Chùa Yên Tử là một trong những ngôi chùa mình yêu thích nhất ở Việt Nam. Đây là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành, sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (dòng Phật giáo của Việt Nam). Chùa Yên Tử nổi tiếng rất linh thiêng.
Chùa Yên Tử
Chùa Yên Tử là một trong những ngôi chùa mình yêu thích nhất ở Việt Nam. Đây là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành, sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (dòng Phật giáo của Việt Nam). Chùa Yên Tử nổi tiếng rất linh thiêng.
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành để tìm đến sự thanh tịnh sau khi truyền ngôi và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.
Mọi người truyền tai nhau là ai đi chùa Yên Tử ba năm liền liên tiếp sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Và mọi người thường trọn đường leo bộ để thể hiện sự thành tâm (thay bằng cáp treo)
Lễ hội chùa Yên Tử
Ở Yên Tử có lễ hội Xuân, thường được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).
Thời gian đi du lịch chùa Yên Tử
Thời gian hợp lý là 1 ngày 1 đêm. Đi vào dịp lễ hội sẽ đông (nhất là những ngày tháng 1), còn những ngày khác Yên Tử vắng vẻ, yên tĩnh, không khí trong lành rất sảng khoái).
Đường đi du lịch Yên Tử
Bạn có thể đi du lịch Yên Tử bằng xe máy, ô tô (riêng) và cả xe bus. Với các bạn từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh đi Yên Tử bằng xe máy thuận tiện nhất.
– Đi từ hướng Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định chỉ cần đi tới Uông Bí (đoạn ngã ba giao QL10 và QL18 rồi rẽ trái là tới đền Trình).
– Đi Yên Tử từ hướng Hà Nội: đi Bắc Ninh tới QL18, chạy thẳng sẽ tới đền Trình. Từ đây rẽ trái 10km sẽ tới Yên Tử.
– Hà Nội: thường thuê theo đoàn, mua tour du lịch Yên Tử 1 ngày hoặc đi xe khách. Đi xe khách bạn bắt xe đi Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái… ở Hà Nội đều được. Đi đến đoạn chùa Trình ở QL18 bảo lái xe cho xuống. Sau đấy bắt tiếp bus 16 chỗ của công ty Tùng Lâm ở ngay QL18 vào đến chân núi Yên Tử (10km) giá vé 20k/người (rất dễ bắt, bạn chỉ cần đứng ngay đầu ngã 3 sẽ thấy điểm chờ bus). Hoặc đi bus vàng giá vé 10k/người/lượt.
Vật dụng cần mang khi đi Yên Tử
– Tiền: mang theo đủ dùng, tránh bị kẻ gian móc túi những ngày đông. Thường một chuyến đi từ Hải Phòng mình tiêu khoảng 100 – 200k (không đi cáp treo). Nếu đi cáp treo 2 chiều +280k, chỉ đi cáp 1 chiều xuống +120k.
– Giày: không nên đi giày mềm, giày công sở. Nên đi giày thể thao (có thể là bata) hoặc giày leo núi thì càng tốt. Đường leo bậc thang đá, có đoạn leo đường mòn, mình thấy nhiều chị đi giày mềm bị rách, đau chân… Hoặc bạn có thể gửi giày và thuê dép ở chân núi.
– Balô: một cái balo nhỏ, gọn nhẹ để đựng ít đồ ăn, nước uống
– Quần áo: trang phục gọn nhẹ. Mùa đông mặc đủ ấm, khi leo có thể buộc áo quanh người hoặc cho vào ba lô.
– Nước: nên mua 2 chai 500ml hoặc một chai nước 1,5L mang theo uống dọc đường. Nước trên núi bán đắt 20 – 30k/chai nước lọc.
– Đồ ăn: mang đồ ăn cho bữa trưa. Có thể là bánh mỳ sữa, bánh mỳ giò, xôi… không nên mang theo đồ lỉnh kỉnh. Có thể ăn trưa trên núi nếu thích, trên này có bán xúc xích, ngô, khoai, phở… tuy nhiên giá cao hơn bình thường là điều bạn cần biết. (xúc xích 20-30k/chiếc)
– Gậy: nếu bạn đi bộ nên mua một chiếc gậy tre dưới chân núi giá 5k, có cây gậy này leo đỡ mất sức, đặc biệt khi xuống có gậy trống không bị đau khớp gối.
– Máy ảnh, điện thoại: có nhiều cảnh đẹp trên đường, bạn nên mang theo một chiếc máy ảnh du lịch hoặc điện thoại có chức năng chụp ảnh để lưu lại kỷ niệm trong chuyến đi của mình. Ở trên chùa Đồng vẫn có sóng điện thoại.
