Cát Bà là quần đảo gồm 367 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km, cách thành phố Hạ Long khoảng 25 km
Ngoài du lịch biển đảo, Cát Bà còn là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ ba danh hiệu quốc gia và quốc tế gồm Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với những thế mạnh đặc biệt như vậy, song về tổng thể phát triển du lịch ở Cát Bà còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù tương xứng với vị thế và giá trị mang tính toàn cầu, sức hấp dẫn và cạnh tranh du lịch còn hạn chế. Hoạt động du lịch còn tản mát ở các khu khác nhau. Việc phát triển du lịch phải đối mặt với thách thức về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái.
Cát Bà là một địa điểm du lịch rất thú vị với đầy đủ núi, biển và cả rừng (Ảnh – tyxsomewhere)
|
Thị trấn Cát Bà (Ảnh – ooowenong) |
Cát Bà là một hòn đảo nằm trong quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải của thành phố Hải Phòng. Trước kia đảo thuộc Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay), cho đến 1956 mới chuyển về Hải Phòng. Đến năm 1977 sát nhập với Cát Hải thành huyện Cát Hải như ngày nay. Trên đảo Cát Bà có thị trấn Cát Bà và các xã Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Trân Châu, Việt Hải, Xuân Đám.
Tương truyền xưa kia tên đảo là Các Bà, là hậu phương cho Các Ông theo Thánh Gióng đánh giặc Ân. Ở thị trấn Cát Bà hiện nay có đền Các Bà. Các bản đồ hành chính thời Pháp thuộc (như bản đồ năm 1938) còn ghi là Các Bà. Như vậy có lẽ tên gọi Các Bà đã bị đọc chệch thành Cát Bà.
|
Vịnh Lan Hạ của Cát Bà cũng có nhiều quần thể núi đá vôi tương tự như Hạ Long (Ảnh – samjophoto) |
Tài liệu khảo cổ học đã xác nhận Cát Bà là một trong những nơi có con người nguyên thuỷ khá sớm. Khoảng thời gian biển tiến (theo tài liệu địa chất là vào khoảng 17.000-9.000 năm cách ngày nay), hệ thống các đảo trong vịnh Bắc Bộ bị phân tách ra khỏi lục địa. Lúc này, tại vùng biển đảo Hạ Long – Cát Bà đã có một nhóm cư dân chuyên sống trong các hang động đá vôi, mà khảo cổ học gọi là cư dân văn hoá Hoà Bình (có người gọi là văn hoá Soi Nhụ – tên một di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại vịnh Hạ Long).
Trên đảo chính Cát Bà có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi là một nơi đang được đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái. phía đông nam của đảo có vịnh Lan Hạ, phía tây nam có vịnh Cát Gia có một số bãi cát nhỏ nhưng sạch, sóng không lớn thuận tiện cho phát triển du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng. Trên biển xuất hiện nhiều núi đá vôi đẹp tương tự vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.
Du lịch Cát Bà vào thời gian nào?
Nếu thích biển, các bạn nên tới Cát Bà vào mùa hè (Ảnh – pikachu041097)
Mang khí hậu đặc trưng của miền Bắc nhưng lại nằm ngoài biển nên về cơ bản, khí hậu của Cát Bà tương đối mát mẻ quanh năm. Tuy vậy, một số lưu ý như sau để các bạn lựa chọn thời điểm hợp lý cho chuyến đi của mình:
- Khoảng từ tháng 4-8 là mùa hè của miền Bắc, nhiệt độ lúc này tương đối cao nên phù hợp cho các chuyến đi nghỉ mát ở biển. Nhưng cũng chính bởi vậy, khoảng thời gian này nếu đến Cát Bà vào mỗi cuối tuần có lẽ các bạn sẽ thấy choáng ngợp bởi lượng du khách quá đông, các dịch vụ cũng có thể sẽ quá tải.
- Vào khoảng tháng 7-8 có thể miền Bắc sẽ có những trận bão, áp thấp nhiệt đới gây ảnh hưởng tương đối lớn tới Cát Bà bởi đây là 1 hòn đảo, các bạn vẫn cần những chặng di chuyển ngang qua biển. Nếu thời tiết chuyển xấu đột ngột, đôi khi có thể mắc kẹt ngoài đảo. Vì vậy hãy theo dõi thời tiết thật kỹ trước chuyến đi.
- Mùa đông (cũng không hẳn giữa mùa đông, khoảng thời gian từ sau tháng 9 trở đi) hòn đảo bắt đầu trở lại với sự bình yên của nó, du khách đến Cát Bà vào thời điểm này thường là du khách nước ngoài, người dân ở Hải Phòng. Đây là thời gian vô cùng lý tưởng cho các hoạt động thể thao mạo hiểm như leo núi, trekking hay chèo thuyền Kayak.
Hướng dẫn đi tới Cát Bà
Phương tiện cá nhân
Từ Hải Phòng
Với tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cùng cây cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện, việc di chuyển tới Cát Bà đã thuận lợi hơn rất nhiều (Ảnh – duykhoanguyenvu)
Để di chuyển tới Hải Phòng bằng phương tiện cá nhân, các bạn chỉ nên đi bằng xe ô tô riêng bởi có tuyến đường cao tốc mới nên thời gian di chuyển khá nhanh. Các bạn nếu có ý định đi xe máy thì không nên bởi tuyến đường QL5 cũ đã xuống cấp, rất nhiều xe công chạy ngày đêm.
Nếu đi trực tiếp tới Cát Bà, các bạn đi theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quãng đường chừng gần 100km, tới trạm cuối các bạn đi theo hướng Đình Vũ – Quảng Ninh, tiếp khi nào thấy biển chỉ dẫn đi cầu Tân Vũ – Lạch Huyện thì rẽ sang, qua hết cầu sẽ tới bến phà Gót. Nếu bạn nào muốn dừng lại ở Thành phố Hải Phòng chơi thì nhớ rời khỏi cao tốc nhé.
Phà
Đi phà có thể mang theo xe ra đảo, nhưng vào những dịp cuối tuần mùa cao điểm, việc chờ đợi phà vài ba tiếng là một điều rất may mắn rồi (Ảnh – imtungdesign)
Hàng ngày từ 5h sáng tại Bến Gót cứ khoảng 30 phút sẽ có các chuyến phà sang Cát Bà, vào những dịp lễ số lượng chuyến phà có thể tăng theo nhu cầu người dân. Tuy vậy các bạn lưu ý là nếu đi vào cuối tuần bằng ô tô cá nhân, thời gian chờ phà có thể kéo dài nửa ngày, rất mất thời gian.
