng việc học hành
giờ đã tốt hơn với 6 trường học, 8 điểm, 89 phòng và 130 giáo viên dạy
dỗ gần 2.200 học sinh. Toàn xã hiện đã có 4 trường đạt chuẩn quốc gia,
không còn tình trạng học sinh bỏ học sớm như ngày trước.
Vừa quen vừa lạ. Lắm thứ sôi động hẳn lên, nhưng nhiều cảnh vẫn bàng
bạc cảnh bập bềnh như xưa... Đó là cảm giác của tôi khi trở lại Đất Mũi,
Cà Mau hơn một năm sau ngày có đường.
Cô gái có nước da bánh
mật tròn mắt: “Ghe tàu chi nữa anh? Ngồi xe thẳng, hổng đầy ba tiếng là
tới”.Thói quen như quán tính, trả phòng nghỉ ở thành phố Cà Mau, tôi hỏi
lễ tân: “Đò đi Đất Mũi xuất bến mấy giờ, em?”.
Tôi tự bật
cười với chính mình dù biết đường về Đất Mũi thông xe hơn một năm, nhưng
vẫn chưa bỏ được thói quen hễ về miệt này là lại lo chuyện tàu ghe.
Đất Mũi - Ảnh: Phạm Trí Nhân
3 giờ xe, 1 ngày đò hàng
Mượn chiếc xe máy,
tôi phóng thẳng xuống Năm Căn trên con đường phẳng lì, thẳng tắp. Đến
sông Cửa Lớn, thay vì lại xuống bến tàu tìm đò dọc như các chuyến trước,
tôi chạy thẳng qua cầu Năm Căn để sang huyện Ngọc Hiển.
Cầu
bêtông vĩnh cửu rộng 12m bắc ngang qua con sông nước lợ mênh mông đã hóa
giải lời nguyền ngàn năm cách trở của rẻo đất cuối cùng Tổ quốc.
Thật
kỳ lạ, đi nhiều nơi nhưng tôi chưa thấy ở đâu cầu liền cầu, vắt qua
những con sông liền sông như đường từ Năm Căn về Đất Mũi.
Trước
đây đã trải qua cả chục chuyến ngồi ghe ngược xuôi, tôi vẫn không thể
cảm nhận chi tiết miệt này sông rạch chằng chịt bàn cờ.
Bây giờ ngồi xe cứ một đoạn lại chồm chồm qua cầu, tôi mới thật sự hiểu được sông rạch Cà Mau dày đặc đến thế nào.
Chỉ
một đoạn đường về Đất Mũi đã phải vượt qua hơn 20 cây cầu lớn nhỏ khác
nhau với những cái tên dân địa phương quen gọi rất lạ tai người phương
xa như Rạch Lùm, Rạch Cụt, Ô Rô, Cái Tắt, Sáu Nạn...
Đường mới
phóng tuyến qua khu vực xa dân cư, hầu hết cảnh quan hai bên đều hoang
vắng. Xe có thể phóng hết tốc độ cho phép, nhưng nếu bị trục trặc ắt sẽ
gặp khó khăn vì không dễ tìm được điểm sửa xe.
Đất Mũi, niềm háo
hức của bất cứ người Việt nào, đã hiện ra chỉ sau một giờ chạy xe vượt
50km từ thị trấn Năm Căn và tổng cộng hơn hai giờ nếu tính từ thành phố
Cà Mau.
Ai từng ngồi đò dọc mới hiểu rõ sự tiện lợi của con đường mới đem lại cho nơi cuối cùng Tổ quốc.
Anh
Võ Công Trường, chủ tịch UBND xã Đất Mũi, nói ngay một ví dụ: “Bận
trước tàu hàng phải mất hơn một ngày mới đến thành phố Cà Mau, nhưng giờ
xe tải chỉ chạy chưa đến ba giờ, nhanh gấp năm lần đường sông. Tư
thương Đất Mũi cần hàng gì chỉ gọi di động, ba giờ sau hàng đã đổ xuống.
Do đó hàng hóa dồi dào, giá cả dễ chịu hơn hẳn”.
Xuống
Năm Căn lần trước, bọn tôi phải bao đò cao tốc ra Đất Mũi hết 2 triệu
đồng đi, về. Giờ xăng xe khứ hồi cho đoạn đường này chưa tới 500.000
đồng” Một nhóm bạn trẻ đi ôtô từ Sài Gòn về Năm Căn chia sẻ.