Điểm tham quan ở Yên Tử
1. Chùa Trình/đền Trình: nơi ghé vào trước khi lên Yên Tử
2. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử: đây là nơi để tu học của các nhà sư và cư sĩ. Giống như trường đại học, đây không phải nơi thờ cúng nhưng bạn có thể ghé vào tham quan trước khi leo núi.
3. Cầu Giải Oan, chùa Giải Oan: nơi thờ các cung nữ, phi tần của vua Trần Nhân Tông. Vì quá yêu vua, muốn lên núi cầu xin vua trở lại triều đình không được, các bà đằm mình xuống suối tự vẫn.
4. Tháp Huệ Quang: nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông, phần còn lại được thờ ở khu đền Trần ở Nam Định.
5. Chùa Hoa Yên: chùa trung tâm, lớn nhất khu di tích Yên Tử. Khi xưa là nơi Phật Hoàng giảng đạo.
6. Chùa Một Mái: nơi thờ Phật Quán Thế Âm, ở đây có khe nước uống rất mát
7. Chùa Bảo Sái: nơi Phật Hoàng nhập niết bàn
8. Chùa Vân Tiêu: nơi tu luyện của các vị tăng sỹ
9. An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông: bức tượng của một vị tu sĩ hóa đá và bức tượng PHật Hoàng bằng đồng rất lớn (xem hình bên dưới)
10. Chùa Đồng: ngôi chùa cao nhất đỉnh núi
Thứ tự, lịch trình tham quan: Thiền viện – cầu Giải Oan – chùa Giải Oan – chùa Hoa Yên – chùa Một Mái – chùa Bảo Sái – An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng – chùa Đồng – An Kỳ Sinh – chùa Bảo Sái (xuống cáp treo) – chùa Hoa Yên – chùa Giải Oan – xuống lại bãi gửi xe.
Giá vé các dịch vụ ở Yên Tử
Đây là những thông tin mình tìm hiểu được trên website của công ty Tùng Lâm Yên Tử (đơn vị khai thác dịch vụ độc quyền ở đây). Bạn nên liên hệ trước để đặt phòng hoặc cần sử dụng một trong các dịch vụ trong đây.
– Giá vé bus 16 chỗ từ đền Trình vào Yên Tử: 20.000VND/lượt
– Giá vé xe điện từ bãi đỗ xe vào chân núi: 10.000VND/lượt
– Phòng ngủ riêng: từ 150.000 đến 500.000 VND/phòng.
– Phòng ngủ tập thể: từ 100.000 đến 180.000 VND/giường
– Dịch vụ nhà hàng: từ 40.000 đến 80.000 VND/suất ăn (Có cả ăn chay & ăn thường)
Hotline1: 0982.066.558 (Ms Hằng – VP Yên Tử)
Hotline 2: 0904.229.076 (Ms Tâm– VP Hà Nội)
Hotline 3: 0949.986.116 (Ms Yến – VP Hà Nội)
Giá vé cáp treo Yên Tử
Nếu đi cáp treo bạn nên mua trọn 2 tuyến, đi cáp treo chỉ lên đến tượng An Kỳ Sinh vẫn phải leo bộ một đoạn khoảng 200m đường mòn. Cách mà nhiều người đi nhất là leo bộ lên chùa Đồng rồi mua cáp treo 1 chiều xuống, không nên mua cáp treo giữa đường vì giá đắt.
– Tuyến 1 (Giải Oan – Hoa Yên): Một chiều 120.000VND – Khứ hồi 200.000VND
– Tuyến 2 (Một Mái – An Kỳ Sinh): Một chiều 120.000VND – Khứ hồi 200.000VND
– Cả 2 tuyến: Một chiều 120.000VND – Khứ hồi: 280.000 VND
Lưu ý: Miễn phí vé cho trẻ em dưới 6 tuổi (cao dưới 1m2), người già trên 70 tuổi (CMND), tăng ni, thương binh (xuất trình thẻ).
*Thời gian phục vụ cáp treo:
– Mùa lễ hội (từ tháng 01 đến tháng 3 âm lịch): từ 5h đến 20h hàng ngày.
– Ngoài mùa lễ hội (từ tháng4 đến tháng 12 âm lịch): Từ 7h đến 18h hàng ngày.