Cáp treo
Với tuyến cáp treo này, các bạn có thể để xe lại bến phà và di chuyển sang Cát Bà nhanh hơn, nhất là trong những dịp cuối tuần (Ảnh – suniversie)
Từ năm 2020, Sun Group đã khai trương tuyến cáp treo vượt biển để đưa du khách sang đảo Cát Bà. Các bạn nếu không có nhu cầu đi lại trên đảo bằng xe ô tô cá nhân có thể sử dụng phương án này, đi cáp treo qua biển sang bên kia rồi sử dụng xe ô tô trung chuyển để về trung tâm. Trong trường hợp vẫn muốn mang xe qua, chỉ cần 1 người lái xe ở lại chờ phà, những thành viên khác có thể sử dụng cáp treo và ô tô trung chuyển về trung tâm trước để đỡ mất thời gian.
Từ Hạ Long
Nếu có thời gian rảnh, các bạn có thể dành thêm 1 ngày để khám phá Hạ Long (Ảnh – yiyiinhanoi)
Nếu muốn kết hợp ghé Hạ Long chơi trước khi đi Cát Bà các bạn có thể lựa chọn phương án này. Chạy theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long rồi đi tới đảo Tuần Châu để tiếp tục di chuyển. Từ cảng Tuần Châu, Hạ Long hàng ngày có khoảng 10-15 chuyến phà khởi hành từ đây tới bến Gia Luận của đảo Cát Bà. Lợi thế của phà Tuần Châu là chạy trong khu vực vịnh khá kín gió, trong một số trường hợp khi có gió cấp 5,6 phà vẫn có thể hoạt động (trong khi phà từ Bến Gót có thể phải ngừng hoạt động).
Phương tiện công cộng
Đi trực tiếp từ Hà Nội
Từ Hà Nội hiện nay có một số hãng xe đưa khách tới Cát Bà, thực ra hành trình này cũng tương tự như sử dụng phương tiện cá nhân. Ô tô sẽ đưa các bạn trực tiếp xuống Hải Phòng, đi ra Bến Gót sau đó lên tàu cao tốc/hoặc phà để sang phía bên kia (bến Cái Viềng). Tại đây, các bạn tiếp tục lên ô tô trung chuyển để di chuyển về trung tâm.
Đi tới Hải Phòng
Nếu ở Hà Nội mà muốn đi Cát Bà bằng phương tiện công cộng các bạn nên chọn luôn các hãng xe có chuyến đi Cát Bà, trừ trường hợp các bạn muốn dừng lại chơi ở Hải Phòng trước hoặc các bạn ở xa chỉ có thể bay tới Hải Phòng.
Máy bay
Máy bay phù hợp với các bạn từ khu vực miền Trung và miền Nam muốn tới Cát Bà (Ảnh – tutinorchid)
Từ hầu hết các thành phố lớn ở Việt Nam từ khu vực miền Trung trở vào đều có các chuyến bay tới Hải Phòng (sân bay Cát Bi) của các hãng hàng không trong nước. Giá vé máy bay tùy thời điểm mua có thể mua được với giá khoảng từ 1000-1500k. Nếu đến Hải Phòng bằng máy bay, khả năng cao là các bạn ở những địa phương khá xa, vì vậy hãy tranh thủ ở lại thành phố Hải Phòng 1 ngày để khám phá ẩm thực trước khi di chuyển tới Cát Bà nhé.
Tàu hỏa
Nếu có trẻ nhỏ, các bạn có thể cho các bé trải nghiệm đi tàu tới Hải Phòng (Ảnh – _t.c.t3010)
Hàng ngày từ Hà Nội có 4 chuyến tàu khởi hành đi Hải Phòng, thời gian di chuyển khoảng từ 2,5-3h. Nếu đi ngày thường các bạn đi từ ga Long Biên, nếu đi vào cuối tuần có thể đi từ ga Hà Nội. Các bạn nào muốn mang theo xe máy/gửi xe máy ở ga thì nên tới ga Gia Lâm. Vé tàu các bạn có thể mua online trên website của đường sắt Việt Nam, lưu vé điện tử và ra thẳng tàu.
Ô tô khách
Các chuyến xe khách từ Hà Nội đi Hải Phòng hiện tại thường xuất phát từ bến xe Nước Ngầm và bến xe Gia Lâm, gần như xe chạy liên tục nên các bạn có thể ra bến bất cứ lúc nào để đi. Nếu đến Hải Phòng và không đi đâu chơi, các bạn hãy chọn các chuyến tới bến xe Lạc Long, đây là điểm gần nhất tới Bến Bính để bắt tàu đi Cát Bà.
Từ Hải Phòng đi Cát Bà
Đi tàu trực tiếp
Tàu cánh ngầm từ Hải Phòng đi Cát Bà xuất phát tại Bến Bính (Ảnh – Nguyễn Đức Đại)
Tại bến Bính các bạn có thể mua vé tàu trực tiếp từ Hải Phòng đi Cát Bà, ưu điểm của lựa chọn này là thời gian di chuyển nhanh, nhược điểm là với những người không quen sẽ có thể bị sau sóng (do tàu chạy thẳng ra biển)
Tàu cao tốc + Ô tô
Phương án này còn gọi là tàu tránh sóng, do chặng di chuyển của tàu chủ yếu trên sông, điểm cuối là bến Cái Viềng. Từ đây các bạn xuống xe và di chuyển về trung tâm đảo bằng xe buýt của hãng tàu luôn.
Đi lại trên đảo Cát Bà
Xe máy
Kiếm một chiếc xe máy để đi lại ở Cát Bà cho tiện (Ảnh – haudtt)
Nếu các bạn thích khám phá nhiều địa điểm trên đảo Cát Bà với chi phí rẻ, các bạn nên thuê 1 chiếc xe máy. Giá thuê xe trên đảo tương đối hợp lý (khoảng 100k), giao thông vắng vẻ nên việc đi lại khá dễ dàng.
