Người ta nói, nếu muốn xem xét đánh giá trình độ văn minh của một đất nước và chất lượng cuộc sống của người dân ở đó, hãy nhìn vào nhà vệ sinh công cộng của họ là đủ! (The public toilet is to reflect the civilization index of each country. It also reveals the country's civilization level and quality of life). Là kẻ hay lang thang trên những nẻo đường du lịch, tôi đã từng có những kỷ niệm buồn cười và những ấn tượng khó phai về dịch vụ vệ sinh công cộng này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 2,6 tỉ người trên toàn cầu đang thiếu nhà vệ sinh sạch. Hơn một nửa trong số đó sống tại Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á.
Toilet, hay còn được gọi là water closet (bồn cầu giật nước), hay lavatory, hay rest room.... Ở Việt Nam, ta quen với những từ nhà vệ sinh, hố xí, nhà cầu... Tóm lại đây là nơi chúng ta trút bầu tâm sự, giải tỏa nỗi buồn... khó tả để sau đó ta thở phào nhẹ nhõm. Nói như tiền nhân ngày trước, đây là nơi ta thưởng thức một trong bốn "tứ khoái". Vì đó là một nơi... tất yếu, không thể thiếu được cho cuộc sống con người, trong thế giới văn minh, nó được chú trọng thiết kế và chăm sóc như một nơi nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí...
Vài năm trước khi được mời tham gia một hội nghị khá long trọng của Nhật Bản, chúng tôi được Chính phủ Nhật chiêu đãi ở khách sạn năm sao với tiêu chuẩn ăn ở cao cấp. Và trong khách sạn năm sao này, chúng tôi được dịp tiếp cận và sử dụng những bồn cầu hiện đại kiểu Nhật với bàn phím điều khiển ở nơi để tay vịn. Với bàn phím này, bạn có thể điều khiển mùi hương, âm nhạc, nhiệt độ, thông gió trong nhà vệ sinh từ trên bệ ngồi rất tiện nghi của mình. Được biết, những bồn cầu tiêu chuẩn năm sao này cũng đã được nhập vào Việt Nam và xuất hiện tại những biệt thự, những khách sạn năm sao mới xây dựng.
Trong một chuyến đi vòng quanh châu Âu, tôi cũng có vài ấn tượng khó quên về cái nơi giải tỏa nỗi buồn của du khách, ấy là nó quá ít và quá thiếu cho những điểm du lịch chật ních người chẳng hạn như tháp Epphen, nhà thờ Đức bà ở Pa ri (Pháp) hay Colosseum, Vatican ở Rome (Italy). Xếp hàng mua vé vào cửa những điểm du lịch này đã khiếp đảm rồi, mà xếp hàng đi vệ sinh thì còn ngán ngẩm hơn. Cũng may nhờ có nền văn minh xếp hàng rất lịch sự và nghiêm túc của du khách phương tây mà những cái hàng dài dằng dặc vào nhà vệ sinh cũng chỉ hù dọa du khách yếu bóng vía như tôi chứ thực tế cũng không lấy mất của du khách nhiều thời gian như người ta tưởng ban đầu. Và một điểm rất đáng khen ngợi là tuy rất hiếm, những nhà vệ sinh công cộng này vẫn rất sạch sẽ theo đúng nghĩa nhà vệ sinh, tuy có cả một biển người sử dụng nó liên tục suốt ngày. Thường là có người quản lý, dọn dẹp ở những nhà vệ sinh công cộng này, với mức thu phí kha khá đủ chi tiêu. Có khi bạn phải nhét đồng xu 1 Euro (gần 30000 đồng Việt Nam) để có thể lách qua máy tự động khi vào nhà vệ sinh công cộng ở các điểm du lịch và các nhà ga, bến tàu xe... Nhà vệ sinh công cộng đủ tiêu chuẩn "vệ sinh" phải được thiết kế trang bị những thiết bị đáp ứng cường độ sử dụng cao như: Máy sấy tay, hộp đựng giấy vệ sinh loại lớn, thùng rác vệ sinh phụ nữ, hộp khử trùng, hệ thống khử mùi... và nhân viên quản lý dịch vụ có mặt thường xuyên.
Trong chuyến du lịch Trung hoa vĩ đại và thử làm hảo hán leo trường thành, tôi có một ấn tượng vô cùng xấu với nhà vệ sinh nơi đây. Dưới chân Vạn lý trường thành là một nhà vệ sinh công cộng bẩn chưa từng thấy trên thế giới, vì không có một giọt nước thậm chí chỉ để rửa tay chứ đừng nói chuyện để dội rửa những chất thải của hàng ngàn, hàng vạn du khách mơ làm hảo hán.
