Nguyễn Thị Kim Ngân từng tạo ấn tượng với cộng đồng người yêu du lịch bởi chuyến đạp xe từ Việt Nam sang Paris và mới đây là hành trình 154 ngày đạp xe xuyên Đông Nam Á.
Nguyễn Thị Kim Ngân đến từ Gia Lai đã từng tạo ấn tượng với cộng đồng
người yêu du lịch bởi một chuyến đi đặc biệt năm 2015, cùng với bạn
trai Scotland Simon Nelson đạp xe trong suốt 291 ngày, vượt qua hơn
15.000km qua 11 quốc gia để đến Thủ đô Paris, Pháp với chi phí vỏn vẹn
10.000 USD/ 2 người.
Và mới đây là hành trình 154 ngày đạp xe xuyên Đông Nam Á, thông qua 7
quốc gia: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore và
Indonesia.
Nguyễn Thị Kim Ngân cùng người đồng hành và hiện là người chồng - anh
Scotland Simon trong hai chuyến đi đặc biệt từ Việt Nam sang Paris và
xuyên Đông Nam Á bằng xe đạp.
Tôi gặp chị trong một buổi talk show “Đi với trái tim rộng mở” vào
một ngày cuối tuần. Lúc đó tôi chưa biết nhiều về chị, chỉ thấy ấn tượng
vì sự e dè, khiêm tốn khi nghe chị nói về những điều mà bản thân đã làm
được.
Khi được hỏi, động lực nào khiến chị có thể làm được những điều tưởng chừng như phi thường đó? Chị bảo “Nếu
tuổi trẻ không quyết tâm gạt bỏ mọi thứ sang một bên để thực hiện ước
mơ thì phải đợi đến bao giờ, bởi thanh xuân không trở lại”.
Và cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu!
Chuyến đi đặc biệt của những con người đặc biệt.
Nói qua một chút về chuyến đi mạo hiểm năm 2015: Đạp xe
từ Việt Nam sang Paris với chi phí vỏn vẹn 10.000 USD/ 2 người? Thách
thức và khó khăn lớn nhất trong suốt hành trình, đặc biệt là người phụ
nữ nhỏ bé như chị và đâu là động lực lớn nhất giúp chị hoàn thành hành
trình này?
Trước khi thực hiện chuyến đạp xe từ Việt Nam sang Paris, tôi đang là
một biên tập viên làm việc văn phòng của một công ty truyền thông. Ở độ
tuổi gần 30 khi ấy, nhiều cô gái đã lập gia đình và có một cuộc sống ổn
định, nhưng tôi vẫn còn lắm hoài bão muốn thực hiện cho riêng mình, để
ít ra không cảm thấy phí hoài về năm tháng tuổi trẻ.
Và sau khi Simon ngỏ ý muốn tôi cùng thực hiện chuyến đi này, nơi sẽ
diễn ra Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP21), tôi
đã gật đầu đồng ý ngay mà không cần nghĩ ngợi gì nhiều, đi là đi thôi.
Tôi chấp nhận bỏ việc, làm freelancer chỉ để thực hiện chuyến hành trình
mà bản thân còn chưa chắc chắn về nó. Nhưng nếu cứ nghĩ và băn khoăn về
đủ thứ thì biết đến khi nào mới thực hiện được.
Trong suốt chuyến đi, những yếu tố bên ngoài như địa hình núi đồi,
hoang mạc, thời tiết hay gần năm tháng trời hệ tiêu hóa suy yếu do cơ
thể không thích hợp với ẩm thực các nước Trung Á... chúng tôi đều có thể
vượt qua. Vì khi đó, thách thức hay khó khăn cũng chẳng phải điều quá
lớn lao vì tôi luôn tâm niệm rằng mình may mắn khi có được cơ hội này và
chuyến đi sẽ cho tôi những trải nghiệm vô giá để thực hiện ước mơ trở
thành nhà văn.
Chuyến đạp xe từ Việt Nam sang Paris, phong cảnh hùng vĩ ở Kyrgyzstan
Trong hành trình mới đây, chuyến đi 154 ngày đạp xe xuyên
Đông Nam Á thông qua 7 nước. Tại sao chị lại lựa chọn Đông Nam Á chứ
không phải là điểm đến nào khác?
Thực ra chúng tôi muốn được xuyên châu Mỹ nhưng lý do tài chính không
đủ vì thế Đông Nam Á là sự lựa chọn hợp lý nhất. Điều quan trọng nữa là
tôi chưa biết nhiều về Đông Nam Á, trước đây chỉ tới Singapore 1 lần và
Campuchia 2 lần vì thế tôi thấy tò mò muốn khám phá các quốc gia láng
giềng.
Ngoài ra, khối Đông Nam Á cũng không cần visa, ngoại trừ Myanmar do
thời gian ở lâu nên cần xin visa điện tử, nên sẽ tiết kiệm được một
khoản kinh phí cho vấn đề visa.
Theo Kim Ngân chia sẻ, chuyến đi xuyên Đông Nam Á là ý tưởng của bản thân, muốn đi để tìm hiểu phụ nữ các nước trong khu vực.
Khi thực hiện những chuyến đi đòi hỏi sự mạo hiểm như thế
này, chắc hẳn chị đã nhận được không ít những lời động viên nhưng bên
cạnh đó còn là lời rèm pha, ngăn cản? Cảm xúc lúc đó của chị ra sao và
chị đã làm như thế nào?