8 điều mình thích nhất ở chùa Yên Tử
1. Không gian trong lành, mát mẻ quanh năm
2. Cảnh đẹp: núi non trùng điệp, mây mù mờ ảo
3. Là nơi rất linh thiêng ở miền Bắc (có lần nhóm mình đi, đứa bạn thân mình nói bậy liền mọc rất nhiều mụn cám ở trong miệng, sau đấy đi khấn thì lập tức hết)
4. Có rừng tùng cổ, giống quý gần ngàn năm tuổi
5. Là nơi khởi sinh dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được mệnh danh là đất Tổ của Phật giáo Việt Nam
6. Công ty khai thác dịch vụ làm tốt về giá cả
7. Mỗi năm được leo Yên Tử mình lại thấy khỏe khoắn hơn và vui tươi hơi
8. Những ngôi chùa cổ kính
Lưu ý khi đi du lịch chùa Yên Tử
1. Ăn mặc lịch sự vì đây là nơi linh thiêng
2. Không vất rác bừa bãi, giữ gìn bảo vệ cảnh quan
3. Không nên nói tục, chửi bậy… như câu chuyện mình kể bên trên
Hành trình du lịch chùa Yên Tử đầu Xuân 2016
Ngày mùng 5 tết âm lịch 2016, mình đi cùng hai người bạn tới chùa Yên Tử (bằng xe máy) và có ghi lại Dù hơi tiếc vì đường đi quá đông khiến mình không có nhiều không gian để chụp, nhưng vẫn rất vui vì chinh phục được đoạn đường dài hơn 6km đường bậc thang để lên đến đỉnh núi. Và đây là lần đầu tiên đi du lịch Yên Tử mình gặp thời tiết đẹp như thế, có thể phóng tầm mắt quan sát mọi cảnh quan trên đường.
Khởi hành: 7h sáng
Lịch trình: Kiến An, Hải Phòng – Uông Bí – chùa Trình – Yên Tử (khoảng cách 50km)
Câu chuyện của mình bắt đầu từ…
Sáng mình ra khỏi nhà lúc hơn 7h, đi ăn sáng và di chuyển rất nhanh từ Hải Phòng đến Uông Bí, Quảng Ninh. Điểm đầu tiên bọn mình ghé là chùa Trình nằm trên QL18, đây là ngôi chùa mà mẹ mình nói nên ghé trước khi lên chùa Yên Tử, giống như việc bạn trình báo, xin phép trước khi làm một việc gì đấy. Nhiều năm nay mình vẫn giữ thói quen này.
Đoạn đường từ Hải Phòng tới Uông Bí mình thấy dòng người tấp nập, đoán là hôm nay sẽ rất đông, nhưng không ngờ lần này lại là lần mình gặp nhiều người nhất khi đi du lịch Yên Tử. Tắc đường xảy ra ở nhiều đoạn dốc gần khu gửi xe. Nhiều hành khách phải bỏ ô tô ở lại để đi bộ vào trong, may là xe máy nên vẫn luồn lách được. Khi vào đến bãi gửi xe mình cũng mất cả tiếng chỉ để gửi chiếc xe máy, hầu hết các bãi đều hết vé (giá vé không chị chặt chém chỉ 5000đ) và phải đợi rất lâu để có vé mới. Hơn 9000 vé in đã bán hết, ước tính có từ 10 – 15.000 người cùng đi chùa Yên Tử trong ngày hôm đấy.
Sau khi vượt qua thử thách gửi xe tưởng như có lúc muốn quay về không leo nữa, bọn mình lên được đến chân núi, mặt mũi hai đứa em mình hớn hở khi được chụp ảnh. Lúc đấy là 11h30. Ai ngờ đâu một trong 2 phải bỏ cuộc giữa đường vì leo mệt quá, con bé tưởng ngọn núi cao hơn 1000m (6km đường bộ) này không quá khó khăn.
Ngay những đoạn đường đầu tiên từ chùa Giải Oan đi chùa Hoa Yên đường đã tắc nghẹt. Mình phải nhích từng bước một để qua mấy trăm bậc tam cấp, cảm giác thật phê, lần đầu tiên leo núi gặp cảnh đông như thế này, dù 4-5 năm gần đây mình vẫn thường đi chùa Yên Tử.
Trên đường mình gặp nhiều cô, cậu bé. Mình leo lần đầu tiên ngày học lớp 5, chắc bằng tuổi cô bé này.
Qua chùa Giải Ngoan ở ngay chân núi, mình lên đến đoạn rừng tùng cổ (có tuổi bằng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử) gặp hai bố con cõng nhau. Bố cậu bé nói :”Bố cõng con, sau này con có cõng bố không?” – “Có ạ” thằng bé rõng rạc trả lời.
Bọn mình lên đến đoạn tháp nơi cất giữ một phần xá lị của Phật Hoàng Trần Nhân Tông (ngay dưới chân chùa Hoa Yên) thì gặp cảnh này. Ách tắc bắt đầu từ đây.
