TTO - Có phải cuộc sống của chúng ta thật bon chen, xô bồ và ồn ã? Và chưa bao giờ nhu cầu cần được sống chậm lại, cần được cho phép bản thân yên tĩnh lại lớn đến như vậy: nghệ thuật của sự tĩnh lặng.
Ảnh: Telegraph
"Nghệ thuật của sự tĩnh lặng bàn về cảm giác phiêu lưu bất ngờ của việc ở yên một chỗ và tiết lộ một sự thật trái ngược: càng tìm cách kết nối nhiều hơn thì dường như chúng ta càng thất vọng để rồi lại tìm cách thoát khỏi những ràng buộc đó.
Tại sao một lữ khách dành cả đời để đi khắp đó đây như Pico Iyer, người đã từng đi từ đảo Phục Sinh đến Ethiopia, từ Cuba đến Kathmandu, lại nghĩ rằng ngồi tĩnh lặng trong phòng có thể là chuyến hành trình tối thượng?
Bởi vì trong cái thế giới của chúng ta – cái thế giới đang ngày càng trở nên điên cuồng – cuộc sống của chúng ta thật bon chen, xô bồ và ồn ã. Chưa bao giờ nhu cầu cần được sống chậm lại, cần được cho phép bản thân yên tĩnh lại lớn đến như vậy" – nghệ thuật của sự tĩnh lặng.
Hành trình tối thượng nằm bên trong chúng ta - Ảnh: Nhật Đăng
"Nhiều lúc mình phải cho phép mình cô đơn", anh Đằng từng nói vậy trong một lần lè nhè. Đúng ra gã này hầu như lúc nào cũng lè nhè. Nhưng tôi rất thích ý này.
Tôi chấp nhận đánh đổi nhiều thứ, tự cho phép mình cô đơn vậy. Đó cũng là lý do tôi thích làm việc về đêm nhiều hơn.
Khi tiếng cười nói lắng xuống, khi thanh âm lượng như ly rượu trút những dòng nồng nàn cuối cùng, nơ ron như nhận được tín hiệu khởi động. Bạn ngồi đó, mặc cho xung quanh lãng quên mình.
Bạn phân tích mọi loại khả năng và tìm mọi loại bằng chứng có thể để phục vụ hoặc phản biện chính luận điểm của mình. Đầu bạn như nóng ran lên. Tim bạn đập mạnh hơn. Phổi bạn dốc từng đợt háo hức.
"Eureka, Eureka!" - Bạn có quyền sung sướng như Archimedes. Bạn đã có ý tưởng.
Tôi cũng từng nói chuyện cùng một anh bạn về một chủ đề không hẳn là "chủ nghĩa xê dịch" hoặc phản biện chủ nghĩa xê dịch.
Chúng ta đều còn rất trẻ và chúng ta muốn khám phá. Tốt.
Nhưng bên cạnh việc tận dụng mọi thời cơ để đi khắp nơi, cố gắng khai thác từng khía cạnh cuối cùng của một chủ đề nhàm chán nào đó, chúng ta vẫn còn một thế giới khác chưa ai đặt chân đến: Thế giới nội tâm của chính mình.
Khám phá chính mình là một hành trình khó khăn hơn mọi thứ và giá trị hơn mọi thứ. Chúng ta có thể nhục mạ ai đó và cho rằng họ đáng bị như vậy.
Chúng ta có thể làm mọi điều riêng tư điên khùng nhất và nghĩ rằng không ai trên thế giới này độc đáo hơn chúng ta.
Nhưng tất cả đều chưa nhận được lời phán xét sau cùng từ chính chúng ta, nếu chúng ta chưa đi hết hành trình khám phá chính mình.
Bạn đã nghe câu "Hồi ấy tao còn nông nổi" từ bao nhiêu người rồi? Có thể, những người nói câu ấy đã bắt đầu hành trình khám phá chính mình.
Còn đó bao nhiêu sự lựa chọn, bao nhiêu khả năng, bao nhiêu tiềm năng, bao nhiêu phán xét dựa trên trải nghiệm sống và số người chúng ta gặp trong đời đang tốt hơn sự phán xét vội vã ngày hôm nay?
Ảnh: girlstravelling
Khám phá chính mình cũng là một cách để chúng ta khám phá thế giới. Chỉ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang tồn tại trên hành tinh này, nhưng có cả tỉ câu chuyện, quyển sách viết về chúng.
Blogger du lịch giống như chủ một doanh nghiệp kinh doanh đá quý một thành viên vậy. Các vùng đất họ đặt chân đến là quặng thô.
Họ ghi nhận thực tế như một người thợ đào, rồi dùng trải nghiệm và tư duy của họ để biến những thực tế nhàm chán ấy thành một câu chuyện hay, như công đoạn chế tác một mẩu đá thành đồ trang sức vậy.
Vì thế, nếu bạn không khám phá chính mình từ trước, bạn sẽ chỉ phản ánh vội vã bằng cảm xúc. Nếu bạn đã tôn trọng thế giới bên trong mình, chắc chắn bạn sẽ trầm tĩnh hơn, chừng mực hơn, đạt tỉ lệ chính xác cao hơn.
Điều đó chứng minh một sự thật rằng: không quan trọng bạn đi bao nhiêu nước, bao nhiêu nơi, mà là bạn cảm nhận được gì từ những nơi bạn đã đến.
Hành trình tối thượng nằm bên trong chúng ta.
NHẬT ĐĂNG