Xe đạp
Xe đạp đôi trên đảo Cát Bà (Ảnh – nadina964)
Nếu yêu thích các hoạt động vận động, các bạn có thể mượn xe đạp ở khách sạn (nhiều khách sạn có sẵn) để đạp xe khám phá quanh đảo. Có nhiều khu vực trên đảo mà việc đạp xe ngắm cảnh rất thú vị như xã Trân Châu, làng Việt Hải…. Quanh khu vực thị trấn các bạn có thể sử dụng xe đạp đôi để dạo chơi, ngắm cảnh hay đi ăn.
Taxi
Với một số địa điểm xa như khu vực Vườn Quốc gia, di chuyển đi lại giữa các khách sạn và khu vực trung tâm, hay di chuyển từ các bến phà về trung tâm thì phương tiện taxi vẫn là lựa chọn của nhóm du khách đi theo gia đình. Tuy vậy số lượng taxi ở trên đảo cũng không phải quá nhiều nên nếu bạn ở xa trung tâm quá thì việc gọi xe đôi lúc khá lâu.
Xe điện
Đi chặng ngắn có thể sử dụng xe điện, chặng dài các bạn có thể gọi taxi (Ảnh – photography_carlamw)
Từ khu vực trung tâm, nếu muốn di chuyển tới các bãi tắm hay một số địa điểm du lịch ở gần các bạn có thể sử dụng xe điện. Dễ dàng gọi xe kể cả quãng đường di chuyển ngắn và có thể chở được nhiều người là lợi thế của loại hình phương tiện này.
Lưu trú ở Cát Bà
Khách sạn/Nhà nghỉ
Ngoài các địa điểm lưu trú trên đảo, có khá nhiều khách sạn/resort nằm ngoài khu vực vịnh Lan Hạ (Ảnh – larrysomewhere)
Ở Cát Bà hiện nay có hàng trăm khách sạn nhà nghỉ nằm rải rác trong thị trấn, nhiều nhất là ngay khu đường 1/4 ven biển, số lượng phòng hoàn toàn có thể đáp ứng được hàng chục nghìn khách du lịch. Giá khách sạn nhà nghỉ trong tuần thường thấp hơn 50% so với giá cuối tuần. Giá khách sạn trong mùa du lịch cao gấp đôi so với mùa bình thường. Chính vì vậy nếu có thể sắp xếp thời gian các bạn nên dành ra khoảng 2 ngày bình thường để khám phá và du lịch Cát Bà, vừa không đông vừa có thể tiết kiệm chi phí.
Homestay
Ngoài những homestay trên bờ, các bạn còn có thể lựa chọn ở trong những homestay của người dân được dựng trên bè nổi (Ảnh – Krzysztof Lojek)
Homestay là một loại hình lý tưởng đối với những người yêu thích khám phá văn hóa tại các vùng đất mới. Khi đi du lịch homestay, thay vì ở khách sạn hoặc nhà nghỉ các bạn sẽ ở ngay tại nhà của dân địa phương để có thể có một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn với cách sống và nền văn hóa của chính họ. Đến Cát Bà các bạn có thể trải nghiệm homestay ở các khu vực làng chài trên vịnh Lan Hạ, làng Việt Hải, một vài xã nằm cách xa khu dân cư.
Ngủ trên vịnh
Cũng giống như Hạ Long, khi đến với Cát Bà các bạn có thể lựa chọn ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ (Ảnh – duykhoanguyenvu)
Cũng tương tự như Hạ Long, trên vịnh Lan Hạ cũng có một số du thuyền được thiết kế với phòng ngủ trên tàu cho những du khách muốn ngủ qua đêm trên vịnh. Tuy quy mô chưa thể bằng những tàu bên phía Hạ Long nhưng cũng là một trải nghiệm thú vị cho du khách đến Cát Bà muốn thử.
Cắm trại
Nếu có đủ đồ, các bạn có thể dựng lều ngủ qua đêm ở Cát Bà (Ảnh – Hoang Tran Vu)
Với những nhóm bạn thích hòa mình vào thiên nhiên, việc cắm trại dựng lều ngủ qua đêm không có gì quá khó. Trên đảo Cát Bà rất nhiều địa điểm mà các bạn có thể dựng lều ngủ được ví dụ như trên đường từ phà Cái Viềng về trung tâm đảo, bãi biển Tùng Thu, một số điểm gần khu vực Vườn Quốc gia Cát Bà.
Các địa điểm du lịch ở Cát Bà
Hoạt động
Đi thuyền trên Vịnh
Ngắm hoàng hôn trên vịnh Lan Hạ cũng rất thú vị (Ảnh – jackabritten)
Nếu đoàn đông, các bạn có thể thuê những thuyền to để đi ngắm cảnh trong Vịnh, dừng lại ở một bãi tắm hoang sơ nào đó hoặc một vùng lặng nước để bơi hoặc chèo kayak. Nếu bạn đi số lượng người ít có thể thuê những thuyền nhỏ của người dân (bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở cảng Cái Bèo) để có mức chi phí phù hợp. Giá thuê thuyền đi Vịnh Lan Hạ dao động trong khoảng từ 300-500k/người, tùy thuộc vào lịch trình các điểm đi của bạn.
Chèo kayak
Chèo Kayak trên vịnh Lan Hạ (Ảnh – ly.wander)
Để có vị trí thuận tiện để chèo thì bạn nên phải thuê thuyền đi ngắm vịnh (hoặc đơn giản hơn là mua 1 tour chèo kayak). Thường thì các tàu sẽ đưa bạn tới những khu vực lặng sóng, gần bờ dể dễ dàng hơn cho việc chèo (chèo ngoài biển sóng to nên rất mệt). Một số địa điểm để chèo kayak như Hang Tối Hang Sáng, Hang Me Kong, bãi biển Ba Trái Đào….
Đạp xe ở Làng Việt Hải
Đạp xe ở làng Việt Hải (Ảnh – _sysy__)
Từ thị trấn Cát Bà, để tới được làng Việt Hải theo đường biển sẽ mất khoảng 1 tiếng đi thuyền. Ngay bến thuyền có dịch vụ thuê xe đạp cho bạn, từ đây vào tới làng chỉ khoảng 5km. Các bạn sẽ được đạp xe giữa bốn bề thiên nhiên núi rừng, một con đường ven biển, xuyên núi. Vào đến làng, hãy tiếp tục đạp xe xuống cuối làng và hỏi đường vào chỗ ngôi nhà cổ nằm trong rừng nhé, hơi xa một chút nhưng khá thú vị. Đây là một ngôi nhà của tư nhân nên nếu muốn vào chụp ảnh cần phải xin phép. Dặn thêm các bạn, ở Việt Hải vô cùng nhiều muỗi và côn trùng, các bạn nên bôi các loại thuốc chống côn trùng trước khi đi.
