Dân trí - "Ngay cả thương hiệu du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Bạc Liêu là “Công tử Bạc Liêu” cũng chưa được khai thác hết tiềm năng để thu hút du khách. Phải làm sao để khách đến mất ít nhất nửa buổi mới hiểu hết về Công tử Bạc Liêu, chứ hiện nay chỉ khoảng 15 phút là xong", Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu trăn trở.
Hiện tỉnh Bạc Liêu có đến 8 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL (nhiều nhất so với 12 tỉnh còn lại trong khu vực). Tuy nhiên, theo bà Cao Xuân Thu Vân- Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Bạc Liêu, đa phần các điểm du lịch này mới là những điểm du lịch nhỏ lẻ.
Bà Vân cho rằng, ngành du lịch Bạc Liêu đang phải cạnh tranh rất lớn. Bạc Liêu chỉ là nơi dừng chân tạm thời của khách du lịch, chứ không có những tour tuyến cuối cùng như ở Cà Mau. “Với những tỉnh giáp ranh, hiện Bạc Liêu không bằng Cà Mau và cũng không hơn Sóc Trăng”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bạc Liêu nhìn nhận.
Ngay cả thương hiệu du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Bạc Liêu là “Công tử Bạc Liêu” cũng chưa được khai thác hết tiềm năng để thu hút du khách. Phải làm sao để khách đến mất ít nhất nửa buổi mới hiểu hết về Công tử Bạc Liêu, chứ hiện nay chỉ khoảng 15 phút là xong", bà Cao Xuân Thu Vân chia sẻ.
Khu nhà Công tử Bạc Liêu- một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh này nhưng vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng.
Bạc Liêu được cho là tỉnh có rất nhiều “cái nhất” về điểm, công trình phục vụ du lịch ở khu vực ĐBSCL, cụ thể như: Quảng trường lớn nhất (bao gồm 2 công trình duy nhất Việt Nam là Nhà hát hình 3 nón lá và Biểu tượng Cây đờn kìm); Khu Nhà Công tử Bạc Liêu; Thánh đường công giáo lớn nhất; Tượng Phật Quan Âm cao nhất; Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Bãi tắm nhân tạo lớn nhất; Nhà máy Điện gió duy nhất;…
Tuy nhiên, hiện nay, Bạc Liêu chưa lọt vào tốp 5 ngành du lịch trong khu vực ĐBSCL. “Sản phẩm du lịch rất đơn điệu chưa thu hút khách; nhiều khách đặt vấn đề kết nối tour của Bạc Liêu còn yếu; món ăn, quà lưu niệm còn rất nghèo nàn;…”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bạc Liêu nêu ra những hạn chế của ngành du lịch tỉnh.
Người đứng đầu ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, để du lịch phát triển, rất cần vai trò của lãnh đạo các địa phương. “Các địa phương phải hiểu rằng, phát triển du lịch cũng là việc của mình chứ không chỉ của riêng ngành văn hóa - thể thao và du lịch. Phải làm sao để người đứng đầu địa phương chú trọng lĩnh vực này thì du lịch ở địa phương đó mới mạnh lên được”, bà Cao Xuân Thu Vân thẳng thắn.
Trước thực trạng của ngành du lịch tỉnh, mới đây, tỉnh Bạc Liêu đề ra kế hoạch đến năm 2020 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; phát triển loại hình du lịch văn hóa, tín ngưỡng; du lịch sinh thái; ẩm thực;…
Trong đó, đáng chú ý, mục tiêu đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có thêm từ 3 đến 5 điểm được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL; Nghiên cứu, đăng ký với Bộ VH-TT&DL đề xuất Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” trở thành lễ hội cấp Quốc gia.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, thời gian qua, khách du lịch tìm đến các điểm tâm linh của tỉnh Bạc Liêu khá lớn. Do đó, tỉnh chủ trương mở rộng, xây dựng khu Thánh đường Tắc Sậy, khu Quán Âm Phật Đài, Thiền viện Trúc Lâm,…
“Nhưng mong muốn nhất vẫn là khu Nhà Công tử Bạc Liêu, tỉnh sẽ tái thiết như khu nhà của công tử ngày xưa. Dự kiến đến tháng 9/2019, tỉnh sẽ kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà “Công tử Bạc Liêu”. Đây chắc chắn sẽ là một điểm nhấn của ngành du lịch tỉnh trong thời gian tới”, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu quả quyết.
Huỳnh Hải