Với những địa danh lần đầu tiên đặt chân đến, hoặc với những điểm đến xa xôi, cần thiết một chuyến đi dài ngày, thì việc lên kế hoạch thật chi tiết từ trước là điều nên làm. Để làm gì? Để tránh khỏi những bỡ ngỡ, bớt đi những rủi ro, những điều nuối tiếc…
Hãy cân nhắc với từng bước tiến hành sau đây:
1. Xác định điểm đến
Đây là bước đầu tiên và cần thiết ha, không có bước này thì (có thể)
không có những bước tiếp theo. Bạn tự đặt câu hỏi cho mình rằng mình
muốn đi đâu. Lý do mà một địa danh nào đó được lựa chọn thì có nhiều,
chẳng hạn như:
- Thích vẻ trầm lắng, nên thơ, trong lành… của nơi đó.
- Muốn được đón gió biển, được bước chân trần trên bãi cát trắng.
- Nhìn thấy một tấm ảnh đẹp và ngay lập tức truyền cảm hứng thúc đẩy bạn đến đó.
- Chuẩn bị được nghỉ phép, tìm chỗ du lịch cho phù hợp với thời tiết, khí hậu, mùa này.
- Tình cờ thấy hãng hàng không nào đó đang khuyến mãi, thế là mua vé luôn.
- v.v…
2. Mua vé máy bay, tàu, xe (nếu có)
Ở bước tiếp theo, bạn bắt đầu canh mua vé máy bay, vé xe buýt, tàu
lửa (nếu có), hoặc chỉ đơn giản là bảo trì xe máy, xe đạp cho thật tốt
để sẵn sàng một chuyến du lịch bụi bằng xe máy, xe đạp của chính mình.
3. Lên lịch trình chi tiết
Ở bước này, bạn cần tìm hiểu từng điểm đến nhỏ mà bạn muốn được tham
quan, khám phá, muốn được nhìn thấy, xem khoảng cách giữa các điểm đến,
nên đến đó thời gian nào trong ngày (hoặc trong tuần, trong lúc có lễ
hội gì đó…) để lập cho mình một lịch trình chuyến đi phù hợp, nên đi đâu
trước, thăm nơi nào để cho vừa tiện đường, vừa tiết kiệm thời gian và
tiền bạc của bạn.
Google với những từ khóa bỏ trong ngoặc kép sẽ cho ra kết quả tìm kiếm tốt nhất.
Nếu chưa biết một chút gì về địa danh mà bạn sắp đến, hãy tham khảo
những blog du lịch, những bài viết nhật ký hành trình từ các trang như phuot.vn, ophuotdi.com,… hoặc những bài viết cẩm nang du lịch tổng hợp từ các trang ivivu.com, tripnow.vn,…
Bạn cũng có thể xem thêm những lời khuyên, bình luận, đánh giá, chia sẻ
về những điểm đến nên tham quan, khách sạn nên ở, nhà hàng nên ăn… từ
những người đi du lịch trước đăng trên trang tripadvisor.com.vn.
4. Ước lượng giá cả, lập bảng tính chi phí chuyến đi
Sau khi đã có lịch trình phù hợp với bạn rồi, việc tiếp theo là lập
một bảng tính chi phí chuyến đi. Bạn có thể làm việc này trên tập tin
Excel, chia ra chi phí theo ngày. Thường thì có các chi phí cơ bản mà
bạn sẽ chi trả sẽ bao gồm:
- Vé máy bay, tàu, xe dịch chuyển nếu có
- Xin thị thực (visa, nếu điểm đến là những quốc gia bắt buộc phải có thị thực)
- Nếu đi bằng xe máy thì là xăng xe (bạn nên hiểu rõ chiếc xe của mình
tốn xăng như thế nào, 1l xăng thì đi được bao nhiêu cây số, đường trong
thành phố sẽ tốn xăng hơn là đường trường vì phải đi chậm, vướng nhiều
đèn giao thông…)
- Chỗ ở qua đêm (tùy thói quen sử dụng dịch vụ của bạn, tùy khả năng
tài chính của bạn, tùy địa danh, tùy mùa du lịch cao hay thấp điểm, tùy
dịp cuối tuần hay ngày thường)
- Thuê xe máy, xe đạp… (nếu có)
- Phương tiện giao thông (đi taxi, tuk tuk,…) nếu có
- Ăn uống ngày ba bữa, thêm nước uống, ăn vặt… gì đó (tùy nhu cầu của bạn)
- Phí tham quan
- Quà lưu niệm
Ngoài các chi phí này, bạn phải dự trù một khoản phí cho những tình
huống bất ngờ xảy ra, như việc tăng giá, bị chặt chém, bị lừa đảo, hư
xe…
Đây là bảng chi phí mẫu cho một chuyến
du lịch bụi một mình Sài Gòn – Đà Lạt 2 ngày 3 đêm (Tối thứ 6 khởi
hành, tối chủ nhật quay về) bằng xe buýt, đã tính dư dả.
Nếu như đi cùng nhóm thì bạn sẽ chia sẻ được số tiền chỗ ở, thuê xe, xăng xe, phương tiện giao thông… (nếu có).
5. Chuẩn bị thời gian
Bước này có thể không cần thiết nếu nó là lý do để có bước đầu tiên.
Còn nếu đã mua vé máy bay mà ngày mua cách xa ngày đi, thì bạn cần chuẩn
bị thời gian cho chuyến đi bằng việc sắp xếp công việc.
6. Chuẩn bị tiền bạc
Dựa trên bảng tính chi tiết mà bạn hãy để dành số tiền tương ứng hoặc
hơn để chi tiêu suốt hành trình. Bước này và bước 5 có tính chất quan
trọng tương tự nhau.
7. Chuẩn bị sức khỏe
Với những chuyến đi dài hơi, tới điểm đến nào đó xa xôi hẻo lánh,
điều kiện thời tiết không thuận lợi (quá nóng hoặc quá lạnh), hoặc những
hành trình cần nhiều thể lực (leo núi, đi bộ đường dài…) thì việc chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt là điều vô cùng cần thiết.
8. Sắm sửa hành lý
Đây là lúc chuyến đi mỗi lúc một gần kề, hãy rà soát lại lịch trình chuyến đi
mà sắm sửa các dụng cụ, trang phục, hành lý cần thiết và phù hợp, chẳng
hạn như một đôi giày tốt cho hành trình leo núi, một đôi kính mát cho
chuyến đi biển…
9. Chuẩn bị tinh thần
Nên nhớ kỹ một điều, lý thuyết là một chuyện, nhưng thực tế lại là
chuyện khác. Tưởng tượng là A, nhưng việc ở ngoài đời có thể là B. Bạn
cũng nên hiểu rằng, mọi điều hoàn hảo được kết thành từ những điều bất
hoàn hảo. Không có thứ gì trên đời là hoàn hảo tuyệt đối cả.
Vậy nên biết đâu đấy, những khiếm khuyết, những tiếc nuối… sẽ tạo nên
những kỷ niệm khó quên trong chuyến đi. Nên cứ vui vẻ đi, tự nhiên chờ
đón ngày chuyến đi được thực hiện.
10. Đi thôi
Ừ, đi thôi!
Theo Blog An Vietnam