Trekking Vườn quốc gia Cát Bà
Trong Vườn Quốc gia Cát Bà có khá nhiều tuyến trekking (Ảnh – ju.almacigana)
Có nhiều tuyến đường trekking mà bạn có thể khám phá tùy theo khả năng và sức lực riêng của từng bạn. Một tuyến hấp dẫn mà bạn nên cân nhắc là Ao Ếch – Việt Hải. Đây là tuyến đường có chiều dài khoảng 8km.
Bắt đầu từ Trụ sở Vườn, các bạn sẽ khởi động với khoảng hơn 2km tuyến đường du lịch sinh thái, vượt tiếp qua đỉnh Mây Bầu nơi có Cây Đa cổ thụ, xuyên tiếp qua rừng nguyên sinh là các bạn tới Ao Ếch, tới đây ta đã vượt qua tổng cộng 6km của chặng đường. Ao Ếch là hồ nước ngọt lớn nhất trên đảo, tiếp tục trek khoảng 2km bạn sẽ tới làng Việt Hải. Tới đây, nếu còn sức các bạn đi bộ tiếp 5km để ra tới bến tàu, nếu tiện có thể đi nhờ tàu để về lại bến Bèo.
Leo núi mạo hiểm
Trò leo núi này không phải ai cũng có thể tham gia (Ảnh – olivia.jchandler)
Leo núi trên biển Cát Bà đang rất thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Có hàng chục điểm leo núi ở trên các đảo thuộc vịnh Lan Hạ, trên đất liền và chung quanh khu vực Cát Bà tạo ra điểm nhấn cho du lịch đảo Ngọc với những vách đá cheo leo, thử thách những ai ưa thích môn thể thao mạo hiểm này.
Hiện trên các đảo nằm rải rác trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, có 8 điểm leo núi ở Cát Bà và một số điểm khác thuộc vịnh Hạ Long được khai thác thành tua du lịch mạo hiểm leo núi Cát Bà. Đó là các điểm Bến Bèo, Hang Cá, Đảo Ba trái đào, Hòn Bút, Đảo Tiên Ông, Vách đá “Ba anh em”, thung lũng Liên Minh (xã Trân Châu)… Đa số người leo núi hiện nay là du khách đến từ các nước phương Tây và chính họ là đối tượng khai phá nhiều điểm du lịch mạo hiểm và leo núi ở các đảo thuộc Cát Bà và Hạ Long.
Biển
Bãi Cát Cò
Bãi biển Cát Cò tuy đẹp nhưng lúc nào cũng rất đông du khách (Ảnh – daitravel90)
Từ trung tâm thị trấn Cát Bà, bạn có thể đi bộ hoặc thuê xe ôm, xe điện ra các bãi tắm Cát Cò 1, Cát Cò 2 và Cát Cò 3. Đây là những bãi tắm không quá lớn nhưng kín đáo, nước trong. Các bãi tắm được nối với nhau bằng một con đường nhỏ men theo triền núi.
Bãi Tùng Thu
Bãi biển Tùng Thu (Ảnh – Brian Byrne)
Bãi Tùng Thu nằm xa hơn, cách trung tâm thị trấn khoảng 2km về phía Vườn Quốc gia. Bãi tắm này do xa trung tâm nên thường vắng vẻ hơn, rất thích hợp cho những ai không thích sự ồn ào.
Vịnh Lan Hạ
Vịnh Lan Hạ (Ảnh – Iris Gesang)
Vịnh Lan Hạ nằm ở phía Đông đảo Cát Bà, trông ra cửa Vạn, liền kề vịnh Hạ Long. Đây là một vùng vịnh rất êm ả hình vòng cung với khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một bức tranh khổng lồ khắc hoạ lại cảnh tiên. Khác với Hạ Long là tất cả 400 hòn đảo lớn nhỏ ở Vịnh Lan Hạ đều được phủ đầy cây xanh hay thảm thực vật, cho dù chỉ là những hòn đảo vô cùng nhỏ bé.
Mật độ núi đá vôi ở đây khá dầy và còn rất hoang sơ, chia cắt mặt biển thành những áng, vịnh nhỏ. Nhiều áng, vịnh, hang động chưa được khám phá. Khác với vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ có tới 139 bãi cát vàng nhỏ nhắn, xinh xắn và hoang vắng như những “eo biển xanh” gọi mời du khách khám phá. Nhiều bãi cát trải dài giữa hai núi đá, yên tĩnh không có sóng lớn, thực sự là những bãi tắm lý tưởng.
Vườn Quốc gia Cát Bà
Vườn Quốc gia Cát Bà (Ảnh – away.on.adventure)
Nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn quốc gia Cát Bà cách trung tâm khu du lịch gần 12 km, là địa chỉ du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn du khách trong nước và nước ngoài. Vườn quốc gia Cát Bà có nhiều tuyến du lịch như: tuyến khám phá hang động; du lịch sinh thái, giáo dục môi trường; tuyến xuyên vườn quốc gia…Tùy theo sở thích và quỹ thời gian, du khách có thể lựa chọn tuyến đi phù hợp với điều kiện của mình.
Làng chài Cái Bèo
Đến làng chài Cái Bèo các bạn có thể thưởng thức hải sản ngay trên các lồng bè (Ảnh – chennthanh)
Làng chài Cái Bèo (hay còn gọi là làng chài Vụng O) là một trong những ngôi làng nổi cổ lớn nhất cả nước ở thời tiền Sử. Đây là một làng chài có khoảng 300 hộ dân, cuộc sống của cư dân làng chài Cái Bèo gắn liền với hoạt động đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng trong vịnh.
Hang Vẹm, Áng Thình Lình
Chèo kayak trên hồ Hang Vẹm (Ảnh – Little Cát Bà)
Nằm ở phía Đông Bắc của Cát Bà là những dãy đá núi vôi dựng đứng, lởm chởm đá tai mèo. Khoảng trống kẹp giữa các dãy núi ở các vùng khác thường được gọi là thung lũng nhưng ở Cát Bà lại được gọi là “áng”.
