Về làng Đồng Ngư (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) chúng tôi được tận mắt chứng kiến nghệ thuật múa rối nước “độc nhất vô nhị”. Theo nghệ nhân nơi đây, điều làm nên “thương hiệu” của rối nước Đồng Ngư mà không phường rối nào có được, đó chính là việc lấy điệu hát quan họ để “thổi hồn” vào từng động tác của con rối…
Trong khuôn viên nhà nghệ nhân Nguyễn Thành Lai xây dựng khu
biểu diễn với ao, sân khấu, buồng trò... để phục vụ người dân trong làng, ngoài
xã và du khách trong các tour du lịch. Ảnh: HH
Gian nan phục dựng nghề cổ
Đến làng Đồng Ngư, ghé vào phường rối nước dân gian Luy Lâu
cũng là lúc đoàn khách phương xa đến tìm hiểu về rối nước. Nghệ nhân Nguyễn
Thành Lai, Trưởng phường say sưa kể về những ngày người dân trong làng động
viên nhau phục dựng nghề truyền thống.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thành Lai, còn rất ít tài liệu ghi
chép về nét văn hóa rối nước ở đây. Chỉ biết, nghề xuất hiện khoảng cuối thời kỳ
nhà Lý, đã trải qua nhiều thế kỷ. Đến khoảng những năm 50 của thế kỷ 20, các bậc
cao niên đã phục dựng lại 1 lần rồi lại thất truyền. Trải qua nhiều thăng trầm
do biến cố lịch sử, đến cuối những năm 1980, rối Đồng Ngư mới được khôi phục lại.
Thời bấy giờ, chỉ sau một thời gian ngắn, đã có khoảng 60
người, già có, trẻ có cùng tập hợp nhau lại để khôi phục nghề cổ. Tuy nhiên,
ban đầu, để biểu diễn phải có con rối. Rất may, một số người trong làng từng học
nghề mộc, họ tìm lại những con rối cổ, bắt chước người xưa để tạo hình theo.
Mất không ít thời gian, những con rối đầu tiên ra đời. Mọi
người lại tiếp tục góp sức, góp công, xin tre, nứa, vật liệu để làm sân khấu,
buồng trò… Các nghệ nhân cũng mày mò đi “tầm sư” khắp nơi để học biên đạo, dựng
vở, nhạc lý…
Nghệ nhân Nguyễn
Thành Lai say sưa giới thiệu với đoàn khách phương xa đến tìm hiểu về nghệ thuật
rối nước. Ảnh: HH
Nhớ lại kỷ niệm đầu tiên, rối Đồng Ngư được đi lưu diễn, ánh
mắt nghệ nhân Nguyễn Thành Lai ánh lên niềm vui: "Khi ấy vào năm 1982, tỉnh
Hà Bắc (cũ) tổ chức kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người dẫn đoàn đi
là cụ Nguyễn Đức Phong, Phường trưởng. Ngày xưa không có sân khấu lưu động, phải
biểu diễn dưới ao, đi đâu cũng phải mang tre hoặc chặt tre tại chỗ, mất 1 ngày
chuẩn bị sân khấu… Các buổi biểu diễn cũng chưa có âm nhạc, chủ yếu là tiếng trống,
tiếng tù và, tiếng hô của người diễn, nhưng bao giờ sau mỗi tích trò cũng đều
nhận được những tràng pháo tay tán thưởng, thích thú của khán giả”.
Thời gian đầu, rối nước Đồng Ngư gặp muôn vàn khó khăn trong
việc khôi phục, bảo tồn. Nghề mới bắt đầu khôi phục, chỉ biểu diễn quanh quẩn
trong làng, phục vụ người dân vào các dịp lễ hội với các tích trò như: Mời trầu,
Vào chùa, Chăn trâu thổi sáo, Đánh đu… Cuộc sống của các diễn viên còn khó
khăn, chỉ tranh thủ học nghề, tập vở vào những lúc rảnh rỗi, nông nhàn.
Trải qua bao thăng trầm, với sự nhiệt tình, tâm huyết của
các nghệ nhân, nay nghề múa rối nước Đồng Ngư đã đi vào quy củ, chuyên nghiệp,
thành đoàn, thành phường để vượt lũy tre làng đến với nhiều vùng miền trong cả
nước. Hiện nay, làng đã có hai phường múa rối nước dân gian là Đồng Ngư và Luy
Lâu.
Giữ nghề
Theo nghệ nhân Nguyễn Thành Lai, rối nước Đồng Ngư đang được
rất nhiều khán giả trong và ngoài tỉnh đón nhận bởi sự độc đáo, đặc sắc riêng.
Cái độc đáo của rối nước Đồng Ngư là những con trò không chỉ được điều khiển bằng
sào mà còn dùng dây. Điều này cho phép con rối có thể đi ra xa buồng trò, đến gần
với khán giả, con rối lại thực hiện được nhiều động tác hơn. Rối cũng được chế
tác tinh xảo với bộ phận máy phức tạp để có thể di chuyển linh hoạt, đa dạng,
thường làm bằng các loại gỗ nhẹ, thớ mịn và không có mấu như gỗ xoan, gỗ duối
hay gỗ sung.
Nghệ nhân Nguyễn
Thành Lai tạo hình các con rối. Ảnh: HH
Để điều khiển được con rối, nghệ nhân phải trải qua quá trình
tập luyện rất vất vả, vì rối dây đòi hỏi người biểu diễn phải có tay nghề cao,
đôi bàn tay dẻo dai, uyển chuyển mới “thổi hồn” được vào con trò. Đáng chú ý,
nét văn hóa đậm bản sắc Kinh Bắc là hát quan họ cũng đã được sáng tạo để đưa
vào các tiết mục biểu diễn.