Chuyến đi trước đây vào năm 2015 từ Việt Nam đến Paris, tôi cảm thấy
khá hoang mang trước những áp lực vô hình từ gia đình, bạn bè nhưng khi
đã quyết tâm gạt bỏ những trăn trở ấy sang một bên để thực hiện chuyến
đi vì đây là cuộc đời mình thì tôi cảm thấy những áp lực này không còn
tác động được lên suy nghĩ của mình nữa.
Vì mỗi người có một cuộc đời và tôi đang sống một cuộc đời của chính
mình. Chuyến đi quanh Đông Nam Á thì nhẹ nhàng hơn vì không còn gặp bất
kỳ dèm pha nào cả vì có lẽ mọi người đã thấy tôi chứng minh được những
lo âu hay cản trở của họ trước đây đều vô ích.
Có rất nhiều hình thức - phương tiện để hoàn thành được
chuyến đi của mình, tại sao chị lại lựa chọn xe đạp? Một trong những
loại hình thô sơ nhất?
Mỗi người đều có một cách khác nhau để thực hiện ước mơ của mình,
riêng với Kim Ngân đã quyết tâm hoàn thành mục tiêu thì phải làm tới
cùng, lựa chọn phương tiện xe đạp đòi hỏi dùng cái đầu còn nhiều hơn là
đôi chân.
Khi đó, tôi cũng nghĩ rằng những gì bản thân thu nhặt được trong
chuyến đi sẽ có ích cho sự nghiệp viết của mình sau này. Đó là động lực
rất quan trọng để tiếp tục hành trình, dù bản thân không ưa xe đạp chút
nào và không có thói quen đi xe đạp nhiều.
Xe đạp là phương tiện lên đường rẻ tiền nhất dành cho những ai nghiện
du lịch, có thể thực hiện chuyến đi đường dài trong thời gian lâu và
mỗi lần nhập cảnh lại dễ dàng.
Tuy nhiên, đạp xe đường dài lại càng không phải là chuyện dễ, đặc
biệt khi gặp những đoàn xe lớn chạy với tốc độ cao. Hoặc những sự cố
không thể lường trước được như: Đứt phanh, xuống dốc hay băng qua những
địa hình gồ ghề, hiểm trở...Trong những trường hợp đó, buộc bản thân
phải suy nghĩ, cân nhắc và tính toán sao cho thật hợp lý để tránh khỏi
được những sự cố đáng tiếc.
Dù lựa chọn phương tiện nào thì cũng nên đặt mục tiêu và lòng quyết tâm làm đầu.
"Đạp xe cần dùng đầu nhiều hơn là đôi chân" - Kim Ngân cho hay.
Giữa vô vàn những khó khăn, hẳn chị đã có rất nhiều trải
nghiệm hay và kỷ niệm đáng nhớ? Sau chuyến đi đặc biệt xuyên Đông Nam Á,
chị đã học hỏi và đúc rút ra được điều gì cho bản thân mình?
Mỗi nơi mình đi qua...đều để lại những kỷ niệm đẹp. Người ta cứ bảo
thế giới này nguy hiểm nhưng trải qua chặng hành trình từ Á sang Âu, rồi
xuyên Đông Nam Á tôi chợt nhận ra rằng "Phải đi mới cảm nhận được thế
giới đẹp đến nhường nào".
Ở chuyến đi Đông Nam Á, điều khiến tôi thấy ấn tượng và đáng nhớ nhất
là con người. Có những người giàu nhưng cô đơn còn những người nghèo
lại ngập tràn nụ cười. Đặc biệt là những người dân Myanmar đã nhường bữa
cơm đạm bạc của họ cho tôi khi mình ghé vào nhà họ giữa một nơi không
có hàng quán và nắng quái gay gắt.
Chuyến đi này, điều khiến tôi quan tâm nhất chính là những người phụ
nữ trong khu vực và suy ngẫm về hạnh phúc. Tôi nhận ra dù khác ngôn ngữ,
văn hóa nhưng con người ở đâu cũng giống nhau, đều mong muốn có một
cuộc sống hạnh phúc.
Sau khi chuyến đi kết thúc cũng là lúc cuốn sách mới nhất của tôi "ra
đời" nhằm truyền tải thông điệp về ý nghĩa "Hạnh Phúc" tới bạn đọc sau
154 ngày rong ruổi bằng ngựa sắt qua các quốc gia Đông Nam Á.
Quan niệm về hạnh phúc tùy theo mỗi người, đó có thể là lên đường
khám phá thế giới hay tìm hiểu chính nội tâm, là tình cảm đôi lứa hay
con đường chinh phục học thức.
Ngân rất tâm đắc một số câu quote sau:
“Bản lĩnh con người không phải được minh chứng bằng bao nhiêu
ngọn núi hay hoang mạc ta đã băng qua, mà nó được thể hiện bằng nụ cười
điềm tĩnh khi ta đối diện với nỗi cô đơn của riêng mình.”
“Tôi sợ khi về già ngồi than khóc trên đống của cải và hối hận
cho một tuổi trẻ không đủ dũng khí theo đuổi ước mơ, vì thanh xuân không
trở lại.”
Hãy cứ đi và trải nghiệm những điều đẹp đẽ ở thế giới rộng lớn ngoài kia.
Cảm ơn chị Kim Ngân về những chia sẻ thú vị này!
Ảnh: NVCC
Như Ý
Theo Đời sống & Pháp lý