Thình Lình là tên gọi một cái áng kẹp giữa 2 dãy núi đá vôi như thế. Từ khu vực đập đá đoạn phố Hà Sen đi vòng men theo đường mòn quanh hồ nước, vượt qua 1 vài mỏm núi nhỏ (khoảng 30 phút đi rừng) sẽ tới khu vực hồ Hang Vẹm và áng Thình Lình. Là một hồ nước nằm kẹp giữa các dãy núi nhưng nước ở đây lại có vị lợ.
Đảo Khỉ
Đảo Cát Dứa hay còn gọi là đảo Khỉ (Ảnh – bravezpham)
Đảo Khỉ (Đảo Cát Dứa) nằm cách thị trấn Cát Bà khoảng 1 km đường chim bay. Để đến đảo khỉ, khách du lịch thường đi thuyền từ bến Bèo mất khoảng 10 phút đi qua làng chài Cái Bèo, qua mấy hòn đảo nhỏ rồi tiến thẳng ra đến đảo khỉ. Trước đây, đảo khỉ có tên gọi là đảo Cát Dứa là vì trên đảo có nhiều cây dứa dại có quả trông thì rất ngon nhưng không ăn được. Người dân đi đánh cá thường đến lấy đem về ngâm nước uống cho mát hoặc sấy khô làm thuốc chữa bệnh tiểu đường.
Hiện nay, tên của đảo thường được gọi là đảo khỉ. Lý do là trên đảo có khoảng hơn 20 con khỉ do kiểm lâm của Vườn Quốc Gia Cát Bà mang thả tại đây. Chúng thường xuống bãi tắm chơi đùa với du khách, ăn các thức ăn do du khách cho như chuối, táo, quýt, bánh kẹo…những chú khỉ ngộ nghĩnh chơi đùa, leo trèo tạo ấn tượng cho những ai từng tới đây và dần quen người ta gọi đây là đảo khỉ.
Đảo khỉ có chu vi khoảng 3 km. Đây là một hòn đảo cấu tạo dạng núi có bãi cát được tạo thành qua hàng triệu năm sóng và gió đưa cát, đá, san hô, các loại vỏ sinh vật biển như vỏ ốc, vỏ sò, tôm, cua vào chân núi tạo thành bãi cát trải dài hàng km. Đảo khỉ có 2 bãi tắm dạng vòng cung đó là bãi Cát Dứa 1 và bãi tắm Cát Dứa 2. Trong đó bãi tắm Cát Dứa 1 dài hơn, có doanh trại quân đội đồn trú. Đây là một điểm tắm biển lý tưởng cho du khách mỗi khi đi du lịch Cát Bà vì nước biển ở đây trong và xanh vô cùng. Dịch vụ ở đây có nhà hàng mái lá để du khách có thể ngồi hóng gió biển, mua đồ uống, ăn kem…kèm theo một số dịch vụ cho du khách như cho thuê quần áo tắm, phao, thuyền kayak…
Làng Việt Hải
Cảnh yên bình của Việt Hả (Ảnh – j.vlrd)
Đã từ lâu, Việt Hải lại là điểm du lịch sinh thái cộng đồng thu hút khá nhiều lữ khách nước ngoài yêu thích sự tìm tòi khám phá những vùng đất mới. Những ai đã từng đến với Việt Hải chắc chắn sẽ không thể quên về một làng nghèo nhưng đậm tính nhân văn và đặc trưng văn hóa vùng miền của một làng quê Bắc Bộ đặc biệt so với các làng quê khác. Việt Hải là nơi tạo ra nét văn hóa vùng đặc sắc, khơi gợi sự tò mò của du khách khi chính họ đang muốn khám phá cuộc sống thuần nông và bản chất chân thật của người dân nơi đây, ở đó sẽ là nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước, của sự thân thiện, chân thành…
Đảo Nam Cát
Đảo Nam Cát tuy đẹp nhưng lại là một khu nghỉ dưỡng cần phải đặt phòng nghỉ mới có thể ở đây (Ảnh – jcuervo221)
Từ bến Bèo, theo hướng ra vịnh Lan Hạ khoảng 15′ là sẽ tới với đảo Nam Cát hoang sơ. Chính vì vẻ nguyên sơ mà du khách tới đây luôn được tận hưởng những cảm giác yên bình. Sự can thiệp của con người vào hòn đảo này được hạn chế hết mức để giữ nguyên giá trị tự nhiên. Với 3 ngôi nhà sàn lớn bằng gỗ và 6 nhà nghỉ được làm từ tre nứa, nghỉ ngơi tại đây bạn sẽ được hòa mình cùng với thiên nhiên và không khí của vùng biển.
Pháo đài thần công
Pháo đài thần công là nơi có thể ngắm toàn cảnh Cát Bà (Ảnh – aleksandar_maricic_)
Pháo đài Thần Công được xây dựng từ năm 1942 trên cao điểm 177. Đây là một vị trí chiến lược có vai trò trọng yếu tại cửa ngõ Biển Đông, nơi đây đã diễn ra trận đấu pháo nảy lửa đầu tiên của Việt Nam và tàu chiến Pháp góp phần làm nên những chiến công oanh liệt của Cát Bà trong trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ Pháo đài Thần công, du khách sẽ có cơ hội ngắm danh lam thắng cảnh của quần đảo Cát Bà từ nhiều góc độ.
Hang Quân Y
Nếu lần đầu tới đây, du khách sẽ vô cùng bất ngờ bởi một bệnh viện được xây dựng trong lòng hang (Ảnh – nguyenlance)
Hang Quân Y nằm sát đường xuyên đảo cách thị trấn Cát Bà khoảng 13 km. Hang thuộc địa phận thôn Hải Sơn, xã Trân Châu. Đây là một địa danh du lịch thám hiểm hang động đẹp do cấu trúc đặc biệt của nhũ thạch và núi đá vôi ven biển hình thành do trầm tích.
Đặc biệt Hang Quân Y còn là một địa danh lịch sử do từng là bệnh viện dã chiến trong chiến tranh Việt Nam. Trong thời gian này quân và dân trên đảo đã xây dựng hang dựa vào lòng núi đá vôi tự nhiên để làm nơi chữa bệnh cho thương binh, nơi trú ẩn, tránh bom đạn dân cư địa phương và dân cư sơ tán về từ đảo Bạch Long Vỹ.