Về những cái nhà "mất vệ sinh" khủng khiếp theo đúng nghĩa đen của từ này ở Việt Nam, bạn có thể tưởng tượng đến những cái nhà cầu bên bờ mấy con kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long hay những cái hố kèm theo 1 tấm ván có quay cót xung quanh ở những điểm du lịch sinh thái như Yên Tử, Chùa Hương...Nếu chẳng may bạn có nhu cầu giải quyết ...nỗi buồn mà chẳng thể nào trì hoãn nổi ở những điểm du lịch này, chắc chắn bạn sẽ có một ấn tượng kinh hoàng không thể nào quên.
Thật may bây giờ trong các thành phố lớn của Việt nam, tuy có rất ít những nhà vệ sinh công cộng, nhưng lại có khá nhiều siêu thị, khách sạn, nhà hàng...nơi mà du khách có thể tranh thủ ghé qua không phải chỉ để mua sắm, ăn uống hay nghỉ ngơi, mà là để giải quyết nỗi buồn khó tả của mình. Tuy vậy việc du khách phàn nàn thiếu nhà vệ sinh công cộng hay nhà vệ sinh công cộng ...thiếu vệ sinh vẫn là đề tài thường trực trong các tour du lịch ở Việt Nam. Đây cũng là vấn đề nan giải của ngành du lịch nước nhà.
(ảnh trên là nhà vệ sinh đẹp nhất thế giới ở Chiang Rai, Thailand)
ST chuyện cầu cá cười cho vui:
Khá nhiều chuyện buồn cười quay quanh cái cầu cá ở đồng bằng sông Cửu Long. Xuống nông thôn công tác, chiều chiều rảnh chuyện, khề khà lai rai, một cái ly rượu xoay quanh "ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật", nay cần bổ sung thêm, "lãnh lương Mỹ và ... ỉa hầm cá "dồ" Việt Nam. Chuyện có một đoàn ca sĩ xuống một vùng nông thôn nọ diễn, trong đoàn có một cô ca sĩ "sao" đang lên, cô này bữa trước ăn uống sao đó, bụng dạ không ổn, bí chỗ mới chạy đến một cầu tõm bên đường. Trẻ con, đàn bà hay biết, kéo đến bu coi "ngôi sao ngồi ỉa" đông nghẹt. Cô này hoảng hốt, muốn đứng dậy nhưng kẹt nỗi cô đang vận chiếc quần Jean chật cứng, đứng lên thì ... khó kín. Ngặt quá, cô phải móc điện thoại di động gọi mấy người trong đoàn đến tiếp cứu, nhờ người đem tấm khăn lớn che kín cho cô này đứng dậy... kéo quần. Một chuyện nữa, mấy thầy cô giáo trẻ xuống nông thôn dạy học, sáng sớm phải giải quyết vấn đề vệ sinh. Dù không hẹn nhau nhưng cả cô lẫn thầy đều gặp nhau một chỗ ngoài cầu cá. Mấy thầy, mấy cô sượng sùng ngồi quay mặt ra đường, học trò đi ngang qua, em nào cũng vòng tay cúi đầu: "Chào thầy ạ!", "Chào cô ạ!", còn mấy phụ huynh đi qua thì tự nhiên: "Ông thầy khoẻ chớ?", "Cô giáo dậy sớm dữ ha?" làm thật sự mấy cô thì đỏ mặt, mấy thầy lúng túng. Nhưng sau đó quen dần, cái e thẹn, mắc cỡ cũng bớt đi vì ai trong làng cũng thấy bình thường... Có ông Tây đi thử, vừa ngồi kiểu lom khom, vừa cười khùng khục, rồi mở máy chụp hình chụp lia lịa mấy con Catfish của Việt Nam. Chẳng may cầu đột ngột gãy, có lẽ chịu không nổi cái thân hình sêm sêm 180 pounds, ông này té sụp xuống ao cá, kêu la ầm ĩ: "Help..., Help!!!".
Mấy đám con nít, thanh niên theo coi, vội vàng kéo ổng lóp ngóp lội vô bờ, cả quần áo, giấy tờ, máy ảnh,... đều ướt bẩn và hôi hám. Ông Tây này miệng cứ só rì, só rì liên tục rồi thanh kiu mấy đứa nhỏ giúp ổng lên bờ, dẫn đến lu nước bên hông nhà dội rửa áo quần chân tay. Dù hơi xót bụng vì lu nước mưa dành cho ăn uống mà ông Tây không biết cứ tự nhiên xối rửa, các bà già quê Nam bộ vẫn dễ dãi, còn chép miệng: "Tội nghiệp ... cái thằng Tây, ở bển đang sướng, qua đây đi cầu cá làm chi cho khổ vậy?Té xuống hầm Cá dồ mà cứ la Heo Heo hoài !!!"...
Thu Xưa