“Khác biệt lớn nhất của rối nước Đồng Ngư so với các phường
rối khác trong cả nước đó là lấy câu quan họ để lồng ghép vào tiếng hát cho con
rối. Đặc biệt làm nên “thương hiệu” rối nước Đồng Ngư còn là ở công cụ biểu diễn.
Ở nhiều nơi trò rối dây bị mai một và thất truyền rất nhiều, nhưng phường rối Đồng
Ngư và Luy Lâu vẫn giữ được kỹ thuật cổ này. Tiêu biểu là tích trò rối dây Đám
cưới chuột, Mời trầu. Đây là những tiết mục biểu diễn không một nơi nào có,
khác biệt hoàn toàn so với các phường rối khác, bởi nó gắn liền với tranh dân
gian Đông Hồ và những câu ca quan họ” - nghệ nhân Nguyễn Thành Lai chia sẻ.
Nhờ những đặc điểm riêng có mà rối nước Đồng Ngư đã được
đông đảo người dân gần xa đón nhận. Để phù hợp với thị hiếu giới trẻ, các nghệ
nhân ở phường rối Luy Lâu còn sáng tạo thêm một số trò mới, gắn liền với các bạn
học sinh, nhỏ tuổi. Đã có những tích trò được sự đón nhận tích cực như: Chú mèo
lười, Chú voi con ở Bản Đôn, Tôn Ngộ Không...
Nếu như trước đây phường rối Đồng Ngư có 28 thành viên, 1
năm chỉ biểu diễn dịp hội làng vào ngày 15/4 Âm lịch (ngày xem múa rối, tối xem
hát tuồng) và 1, 2 lễ hội thuê - số lần biểu diễn đếm trên đầu ngón tay, thì
ngày nay múa rối nước Đồng Ngư được quan tâm hơn. Hiện, phường rối nước Đồng
Ngư có khoảng 20 người, phường Luy Lâu khoảng 40 nghệ sỹ, diễn viên và cộng tác
viên. “Đất diễn” cũng rộng hơn, không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà vươn ra cả
các lễ hội văn hóa lớn ở tỉnh, thành bạn như Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nội và cả
trong các bảo tàng…
Múa rối được ưa chuộng, thu nhập của nghệ nhân, diễn viên
cũng nhờ đó mà được cải thiện. Một số anh em gắn bó và tâm huyết với nghề, thu
nhập 6-7 triệu đồng/tháng, quản lý khoảng 9-10 triệu đồng. Năm nay, do dịch bệnh
Covid -19 nên lịch biểu diễn ít hơn, trung bình mỗi tháng 7-8 buổi, do vậy, thu
nhập của mỗi nghệ nhân, diễn viên cũng khó khăn hơn, chỉ được khoảng 300 nghìn
đồng/buổi diễn.
Để biểu diễn được 1 trò múa rối nước, theo nghệ nhân Nguyễn
Thành Lai cần có sức khỏe và sự nhanh nhậy. Người có đủ yếu tố đó chỉ cần học
10 phút là có thể thực hiện. Tuy nhiên, để biểu diễn hay thì phải mất nhiều
năm. Đòi hỏi phải có sự kết hợp nhịp nhàng, khớp giữa nhạc và lời nói. “Yếu tố
tiên quyết để “thổi hồn” vào những vật vô tri là phải có lòng đam mê, có những
người gắn bó nhiều năm nhưng không bao giờ diễn hay được”.
Công trình nhà thủy đình đang được xây dựng - nơi đây sẽ là
sân khấu biểu diễn rối nước của làng Đồng Ngư... Ảnh: HH
Biểu diễn được rối nước không khó, nhưng để làm cho con rối
có “hồn” thì là việc không dễ. Vì vậy, điều mà các nghệ nhân có tuổi hiện nay vẫn
đau đáu là làm sao để bảo tồn được nghề cổ. Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai trăn trở:
"Không phục dựng được thì đã lo rồi, nhưng phục dựng được rồi lại lo làm
thể nào để giữ được nghề. Đó vừa là vinh dự nhưng cũng là thử thách to lớn".
Gắn bó với nghề từ năm 1986 đến nay, nghệ nhân Nguyễn Đăng
Dung vẫn đau đáu nỗi lo: "Thực sự tôi vẫn lo múa rối nước Đồng Ngư bị thất
truyền, mai một, giờ chỉ biết vận động con, cháu trong nhà theo học, còn người
ngoài rất khó, nên rất trăn trở…”.
Lo lắng của các nghệ nhân trong làng được vơi đi phần nào
khi mới đây UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị
múa rối nước làng Đồng Ngư” với mục tiêu tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá
trị văn hóa truyền thống của môn nghệ thuật múa rối nước của làng. Đề án có thời
gian thực hiện từ năm 2018 đến 2020, với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng.
Sau khi có đề án, chính quyền địa phương đã cho xây dựng lại
các công trình phục vụ biểu diễn rối nước như: Thủy đình, nhà văn hóa… Các phường
múa rối nước cũng được tài trợ kinh phí để đầu tư sân khấu, hệ thống âm nhạc,
con trò…
Chia tay Đồng Ngư khi công trình nhà thủy đình giữa làng
đang được xây dựng mới khang trang, đẹp đẽ. Các nghệ nhân tin tưởng khi thủy
đình, nhà văn hóa của làng được xây dựng xong, sẽ thấy một Đồng Ngư khác hẳn,
những sân khấu rối nước sẽ đều đặn “sáng đèn”, từ đây rối nước Đồng Ngư sẽ được
lưu truyền và vang xa…
Hải Hà