Phần xây dựng trong Hang Quân Y khép kín, kết cấu bằng bê tông cốt thép, chiều dài nỗi giữa hai hang khoảng 200m, thiết kế gồm có cửa trước tiếp giáp phía Tây, cửa sau tiếp giáp phía Đông, khu vực giữa Hang thiết kế gồm có 3 tầng riêng biệt gồm 17 phòng lớn nhỏ, bãi chiếu phim và một số phòng chức năng.
- Tầng 1: khu vực chính gồm 14 phòng chức năng.
- Tầng 2: Khu vực chiếu phim và kiểm tra thể lực.
- Tầng 3: Sảnh đón tiếp, phòng gác và phòng sĩ quan.
Hiện nay toàn bộ cấu trúc bên trong của Hang Quân Y vẫn còn nguyên vẹn, toàn bộ cảnh quan bên ngoài vẫn còn hoang sơ hòa trong phong cảnh của vườn quốc gia Cát Bà. Đây là địa danh hấp dẫn du khách quốc tế trong các hành trình đến với đảo Cát Bà xinh đẹp.
Động Trung Trang
Động Trung Trang (Ảnh – travel.with.the.rascals)
Trung Trang là thung lũng lớn nhất đảo Cát Bà, có diện tích khoảng 300 ha, thấp hơn mặt nước biển từ 10 đến 30m và cách thị trấn Cát Bà 15 km về phía Tây Bắc. Động Trung Trang dài khoảng 300m xuyên qua núi, là hang động do thiên nhiên kiến tạo trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Động với muôn nghìn nhũ đá thiên nhiên có hình dáng độc đáo, sáng lấp lánh như những khối châu báu, và luôn gợi cho con người liên tưởng đến hình ảnh của chốn bồng lai tiên cảnh.
Động Hoa Cương
Động Hoa Cương (Ảnh – Ms.J Pealovai)
Động Hoa Cương (hay còn có tên gọi là động Đá Hoa) nằm ở dãy núi phía đông Bắc nơi cư trú của cộng đồng dân cư xã Gia Luận, phía Bắc đảo Cát Bà tiếp giáp với vịnh Hạ Long. Động ở độ cao khoảng 15 – 20m so với mặt bằng cư trú, 50m so với mực nước biển. Chiều cao của động khoảng trên dưới 10m. Nơi rộng nhất của động là 25m, chiều dài khoảng 100m. Phía trên cửa động có nhiều thạch nhũ với hình khối như những công trình điêu khắc tuyệt vời của tạo hóa.
Đặc biệt hơn cả là tại đây các nhà khảo cổ học đã khai quật và phát hiện ra chiếc răng hóa thạch của người vượn cổ có niên đại cách đây 10 vạn năm. Mặc dù nằm cách khu dân cư không xa, song động đá Hoa hầu như còn nguyên vẹn và là một địa danh quen thuộc trong các hành trình du lịch khảo cứu trên đảo Cát Bà.
Động Phù Long
Động Phù Long (Ảnh – Tuấn CaNon)
Động Phù Long (Thiên Long) trùng trùng nhiều lớp cao dần từ ngoài vào trong trông như một mê cung ở chốn cửu trùng. Qua cửa hang là không gian hút tầm mắt, vòm hang thấp, cách nền từ 1,5 – 2m. vòm hang được tạo bởi các gờ đá lớn chạy dài uốn lượn và các hố sâu, tròn. Nhất Động có cấu trúc như một mái đá từ nền mọc lên một trụ đá khổng lồ cao 1,51m như đang cố đẩy mái vòm lên cao. Thăm động du khách có dịp liên trưởng về quá trình tạo sơn như thấy được dấu vết của động dịch học, từ thái cực sang lưỡng nghi của tạo hóa diễn ra ở đây từ hàng triệu năm trước.
Động Phù Long còn là nơi lưu giữ xương cốt của người xưa, ẩn chứa bao điều huyền bí bởi nơi đây là địa bàn hoạt động, tá túc của hải tặc một thời.
Thành nhà Mạc Cát Bà
Thành nhà Mạc ở Xuân Đán, Cát Bà (Ảnh – Thanh Sơn HP)
Do vừa phải đối phó với nội chiến trong nước, vừa phải chuẩn bị đương đầu với nạn ngoại xâm phương Bắc nên vương triều Mạc tiến hành xây thành, đắp lũy ở khắp nơi. Xưa nay để cập đến thành lũy nhà Mạc, người ta thường nhắc nhiều tới các tòa cổ thành ở biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn mà ít quan tâm đến hệ thống thành lũy phòng thủ dày đặc ở vùng biển Đông Bắc tổ quốc….
Tòa cổ thành trên đảo Cát Bà nằm ở phía đông bắc xã Xuân Đám, liền kề sát mép biển (vịnh Cát Đồn). Nhân dân địa phương quen gọi tòa thành này là thành nhà Mạc (gọi tắt là Thành Đồn). Hiện nay nơi đây đã bị phá hủy nhiều và chỉ còn lại một số dấu vết phục vụ cho việc nghiên cứu.
Các món ăn ngon tại Cát Bà
Đến với hòn đảo Cát Bà, ngoài việc có những giây phút thư thái nghỉ ngơi, hòa mình vào sóng biển thì việc thưởng thức hải sản dường như cũng là một trong những điều thu hút khách du lịch khi tới đây.
Tu Hài
Tu hài (Ảnh – tengs9ram)
Tu Hài là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống trong môi trường nước mặn. Tu Hài là hải sản quý hiếm, có giá trị dinh dưỡng cao và hương vị đặc biệt. Tu Hài chế biến được nhiều món ăn như: nướng, gỏi, nấu cháo…
Bề bề
Bề bề rang muối có thể dễ gặp thấy trong thực đơn của các nhà hàng ở Cát Bà (Ảnh – toilasonthoi)
Bề bề tại Cát Bà có khá nhiều, đặc trưng của những con bề bề ở đây là to, mẩy và bóng, do đó món ăn từ bề bề bao giờ cũng hấp dẫn. Để có được món ăn độc đáo này, người chế biến phải chọn lựa bề bề cẩn thận và đặc biệt, phải còn sống, để khi chế biến xong, thịt còn nguyên, không dập, vỡ và tạo nên hương thơm đặc trưng.
Sò huyết
Sò huyết thường nướng, vừa thơm lại vừa ngon (Ảnh – homnayangidey)
Sò huyết là loại hải sản rất tốt cho sức khỏe, các thành phần dinh dưỡng có tác dụng tăng cường sự dẻo dai, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Sò huyết có thể chế biến theo cách nướng ăn tại chỗ, sẽ rất thơm ngon và hấp dẫn.
