HÀ TĨNHLễ hội với gần 100 gian hàng trưng bày các sản phẩm như cam, nhung hươu, mật ong... là nơi để người dân, du khách tham quan, mua bán.
Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh năm 2020 diễn ra từ ngày 18-20/12, tại trung tâm thương mại đặt trên đường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh. Trong lần thứ 4 tổ chức, ban tổ chức kỳ vọng đây là dịp để quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, kích cầu du lịch.
Có khoảng 100 gian hàng làm bằng khung sắt, che bạt, để các đơn vị trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Cam là sản phẩm chủ đạo của lễ hội lần này. Những quả cam được đưa đến tham dự lễ hội là cam chanh, xuất xứ từ các "thủ phủ" cam của địa phương như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, được UBND tỉnh Hà Tĩnh chứng nhận là sản phẩm Ocop - "mỗi xã, phường một sản phẩm".
Ocop là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương. Việc công nhận sản phẩm đạt Ocop giúp khai thác tiềm năng lợi thế của vùng miền, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Chị Nguyễn Thị Tâm, trú huyện Vũ Quang đưa cam chanh đạt chứng nhận Ocop đến bán tại lễ hội. Chị Tâm cho hay cam chanh trồng 4 năm sẽ cho thu hoạch, 1 ha cho khoàng 6 tấn cam, giá một kg 40.000 đồng.
Huyện Hương Sơn mang đến giới thiệu tại lễ hội sản phẩm mật ong.
Ngoài mật ong, nhung hươu ngâm rượu cũng là đặc sản của huyện miền núi Hương Sơn. Rượu nhung hươu làm từ sừng của hươu sao, người dân có thể mua về uống, xoa bóp để tăng cường sức khỏe.
Anh Nguyễn Chí Thành, 33 tuổi, chủ một cơ sở sản xuất trầm hương ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, giới thiệu sản phẩm của cửa hàng đến khách tham quan.
Anh Thành làm nghề chế tác trầm hương từ năm 2016, ngoài các cây gỗ trầm lớn được tạo hình để bán, anh Thành tận dụng những miếng gỗ nhỏ để làm hương trầm, cho thu nhập khá.
Để tạo sức hấp dẫn cho gian hàng của mình, nhiều người dùng dưa hấu, cây dứa, hoa... để tạo hình con rồng để trưng bày.
Anh Nguyễn Xuân Hòa, trú xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc cho biết mất khoảng một ngày để tạo hình con rồng bằng cây dứa, chiều cao 80 cm, bề ngang 60 cm. "Đế đặt con rồng được kết từ hàng chục quả cam giòn, đạt 4 sao Ocop. Tôi muốn con rồng tạo điểm nhấn, mang lại đặc trưng riêng cho các sản phẩm nông nghiệp do hợp tác xã tự sản xuất", anh Hòa nói.
Điểm mới tại lễ hội lần này là sự xuất hiện của khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến từ tỉnh Hà Giang. Không gian trưng bày hàng được thiết kế riêng với cổng tạo hình đá vôi, bên trong là Cột cờ Lũng Cú.
Cột cờ Lũng Cú, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn được mô phỏng tại lễ hội với đế có hình hoa tam giác mạch.
Chị Triệu Mùi Cói, 31 tuổi, trú huyện Hoàng Su Phì, cầm trên tay hộp chè Shan Tuyết - một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Giang giới thiệu tới các du khác tham quan các gian hàng của địa phương mình.
"Chúng tôi vượt hơn 600 km về Hà Tĩnh dự lễ hội, với hi vọng giới thiệu các đặc sản như cam sành, chè Shan Tuyết, mật ong bạc hà... đến người dân miền Trung nói chung và cả nước nói riêng", chị Mùi Cói cho hay.
Ngoài các sản phẩm nông nghiệp, du khách còn có thể ghé thăm gian hàng trưng bày tranh, ảnh với chủ đề về con người, danh lam thắng cảnh, nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc của tỉnh Hà Giang.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Hà Giang và Hà Tĩnh có nhiều chương trình hợp tác, trao đổi ở nhiều lĩnh vực.
Đức Hùng