NT- Trong không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân , ngày mùng 09, mùng 10 tháng Giêng, người dân phường Đại Mỗ long trọng tổ chức lễ hội truyền thống đình Đại Mỗ.
Hữu Hưng dệt lụa hoa hiên Cò bay bướm lượn in trên hoa đào. (Ca dao Hà Nội)
Đại Mỗ (trước đây là Hữu Hưng) cách Hồ Gươm 20km về hướng
tây, có thể đi tới qua con đường rẽ ở Cầu Diễn hay chợ Hà Đông. Dưới triều Lê,
Đại Mỗ thuộc Thiên Mỗ (phủ Quốc Oai) huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây. Năm 1848 triều
Tự Đức đổi từ Thiên Mỗ sang Đại Mỗ.
Thành hoàng của làng là ả Lã nàng Đê, Thủy Hải Long vương và
ba ông cháu dòng họ Nguyễn Quý:-Nguyễn Quý Đức (1648-1720), Nguyễn Quý Ân
(1673-1722), Nguyễn Quý Kính (1693-1766). Nguyễn Quý Đức là một nhân vật nổi tiếng
trong lịch sử nước nhà, một nhà văn võ song toàn, có đạo đức, yêu nước, thương
dân.
Ông đỗ đầu khoa thi Đình năm Bính Dần nhưng chỉ được thám
hoa (khoa này không lấy trạng nguyên, bảng nhãn), Nguyễn Quý Đức cùng Lê Hy viết
tiếp Đại Việt sử ký (tục biên) là người đứng ra sửa trường Quốc Tử Giám, Văn Miếu…
Năm Đinh Dậu (1717) khai giảng trường Quốc Tử Giám, ông được giảng đầu tiên.
Nguyễn Quý Đức là tể tướng rất nghiêm minh khiến dân gian có câu: “Tể tướng Lê
Hy thiên hạ sầu bi, tể tướng Quý Đức thiên hạ hưu tức”.
Đình Đại Mỗ có kết cấu hình chữ nhị gồm đại đình và hậu
cung. Nhà đại đình có quy mô kiến trúc lớn kiểu hai tầng 8 mái với các góc đao
cong ngược lên. Nhà có mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp dạng bờ dinh, giữa có hàng
hoa chạm thủng chạy suốt và sang cả bờ giải.
Chính giữa bờ nóc đắp mặt trời lửa trên đầu hổ phù, hai hồi
có hai đầu kìm hướng vào. Đầu của các đao đều đắp nổi hình rồng lá, rồng mây
nom cân đối, đẹp mắt. Dọc theo chân các bờ dải đặt những tượng nghê nhỏ, phần cổ
diềm giữa hai mái làm hàng chấn song con tiện để tăng ánh sáng cho không gian.
Bộ khung nhà đại đình được định vị rất vững chắc. Đỡ các mái
trên là phần kết cấu gỗ dựng trên hai hàng cột cái. Hai vì hồi làm kiểu cốn mê
đỡ hoành, các vì trong có dạng “chồng giường, giá nghiên”.
Dưới câu đầu của mỗi vì lại vươn ra hai bảy ngang ngắn đỡ 4
mái dưới có hệ thống cốn nách đặt trên xà ngang. Các xà này có một đầu ăn mộng
sâu vào thân cột cái, đầu kia đặt trực tiếp lên tường bao.
Mỗi góc nhà đều đặt một kẻ xó to dày để tăng thêm sức chịu lực
cho các góc đao. Các bộ vì nhà được liên kết bằng hệ thống xà đại thượng hạ chạy
ngang dọc theo diện tích của tòa nhà.
Hội đình Đại Mỗ tổ chức vào ngày 10, 11 tháng Giêng . Chín
chi họ (chín lò) tổ chức Hội thi kéo lửa bằng dang nứa và thổi xôi bằng ống nứa.
Xôi đổ ra phải dẻo ngon, hạt nhộng, nắm xôi tròn như quả trứng. Hội làng thường
kiệu các vị đại vương từ Đình Mỗ về miếu Hàm Rồng bên dòng sông Nhuệ lấy nước
bài ban mộc dục.
Để tưởng nhớ công đức của các vị Thành hoàng làng, nhân dân
04 TDP Tháp, Chợ, Đình, Ngang tổ chức rước các mâm đồ lễ dâng tại đình vào các
ngày lễ hội. Đoàn rước của các TDP với đồ lễ là các vật phẩm nông nghiệp sản xuất
tại địa phương để bày tỏ lòng thành kính với các bậc có công với đất nước, địa
phương cầu chúc cho một năm mới làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hòa.
Đình Đại Mỗ ngày 25/5/1954 bị giặc Pháp đốt phá trước khi
rút đi. Hiện nay dân làng đã khôi phục lại được một phần. Đình được xếp hạng di
tích lịch sử văn hóa ngày 21/6/1993.
Làng tôi như bao nhiêu làng khác
Mỗi lần về tôi lại thấy yêu hơn
Sống cảnh xa hoa ở giữa phố phường
Tôi vẫn mang bóng hình về quê mẹ.
(Làng Tôi) Hoàng Thị Minh Khanh
Một số hình ảnh lễ hội đình Đại Mỗ