Ghẹ xanh
Ghẹ Cát Bà (Ảnh – chick297)
Ghẹ xanh xuất hiện khá phổ biển ở khắp các vùng biển của Việt Nam. Ghẹ xanh ưa thích sống ở vùng nước có độ mặn 25-31‰ và thường sống ở độ sâu từ 4 đến 10m nước ở những vùng biển có đáy là cát, cát bùn và cát bùn có san hô chết. Ghẹ xanh hiện được nuôi nhiều trong các đầm nước lợ cũng như nuôi ghép với các loại hải sản khác trên các lồng bè khu vực Cát Bà, Hạ Long
Mực
Mực Cát Bà tương đối tươi ngon, có thể chế biến thành nhiều món (Ảnh – _r3vo_m)
Thông thường, muốn câu mực, người câu phải ra khơi, nhưng do đặc thù biển sâu, độ mặn cao và ít có sóng to nên khu vực biển Cát Bà trở thành nơi thích hợp cho loài mực mò sát vào bờ sinh sống…chính vì vậy mực cũng là một đặc sản khá phổ biến ở Cát Bà, nếu có thể mua được những con mực vừa câu lên rồi đem về chế biến thì quả thật là tuyệt vời.
Mực câu lên có thể chế biến thành các món ăn khá đa dạng như luộc, hấp, nhúng, dấm, xào, chiên giòn. Ở dạng phơi khô lại có món mực khô xé tay chấm tương ớt uống cùng với bia. Buổi tối bạn dễ dàng tìm thấy các hàng mực nướng ở ngay cầu cảng Cát Bà.
Ngao
Ngao hấp (Ảnh – siyeon_lee91)
Loại hải sản phổ biển ở các vùng biển, ngao Cát Bà to và ngậy. Một bát ngao hấp hoặc 1 bát cháo ngao nóng nên là 1 trong những món trên thực đơn của bạn.
Hàu
Hàu thậm chí có thể ăn sống (Ảnh – minh.nguyettt)
Hàu là một loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, thường sống ở các ghềnh đá ven biển hay cửa sông. Ngoài món hàu sống, món hàu nướng phô mai, nướng mỡ hành cũng rất được ưa thích. Món ăn được chế biến rất đơn giản, hàu bắt về, tách đôi vỏ. Sau khi làm sạch, cho vào một ít phô mai và đặt lên vỉ nướng trên bếp than hồng.
Bàn mai
Bàn mai nướng mỡ hành (Ảnh – phanthuling)
Không nhiều và đa dạng như những loại hải sản khác, bàn mai là một loại nhuyễn thể hoàn toàn tự nhiên và phân bố rải rác ở vịnh Bến Bèo, vịnh Lan Hạ. Bàn mai là một loại thực phẩm được ưa chuộng nhất, vì theo những người cao tuổi ở Cát Bà thì ăn bàn mai có thể giảm được đau lưng, chắc xương và đặc biệt là rất ngon và ngọt thịt. Giá trị nhất là loại bàn mai vỏ xác to bằng bàn tay, thịt săn chắc, thơm ngon và nhiều dinh dưỡng. Có thể chế biến bàn mai theo nhiều cách nhưng thông dụng, dễ làm và ngon nhất là món nướng. Bàn mai qua sơ chế, sắt miếng nhỏ vừa ăn, bày vào miếng vỏ, rưới dầu và hành phi rồi đưa lên vỉ nướng.
Bạch tuộc
Bạch tuộc (Ảnh – nixie_trang)
Bạch tuộc là một loại sinh vật thân ngắn, mềm. Nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam sử dụng bạch tuộc để ăn. Tua và các bộ phận khác được chế biến theo nhiều cách, thường là tùy thuộc vào mỗi loại bạch tuộc.
Các món cá
Cá nướng (Ảnh – chuck lee)
Trong danh sách loài cá ngon vùng biển đảo Hải Phòng, rất ít loài qua mặt được cá mú, cá song, cá thu, cá hồng, cá nhệch, cá đé. Các loại cá biển này đều hợp với món canh (riêu) “thuyền chài”, thơm ngon, bổ dưỡng. Ngoài ra, còn nhiều cách chế biến như nướng, sốt, hấp…. phụ thuộc vào loại cá mà bạn muốn thưởng thức là gì.
Bún tôm Cát Bà
Ngoài tôm, các bạn có thể ăn bún với các hải sản khác nếu thích (Ảnh – daniel.r.crowther)
Từ lâu món bún tôm của miền biển này đã trở thành một đặc sản, hấp dẫn thực khách không chỉ bởi hương vị mà còn ở nguyên liệu và bí quyết độc đáo riêng. Bát bún tôm càng thêm đậm đà bởi vị ngọt, ngậy đặc trưng của nước dùng bún, cùng với vị thơm của tôm, của rau và các loại gia vị.
Đặc sản Cát Bà làm quà
Cá thu một nắng
Cá thu một nắng (Ảnh – keomut925)
Khu vực biển Cát Bà có khá nhiều loại cá thu như: thu gai, thu phấn, nhưng ngon nhất vẫn là cá thu phấn. Lúc còn tươi, cá thu phấn có lớp váng trên da giống như bụi phấn và khi phơi khô, những bụi phấn này càng hiện lên rõ nét hơn. Cá thu dùng để ăn ngon nhất là phơi khô, bởi khi phơi khô một nắng, ráo nước, cá sẽ cho vị ngọt và mùi thơm.
Mực khô
Đừng quên mua mực khô Cát Bà về làm quà, ngon lắm (Ảnh – denisfilber)
Những con mực tươi ngon sau khi được đánh bắt về từ biển sẽ được ngư dân làm sạch và phơi hoặc sấy khô. Mực khô được phơi khi còn tươi sẽ có bụng màu trắng, lưng màu hồng nhạt tự nhiên và những chấm đen mờ thể hiện đúng với da của mực, mùi không tanh hay dính ướt tay. Mực khô ngon khi nướng lên, xé ra thịt bên trong cũng hồng nhạt và dẻo, dai, không vụn.
