Việc chuẩn bị kĩ lưỡng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong chuyến đi sẽ giúp các bố mẹ đi cùng con nhỏ nhàn nhã và an tâm hơn.
Cho trẻ ra ngoài chơi sẽ giúp con có cơ hội phát triển toàn diện. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh băn khoăn không biết nên chuẩn bị ra sao, lên lịch trình sinh hoạt thế nào để giúp bé luôn ngoan ngoãn, an toàn và hợp tác trong chuyến đi. Dưới đây là một số bí quyết do chị Trần Hằng (sống tại Hà Nội) chia sẻ sau chuyến du lịch nhân tuần lễ nghỉ Tết, hy vọng sẽ có ích cho các bố mẹ nhé.
"Xin chào các bố mẹ. Mình vừa thực hiện chuyến road trip xuyên 1/3 Việt Nam lần đầu tiên trong đời cùng em bé. Trước đây mình cũng từng nghĩ đến chuyện du hí cùng em bé nhưng đa số đều bị gạt đi vì "nó bé lắm, có biết gì đâu, đi như vậy phí lắm".
Ai mà vẫn còn quan điểm này thì nhầm to rồi nhé, vì các bạn ý bé nhưng lại biết tất cả đấy, chỉ là chưa nói được tiếng lòng mà thôi. Vì vậy mình viết bài này mong trở thành động lực cho các bố mẹ nào còn do dự thì hãy mạnh dạn một lần trải nghiệm. Rồi các bạn sẽ thấy rất nhiều bất ngờ mà em bé mang đến cho bạn từ chuyến đi. Chỉ cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống, mình tin là ai cũng sẽ có chuyến đi thành công.
Vì mỗi nhà sẽ có nếp sinh hoạt riêng nên mình sẽ không gợi ý một lịch trình cụ thể nào. Thay vào đó, mình sẽ liệt kê những thứ mình đã chuẩn bị và nên có cho chuyến đi cùng những địa chỉ vui chơi, ăn uống, các lưu ý cụ thể khác.
Các bố mẹ hãy dựa vào đó để tự thiết kế lịch trình cho riêng gia đình mình sao cho phù hợp nhất nhé. Điều quan trọng nhất không phải là mang cái gì, bỏ lại cái gì, mà đó là sự thoải mái tất cả thành viên gia đình có được. Nếu không thoải mái, các bạn chắc chắn sẽ không thể tận hưởng chuyến đi một cách trọn vẹn đâu", chị Hằng chia sẻ.
1. CUNG ĐƯỜNG
+ Chiều đi: Hà Nội - Thanh Hoá - Vinh (nghỉ đêm) - Huế (nghỉ đêm) - Lăng Cô - Đà Nẵng (nghỉ đêm) - Hội An.
+ Chiều về: Đà Nẵng (nghỉ đêm) - Quảng Trị - Quảng Bình (nghỉ đêm) - Hà Tĩnh - Vinh (nghỉ đêm) - Thanh Hoá - Hà Nội.
- Tổng chuyến đi là 7 ngày 6 đêm.
- Những điểm mình liệt kê mà không ghi "nghỉ đêm" thì đó là các trạm dừng chân nghỉ ngơi, thăm thú thắng cảnh, gặp gỡ bạn bè, ăn uống...
2. CHUẨN BỊ ĐỒ CHO EM BÉ
- Ghế ngồi ô tô cho bé:
+ Cái này là bắt buộc có nhé. Các bạn đừng nghĩ "ôi, em nó ngoan lắm, cho vào xe là ngồi im" hoặc "ngồi lòng mẹ, vừa ấm lại chắc". Không có cái gì chắc chắn và an toàn bằng ghế ngồi ô tô cho em bé đâu vì nó được thiết kế để bảo vệ tối đa cho các bạn ý trong trường hợp xe gặp sự cố.
+ Nên gắn ghế ngồi em bé ở hàng ghế sau trên xe ô tô, tuyệt đối không để ở hàng đầu tiên cạnh lái xe. Lý do là chẳng may gặp sự cố, túi khí của xe mà bung ra thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến em bé.
Ghế ngồi ô tô sẽ giúp bé an toàn trong khi di chuyển và ngủ thoải mái.