Ngọn tháp nơi cất giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Chỉ toàn người là người. Đoạn này mình phải nhích từng bước, đây là đoạn tắc nhất của cả hành trình.
Một vài du khách đã rất nhanh nhẹn mở đường máu, dù con đường này giết chết khá nhiều trúc, chuối… mà ban quản lý trồng.
Mình thấy những du khách này cũng thú vị, họ đang biến chuyến đi thành một chuyến “bán trekking” bằng những pha băng rừng, vượt dốc.
Tới chùa Hoa Yên thì con bé em bỏ cuộc, hai anh em mình leo tiếp. Tranh thủ chén bánh mì và giò mang theo từ nhà, thằng bé với biểu cảm gương mặt này không cần hỏi cũng biết là ngon.
Giò mang theo để ăn lúc trưa, rất ngon mà lại tiết kiệm được nhiều tiền. Ở trên núi bán gì cũng đắt, chai nước không đã 20k rồi.
Từ chùa Hoa Yên leo một đoạn là đến chùa Một Mái, nơi có hang nước mát.
Nước ở đây chảy ra từ khe đá rất mát, bọn mình lấy đầy một chai mang theo uống, nước lạnh uống vào thấy sảng khoái, tỉnh táo lên nhiều. Mệt mỏi của vụ gửi xe, của tắc đường dần tan biến, hai anh em leo tiếp qua đoạn dốc nhất để đến An Kỳ Sinh.
Đi được nửa đường nhìn bãi đỗ xe bí tí xíu.
Núi non trùng điệp.
Qua đoạn dốc nhất là đến khu tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng. Hôm nay may mắn đi gặp ngày đẹp trời không có mây mù được nhìn rõ thấy tượng Phật Hoàng. Phía xa xa kia là dòng người đông như kiến…
Những đoạn cuối cùng không có bậc thang, mọi người bước đi trên đá.
Và sau bao mệt mỏi hai anh em lên đến đỉnh núi, quá đông…
Vì không thể chen được vào nên mình bật chế độ “khấn từ xa”. Năm nào dịp đầu năm cũng gặp cảnh này nên quen, với mình việc leo lên đỉnh là đủ vui rồi.
Mọi người vẫn giữ thói quen chà tiền lên chuông, khánh và cột chùa Đồng để cầu may. Có anh thanh niên mang cá ví ra chà để mang lại may mắn cho ví tiền của anh ta.
Nhìn xuống bên dưới cảnh quan thật hùng vỹ. Đúng là mênh mênh, mang mang…
Lúc bọn mình xuống mặt trời đang lặn, cảnh đẹp mê hồn
Con người nhỏ bé giữa thiên nhiên
Thành – một thanh niên tới từ quê hương chị hai 5 tấn cho hay : “Đã từng leo Fansipan nhưng em thấy Yên Tử mặc dù thấp và đường ngắn hơn nhưng đường dốc, đòi hỏi người leo phải có sức khỏe và cả quyết tâm. Em thích cảnh quan ở đây và nhất định sẽ quay trở lại.” (nhái giọng văn phong báo chí)
Núi non trùng điệp
Bóng tím xa mờ. Cảnh tượng mới hữu tình làm sao!
Cây đại nghìn năm tuổi quanh năm không ra lá, không ra hoa.
Tháp nơi cất giữ xá lị của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Cây thông có dáng đẹp, lần nào lên mình cũng chụp nó.
Cảnh hoàng hôn sau tán lá tùng.
Những mầm non mùa xuân.
Đường leo chùa Yên Tử dốc núi cheo leo, những du khách tới đây phải vượt qua quãng đường vài chục cho tới cả trăm cây số, sau đấy lại leo bộ qua hơn 6000km đường bậc thang dốc để lên được đến đỉnh, quả là một hành trình dành gian nan. Tuy nhiên dù đường có dài, chân có mỏi nhưng họ vẫn vượt qua để đến được đỉnh núi bằng chính đôi chân của mình, một phần để thể hiện sự thành tâm và cũng là để chinh phục được giới hạn của chính bản thân.
(Vui lòng trích dẫn link nếu bạn đăng tải lại bài viết. Nếu có bất cứ thắc mắc gì về kinh nghiệm du lịch Yên Tử, bạn có thể comment ngay bên dưới, mình rất sẵn lòng giải đáp)
*Vui lòng giúp mình chia sẻ bài viết trên facebook, qua email cho bạn bè nếu bạn thấy hữu ích. Cảm ơn vì đã dành thời gian đọc hết bài viết của mình.