Những ngày cận tết, Huế không còn mang một vẻ đẹp trầm mặc vốn có mà trở nên rực rỡ với đầy đủ sắc màu.
Những ngày cuối năm, các làng nghề ở Huế như làng làm mứt gừng, bánh ngũ sắc, hoa giấy Thanh Tiên... lại tất bật chuẩn bị cho vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm. Những làng nghề này có tuổi đời hàng trăm năm, tồn tại và lưu giữ các giá trị truyền thống ngày Tết ở Huế.
Làng hoa giấy Thanh Tiên
Ảnh: Trần Đình Đức Hiếu.
Mỗi khi người Huế nhìn thấy hoa giấy Thanh Tiên trên đường phố là biết ngay Tết đang cận kề, làng nghề thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Mặc dù là làng nghề nhưng nơi đây chỉ sản xuất hoa giấy trong một tháng đó là tháng Chạp và sản phẩm đó họ bán quanh năm.
Ảnh: Hani Bùi.
Hoa giấy Thanh Tiên được trưng trên bàn thờ gia tiên, tế lễ đình chùa, thờ phụng... Tục xưa ở Huế, cứ đến gần Tết trên bàn thờ sẽ có hoa giấy bày trang trọng chỗ Trang Ông, Trang Bà, Ông Công, Ông Táo... Ngày nay tín ngưỡng này cũng lan tỏa tới nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Trị. Hoa giấy được nhuộm ngũ sắc, kết thành từng cây lớn. Ngoài ra, người dân làng Thanh Tiên cũng mô phỏng các loài hoa thực tế như sen, tường vi, cúc... giống như thật.
Làng hương Xuân Thủy
Là một trong những địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến Huế du lịch, Làng hương Xuân Thủy mùa Tết cũng mang một vẻ đẹp rực rỡ đến nao lòng. Làng hương có tuổi đời hơn trăm tuổi. Người dân duy trì làm hương để giữ nghề cha ông, vì thế thân thiện với du khách tới tham quan, tìm hiểu về nghề. Bột hương thường được trộn từ quế chi, thảo quả, đinh hương, bạch đàn, nụ tùng, quế... Vì thế từ khi bước chân đến làng dù chưa thấy hương, du khách có thể ngửi thấy mùi hương tỏa trong không gian.
Ảnh: Trần Đình Đức Hiếu.
Từng bó chông hương được xòe ra thành từng chùm với đủ màu sắc khác nhau tựa vào nhau tạo nên một khung cảnh vô cùng rực rỡ. Con đường làng hương Xuân Thủy luôn là địa điểm hấp dẫn đối với khách du lịch để check-in.
Làng ngũ sắc Kim Long
Bánh in tiến Vua hay còn gọi là bánh ngũ sắc (gói trong giấy với 5 màu là đỏ, hồng, vàng, cam, xanh) là loại bánh được dùng trong vua chúa. Ngày nay bánh in thường là món đồ cúng không thể thiếu trên bàn thờ Gia Tiên ngày Tết ở Huế. Hàng năm, người dân làng Kim Long thường dành 2-3 tháng cuối năm để sản xuất bánh. Tuy nhiên số hộ gia đình còn lưu giữ ngành nghề này ở Huế đang ít dần đi, chỉ còn khoảng 15 hộ do thu nhập không cao lắm.
Ảnh: Lan Le Ngoc, Visit Hue.
Làng mứt gừng Hà Cảng
Cứ vào dịp Tết, làng mứt gừng Hà Cảng thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền lại rực lửa. Cứ đến tháng 11, tháng 12 âm lịch, hơn chục hộ dân lại tất bật làm mứt. Gừng có vị cày nồng đặc trưng, sau khi rửa sạch, cạo vỏ, bào mỏng sẽ được ngâm cùng nước cốt chanh, sau đó nhào với đường và sên trên lửa hồng rực.
Ảnh: Phan Thành, Trần Đình Đức Hiếu.
Các công đoạn đều được làm thủ công bởi những người dân lành nghề, không hề có chất bảo quản. Bạn cũng có thể đến đây tận mắt chứng kiến các công đoạn làm mứt và mua về làm quà.
Làng nghề tranh Sình
Cách làng hao giấy Thanh Tiên khoảng 2 km, làng nghề làm tranh Sình có tuổi đời lâu nhất ở Huế với khoảng gần 450 năm. Loại tranh này được dùng để phục vụ các nhu cầu tín ngướng của người dân xứ Huế. Tranh thường được dùng trong các dịp lễ Tết hoặc cúng bái, sau khi cúng xong tranh sẽ được đem đi đốt để hóa cho tổ tiên.
Tranh làng Sình hoàn toàn làm thủ công. Để có một bức tranh phải trải qua đủ 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Đặc biệt, màu sắc của tranh cũng chủ yếu được làm ra từ yếu tố thiên nhiên. Màu vàng làm từ lá đung giã với búp hoa hòe non, màu xanh dương từ hạt mồng tơi, hạt hòe làm nên màu vàng đỏ, nước lá bàng sẽ cho màu đỏ sẫm, tro rơm nếp hòa tan trong nước rồi lọc sạch, cô lại thành màu mực đen bóng.
Theo Toquoc