- Xe đẩy em bé:
+ Bé dưới 4 tuổi nên có xe đẩy đi kèm. Xe đẩy sẽ giúp bé đỡ mỏi chân, bố mẹ có thể di chuyển nhanh hơn. Lúc nào bé chán ngồi xe đẩy thì đi bộ cũng được, bố mẹ đẩy xe không đi theo, hoặc cất xe vào cốp lúc khác dùng.
+ Nên chọn loại xe càng nhẹ càng tốt. Đừng ham mấy loại đắt đỏ nặng như tảng đá với nhiều tính năng. Chỉ cần 1 chiếc xe thật nhẹ, có thể thao tác mở ra, gấp gọn nhanh chóng là được rồi.
- Quần áo và các phụ kiện đi kèm:
+ Đi bao nhiêu ngày, chuẩn bị luôn bấy nhiêu bộ. Mix sẵn thành từng bộ để lấy ra cho nhanh vì di chuyển nhiều, hạn chế tối đa thời gian xếp đồ vào vali mỗi ngày.
+ Xem kỹ dự báo thời tiết những nơi mình sẽ đến để chuẩn bị cho chuẩn. Mình soạn sẵn 3 bộ mùa đông, 3 bộ mùa hè để đem đi.
Gia đình chị Hằng tại Đại nội Huế.
+ Chuẩn bị sẵn 1 khoác có độ mỏng vừa phải nhưng giữ nhiệt tốt, kèm mũ. Con mình có 1 chiếc áo bên ngoài là cotton dày, bên trong lót nhung rất ấm. Áo này dùng suốt chuyến đi ở mọi địa điểm.
+ Tất: 3-5 đôi tùy gia đình. Tối thiểu 3 đôi.
+ Khăn quàng cổ: 1 chiếc thật ấm, dùng cho những lúc lên núi chơi hoặc những điểm đến đang có thời tiết lạnh và gió.
+ Giày dép: 1 đôi ủng đi mưa (cho các điểm đến giá rét) + 1 giày hoặc xăng đan (cho các điểm đến có thời tiết mát mẻ hoặc nắng ấm). Không cần mang thêm nhiều giày dép đâu vì đa số thời gian ngồi trên ô tô hoặc trong xe đẩy rồi.
- Đồ chơi cho bé: Mình mang 3-4 cái xe ô tô nhỏ xinh để bạn ấy có cái mà tiêu khiển cho đỡ buồn tay, buồn chân.
1 góc biển Đà Nẵng trong đêm.
- Ti giả: Nhà ai cần thì có bao nhiêu mang hết đi nhé, đề phòng rơi đâu mất còn có cái mà thay thế ngay.
- Thú bông ôm đi ngủ: Nếu em bé của bạn đi ngủ mà ôm thú bông thì dứt khoát phải đem thú bông này đi nha.
- Bỉm: Chỉ nên dùng loại bỉm nào các bạn tin tưởng về chất lượng nhé vì sẽ không có nhiều thời gian được thay bỉm đâu. Loại nào không bền là dễ bị trào ra lắm.
- Sữa bột: Chuẩn bị sẵn sữa cho đủ số cữ, số ngày phù hợp của em bé vào 1 chiếc hộp kín nắp. Gói cùng hộp này luôn các loại cốc đong, ống hút, thìa hoặc bình sữa nhé.
Góc hiếm hoi phố cổ Hội An vắng vẻ.
- Các loại đồ ăn vặt: Chắc chắn là cần chuẩn bị sẵn đồ ăn vặt xuyên suốt dọc đường từ nhà nhé các bạn, vì không phải lúc nào cũng dừng lại ăn được.
- Hạt chia để ăn cùng sữa chua.
- Bàn chải, kem đánh răng đánh răng.
- Dầu tắm gội cho bé.
- Gậy selfie: để chụp em bé và cả gia đình.
Trên đỉnh bàn cờ ở Bán đảo Sơn Trà
- Áo mưa và mũ: mình có mang đi nhưng không dùng đến. Mọi người cân nhắc nếu còn chỗ thì cứ mang đi nha.
- Các chương trình giải trí cho bé: Nhà mình cop 1 list phim hoạt hình ngắn của Super Simple Songs để lúc nào bé chán thì mình mở trong xe, biến ô tô thành phòng chiếu phim di động.
3. ĐỒ CHO BỐ MẸ
Phần này chắc các bố mẹ cũng tự chuẩn bị được rồi nhỉ.