Tôi ra chợ Đất Mũi, cái chợ nhỏ mà độc đáo vì là nơi buôn bán cuối
cùng của đất nước. Những lần trước, bạn bè hay dặn mua cua cá đặc sản
miệt này thì mua, nhưng nhớ đừng động đến hàng hóa nơi khác đưa về đây
vì đắt đỏ, người bán giải thích lý do sông rạch cách trở, chi phí vận
chuyển cao nên giá bán phải cao lên...
Nhưng lần này quay lại,
chợ vẫn như xưa nhưng lượng hàng hóa nhiều hơn rõ rệt, người ta bày ra
cả vệ đường. Đặc biệt, giá cả cũng “mềm” hơn hẳn.
Ông Út Danh, 70 tuổi, cựu dân ấp Rạch Tàu, tâm sự nhờ đường thông mà Đất Mũi có thêm phần sinh khí.
“Có
đường, cái lợi dễ thấy nhất là muốn mua cái gì cũng sẵn. Bận trước phải
vượt cả 100km lên tận thành phố, gần nhất phải ra chợ Năm Căn. Rồi đám
nhỏ lên lớp lớn, đi học xa nhà giờ cũng tiện hơn, không còn phải lo đò
ngang đò dọc, tốn kém tiền bạc” - ông Út Danh cười tươi nói.
Tiếc nuối khách đến lại đi
Tuy nhiên, trong
nhiều thứ lợi đem đến từ con đường phá thế sông ngòi cách trở, có một
thứ người dân cùng chính quyền Đất Mũi đã và đang trông đợi nhất là du
lịch.
Chủ tịch xã Võ Công Trường kể: “Năm ngoái, khoảng 152.000
lượt khách đến với Đất Mũi, tăng hơn hẳn khi chưa có đường. Những ngày
lễ, tết... số khách xuống đây đông đến vài ngàn người. Hơn 90% khách về
Đất Mũi giờ đã chọn đường xe”.
Khi tôi về Đất Mũi cũng gặp một nhóm bạn trẻ từ Nha Trang “phượt” về tận đây. Họ đã tíu tít chụp hình ở cột cờ Đất Mũi.
Anh
Trần Hoàng Võ, người lớn tuổi nhất trong nhóm du lịch bằng xe máy này,
kể đã một lần về Đất Mũi bằng đường sông. Nhưng chuyến này anh đi xe máy
để trải nghiệm cảm giác đường bộ xuyên rừng đước.
Theo anh Võ,
ai đó chưa về Đất Mũi bằng ghe cũng nên đi một lần cho biết, sau đó
đường bộ vẫn tiện lợi hơn vì có thể dừng chân thăm thú bất cứ điểm nào
mình thích.
Tuy nhiên, lang thang đến xế chiều, nhóm “phượt” này
lại quay ngược xe về nghỉ đêm ở thành phố Cà Mau, vì “chỉ một ngày đủ
'cày' hết Đất Mũi rồi”.
Chính vì lẽ đó mà dù khách về Đất Mũi
nhiều nhưng vùng đất này vẫn không thu nhiều lợi nhuận. Khách tham quan
xong đều theo đò ra thị trấn Năm Căn ở lại, rất ít người ở lại cùng Đất
Mũi.
Đất Mũi ngày xưa xa mù, giờ đã gần hơn nhiều nhờ đường sá.
Chỉ có điều luyến tiếc là phải chi được đầu tư, chăm chút thêm vài dịch
vụ để níu chân người.
Nói như nhà văn Hoàng Quốc Hải (người từ
Hà Nội vào tìm cảm hứng sáng tác) rằng ngoài những thứ sờ chạm được như
mốc tọa độ, bãi bồi, rừng đước, nên làm sao cho khách cảm nhận và mê mẩn
văn hóa bản sắc miệt đất cuối phương Nam.
Làm sao quyến rũ được
khách ở lại để cùng mò sò, bắt cua, lưới cá, nếm canh chua cá ngát,
nhấp ly rượu đế nồng vị phù sa và lặng nghe tiếng đờn ca tài tử... trong
những căn nhà homestay do chính người bản địa dựng lên.
Về Đất Mũi bao lần vẫn tràn ngập tình cảm rạo rực nhưng cũng còn đó chút tiếc nuối.
"Làm sao để khách mê mẩn văn hóa bản sắc miệt đất cuối phương Nam. Làm
sao quyến rũ được khách ở lại để cùng mò cua, bắt cá, nếm canh chua cá
ngát, nhấp ly rượu đế nồng vị phù sa và lặng nghe tiếng đờn ca tài
tử...,
ấy mới là Đất Mũi" - Nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Quốc Việt