Nước mắm Cát Hải
Nước mắm Cát Hải là đặc sản tương đối nổi tiếng của Hải Phòng (Ảnh – Khoai Tây Bi)
Những con cá tươi sau khi đánh bắt, mang về được ướp thành chượp, ủ trong thùng, chum, gia nhiệt thêm bằng ánh nắng mặt trời để giúp lên men tốt hơn. Hàng ngày, chum được mở phơi nắng để chượp nhanh chín hơn. Sau đó, người làm nước mắm sẽ kiểm tra thường xuyên để đảm bảo việc ủ được thực hiện đúng tiêu chuẩn. Sau khoảng 12 tháng thì nước mắm sẽ được lấy ra. Nước mắm Cát Hải càng ủ lâu vị càng ngon, càng đặc trưng vì dưới tác động của nhiệt độ, protein được chuyển hóa thành amin thơm tự nhiên.
Mật ong hoa rừng
Với tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng nên ngay từ giữa thập niên 90 người dân Cát Bà đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Lúc đầu chỉ có vài hộ nuôi với số lượng đàn ít, lâu dần, nuôi ong lấy mật được coi là một nghề vì chi phí đầu tư ban đầu thấp nhưng cho lãi suất cao. Nghề nuôi ong không chỉ là sinh kế của nông dân các xã trên đảo Cát Bà mà đã trở thành thương hiệu, đặc sản, là niềm tự hào của người dân miền biển đảo, là sản phẩm được đông đảo khách du lịch tìm mua khi tới thăm quan nghỉ dưỡng.
Lịch trình du lịch Cát Bà
Nếu có nhiều thời gian, các bạn có thể kết hợp khám phá thêm thành phố Hải Phòng trước khi tới Cát Bà (Ảnh – Thu Hằng)
Hà Nội – Hạ Long – Cát Bà
Ngày 1: Hà Nội – Hạ Long
Xuất phát từ Hà Nội theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long, khoảng hơn 2 tiếng các bạn có mặt ở Tp Hạ Long. Nghỉ ngơi nhận phòng ở Hạ Long rồi ra cảng mua vé đi tham quan vịnh. Tùy thời gian rảnh mà bạn có thể đăng ký các tour khám phá vịnh.
Chiều về bãi biển ở trung tâm thành phố Hạ Long tắm biển, tối dạo chơi quanh thành phố, thưởng thức hải sản.
Ngày 2: Hạ Long – Cát Bà
Từ Hạ Long các bạn di chuyển đi đảo Tuần Châu, tại đây có các chuyến phà nối Tuần Châu với Cát Bà (bến phà Gia Luận), phà khá lớn nhưng do quãng đường dài nên thời gian di chuyển sẽ hơi lâu.
Đến Cát Bà nhận phòng, cất đồ rồi bắt đầu đi chơi. Nếu đến sớm các bạn có thể thuê tàu đi vịnh Lan Hạ (cái này thường nên đặt trước để còn chuẩn bị đồ ăn), trên vịnh thường sẽ có những địa điểm để các bạn có thể tắm biển, bơi lội hay chèo kayak.
Chiều tối về lại trung tâm, tắm rửa nghỉ ngơi, đi ăn rồi rồi dạo chơi đêm ở Cát Bà
Ngày 3: Cát Bà – Hà Nội
Sáng dậy các bạn có thể đi chơi một số địa điểm như pháo đài thần công, Vườn Quốc gia Cát Bà, hang Quân Y, động Trung Trang. Trưa về lại trung tâm ăn uống, nghỉ ngơi rồi trả phòng.
Chiều về các bạn đi theo hướng phà Cái Viềng nhé, phà Cái Viềng sang bên kia là phà Gót, từ đây lên cầu Tân Vũ Lạch Huyện rồi theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để về.
Hà Nội – Hải Phòng – Cát Bà
Lịch trình này sử dụng phương tiện công cộng với những bạn không có xe cá nhân, dừng chơi 1 đêm ở thành phố Hải Phòng rồi hôm sau mới đi Cát Bà.
Ngày 1: Hà Nội – Hải Phòng
Di chuyển Hà Nội – Hải Phòng bằng tàu hỏa (mua vé 1 chiều thôi), nếu có thời gian các bạn đi chuyến 15h30, về đến Hải Phòng khoảng 18h. Sau khi về khách sạn cất đồ các bạn có thể đi loanh quanh thành phố ăn uống, chơi bời nhẹ nhàng. Nếu nhóm đông các bạn có thể thuê taxi ra Đồ Sơn ăn hải sản, hóng gió biển. Nhớ liên hệ taxi hỏi giá trọn gói đi và về, không bấm đồng hồ.
Ngày 2: Hải Phòng – Cát Bà
Sáng dậy ăn sáng cafe xong xuôi các bạn di chuyển ra bến Bính, nếu thích nhanh thì mua vé tàu chạy trực tiếp ra đảo. Nếu thích thong thả ngắm cảnh thì các bạn mua loại vé tàu tránh sóng + ô tô trung chuyển. Ô tô khi đưa các bạn về trung tâm chạy trên con đường dọc biển khá đẹp.
Nếu khách sạn các bạn ở trung tâm thì có thể xuống ở điểm cuối là ngay gần cầu cảng, nếu không các bạn nhớ nói lái xe cho xuống địa điểm gần nhất.
Chiều thuê thuyền đi vịnh Lan Hạ, trên vịnh có nhiều địa điểm tắm biển, chèo kayak rất thú vị. Cái này tùy từng tour sẽ đưa các bạn đến những địa điểm phù hợp.
Tối về thưởng thức hải sản Cát Bà
Ngày 3: Cát Bà – Hà Nội
Ngày này các bạn liên hệ mua vé ô tô từ Cát Bà về thẳng Hà Nội trước, mua chuyến chiều muộn thôi để ban ngày còn đi chơi.
Buổi sáng dậy sớm kiếm chiếc xe đạp dạo quanh thị trấn tận hưởng không khí biển, sau đấy liên hệ thuê thuyền đi làng Việt Hải. Cứ ra cảng Cái Bèo hỏi, giá hợp lý thì đi thôi. Tới Việt Hải có thể thuê xe đạp ngay cầu cảng, đạp xe chơi ở trong làng. Chơi chán ở đây các bạn ra lại tàu để trở về lại Cát Bà.
Trưa ăn trưa xong nghỉ ngơi, thuê xe máy đi hang Quân Y, động Trung Trang, ghé thăm Vườn Quốc gia Cát Bà.
Chiều trả phòng rồi lên xe về lại Hà Nội, kết thúc chuyến đi.