4. CÁC LƯU Ý KHI DI CHUYỂN TRÊN ĐƯỜNG
- Nên có người ngồi cạnh em bé trong suốt chuyến đi. Nhà mình đi 3 người, chiều đi mình ngồi ghế trên, một mình bạn bé ngồi hàng dưới. Bạn cô đơn quá đâm ra dỗi. Với lại ngồi cùng hàng với em bé sẽ tiện cho em ăn hơn.
- Do thời gian di chuyển tương đối lâu, giờ ăn uống của em bé sẽ bị xáo trộn. Nhưng các bố mẹ hãy nhớ chúng ta có đem theo túi đồ ăn khổng lồ. Cứ đúng giờ ăn của em bé thì mình mời em bé đồ ăn. Nếu em không ăn thì thôi, không sao cả. Đói thì kiểu gì cũng tự đòi ăn thôi. Như bạn bé nhà mình thì nửa chặng đầu háo hức quá mà bỏ cả ăn. Có những hôm nhịn ăn từ sáng đến tối, liên tục 2 ngày, chỉ uống nước lọc, sữa. Còn lại thì hau háu chờ giờ xuống xe để lao đi chơi với bố mẹ. Các bố mẹ đừng lo lắng quá nhé. Uống 1 hộp sữa 110ml có khi cũng đủ để các bạn ấy duy trì hoạt động suốt cả ngày rồi.
- Đến khách sạn nào, việc đầu tiên là cho hết đồ cần làm lạnh vào tủ lạnh nhé. Còn thì trên đường di chuyển, nó giảm lạnh dần thì mình cứ tranh thủ ăn cho hết sớm đi. Hết cái gì thì mình lại ghé siêu thị trên đường mua thêm cái đó hoặc cái tương tự.
- Vì đi đường dài khá lâu, đồ ăn vùng miền không biết trước sẽ như nào, và cũng không chắc chắn là em bé có ăn nhiều và đủ chất xơ không, khả năng bé bị táo bón tương đối cao. Thế nên mình đã cho vào check-list một hộp hạt chia. Mỗi ngày, các mẹ hãy trộn 1 thìa cafe hạt chia vào sữa tươi hoặc sữa chua, khoắng lên rồi chờ 2 phút, sau đó cho các bé ăn nhé. Đảm bảo hệ tiêu hoá của các bé cực kỳ ổn định.
- Hãy cố gắng tìm cơ hội thay bỉm cho bé tối thiểu 4 tiếng/lần hoặc khi thấy bỉm đã căng. Đừng cố vì uống nhiều nước mà chờ lâu quá thì bỉm nào cũng trào mà thôi. Một khi đã bị trào thì rất tốn thời gian để thay, ổn định tình hình và tiếp tục di chuyển, nhất là khi đang ngồi trên xe ô tô.
- Em bé có thể không cần ăn quá nhiều. Nếu bé bỏ ăn thì đừng ép ăn. Chỉ cần uống đủ nước là được, bao gồm nước lọc, sữa, sữa chua, canh..., nói chung là các loại thức ăn/uống dạng lỏng.
Trên đỉnh đèo Hải Vân. Đường đèo khá rộng, khúc cua lớn. Các bố mẹ có thể trải nghiệm nha.
- Ở các điểm nghỉ qua đêm, cố gắng tắm gội sạch sẽ cho bé và thay luôn quần áo mới. Cách làm này phần nào giúp hạn chế khả năng lây nhiễm virus từ các nguồn lây (nếu có) xung quanh. Trời lạnh quá thì các bạn bật điều hoà thật ấm trong phòng rồi tắm nha. Con mình còn lần đầu được trải nghiệm tắm bồn, cuối cùng em bé thích quá lại toàn chủ động đòi tắm dù bên ngoài trời rét ơi là rét.
- Các bố mẹ nhớ chuẩn bị thật đầy đủ giấy tờ xe, bằng lái, tiền mặt và tuyệt đối tuân thủ an toàn giao thông. Đưa xe đi kiểm tra kỹ lưỡng trước khi khởi hành.
- Hãy chuẩn bị trước danh sách bệnh viện kèm số điện thoại khẩn cấp phòng khi cần.
- Chuẩn bị sẵn đồ nghề cơ bản như bơm xe hoặc lốp dự phòng. Thường xuyên kiểm tra lốp sau mỗi ngày di chuyển.
Theo Toquoc